Được xem là lực lượng bí ẩn nhất Internet, nhóm hacker Anonymous từng được trang National Post đánh giá là “tổ chức quyền lực nhất thế giới”.
Họ từng thực hiện nhiều cuộc tấn công mạng vào các tổ chức, website chính phủ, thậm chí là thâm nhập và làm rò rỉ dữ liệu từ FBI hay các cơ quan an ninh tương đương. Hiện tại, chưa ai biết Anonymous là ai và sức mạnh thực sự của họ to lớn đến đâu.
Là tất cả và không là ai cả
CNN từng giới thiệu như vậy về Anonymous sau sự kiện họ phát tán những cuộc hội đàm bí mật của FBI năm 2013. Biểu trưng bởi chiếc mặt nạ Guy Fawkes, nhóm này tập hợp những nhân vật tự xưng là các nhà hoạt động, các hacker “chân chính”.
Họ gọi mình là “quân đoàn” chống lại sự kiểm soát Internet từ các cơ quan, chính phủ, những “trật tự viên” đảm bảo cho quyền tự do. Anonymous cho rằng, mình thể hiện sự bất bình trước hành động kiểm soát tự do Internet của các tổ chức uy quyền trên toàn thế giới, nhằm thao túng giới truyền thông.
Anonymous có nghĩa là “ẩn danh”. Từ này xuất hiện lần đầu trên các diễn đàn, khi người dùng muốn đưa ra ý kiến mà vẫn bảo toàn danh tính. Đây được xem như quy tắc hoạt động của nhóm này.
Không ai biết Anonymous bao gồm bao nhiêu thành viên, kể cả những người tham dự nhóm này. Lực lượng của họ được cho là trải dài trên khắp thế giới. Cũng chưa ai biết rõ nhóm này xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết họ nổi lên từ những vụ tấn công từ cuối 2006. Từ đó đến nay, nhóm đều đặn xuất hiện khi có những chuyện “chướng tai gai mắt” trái với quy tắc của họ.
Sức mạnh của kẻ ẩn danh
Tồn tại hàng chục năm, tấn công hàng loạt công ty, tổ chức chính phủ, đài truyền hình… nhưng Anonymous vẫn nhởn nhơ trước các cuộc điều tra. Nhiều người nhận định, chính tính ẩn danh tuyệt đối đã giúp họ thoát khỏi vòng vây của pháp luật, nhưng nhiều người khác cho rằng, quy tắc hoạt động của họ đã gây lúng túng cho các cơ quan an ninh.
Điển hình, tháng 9/2009, nhóm này đánh sập trang web của Thủ tướng Australia - Kevin Rudd - để phản đối chính sách ngăn chặn website của nước này.
Tháng 12/2010, trang Wikileaks bị buộc phải ngừng tiết lộ những thông tin mật của Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác. Để thể hiện sự phản đối, Anonymous đã tấn công và để lại thông điệp trên nhiều website của các cơ quan chính phủ. Tuy vậy, trong cuộc phỏng vấn cuối 2012, người đứng đầu chiến dịch Wikileaks cho rằng, họ không hề hợp tác với Anonymous.
Không chỉ hoạt động chính trị, Anonymous còn thực hiện nhiều sự kiện dân sự, như việc họ đột nhập và tung hàng loạt video người lớn lên YouTube vào 20/5/2009 để trả đũa việc trang web này khóa tài khoản một thành viên của họ. Cùng năm, nhóm tấn công website của Sony và PlayStation khi công ty này kiện một hacker của họ vì bẻ khóa thành công máy PS3.
Trong các cuộc tấn công, người đại diện của Anonymous thường xuất hiện trong các video, với tấm mặt nạ trắng, đưa ra thông điệp ngắn gọn và rõ ràng. Các địa chỉ đăng tải của họ được thay đổi liên tục và rất khó được định vị.
Từ 2013 đến nay, Anonymous quan tâm nhiều hơn đến các sự kiện liên quan đến khủng bố. Trong đó, Nhà nước Hồi giáo Tự xưng IS là một trong những đối tượng thường xuyên của họ.
Sau sự kiện Charlie Hebdo khiến 12 phóng viên thiệt mạng vào 1/2015, Anonymous tung ra một video và thông điệp trên Twitter, hướng đến “al-Qaeda, IS và các tổ chức khủng bố khác”, với nội dung: “Chúng tôi tuyên chiến với các người”. Họ đe dọa sẽ trả thù bằng cách “tiêu diệt mọi cơ sở của các người trên hệ thống Internet”. Nói là làm, ngày 12/1, họ đã xóa sổ trang web của Jihadist. Theo báo cáo của Foreign Policy, Anonymous đã hạ 149 website liên quan đến Nhà nước Hồi giáo, công bố hơn 100.000 tài khoản Twitter và 5.900 video tuyên truyền của IS.
Sau sự kiện vừa qua tại Paris khiến 129 người chết, một lần nữa người phát ngôn của Anonymous lặp lại lời tuyên chiến. IS đã chế giễu lời tuyên chiến này. Nhiều nhà phân tích nhận định, một cuộc chiến an ninh mạng lớn sắp diễn ra.
Kẻ khủng bố hay người hùng?
Anonymous bị nhiều quốc gia xếp vào nhóm “khủng bố”, vì những hoạt động mang tính phá hoại và xâm nhập an ninh. Tuy đã có nhiều thành viên bị bắt, tính chất hoạt động của họ khiến các nhà hành pháp lúng túng.
Khác với những nhóm hacker sử dụng năng lực của mình để đột nhập nhằm trục lợi, tống tiền hay đánh cắp dữ liệu, Anonymous tấn công các cơ quan để truyền đi thông điệp, quan điểm của họ, và luôn đứng ra nhận trách nhiệm cho hành động của mình.
Các đợt tấn công của họ nổi lên nhanh chóng, mạnh mẽ nhưng không mang lại thiệt hại gì lớn, hầu hết đều có thể được giải quyết êm đẹp. Tất nhiên, với những sự việc mà đương sự cố gắng giấu diếm, sự “đào bới” của Anonymous chắc chắn gây hậu quả nghiêm trọng.
Những vụ tấn công của Anonymous thường làm dấy lên sự chú ý của cả thế giới về một sự việc, hay hiện tượng khuất tất nào đấy. Nhiều sự việc sau đó được lôi ra ánh sáng hay giải quyết thỏa đáng hơn, điều sẽ khó lòng xảy ra nếu Anonymous không vào cuộc.
Nhiều người coi Anonymous là một biểu tượng của quyền lực Internet, một “Robin Hood” của thế giới ảo. Không chỉ là một tổ chức, họ là động thái xã hội, một cuộc “biểu tình trong hòa bình” diễn ra trên mạng Internet.
Các tài liệu khác nhau mô tả, họ là đội quân hùng mạnh nhất của một kiểu chiến tranh hoàn toàn mới, với Internet là vũ khí, mọi nơi đều có thể là chiến trường. Nhóm luôn cố gắng thay đổi tình hình và dấy lên sự chú ý khi có chuyện bất cập xảy ra theo cách riêng của mình, dựa vào sức mạnh của cả cộng đồng trực tuyến.
Dù vô danh, tính chính danh của họ lại được xác định bằng sự trung thực thừa nhận các hành động, rõ ràng trong mục đích đấu tranh và cả việc thẳng thắn thách thức các đối thủ. Chính vì thế, những kẻ giấu mặt này mang lại sự sợ hãi không nhỏ cho những kẻ hoạt động lén lút, nhân danh chính nghĩa để thực hiện những hành động bạo tàn.