Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nỗ lực tái khởi động quan hệ Mỹ - Trung sẽ đổ vỡ?

Căng thẳng Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu cải thiện dưới thời Tổng thống Biden. Nỗ lực tái khởi động mối quan hệ này có nguy cơ đổ vỡ, với nguyên nhân từ cả hai phía.

tai khoi dong quan he My Trung do vo anh 1

Ngày 18/3 tới đây, các quan chức cấp cao Mỹ - Trung sẽ có cuộc gặp tại Anchorage, Alaska để thảo luận về quan hệ song phương.

Quan hệ Mỹ - Trung lao dốc không phanh trong những năm dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Nhiều nhà quan sát ban đầu cho rằng chính quyền Biden sẽ nhanh chóng đảo ngược lập trường dưới thời ông Trump và thúc đẩy hợp tác với Bắc Kinh trong các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu.

"Thế nhưng, triển vọng tái khởi động quan hệ đang nhanh chóng nhạt nhòa, nguyên nhân đến từ cả hai phía", Derek Grossman, cựu cố vấn tình báo của Lầu Năm Góc, bình luận trong bài viết trên tờ Nikkei Asia.

tai khoi dong quan he My Trung do vo anh 2

Tàu khu trục USS John S. McCain đi qua eo biển Đài Loan hôm 5/2. Ảnh: Quân đội Mỹ.

Hai tháng sóng gió

Ngay trong ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, chính quyền Tổng thống Biden mời bà Tiêu Mỹ Cầm, đại diện chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) tại Washington, tham dự lễ nhậm chức. Đây là lần đầu tiên một quan chức Đài Loan được mời dự sự kiện kể từ khi Mỹ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào năm 1979.

Đáp trả, Bắc Kinh triển khai hàng chục máy bay chiến đấu, trong đó có 8 máy bay ném bom, tới vùng nhận diện phòng không của Đài Loan.

Tin rằng Trung Quốc đang thách thức lằn ranh giới hạn của mình, chính quyền ông Biden cảnh cáo hành vi của Bắc Kinh "đe dọa hòa bình và ổn định khu vực". Washington cũng tái khẳng định cam kết "vững chắc" với Đài Loan.

Khi nhận thấy Trung Quốc không có ý định hạ nhiệt căng thẳng, Mỹ liên tiếp triển khai tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan.

Sau đó, trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại hôm 4/2, Tổng thống Biden gọi Trung Quốc là "thách thức nguy hiểm nhất" của Mỹ.

Theo ông chủ Nhà Trắng, trong khi Mỹ có kế hoạch "đối đầu" với Trung Quốc trên hàng loạt mặt trận, Washington "sẵn sàng làm việc với Bắc Kinh trong các vấn đề Mỹ có lợi ích". Đây khó có thể coi là thông điệp mong muốn khởi động lại quan hệ toàn diện.

Tổng thống Biden cũng yêu cầu Hải quân Mỹ tiếp tục thực hiện các hoạt động tuần tra tự do hàng hải nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong hai tháng, Mỹ 3 lần tiến hành hoạt động tuần tra này.

Ngoại trưởng Antony Blinken cũng có cuộc điện đàm, được miêu tả là "gay gắt", với ông Dương Khiết Trì, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương của đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông Blinken nêu lên hàng loạt vấn đề nhạy cảm như Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương, Tây Tạng, đồng thời chỉ trích Bắc Kinh "làm suy yếu trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".

tai khoi dong quan he My Trung do vo anh 3

Lãnh đạo các nước Bộ Tứ tham dự cuộc họp trực tuyến. Ảnh: FT.

Hôm 7/2, trong cuộc phỏng vấn với đài CBS, Tổng thống Biden nói Mỹ "không cần xung đột" nhưng sẽ cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc.

Đến ngày 10/2, ông Biden đến thăm Lầu Năm Góc và tuyên bố bắt đầu xem xét lại chính sách của Mỹ với Trung Quốc, dấu hiệu cho thấy chính sách của Washington sẽ nghiêng hơn về phía quân sự.

Chưa đầy 24 giờ sau chuyến thăm Lầu Năm Góc, Tổng thống Biden có cuộc điện đàm kéo dài 2 giờ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sau cuộc điện đàm, Tổng thống Biden cho biết ông đã nêu những vấn đề "nhạy cảm" với nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Washington sau đó công bố Hướng dẫn An ninh Quốc gia Chiến lược tạm thời, nhấn mạnh yêu cầu cạnh tranh mạnh mẽ hơn nữa với Bắc Kinh, trong khi khía cạnh hợp tác mờ nhạt hơn nhiều.

Mới đây, Tổng thống Biden tham dự hội đàm trực tuyến với các lãnh đạo thuộc nhóm "Bộ Tứ", gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ. Đây là cuộc họp cấp cao đầu tiên của lãnh đạo 4 nước. "Bộ Tứ" thảo luận nhiều vấn đề toàn cầu, cũng như thống nhất phản đối hành vi bắt nạt trên biển của Trung Quốc.

Mỹ sẽ không đánh đổi lợi ích?

Những diễn biến xảy ra trong 2 tháng đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Biden không có gì bất ngờ. Tranh chấp ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc khiến nỗ lực tái khởi động quan hệ là nhiệm vụ vô cùng phức tạp.

Bắc Kinh đến nay cho thấy sự kiên nhẫn với mong muốn khởi động lại quan hệ với Washington. Hôm 7/3, bên lề cuộc họp Quốc hội Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nói ông hy vọng hợp tác về biến đổi khí hậu sẽ là tiền đề giúp "mang lại thay đổi tích cực trong quan hệ song phương" giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tổng thống Biden rất coi trọng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, vì vậy ông cần sự giúp đỡ của Trung Quốc.

Tuy nhiên, hy vọng của Bắc Kinh sử dụng quân bài giảm phát thải khí nhà kính đổi lấy nhượng bộ từ phía Mỹ trong các lĩnh vực khác đã nhanh chóng tiêu tan, khi Đặc phái viên về môi trường John Kerry tuyên bố Mỹ sẽ không đánh đổi lợi ích của mình với vấn đề môi trường.

Sau khi Ngoại trưởng Vương Nghị kêu gọi hai nước tái xây dựng lòng tin hồi tháng 12/2020, Bắc Kinh phát đi thông điệp về phương hướng khôi phục quan hệ song phương chi tiết thông qua truyền thông nhà nước.

tai khoi dong quan he My Trung do vo anh 4

Ngoại trưởng Vương Nghị gửi đi thông điệp mong muốn đối thoại với Washington. Ảnh: Reuters.

"Trung Quốc luôn sẵn lòng đối thoại. Chúng tôi sẵn sàng trao đổi thẳng thắn với phía Mỹ, tham gia đối thoại nhằm giải quyết các vấn đề", Ngoại trưởng Vương Nghị phát biểu hồi tháng 2.

Nhưng sau những cử chỉ ấy, chưa có tín hiệu lạc quan nào xuất hiện, chủ yếu bởi Trung Quốc không chấp nhận thay đổi cách hành xử hung hăng trên nhiều lĩnh vực.

Và không may cho Bắc Kinh, tất cả dấu hiệu từ phía Washington đến nay cho thấy chính quyền Tổng thống Biden đang chuẩn bị cách tiếp cận cứng rắn đặc biệt với Trung Quốc.

Ví dụ, Washington dưới thời ông Biden đẩy mạnh các giá trị dân chủ. Tổng thống Biden tuyên bố ông sẽ tổ chức một hội nghị cấp cao với sự tham dự của các nền dân chủ nhằm "làm mới tinh thần và mục tiêu chung của các quốc gia thuộc thế giới tự do".

Trung Quốc giờ bị coi là mối đe dọa thường trực với Lầu Năm Góc. Trong khi đó, mọi bộ phận thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, từ công nghệ, y tế cho tới môi trường, đều đặc biệt chú ý tới các tác động an ninh từ sự trỗi dậy của Bắc Kinh.

Cạnh tranh rõ ràng sẽ chi phối lập trường của Washington trong quan hệ với Bắc Kinh.

"Khó có thể tìm ra cách để Mỹ và Trung Quốc tái khởi động quan hệ thành công", ông Grossman bình luận.

Về vấn đề Đài Loan, không bên nào sẵn sàng nhượng bộ. Trung Quốc tiếp tục gây sức ép ngoại giao, quân sự, kinh tế lên hòn đảo, trong khi Mỹ ngày càng củng cố quan hệ với chính quyền của bà Thái Anh Văn.

Washington và Bắc Kinh có quá nhiều bất đồng sâu sắc đến mức khả năng đạt được một thỏa thuận để thay đổi tình thế là gần như không có.

Nhìn về tương lai, Mỹ và Trung Quốc dường như chỉ có thể hợp tác hạn chế trong những thách thức mà hai bên cùng quan ngại, thay vì tái khởi động tổng thể quan hệ song phương.

Có lẽ bởi đã nhìn thấy trước điều này, Hướng dẫn An ninh Quốc gia chiến lược tạm thời của chính quyền Tổng thống Biden nêu rõ Mỹ "hoan nghênh sự hợp tác của chính phủ Trung Quốc trong những vấn đề như biến đổi khí hậu, an ninh y tế toàn cầu, kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân, những lĩnh vực vận mệnh hai nước gắn bó với nhau".

"Hy vọng những lĩnh vực này không quá tham vọng. Dù sao đi nữa, việc khởi động lại toàn bộ quan hệ là điều không thể tưởng tượng vào lúc này", ông Grossman nhận xét.

Lầu Năm Góc quyết cùng các đối tác châu Á răn đe Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết mục tiêu chuyến thăm châu Á của ông là củng cố quan hệ quốc phòng với các đối tác và "tăng cường răn đe" Trung Quốc.

Ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cùng đến châu Á tuần tới

Việc Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cùng đến Nhật Bản và Hàn Quốc cho thấy Mỹ ngày càng lo ngại về thách thức từ Trung Quốc và Triều Tiên.

Đại sứ Myanmar ở Anh kêu gọi thả bà Aung San Suu Kyi

Đại sứ Myanmar tại Anh là nhà ngoại giao mới nhất của nước này lên tiếng yêu cầu quân đội trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và các quan chức dân sự.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm