Dòng tiền đổ vào các công ty công nghệ ở Đông Nam Á đang ngày một lớn. Định giá các doanh nghiệp khởi nghiệp tại ASEAN cũng tăng chóng mặt khi nhiều nhà đầu tư đánh cược lớn vào tương lai của một trong những khu vực kinh tế năng động nhất toàn cầu với các thị trường khổng lồ cùng dân số trẻ và am hiểu thiết bị di động.
Dựa trên nhiều tiêu chí như số lượng công ty startup và quỹ đầu tư, sự hỗ trợ từ chính phủ, giáo dục, giao thông vận tải, chi phí thuê văn phòng, Nikkei đã lựa chọn TP.HCM cùng với Singapore, Jakarta, Bangkok và Penang là 5 thành phố xứng đáng nhất với vai trò trung tâm khởi nghiệp công nghệ mới.
TP.HCM đã đầu tư 90 triệu USD cho khởi nghiệp
Giữa tháng 8, sàn thương mại điện tử Sendo được rót thêm 51 triệu USD từ SoftBank, nhà đầu tư của Grab, và một số quỹ ngoại. Sự kiện này phản ánh hai xu hướng ở Việt Nam hiện tại: sự phát triển thần tốc của thương mại điện tử và sự quan tâm của các nhà đầu tư với một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á đang tăng lên rõ rệt.
Hoạt động như một nền tảng mua sắm trực tuyến để các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ bán hàng, Sendo đã tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ bình quân 30% trong những năm gần đây. Con số này được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì cho đến năm 2020, theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam.
Sendo được rót thêm 51 triệu USD từ các quỹ ngoại vào tháng 8. |
Chủ tịch Sendo, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng tuyên bố đang lên kế hoạch tiếp tục gọi vốn để giữ đà tăng trưởng. “Chúng tôi kỳ vọng có thêm một hoặc hai vòng gọi vốn nữa trong 5 năm tới.”, ông Dũng chia sẻ gần đây với Nikkei.
Môi trường khởi nghiệp của Việt Nam không phát triển nhanh bằng các quốc gia khác trong khu vực như Singapore hay Indonesia nhưng Chính phủ đang đặt mục tiêu thay đổi điều này. 3 công viên khoa học công nghệ cao đã được thiết lập ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Việt Nam đang cung cấp nhiều điều kiện ưu đãi cho các doanh nghiệp công nghệ, bao gồm kế hoạch ra mắt quỹ đầu tư khởi nghiệp trị giá 85 triệu USD.
TP.HCM đã khởi công vườm ươm cho các công ty khởi nghiệp trong công viên công nghệ cao Sài Gòn. Nhiều tập đoàn công nghệ toàn cầu như Intel và Samsung cũng tọa lạc tại đây. Vườm ươm này được xây dựng trên diện tích hơn 11.000 m2. Chính quyền thành phố tiết lộ đã đầu tư 90 triệu USD cho các chương trình khởi nghiệp sáng tạo trong 2 năm qua.
Quỹ ngoại chiếm ưu thế trong đầu tư startup
Việt Nam hiện không có các con số thống kê chính thức về khởi nghiệp, nhưng công ty tư vấn Dezan Shira & Associates hé lộ 92 startup của Việt Nam đã nhận được đầu tư 290 triệu USD trong năm 2017. Theo trang công nghệ Techsauce, có khoảng 3.000 startup hoạt động ở Việt Nam năm ngoái.
Dòng vốn đầu tư chảy vào các doanh nghiệp Việt đến từ cả trong lẫn ngoài nước. Tiki đã nhận được tổng cộng 54 triệu USD từ công ty thương mại điện tử JD.com của Trung Quốc sau các khoản đầu tư trước đó. Ví điện tử Momo được hai ngân hàng quốc tế Standard Chartered và Goldman Sachs rót vốn 28 triệu USD trong năm 2016.
Các startup Việt đang được rót vốn bởi nhiều quỹ ngoại. Ảnh minh họa. |
IDG Ventures là quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên tập trung vào các công ty công nghệ khởi nghiệp tại Việt Nam từ khi bắt đầu hoạt động năm 2004. Quỹ đầu tư này đang nắm giữ cổ phần ở khoảng 40 doanh nghiệp startup trong các lĩnh vực công nghệ, truyền thông và hàng tiêu dùng với tổng số vốn 100 triệu USD.
Cuối tháng 8, quỹ đang nắm giữ khối tài sản 1,8 tỷ USD VinaCapital đã ra mắt quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures với quy mô 100 triệu USD. Đây là một trong những quỹ đầu tư khởi nghiệp lớn nhất ở Việt Nam hiện nay trong số 70 quỹ đang hoạt động. Hơn hai phần ba trong đó là các quỹ ngoại.
Startup Việt hướng đến công nghệ blockchain
Nhiều startup công nghệ ở Việt Nam đang tập trung vào công nghệ blockchain và tiền kỹ thuật số mặc dù vẫn chưa có khung pháp lý đầy đủ cho các ngành công nghệ này sau một loạt bê bối.
Hồi tháng 4, Việt Nam chứng kiến vụ gian lận lớn nhất trong lịch sử tiền kỹ thuật số. Các nhà đầu tư tố cáo dự án tiền ảo iFan đã lừa đảo 15.000 tỷ đồng. Chính phủ sau đó phải đặt ra những biện pháp nghiêm ngặt với ngành kinh doanh này.
Màn hình chuyển tiền của một nạn nhân trong vụ lừa đảo iFan. Ảnh: Thành Duy. |
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn đang tận dụng cơ hội với các hoạt động liên quan đến blockchain chẳng hạn như Nami. Công ty này đang phát triển các công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo và blockchain phục vụ hệ sinh thái đầu tư tài chính của mình cũng như các sản phẩm quản lý dịch vụ tài chính khác.
Đồng sáng lập 27 tuổi của Nami, Giáp Văn Đại chia sẻ với Nikkei rằng Việt Nam đang thiếu khung pháp lý cho tiền kỹ thuật số và các công nghệ liên quan. Điều này khiến nhiều người nhầm lẫn khi nói về Bitcoin, các đồng tiền kỹ thuật số và blockchain. “Cần 4–5 năm hoặc nhiều hơn trước khi công nghệ blockchain được ứng dụng trong cộng đồng doanh nghiệp địa phương vì sẽ mất thời gian để thị trường chấp nhận nó cũng như các cơ quan chức năng đưa ra các luật liên quan.”, CEO của Nami chia sẻ.
Theo doanh nhân 9X này, công nghệ blockchain tại Việt Nam sẽ cần khoảng 2.000 nhân lực so với con số 30 năm ngoái. Nhiều người trong số này trở về nước sau khi du học và có kinh nghiệm phát triển ứng dụng di động, dịch vụ tài chính và nhiều sản phẩm khác ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật hay Singapore.
“Nhiều người trẻ đang hào hứng để học hỏi và làm việc trong ngành công nghệ mới này.”, Giáp Văn Đại nói với Nikkei.