Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Những vụ hành quyết trong khu trại có vợ con cựu thủ lĩnh IS

Điều kiện sống khó khăn, tình trạng bạo lực và sự lan truyền của tư tưởng khủng bố cực đoan đã thúc đẩy một làn sóng những người trốn thoát khỏi khu trại tị nạn al-Hol ở Syria.

Trai ti nan tai Syria la noi nuoi duong khung bo anh 1

Trong lòng khu trại al-Hol ở Syria, một vương quốc hồi giáo cực đoan thu nhỏ đang dần được hình thành. Đây vốn là nơi được thiết lập làm khu sinh sống tập trung dành cho vợ và con cái của các chiến binh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sau khi tổ chức khủng bố này bị đánh bại,

Phía sau hàng rào thép gai của trại al-Hol, những người vợ còn trung thành với IS đang truyền bá tư tưởng cực đoan cho những đứa trẻ vật lộn với cuộc sống khốn cùng trong trại tị nạn. Không chỉ đào tạo một thế hệ chiến binh cực đoan tương lai, những người phụ nữ này còn đang ngầm dung dưỡng cho những tàn dư của IS thông qua vô số hoạt động phạm pháp trong trại.

"Nhà tù Guantanamo" của châu Âu

Kể từ đầu năm 2021, chính quyền Syria đã ghi nhận hơn 40 vụ giết người tại trại al-Hol, trong đó có đến 10 vụ là theo phương thức chặt đầu thường được IS sử dụng với tù binh. Theo Trung tâm Nghiên cứu Rojava, một tổ chức nghiên cứu hoạt động tại vùng Đông Bắc Syria, phần lớn nạn nhân trên bị quy tội hợp tác với ban quản lý của trại al-Hol.

Vào cuối năm 2020, một người phụ nữ Iraq đã bị siết cổ bằng dây điện trước mặt các con của mình. Người này từng đăng tải một video ghi lại cảnh cô nhảy múa trong căn lều của mình tại trại al-Hol. Hành động của cô bị nghiêm cấm theo những quy tắc Hồi giáo hà khắc do những phần tử cực đoan quy định trong trại.

Trai ti nan tai Syria la noi nuoi duong khung bo anh 2

Những người sống trong trại al-Hol có điều kiện sinh hoạt rất khó khăn. Ảnh: Wall Steet Journal.

Vào ngày 20/3, một cô gái 18 tuổi người Iraq thiệt mạng sau khi bị bắn vào đầu. Trước đó, nạn nhân bị các phần tử cực đoan trong trại cáo buộc là cung cấp thông tin cho nhà chức trách, một nguồn tin trong trại al-Hol cho biết.

Theo Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - tổ chức đại diện cho lực lượng dân quân người Kurd được Mỹ hỗ trợ đồng thời là lực lượng chịu trách nhiệm quản lý khu trại Al-Hol - tổ chức này không đủ nguồn lực để đảm bảo an ninh cho toàn bộ khu trại, hiện là nhà của hơn 62.000 người. SDF cho biết việc các nước châu Âu từ chối hồi hương gia đình của những người đã tham gia chiến đấu cho IS đã làm tình hình càng trở nên nghiêm trọng.

Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn và tình trạng mất an ninh tại trại al-Hol đã tạo thành một môi trường hoàn hảo để những tàn dư của IS có thể tự do hoạt động.

Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, các phần tử hồi giáo cực đoan IS đã lợi dụng sự sơ hở trong công tác an ninh của lực lượng dân quân người Kurd tại trại al-Hol. Họ còn huy động được hàng triệu USD từ những người ủng hộ cả trong và ngoài khu trại.

Một lý do khác khiến các nhà chức trách tại al-Hol gặp khó khăn trong việc kiểm soát an ninh của trại đến từ cách thức tổ chức của cơ sở này. Khu trại al-Hol bao gồm nhiều khu vực khác nhau. Nó vừa là một cơ sở giam giữ nhưng cũng là một trại tị nạn dành cho những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Khu vực lớn nhất tại đây được dành cho các gia đình Iraq - chiếm một nửa dân số trong trại - ngoài ra còn có một khu vực nhỏ hơn giành cho các gia đình người Syria.

Một khu vực riêng biệt của trại được dùng để giam giữ hơn 9.000 phụ nữ đến từ nhiều quốc gia khác nhau cùng với con cái của những người này, trong đó có tới hơn 5.400 trẻ dưới 11 tuổi. Đây là nơi mà hoạt động gây quỹ cho những nỗ lực tẩu thoát của các phạm nhân được thực hiện. Những người bị giam giữ tại đây thường là người nước ngoài và biết ngoại ngữ, đã sử dụng các trang mạng xã hội để huy động nguồn tiền cho các nỗ lực đào tẩu.

Trai ti nan tai Syria la noi nuoi duong khung bo anh 3

Những người phụ nữ nước ngoài sinh sống tại trại al-Hol thường thực hiện các chiến dịch gây quỹ nhằm có tiền trả tiền cho các đối tượng buôn lậu người. Ảnh: Wall Street Journal.

"Mọi người đều muốn thoát khỏi đây", Amal Bilifad, vợ của một chiến binh IS người Morocco nói về khu trại al-Hol, nơi được ví như "nhà tù Guantanamo của châu Âu".

Các cuộc đào tẩu ngày càng gia tăng

Việc nhiều người đang sinh sống tại al-Hol sẵn sàng trả những khoản tiền lớn để rời khỏi đây dẫn tới hình thành các đường dây buôn người hoạt động trong bóng tối. IS lợi dụng làn sóng này để thu về hàng triệu USD.

Những người muốn trốn thoát khỏi trại al-Hol thường sẽ mở các chiến dịch gây quỹ trên mạng nhằm có đủ tiền trả cho những tội phạm buôn người. Một người phụ nữ Saudi Arabia có biệt danh Umm Yaqoub al-Zahrani thường đăng tải thông tin về những chiến dịch gây quỹ trên lên các kênh thông tin trên mạng xã hội. Trong một bài đăng gần đây trên mạng xã hội, người này đã kêu gọi những người ủng hộ đóng góp tiền để giúp đưa một phụ nữ và các con của cô trốn khỏi trại al-Hol.

Tuy vậy, theo vợ của một thủ lĩnh IS từng bị giam giữ tại trại al-Hol, người phụ nữ Saudi Arabia trên thực chất là một thủ lĩnh của IS đang kiếm tiền cho tổ chức này.

Trai ti nan tai Syria la noi nuoi duong khung bo anh 4

Amal Bilifad cùng con trai 5 tuổi của cô đã bị bắt lại khi cố gắng trốn thoát khỏi trại al-Hol. Ảnh: Wall Street Journal.

Ngày nay, một người phụ nữ nước ngoài sẽ phải trả cho những tội phạm buôn người ít nhất là 16.000 USD để được đưa ra khỏi trại và vận chuyển qua biên giới đến Thổ Nhĩ Kỳ. Đối với những người đến từ Syria hay Iraq, mức giá này thường sẽ thấp hơn do hành trình ngắn hơn. Thông thường, giá để vận chuyển trẻ em sẽ bằng một nửa hay một phần ba người trưởng thành.

Xoay xở để có được hàng chục nghìn USD để tìm kiếm một tấm vé lậu thoát khỏi trại al-Hol đã là một hành trình đầy khó khăn. Thế nhưng, một khi đã có được "tấm vé" này rồi, con đường phía trước của các nạn nhân cũng chất chứa vô số nguy hiểm.

Theo một người phụ nữ châu Âu đã trốn khỏi trại al-Hol vào cuối năm 2020, cô và một vài người khác đã phải vượt qua những tuyến hào xung quanh trại, chạy trốn hàng giờ đồng hồ để thoát khỏi sự truy đuổi của các lực lượng an ninh trước khi tới được một căn nhà để đợi một người buôn lậu khác tới đón. Tuy vậy, người này đã biến mất cùng với số tiền hơn 25.000 USD mà họ đã chi trả cho chuyến đi.

Trong tình cảnh bị mắc kẹt, người phụ nữ trên đã phải liên tục gọi điện thoại cho những người cô biết nhằm quyên đủ số tiền để trả cho một người buôn lậu khác để đưa cô đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Người phụ này sau rất nhiều gian khổ đã về đến quê nhà, nhưng bị bắt giữ không lâu sau đó.

Những người đã trốn thoát giờ đang ở đâu?

Trước tình trạng số người trốn chạy khỏi trại Al-Hol ngày càng tăng cao, các chuyên gia chống khủng bố đã đặt nghi vấn về điểm đến sau khi thoát khỏi trại của những người này.

Theo một quan chức người Kurd chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh tại trại al-Hol, phần lớn cư dân của trại khi được hỏi sẽ trả lời rằng họ sẽ trở về nhà sau khi ra khỏi đây. Phần lớn những người trên đã vỡ mộng về tư tưởng của IS và không còn muốn dính dáng gì đến tổ chức này.

Theo lời của những quan chức chống khủng bố, trong những tháng gần đây, những người trốn thoát khỏi trại al-Hol chủ yếu đã đến các nước châu Âu như Thụy Điển, Hà Lan, Phần Lan và Bỉ.

Tuy vậy, đối với một bộ phận vẫn còn trung thành với IS như gia đình của những thủ lĩnh của tổ chức này, sau khi trốn thoát khỏi al-Hol, họ thường sẽ di chuyển đến vùng Idlib, nơi IS đang nỗ lực xây dựng lại nhà nước hồi giáo cực đoan.

Theo bà Vera Mironova, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Harvard thường xuyên hoạt động ở trại al-Hol, một khi những cư dân của trại al-Hol, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, trốn thoát khỏi cơ sở này, các cơ quan an ninh thường gặp rất nhiều khó khăn để xác định được điểm đến của họ. Trong khi đó, IS thường nắm rất rõ những thông tin trên do tham gia vào quá trình đưa những người này rời khỏi trại.

Các quan chức chống khủng bố lo ngại rằng việc những người trốn thoát khỏi trại Al-Hol nhằm trở lại khu vực do IS kiểm soát có thể giúp tổ chức này xây dựng lại lực lượng. Những vụ tấn công của IS tại Syria đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây.

Theo Dự án Chống chủ nghĩa Cực đoan, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi hoạt động của những tổ chức cực đoan trên thế giới, đã có tổng cộng 29 vụ tấn công được IS tiến hành tại Syria trong tháng 2 vừa qua, so với chỉ 6 vụ vào tháng 1/2020.

Để chống lại tình trạng số người trốn thoát khỏi trại al-Hol ngày càng gia tăng, SDF đã thành lập các đơn vị đặc biệt để săn lùng các đối tượng buôn người, trong đó bao gồm cả những đối tượng có liên hệ với IS.

Trai ti nan tai Syria la noi nuoi duong khung bo anh 5

Các lực lượng thuộc SDF tiến hành một chiến dịch săn lùng các đối tượng khủng bố tại trại al-Hol vào hôm 28/3. Ảnh: Wall Street Journal.

Bên cạnh việc triệt phá các đường dây buôn người, SDF cũng đang tiến hành việc củng cố lại an ninh tại trại al-Hol. Trong một chiến dịch tiến hành vào ngày 28/3 tại trại al-Hol, SDF đã bắt giữ hơn 20 người, trong đó có những đối tượng tham gia vào các hoạt động ám sát và gây quỹ cho IS trong khuôn viên trại.

Những đứa con của IS đang bị cả thế giới lãng quên

Bị đất nước bỏ quên vì có bố mẹ đi theo IS, hàng nghìn đứa trẻ tại khu trại al-Hol ở Syria có nguy cơ trở thành thế hệ tiếp theo của phiến quân Hồi giáo cực đoan.

Đến trại tị nạn để trốn IS, ai ngờ ở đây đầy 'mầm mống trả thù' cho IS

Bị cộng đồng quốc tế bỏ bê trong nhiều tháng, trại al-Hol trở thành nơi dung dưỡng và truyền bá hệ tư tưởng cực đoan của IS với hy vọng hồi sinh đế chế Hồi giáo trước đây.

An Bình

Bạn có thể quan tâm