Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đến trại tị nạn để trốn IS, ai ngờ ở đây đầy 'mầm mống trả thù' cho IS

Bị cộng đồng quốc tế bỏ bê trong nhiều tháng, trại al-Hol trở thành nơi dung dưỡng và truyền bá hệ tư tưởng cực đoan của IS với hy vọng hồi sinh đế chế Hồi giáo trước đây.

Chợ ở trại al-Hol là một biển người mặc đồ đen không thể nhận dạng. Họ nắm chặt bàn tay mũm mĩm của con cái mình, kéo chúng qua những gian hàng để mặc cả.

Nhóm phóng viên CNN đã tiếp cận một nhóm phụ nữ Iraq. Yêu cầu trò chuyện của phóng viên gây ra tranh cãi.

"Các chị em, đừng nói gì cả", một phụ nữ cảnh báo những người còn lại trong nhóm.

"Không, người chị em, chúng ta có quyền lên tiếng", một người phản bác.

Họ tranh nhau nói, tuôn ra một loạt bất bình. Những đứa trẻ bắt đầu ăn cắp. Chúng không có tiền. Điều kiện ở đây rất tồi tệ. Chúng muốn về nhà.

Al-Hol là vùng đất rộng lớn dành cho những người di tản khỏi lãnh thổ IS cũ ở phía đông bắc Syria. Gió và cát thổi không ngừng vào những túp lều trong cái nóng thiêu đốt của mùa hè Syria.

khung bo IS anh 1
Một số phụ nữ trong trại al-Hol tiếp tục thực thi các luật lệ hà khắc của IS trong khi các quan chức trại nỗ lực truy tìm thủ phạm. Ảnh: CNN.

Khoảng 15% cư dân ở đây là người nước ngoài nhưng cộng đồng quốc tế đã bỏ bê trại trong nhiều tháng. Khi điều kiện sống ngày càng tồi tệ, hoài niệm về thời thống trị của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt đầu nảy nở.

Dân số của trại tăng vọt từ 9.000 lên 70.000 sau khi IS rút về cứ địa cuối cùng ở thị trấn Baghouz của Syria vào tháng 3. Nhiều tuần chiến đấu đã dẫn đến dòng chảy lớn những người di tản, chủ yếu là gia đình của các chiến binh IS.

Khoảng 50.000 cư dân của trại là trẻ em và phần lớn còn lại là phụ nữ. Họ là những người kháng cự trong sự thu hẹp nhanh chóng của cái gọi là đế chế Hồi giáo (caliphate) cho đến cuối cùng.

Trong khi một số bà mẹ cố gắng hết sức để tìm cách thoát khỏi trại, nhiều người đang tìm cách hồi sinh "thiên đường Hồi giáo" của họ.

"Chúng tôi bắt đầu nhận thấy rằng những người mới đến được tổ chức rất tốt", Mahmoud Karo, người phụ trách các trại ở quận Jazira phía đông bắc Syria, nói. "Họ thành lập lực lượng trị an riêng. Họ rất có trật tự", ông nói.

Luật lệ hà khắc trong trại

Một cách kín đáo, những phụ nữ cực đoan tiếp tục thực thi luật pháp hà khắc của cái gọi là caliphate trước đây.

Họ kiểm soát sự phục tùng của những phụ nữ với IS, trừng phạt những người bị nghi ngờ do dự trong sự ủng hộ của họ đối với nhóm cực đoan.

Việc tuân thủ các quy tắc trang phục tôn giáo được giám sát chặt chẽ với hình phạt đôi khi chết người được đưa ra cho những người vi phạm.

"Trại này là nơi tốt nhất để phát triển IS mới. Có một sự tái cấu trúc của việc huấn luyện IS. Bạn không thể phân biệt ai là IS và ai không", Karo nói.

Việc theo dõi các thủ lĩnh rất khó khăn. Những phụ nữ trùm niqab gần như không thể xác định được. Họ thay đổi lều thường xuyên để tránh bị bắt.

Báo cáo tháng trước của thanh tra Lầu Năm Góc cảnh báo rằng Mỹ và các đồng minh địa phương đã không thể theo dõi chặt chẽ các phong trào bên trong al-Hol. Việc quân đội Mỹ giảm sự hiện diện trong khu vực đã cho phép "hệ tư tưởng IS lan truyền 'không bị kiểm soát' trong trại".

khung bo IS anh 2
Sau khi IS rút về cứ địa cuối cùng vào tháng 3, hàng nghìn thân nhân của các chiến binh đã đến al-Hol. Ảnh: CNN.

Chủ nghĩa cực đoan ngày càng tăng ở al-Hol diễn ra song song với các dấu hiệu về sự hồi sinh của IS ở những nơi khác trong khu vực.

Các cuộc tấn công của IS ở phía tây bắc Iraq, nơi nhóm này trước đây cai trị các vùng lãnh thổ rộng lớn, đang trở nên thường xuyên hơn. Nhóm này  cũng nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công khác trong khu vực những tháng gần đây.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thừa nhận xu hướng này. Ông tuyên bố vào tháng trước rằng có "những nơi mà IS ngày nay mạnh hơn so với ba hoặc bốn năm trước".

Các quan chức trại người Kurd mô tả al-Hol là một "học viện IS". Nơi này là sự pha trộn độc hại của những ý định ấp ủ hệ tư tưởng của IS và những người muốn bỏ lại quá khứ của họ phía sau.

Phụ nữ trong khu chợ của trại cho biết ưu tiên của họ là đảm bảo việc thả những người chồng bị cầm tù và những đứa con trai đang bị Lực lượng Dân chủ Syria giam giữ.

"Tôi nói với các con tôi rằng cha chúng ở với những kẻ ngoại đạo", một phụ nữ nói với CNN. "Nếu các tù nhân không được thả ra, sự thù hận sẽ tăng lên cùng với phụ nữ và trẻ em", cô nói.

Những kẻ cực đoan và những người trốn thoát

Sau khi chạy trốn khỏi Deir Ezzor để đến al-Hol cùng vợ và ba đứa con của mình ba năm trước, Abdel Qader Mohammed đã mở tiệm cắt tóc ở một phòng nhỏ trong trại.

Là một trong những cư dân đầu tiên của trại, Mohammed đã đến trước dòng người ở lại với IS khi nhóm này rút về cứ địa cuối cùng. Anh là một trong số ít người đàn ông ở đây và là người duy nhất được phóng viên CNN tiếp cận sẵn sàng lên tiếng phản đối IS.

"Tôi đến đây ở thoát khỏi IS, vậy mà bây giờ chúng tôi lại ở trong trại đầy IS. Chúng tôi không thể nói chuyện với những người IS ở đây. Ngay cả khi chúng tôi cắt tóc, họ bắt đầu nói với chúng tôi rằng chúng tôi là kẻ ngoại đạo", anh nói.

Tại một trong những căn lều, một phụ nữ nói rằng cô đang tuyệt vọng để thoát khỏi bầu không khí ngột ngạt của al-Hol. Tuy nhiên, không có chương trình cải tạo cho những người trong trại và không có nỗ lực để tách những kẻ cực đoan khỏi những người phản đối IS.

Trong khu vực người nước ngoài của trại, cư dân nói rằng họ sống trong nỗi sợ hãi trước các phần tử cực đoan theo IS. Một phụ nữ cho biết lều của cô đã bị đốt. Một phụ nữ khác nói rằng cô sợ bị đâm đến nỗi không dám ngủ.

Bên ngoài trại, một nhà tù được kiểm soát bởi Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) chủ yếu bao gồm người Kurd do Mỹ hậu thuẫn cho thấy khung cảnh hoàn toàn khác.

Các chiến binh IS bị giam giữ được vẽ tranh và tạo tác các mô hình bằng giấy. Khoảng một chục người trong số họ lúi húi quanh chiếc bàn dài, chế tạo một sân bóng đá thu nhỏ, nhà cửa, xe hơi, động vật và hoa.

khung bo IS anh 3
Một số phụ nữ của al-Hol đang nuôi dạy con cái của họ theo lý tưởng của IS, trong khi những người khác đang cố gắng hết sức để giữ con cái tách khỏi trại. Ảnh: CNN.

Không có án tử hình ở đây và các tù nhân có thể được trả tự do sớm vì hành vi tốt. Không giống như chính quyền ở Damascus và Baghdad, lực lượng người Kurd đang mở lượng khoan hồng.

Họ cũng đang cố gắng tách các tù nhân cực đoan khỏi những người dường như đã tiễn biệt quá khứ của họ - một chính sách không được áp dụng ở al-Hol.

Gần đó, tại Trung tâm Cải tạo al-Houri, các thiếu niên bị giam giữ vì từng phục vụ cho IS hoặc được xác định là có khuynh hướng cực đoan.

Tổn thương không thể phục hồi

"Abdullah" (tên nhân vật đã được thay đổi), 15 tuổi, nói rằng cậu gia nhập IS năm 12 tuổi. Cậu được huấn luyện trong nhiều tháng trước khi được giao nhiệm vụ đầu tiên: cài chất nổ tại một căn cứ của Mỹ.

Nhiệm vụ bất thành và cậu phải ngồi tù. Sau đó, cậu được chuyển tới trại giáo dưỡng. Abdullah cho biết cậu đã nhận ra sai lầm và đang cố gắng thay đổi.

Những đứa trẻ khác cũng có dấu hiệu tổn thương tâm lý. "Hassan" là con trai của một tiểu vương IS, người từng chặt đầu nhiều người khác. Quản trị viên của trung tâm, Musab Mohammed Khalaf, không biết liệu cậu bé có thực sự hồi phục hay không.

khung bo IS anh 4
Bị cộng đồng quốc tế thờ ơ, điều kiện sống trong trại al-Hol rất tồi tệ. Người dân ít được tiếp cận với chăm sóc y tế, nước khan hiếm và hầu hết sống trong lều qua điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Ảnh: CNN.

Trung tâm cải tạo đang cố gắng cung cấp hỗ trợ tâm lý cơ bản để giúp Hassan và những người khác phục hồi. Nhưng tài nguyên có hạn và tổn thương của chúng nhiều hơn những gì có thể tưởng tượng.

"Nếu tình hình vẫn như thế này và các quốc gia không giúp đỡ, IS sẽ quay lại. Chúng tôi nghe nói các phần tử ẩn náu đang lợi dụng trẻ em và tìm cách tuyển mộ chúng", Khalaf cảnh báo.

Trại al-Hol là một nơi hoang vắng, khốn khổ mà các quốc gia muốn tránh xa. Nó là di sản của cuộc chiến trong quá khứ.

Điều đó khiến nó trở nên đặc biệt nguy hiểm vì nếu để mục ruỗng, khu trại lộn xộn này sẽ dung dưỡng hạt giống của cuộc chiến tiếp theo, thế hệ trả thù của IS.

18 năm sau 11/9, người Mỹ thề 'không bao giờ quên' bi kịch khủng bố

Tiếng chuông vang lên khắp New York cùng những phút mặc niệm ở Shanksville, Pennsylvania, và trên toàn quốc hôm 11/9 khi Mỹ kỷ niệm 18 năm ngày xảy ra vụ khủng bố kinh hoàng.

Hình ảnh kinh hoàng về vụ khủng bố 11/9 làm 3.000 người chết

Tròn 18 năm trước, những tên không tặc al-Qaeda đã cướp máy bay lao vào hai tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York. Thế giới sửng sốt chứng kiến nước Mỹ bị tấn công.




Tuyết Mai

Theo CNN

Bạn có thể quan tâm