Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Những đứa con của IS đang bị cả thế giới lãng quên

Bị đất nước bỏ quên vì có bố mẹ đi theo IS, hàng nghìn đứa trẻ tại khu trại al-Hol ở Syria có nguy cơ trở thành thế hệ tiếp theo của phiến quân Hồi giáo cực đoan.

phien quan IS anh 1

Đã hơn 2 năm trôi qua kể từ khi “vương quốc Hồi giáo” tự xưng của tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) bị đập tan. Cũng trong thời gian ấy, khoảng 27.000 trẻ em phải sống cảnh nheo nhóc tại trại al-Hol thuộc đông bắc Syria, nơi trú tạm của gia đình các chiến binh IS.

Hầu hết trẻ em trong trại chưa đến tuổi vị thành niên. Các em không được đến trường, không có nơi vui chơi hoặc phát triển. Thứ giáo dục duy nhất các em được tiếp cận là từ tàn dư của IS đang ẩn núp trong trại.

Quan chức người Kurd và các nhóm viện trợ lo sợ trại al-Hol sẽ tạo ra thế hệ mới của phiến quân IS. Họ đang cầu xin các quốc gia khác cho các bà mẹ cùng con cái trong trại được hồi hương. Nhưng trong mắt nhà chức trách những nước này, trẻ em ở trại al-Hol là một mối nguy hiểm, thay vì là đối tượng cần giải cứu.

“Những đứa trẻ ấy là nạn nhân đầu tiên của IS”, Sonia Khush - giám đốc tại Syria của tổ chức phi chính phủ Save the Children (Anh) - nói. “Một đứa bé 4 tuổi thật sự chưa có tư tưởng gì cả. Nó chỉ có nhu cầu được bảo vệ và học tập”.

“Khu trại ấy không phải là nơi để trẻ em sinh sống và trưởng thành”, bà Khush nói. “Nó không cho phép trẻ em được hàn gắn sau tất cả những điều chúng đã trải qua”.

phien quan IS anh 2

Trẻ em tụ tập ngoài lều tại trại al-Hol thuộc đông bắc Syria, nơi giữ gia đình các chiến binh IS. Ảnh: AP.

"IS dùng hình nhân dạy trẻ em cách chặt đầu"

Trại al-Hol trở thành nơi trú ngụ của gia đình chiến binh IS từ cuối năm 2018. Đây là thời điểm lực lượng do người Kurd dẫn đầu với hậu thuẫn của Mỹ tái chiếm lãnh thổ ở đông Syria.

Tháng 3/2019, lực lượng này chiếm được những ngôi làng cuối cùng bị IS kiểm soát, qua đó đặt dấu chấm hết cho “vương quốc Hồi giáo” tự xưng mà IS lập ra từ năm 2014, với diện tích bao trùm nhiều vùng của Iraq và Syria.

Trong khu trại chính bị quây kín, những dãy lều nối tiếp nhau kéo dài trong phạm vi gần một dặm vuông. Điều kiện sống ở đây rất khắc nghiệt: Nhiều gia đình thường phải sống chen chúc trong một chỗ, cơ sở y tế chỉ ở mức tối thiểu, nước sạch và đồ vệ sinh cá nhân đều có số lượng giới hạn.

Khoảng 50.000 người Syria và Iraq bị giữ ở trong trại chính, trong đó gần 20.000 là trẻ em. Hầu hết số còn lại là phụ nữ - vợ và góa phụ của các chiến binh IS.

Gần đó, ở khu trại phụ được canh giữ nghiêm ngặt là 2.000 phụ nữ tới từ 57 quốc gia trên thế giới. Đây được cho là những người trung thành nhất với IS. Theo chân những người này là con cái họ với số lượng tổng cộng 8.000 em.

Trong trại phụ, ảnh hưởng của IS rất hiển hiện. Khi bắt gặp phóng viên của AP, khoảng một chục cậu bé ném đá vào đoàn. Một số em khua khoắng những mảnh kim loại sắc nhọn như vung kiếm.

“Chúng tôi sẽ giết các người vì các người là đồ ngoại đạo”, một cậu nhóc chừng 10 tuổi hét lớn. “Chúng tôi là Nhà nước Hồi giáo. Các người là đồ quỷ sứ, và tôi sẽ dùng dao giết chết”.

Ở một khu chợ trong trại phụ, nơi phụ nữ rao bán dầu gội, nước đóng chai, và quần áo cũ, một người phụ nữ liếc nhìn phóng viên rồi nói “Nhà nước Hồi giáo trường tồn”. Đó là một câu khẩu hiệu của IS.

Trong 5 năm cai trị phần lớn Syria và Iraq, IS đặt ưu tiên "nhồi nhét" cho trẻ em thứ luật lệ hà khắc để củng cố nền móng “vương quốc Hồi giáo”. Họ huấn luyện trẻ em thành chiến binh và dùng hình nhân để dạy cách chặt đầu. Có em thậm chí bị họ cho xử tử tù nhân trong những video tuyên truyền.

phien quan IS anh 3

Một cậu bé đưa tay lên cổ để thể hiện lời đe dọa chặt đầu tại trại al-Hol vào ngày 1/5. Ảnh: AP.

Một người phụ nữ 42 tuổi trong trại phụ tỏ ra lo sợ cho tương lai của lũ trẻ tại đây, bao gồm cả con trai và con gái mình.

“Tôi muốn con mình được học tập. Con cái chúng tôi lẽ ra có thể biết đọc, viết, và đếm”, người phụ nữ nói. Chị kể chồng mình đã chết nhưng không tiết lộ anh chết thế nào. “Chúng tôi muốn về nhà và muốn con cái có tuổi thơ”.

Những phụ nữ trong trại al-Hol không hoàn toàn giống nhau. Một số người vẫn trung thành với IS, trong khi số khác vỡ mộng trước cách cai trị tàn bạo hoặc thất bại của lực lượng này. Một số khác chưa bao giờ nghe theo tư tưởng IS nhưng bị chồng hoặc gia đình đưa tới “vương quốc Hồi giáo”.

Không được quê hương đón nhận

Từ khi chiếm lại lãnh thổ khỏi tay IS, chính quyền người Kurd cai quản vùng đông Syria gặp khó khăn rất lớn khi muốn đưa người trong trại hồi hương. Nguyên nhân là sự phản đối trong nước hoặc nỗi sợ bị trả thù của người trong trại.

Đầu năm nay, hàng trăm gia đình Syria được rời trại sau khi các bộ tộc của những người này đồng ý tiếp nhận họ. Tháng 5, 100 gia đình Iraq được hồi hương và cho sống tại một khu trại ở Iraq, nhưng họ vẫn gặp phải sự phản đối mãnh liệt từ cộng đồng lân cận.

Một số nước thuộc Liên Xô cũ cho phép một phần người dân quay trở lại. Nhưng các quốc gia Arab, châu Âu, hoặc châu Phi chỉ tiếp nhận con số rất ít hoặc thẳng thừng từ chối.

“Những đứa trẻ ở đó không phải do lỗi của chúng. Các em không nên phải trả giá cho lựa chọn của bố mẹ”, Ted Chaiban - giám đốc khu vực Trung Đông và Bắc Phi của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) - trả lời AP vào tháng 12/2020.

Chính quyền do người Kurd đứng đầu cho biết họ không có đủ các nguồn lực để duy trì và canh gác trại al-Hol.

Trong trại chính, UNICEF và chính quyền người Kurd đã lập ra 25 trung tâm dạy học, nhưng những nơi này đã bị đóng cửa từ tháng 3/2020 do Covid-19. UNICEF và các đối tác đã phân phát sách để trẻ em tự học.

Nhưng trong trại phụ, nhà chức trách không thể lập ra các trung tâm dạy học. Thay vào đó, trẻ em chủ yếu được các bà mẹ dạy dỗ. Hầu hết nội dung được dạy là tư tưởng IS, theo Liên Hợp Quốc và giới chức người Kurd.

phien quan IS anh 4

Một cậu bé đứng cạnh mẹ tại trại al-Hol vào ngày 1/5. Ảnh: AP.

Không chỉ trại phụ, nhóm ủng hộ IS cũng có mặt trong trại chính. Các nhóm hoạt động ngầm này đang mở chiến dịch giết hại người bị tình nghi quay lưng với tư tưởng IS, làm đặc tình, hoặc vi phạm quy định của nhóm (như mại dâm để nuôi thân). Ít nhất 47 người trong năm nay đã bị sát hại, theo lực lượng người Kurd, trong khi giới chức Mỹ ước tính con số này là 60.

Trả lời AP, một phụ nữ Syria rời trại al-Hol cùng 5 đứa cháu vào đầu năm nay tiết lộ bà biết vài người bị giết vì bị nghi mại dâm. Mọi lần như thế, một người đàn ông che mặt xuất hiện trước lều của nạn nhân. Ông ta tự xưng là thành viên IS và bắn chết nạn nhân trước mặt hàng xóm và con cái của họ.

Người phụ nữ ẩn danh cũng cho biết kể cả trong trại chính cũng thường xuyên thấy cảnh trẻ em hò reo “Nhà nước Hồi giáo trường tồn”, trong tay các em cầm gậy treo túi đen để bắt chước lá cờ IS.

Amal Mohammed, một phụ nữ 40 tuổi người Iraq trong trại, nói mong ước của mình là được trở về quê hương, nơi các con gái của bà có thể sống cuộc sống bình thường.

“Tương lai của lũ trẻ này là gì? Chúng sẽ chẳng có tương lai nào cả…”, bà Mohammed nói.

'Sau khi giết nạn nhân, các tay súng chặt đầu họ'

Những người sống sót sau vụ tấn công của phần tử nổi dậy liên kết với nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Palma, Mozambique không khỏi ám ảnh về sự man rợ của các tay súng.

Cô gái trốn sang Syria để gia nhập IS không được tái nhập tịch Anh

Tòa án Tối cao Anh hôm 26/2 ra phán quyết với một công dân nước này đến Syria để gia nhập IS. Cô sẽ không được phép quay trở lại Anh để đòi quyền công dân.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm