Cuốn sách Sứ mệnh cao cả đã được thay đổi tiêu đề từ Hồi ức mười năm. |
Sau 28 năm, cuốn hồi ký của cố Thứ trưởng Viễn Chi, trưởng đoàn chuyên gia K79 Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) Việt Nam đã ra mắt với cái tên Sứ mệnh cao cả (Hồi ức mười năm). Cuốn sách là tập hợp ghi chép của cố Thứ trưởng về quá trình phá hơn 20 vụ án của ông và các đồng nghiệp trong đoàn chuyên gia. Trong đó có nhiều vụ án phản gián, ám sát, vu khống chính trị.
Mười năm làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia
Tại buổi giới thiệu sách sáng ngày 27/6, Đại tá Trần Cao Kiều, Tổng biên tập Nhà xuất bản Công an nhân dân, phó Cục trưởng Cục Truyền thông, Bộ Công An, đánh giá rằng cuốn hồi ký Sứ mệnh cao cả của cố Thứ trưởng Viễn Chi có thể ví như 27 thước phim. Mỗi vụ án, nhiệm vụ Thứ trưởng Viễn Chi phụ trách đều chứa đựng một bài học giúp độc giả hiểu hơn về quá trình Việt Nam giúp đỡ Campuchia xây dựng lực lượng an ninh từ những ngày đầu tiên sau khi giải phóng khỏi Pol Pot.
Đại tá Trần Cao Kiều, Tổng biên tập Nhà xuát bản Công an nhân dân chia sẻ tại buổi giới thiệu sách. Ảnh: Đức Huy. |
Theo chia sẻ từ Đại tá Trịnh Hồng Đoàn (Trưởng ban liên lạc của đoàn chuyên gia K79), thời điểm bấy giờ Bộ Nội vụ của Campuchia chỉ vỏn vẹn có ba người, một bộ trưởng và hai người phụ tá. Vì vậy công tác tuyển dụng và đào tạo cán bộ rất khó. Hơn nữa dòng họ ở Campuchia phức tạp, xác minh lý lịch của từng người, từng gia đình không phải điều dễ dàng. Tuy nhiên, bằng sự tháo vát và linh hoạt trong cách xử lý tình huống, ông Viễn Chi vẫn tìm được nguồn nhân lực từ các ngành khác để thực hiện nhiệm vụ này. Sau đó, ông cũng đề xuất nhiều tiêu chí đào tạo cán bộ, xây dựng hệ thống an ninh cho Campuchia.
Bên cạnh quá trình tham gia xây dựng đội ngũ, các vụ án trong 10 năm đoàn chuyên gia K79 ở Campuchia là điều đem lại nhiều bài học nghiệp vụ hơn cả. Đại tá Trần Nguyên Minh, con trai cố Thứ trưởng chia sẻ rằng cách xử lý của ông trong khi đối mặt với âm mưu thù địch cho thấy một khả năng vận dụng phương pháp tâm lý xã hội, tâm lý tội phạm, tâm lý trẻ vị thành niên nhuần nhuyễn.
Những sự việc tiêu biểu có thể kể đến như: Ngăn chặn một tên đồ tể Pol Pot trà trộn vào hàng ngũ công an Campuchia; Lập mưu bắt ba tên phản bội Hembo, Emchim và Honghon; Vụ vu khống chính trị gây ly gián nội bộ do địch gây ra; Ngăn chặn chính phủ phản động Hemkitsna…
“Bất cứ một cuộc cách mạng nào cũng phải dựa vào nhân dân, phải dương cao ngọn cờ chính nghĩa mới thu hút được quần chúng đi theo cách mạng và làm tan rã hàng ngũ kẻ thủ. Chính nghĩa là sức mạnh có khi còn mạnh hơn cả vũ khí”, cố Thứ trưởng Viễn Chi viết trong cuốn hồi ký.
Sự ra đời của cuốn sách
Để cuốn sách có thể ra mắt độc giả là nỗ lực rất lớn của tập thể đội ngũ biên tập, cá nhân, trong đó, không thể không nhắc đến con trai của cố Thứ trưởng, Đại tá Trần Nguyên Minh.
Các ghi chép trong cuốn sách đã dừng lại ở giai đoạn năm 1996, dù vậy, khi Thứ trưởng Viễn Chi qua đời năm 1999, Đại tá Trần Nguyên Minh vẫn không biết gì về các ghi chép này. Cho tới năm 2018, ông Trần Nguyên Minh đã tình cờ tìm thấy những ghi chép của cha mình tuy nhiên chúng không đầy đủ. Điều này thôi thúc ông tiếp tục tìm kiếm trong suốt một năm.
Đại tá Trần Nguyên Minh, con trai cố Thứ trưởng Viễn Chi. |
"May mắn rằng, một người thư ký của Thứ trưởng vẫn còn lưu giữ. Nhờ đó, tôi đã tập hợp lại, chỉnh sửa, sắp xếp sao cho thành một mạch thời gian và thống nhất các tên địa danh. Quá trình biên soạn này đòi hỏi tôi mất thêm một năm nữa. Sau đó tôi gửi tới Nhà xuất bản Công an nhân dân để họ xem xét xuất bản", Đại tá Trần Nguyên Minh chia sẻ với ZNews.
Khi tiếp nhận và đọc bản thảo từ ông Trần Nguyên Minh, Đại tá Trần Cao Kiều đã bất ngờ về những điều được viết trong cuốn sách của cố Thứ trưởng Viễn Chi. Ngay lập tức, ông đã mang sang cho nhà văn, Trung tướng Hữu Ước. Cả hai đều đồng ý đưa bản thảo vào vòng chung kết giải thưởng Cây bút vàng năm 2021. Cuối cùng, cuốn sách đã nhận 100% phiếu bầu đoạt giải A.
Tuy nhiên, tập hồi ký này mới chỉ được in cùng những tác phẩm khác trong cuốn sách tuyển chọn tác phẩm đặc sắc từ giải thưởng Cây bút vàng.
Cùng lúc đó, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến cho quá trình xuất bản sách khó khăn. Thêm vào đó là nguồn kinh phí hạn hẹp khiến cuốn sách phải chờ đợi lâu hơn. Cuối cùng, nhờ sự hỗ trợ của Công ty Cổ phần văn hóa Đọc và Học Việt Nam, cuốn sách đã có thể ra mắt. Điều này cho thấy việc liên kết giữa nhà xuất bản các các đơn vị doanh nghiệp đem lại hiệu quả cao trong việc đưa ấn phẩm chất lượng tới bạn đọc.
Về giá trị của cuốn sách, Thượng tá Phùng Văn Khai (Phó tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội) nhận định rằng đây là tác phẩm đầu tiên cho thấy một bức tranh chân thực về Campuchia những năm tháng sau khi dành độc lập. “Giữa một rừng tác phẩm từ lực lượng công an và quân đội, đây là tác phẩm đặc biệt được viết một cách trung thực bởi người trực tiếp tham gia quá trình xây dựng lực lượng cho chính quyền Campuchia, cố Thứ trưởng Viễn Chi”, Thượng tá Phùng Văn Khai chia sẻ.
Cố Thứ trưởng Viễn Chi, tên thật là Trần Xuân Viên, quê quán tại tỉnh Nam Định. Ông bắt đầu tham gia cách mạng từ năm 1937. Từ năm 1979 đến 1988, ông là Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng đoàn chuyên gia Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) Việt Nam tại Campuchia (từ 1979 đến năm 1988). Ông cũng là tác giả của cuốn Hồi ức 55 năm.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.