Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Những viên gạch xây đắp đời mình của một người kể chuyện

Mỗi giai đoạn trưởng thành của "người kể chuyện" Hải Âu đều gắn với những cuốn sách giúp chị đi đến những thế giới khác, khai mở và thay đổi tư duy.

Từng trải nhiều công việc đòi hỏi kỹ năng tư duy ngôn ngữ như viết bài, biên tập tạp chí, dịch sách, tài liệu nghiên cứu, chấp bút sách nghệ thuật, Hải Âu tự gọi bản thân là "người kể chuyện phiêu lưu trong cõi sáng tạo hòa quyện với logic".

Nhìn lại hành trình đọc và chiêm nghiệm lại sự thay đổi của chính mình, Hải Âu nhận thấy sách không chỉ mang lại cho chị những món quà "không khác gì với đa số mọi người", mà còn đưa chị tới những thế giới khác, là người bạn tri âm đã giúp kết nối chị với rất nhiều tình bạn đẹp khác.

Hải Âu nghĩ hành trình đọc sách của mình có thể chia thành hai giai đoạn khá rõ ràng: suốt thời thơ ấu cho đến 26 tuổi là giai đoạn ưu tiên hư cấu (fiction) và từ mốc đó đến nay là giai đoạn ưu tiên phi hư cấu (non-fiction).

Cách chị sắp xếp thời gian đọc cũng thay đổi theo thể loại sách. Ngày bé, Hải Âu đọc sách bất cứ khi nào tùy thích và thường đắm chìm quên thời gian. Bây giờ, chị đọc sách phải kèm theo lý do cụ thể, có thời hạn và quy củ để kiên trì hoàn thành. Những năm gần đây, đa số sách chị đọc là để phục vụ công việc, mà chị khiêm tốn nhận rằng "số lượng hạn chế". Nói đến đây, chị "chợt thấy chạnh lòng, nhớ truyện Hoàng tử bé".

Trong cuộc phỏng vấn với chuyên mục Page Turner của Tri Thức - ZNews, Hải Âu kể chuyện về những cuốn sách và tác giả mà chị yêu thích.

hai au,  ke chuyen,  sach anh 1

Tiêu chí lựa chọn sách và thói quen đọc sách của Hải Âu thay đổi nhiều qua thời gian. Ảnh: NVCC.

- Cuốn sách yêu thích của tôi thuở ấu thơ

- Câu hỏi này gợi tôi nhớ về một phần ký ức quan trọng của tuổi thơ. Khi tôi khoảng 9-10 tuổi, mẹ quyết định mở quầy cho thuê sách và truyện tranh tại nhà. Lúc nhỏ, tôi thấy cũng bình thường. Sau này hồi tưởng, tôi mới nhận ra đó là cuộc sống trong mơ của nhiều đứa trẻ.

Tôi lớn lên giữa những tủ sách theo đúng nghĩa đen, được tiếp cận nhiều bộ truyện trong - ngoài nước và manga nổi tiếng từ rất sớm. Tôi nhớ cảm giác dễ chịu khi đọc truyện ngắn của bác Thạch Lam, tản văn của bác Vũ Bằng và truyện thiếu nhi của bác Tô Hoài. Trong tiểu vũ trụ ấy, phải chọn chỉ một tựa sách yêu thích gần như là bất khả thi.

Nhưng nếu xuôi dòng ký ức thật kĩ, có lẽ tôi sẽ luôn dừng lại ở một bộ truyện dịch - Người hóa thú (K. A. Applegate). Đây có lẽ là tác phẩm đầu tiên giúp tôi nhận ra niềm yêu thích đặc biệt dành cho thể loại khoa học viễn tưởng (sci-fi). Người hóa thú có cốt truyện độc đáo và tầm nhìn vượt thời đại, kể về một nhóm bạn loài người trong cuộc chiến công nghệ cao chống lại kẻ xâm lăng ngoài Trái đất.

Tôi yêu thích Người hóa thú vì nhiều lý do, nhưng có lẽ yếu tố lớn nhất là cách tác giả mô tả tỉ mỉ và chân thật trải nghiệm của con người khi hóa thành các loài vật khác. Bộ truyện này đã mở ra cho tôi một chân trời kiến thức về thế giới tự nhiên và khoa học vũ trụ.

Một tựa sách khác cũng gắn liền với tuổi thơ tôi là Totto-chan - Cô bé bên cửa sổ. Cuốn sách là món quà sinh nhật của chị gái. Có nhiều nét ở Totto-chan tương đồng với tôi ngày nhỏ, một cô nhóc lơ đãng, hiếu động và hay thắc mắc. Vậy nên những năm đó, tôi có một người bạn thân trong sách. Được học ở trường toa tàu Tomoe Gakuen thật hạnh phúc.

- Cuốn sách có tác động lớn lên tôi trong độ tuổi vị thành niên

- Chắc chắn là Chuyện dài bất tận (Michael Ende). Tôi còn nhớ như in khung cảnh chính mình ngồi bó gối dưới kệ sách trong thư viện thị trấn, mải mê đọc cuốn sách này. Tôi đã đọc hết cả cuốn trong chỉ một ngày. Đúng như cái tên, trang sách cuối khép lại, nhưng câu chuyện vẫn tuôn chảy bất tận trong tâm trí tôi. Cho tới hôm nay, dù đã gần 20 năm trôi qua từ ngày ấy, tôi vẫn không dám chắc mình đã hiểu hết các tầng lớp ý nghĩa của câu chuyện.

Ở độ tuổi thiếu niên rối rắm và ẩm ương, tôi chỉ muốn rời khỏi hiện thực và chạy trốn vào một thế giới khác. Chuyện dài bất tận đã cho tôi một lối thoát hoàn hảo vào thế giới Fantastica, và đường trở về cũng hoàn hảo không kém, giống như biểu tượng vòng lặp bất tận trên bìa sách. Tôi yêu thích cuốn sách trước hết vì nguyên do đơn giản như vậy, một câu chuyện đẹp, một niềm an ủi cho tuổi vị thành niên.

- Cuốn sách luôn khiến tôi nhớ về những năm tháng tuổi trẻ

- Xoay quanh độ tuổi 20, tôi say sưa với văn học Nhật Bản, đặc biệt là sách của Haruki Murakami. Tôi hay nhắc đến tiểu thuyết Kafka bên bờ biển như một viên gạch tuổi trẻ của mình. Vẫn tiếp tục là chủ đề thoát ly hiện thực, tôi đồ rằng, hành trình bỏ trốn tới một thư viện ngoài đảo xa của nhân vật chính là khao khát chung của nhiều thanh thiếu niên hiện đại.

Có lẽ tiểu thuyết này được xây dựng trên các nền tảng triết lý sâu sắc và siêu hình, nhưng chi tiết tôi thấy thú vị nhất lại là kế hoạch bỏ trốn được xây dựng rất thực tế, bài bản về cả thể chất lẫn tri thức của Kafka Tamura. Dù thế nào, hãy tập trung trau dồi và phát triển bản thân thật tốt trước đã. Tôi nghĩ Haruki Murakami là một nhà văn đi thăng bằng rất tốt giữa hai bờ thực - ảo như vậy.

- Cuốn sách đã truyền cảm hứng cho tôi viết lách

- Hầu hết tác phẩm yêu thích đều truyền cảm hứng sáng tạo cho tôi ở những thời kỳ khác nhau, với những lý do khác nhau. Mỗi tác giả, tác phẩm đều nhắc nhở tôi rằng, viết lách là cách nhanh nhất để sắp xếp gọn gàng tâm trí và tạo ra hiện thực mới.

Có lẽ trong số đó, tôi sẽ trân trọng gọi tên Pippi tất dài (Astrid Lindgren). Bộ truyện thiếu nhi Thụy Điển này đã gõ vào đầu tôi ở tuổi 18, rằng kể chuyện cho trẻ em không hề dễ. Tôi rất thích giọng văn hóm hỉnh của Astrid Lindgren và cách bà tạo ra cô bé Pippi ngổ ngáo, dị hợm và cũng rất đáng yêu. Kể chuyện càng đơn giản càng không đơn giản. Viết sách thiếu nhi đòi hỏi kỹ năng viết điêu luyện và vốn sống dày dặn, đến nay tôi vẫn chưa làm được (cười).

- Cuốn sách khiến tôi phải kinh ngạc từ đầu tới cuối

- Vì Chuyện dài bất tận đã được nêu tên phía trên, tôi sẽ dành vị trí này cho Cuộc đời của Pi (Yann Martel) và bộ truyện Tam Thể (hay Địa cầu vãng sự, Lưu Từ Hân). Có lẽ bất kỳ độc giả nào của hai tựa sách cũng ít nhiều có trải nghiệm kinh ngạc tương tự. Đứng trước những tác phẩm đồ sộ như vậy, tôi càng thêm tin tưởng và hy vọng vào sức sáng tạo vô hạn của con người.

- Tác giả đã thách thức tư duy hoặc thay đổi thế giới quan của tôi

- Tôi bị thách thức tư duy liên tục khi đọc sách, rất nhiều tác giả làm tôi thán phục. Nếu buộc phải chọn, có bốn cây viết sách hư cấu khiến tôi vừa nhức đầu vừa thích thú: Franz Kafka, Naoki Urasawa, Edgar Allan Poe, và Michael Ende. Mỗi tác phẩm của họ đều là một mê cung tư duy chằng chịt. Tôi tin là họ khiến cả thế giới nhức đầu chứ không chỉ riêng tôi đâu.

hai au,  ke chuyen,  sach anh 2

Về sách phi hư cấu, tôi từng bị chấn động với bộ tứ luận thuyết nổi tiếng của Nassim Nicholas Taleb, nhất là cuốn Trò đùa của sự ngẫu nhiên. Vốn là một chuyên gia tài chính lão luyện, Taleb đưa ra nhiều bằng chứng thuyết phục cho thấy tính ngẫu nhiên, may mắn đóng vai trò lớn trong sự thành - bại của cá nhân và thị trường. Trong một thế giới bất định, có lẽ ta nên bớt mong muốn kiểm soát mọi thứ và khiêm nhường, thận trọng hơn trước khi đánh giá bất kỳ vấn đề nào.

Một tác giả sách phi hư cấu khác cũng khiến tôi phải xem lại cách nhìn thế giới của mình là Hans Rosling (và các con ông). Trong Sự thật về thế giới, dựa trên dữ liệu thống kê xác tín (đến năm 2018), ông khẳng định rằng thế giới đang ngày càng tiến bộ và an toàn hơn. Tôi gọi đó là tinh thần lạc quan có căn cứ. Có những khuynh hướng tâm lý lâu đời khiến con người dễ ngả theo thiên kiến xác nhận tiêu cực. Các tác giả nhà Rosling thách thức độc giả kiểm tra những thiên kiến ấy trong mình.

- Cuốn sách tôi đọc đi đọc lại nhiều lần

- Trong những năm qua, tựa sách tôi đọc đi đọc lại nhiều lần nhất có lẽ là bộ truyện tranh Monster của Naoki Urasawa. Trung bình cứ hai năm tôi đọc lại một lần, như một nghi thức. Mỗi lần đọc là lại có phát hiện mới. Đây cũng là bộ truyện tranh duy nhất tôi vẫn còn giữ lại trong kệ sách cho tới ngày hôm nay.

Và tôi cũng hay ngẫu nhiên lật giở một vài tập thơ. Đọc thơ lạ lắm, bao nhiêu lần cũng không chán, có khi lần sau còn thú vị hơn lần đầu. Thơ tiếng Việt, tôi thường đọc lại tập Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi của Lưu Quang Vũ; thơ tiếng Anh, tôi luôn thấy thư giãn và nhẹ nhõm mỗi khi đọc lại tuyển tập Dream Work của Mary Oliver.

hai au,  ke chuyen,  sach anh 3

- Cuốn sách tôi đang đọc và cuốn sách tôi đón đọc

- Hiện tôi đang đọc Người hùng mang ngàn gương mặt (Joseph Campbell) và Phản biện như một chuyên gia (Lang Minh). Trong năm nay, tôi đang nóng lòng đón đọc bản dịch tiếng Việt của sách Hidden potential (Adam M. Grant) và The singularity is near: When humans transcend biology (Ray Kurzweil).

- Một trích đoạn thú vị tôi muốn chia sẻ với mọi người từ cuốn sách tôi đã dịch

- Năm 2022, cuốn sách phi hư cấu đầu tiên tôi có cơ hội dịch được ra mắt tại Việt Nam - Siêu nhân loại (Deepak Chopra). Dưới đây là một trích đoạn không nổi bật trong sách, nhưng rất thú vị với cá nhân tôi, vì vậy tôi xin chia sẻ với mọi người:

“Loài bướm phổ biến nhất trên Trái đất là bướm vẽ (painted lady), chúng có đôi cánh màu cam rực rỡ và cây phả hệ rất nên thơ: Bướm vẽ thuộc nhóm bướm Cynthia, một chi phụ của bướm Vanessa, là hậu duệ của họ Nymphalidae. Sở hữu những cái tên lấy từ thần thoại kỳ ảo, được lưu truyền rộng rãi qua các câu chuyện cổ, bướm vẽ cũng có hệ giác quan gây kinh ngạc không hề thua kém người ngoài hành tinh. Bướm vẽ có thể dùng đầu mũi chân để nếm vị chiếc lá chúng đang đậu. Chúng đánh hơi bằng râu và nhìn thế giới qua đôi mắt với 30.000 thấu kính. Đôi cánh chính là cách chúng lắng nghe. Từ ngoài nhìn vào, chúng ta phải thừa nhận rằng tiến hóa đã tạo cho loài bướm vẽ một hiện thực con người không thể nắm bắt. Nếu bạn tin là có sinh vật ngoài hành tinh đang trà trộn giữa chúng ta, trước tiên hãy nghĩ đến loài bướm”.

- Trích sách Siêu nhân loại -

- Cuốn sách bổ trợ cho tôi rất nhiều trong công việc và đời sống

- Tôi thích nghĩ về bản thân như một “người kể chuyện" và vẫn đang học cách kể chuyện tốt hơn mỗi ngày. Cái thú đi học và kể chuyện đưa đẩy tôi qua nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong những hành trình đã và đang đi, tôi nhận sự trợ giúp không nhỏ của các tựa sách về tâm lý và khoa học hành vi. Tôi xin nêu nhanh một số cái tên tiêu biểu: Mô hình xoắn động (Vũ Phi Yên), Atomic habits - Thay đổi tí hon - Hiệu quả bất ngờ (James Clear), Kế thừa cảm xúc (Galit Atlas), Sự đầy của cái Không (Trịnh Xuân Thuận), Visual culture (nhiều tác giả, Alexis L. Boylan biên tập, tạm dịch: Văn hóa thị giác), Kể chuyện thông qua dữ liệu (Cole Nussbaumer Knaflic)...

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Tâm Anh

thực hiện

Bạn có thể quan tâm