- Trong ký ức còn nhớ được, tựa sách đầu tiên tôi đã đọc
- Chắc là một tập truyện cổ tích Việt Nam. Tôi biết đọc khá sớm vì lúc đó bố tôi đã quá mỏi miệng khi cứ phải đọc truyện cho tôi nghe, nên quyết định dạy chữ cho tôi tự đọc truyện. Và không hiểu sao tôi vẫn cứ nhớ một chuyện về Bà Chúa Ba, hay Quan Thế Âm ở Hương Tích, nhất là đoạn khi nhà vua ra lệnh giết con gái mình chỉ vì công chúa… không muốn lấy chồng.
- Cuốn sách yêu thích của tôi thời niên thiếu
Tôi rất muốn trả lời là Cuốn theo chiều gió, nhưng để cố tỏ ra mình sâu sắc hơn thì chắc tôi sẽ chọn Sống đọa thác đày của Mạc Ngôn. Hình như đó là năm 2007, bà ngoại tôi ra Đinh Lễ mua một cuốn Sống đọa thác đày. Tôi đọc chục trang đầu, thấy thích quá, nhưng vì bà tôi cũng còn đang đọc, tôi liền kể với bố tôi rằng, có cuốn sách này mới ra, hay lắm.
Thế là ngay hôm đó, bố tôi cũng ra Đinh Lễ, mua một cuốn. Lúc đó tôi chỉ 14 tuổi, cũng chẳng hiểu gì về lịch sử Trung Quốc hiện đại, chỉ thấy câu chuyện một địa chủ bị đầu thai thành hết con lừa, con heo, con trâu thật kỳ lạ.
- Cuốn sách đã thay đổi tôi trong độ tuổi thành niên
- Tôi sẽ nghĩ đến ký ức khi ngồi ở trong lớp học ở đại học, môn Kinh tế lượng hay Kinh tế vi mô gì đó, và thay vì học thì đọc Tên tôi là Đỏ của Orhan Pamuk. Thế giới của những nhà tiểu hoạ mù lao động trong những màu sắc và những truyền thuyết là một thế giới hoàn toàn khác, chẳng liên quan gì tới thế giới mà tôi đã sống vào thời điểm đó. Nó khiến tôi khao khát muốn được bước sang phía bên kia để biết cái thế giới ấy là gì, có gì khủng khiếp thế mà người ta chịu mất đi thị lực của mình để nhìn thấy những thứ đáng nhìn hơn.
- Tác giả đã thay đổi tư duy, thế giới quan của tôi
Lần nào đọc lại Ỷ thiên đồ long ký cũng khiến tôi vỡ lẽ một cái gì đó, có khi là những điều tôi đã lờ mờ biết rồi, nhưng Kim Dung cho tôi sự xác quyết.
Nhà văn Hiền Trang
- Nếu trên tư cách một người viết thì tôi sẽ kể Vladimir Nabokov. Nhưng đó là về sau này, khi tôi đã bắt đầu đâm đầu vào văn chương. Còn trên tư cách một con người nói chung, tôi sẽ chọn một nhà vật lý lý thuyết, Brian Greene. Suốt cả bốn năm cấp hai, mỗi năm một lần tôi đều đọc một cuốn sách tên là The Elegant Universe, mà theo bản dịch ở Việt Nam là Giai điệu dây và bản giao hưởng vũ trụ.
Cái thế giới của những siêu dây, những hạt vi mô, rồi những thực thể vĩ mô như thiên hà, vũ trụ mà Greene nghiên cứu là những thứ rất đỗi siêu trần với tôi. Mặc dù ngày đó hay bây giờ, tôi cũng chẳng hiểu chút gì về vật lý hay khoa học cả, nhưng nhận thức được rằng có một thế giới như thế đang tồn tại, là một điều gây sửng sốt với tôi. Tôi đến hôm nay cũng chỉ có mong muốn được sửng sốt mỗi ngày với thế giới.
- Cuốn sách đã truyền cảm hứng cho tôi sáng tác
- Câu trả lời của tôi cũng không có gì đặc biệt cả. Có nhiều cuốn sách như thế lắm, tôi gặp chúng ngày ngày, nhưng nếu cứ phải chọn ra một, thì chắc là Hoá thân của Franz Kafka. Ai từng đọc Kafka hẳn đều hiểu cái cảm giác ấy, cảm giác rằng bỗng nhiên, nghĩ là mình cũng có một cái gì đó để kể ra.
Có những tác giả vĩ đại, nhưng đọc họ xong khiến ta muốn bẻ bút. Một số tác giả vĩ đại khác lại khiến ta muốn cầm bút lên. Kafka là một nhà văn như vậy. Tôi sẽ luôn nhớ cái ngày mà tôi được đọc Kafka lần đầu tiên trong đời, và một cơn địa chấn diễn ra trong tôi.
- Cuốn sách lần đầu đọc không "thấm", nhưng khi đọc lại tôi thay đổi suy nghĩ hoàn toàn
- Bây giờ, tôi đang đọc lại Genji Monogatari của Murasaki Shikibu, cuốn tiểu thuyết đầu tiên của nhân loại. Tôi từng đọc Genji, cũng từng xem phim chuyển thể của Kon Ichikawa, nhưng phải đến tận bây giờ, khi đã ngoài 30 tuổi, tôi mới lặng đi khi đọc đến cảnh một trong những người tình của Genji, nàng Yugao, trong đêm nọ, bị hồn ma của một phu nhân Rokujo, một người phụ nữ khác cũng yêu Genji nhập vào, rồi chết.
Chuyện diễn ra trong khi phu nhân Rokujo vẫn còn đang sống sờ sờ. Nàng xuất hồn, để tìm đến nơi Genji giấu mình cùng tình nhân. Phân cảnh ghê gớm như thế mà diễn ra như không.
Đọc Genji ở độ tuổi này, tôi mới nhận ra những tiểu thuyết tình yêu phương Tây, dù là của những đại văn hào lớn nhất, đều có nét như là những bài giảng khoa học về tâm lý con người. Murasaki Shikibu thì không có nhu cầu như thế, bà không cố gắng lý giải vì sao Genji lại luôn trôi dạt từ cuộc tình này sang cuộc tình khác, không có lí do gì cả, nó cần diễn ra nên nó phải diễn ra. Vì thế mà với tôi, Murasaki Shikibu mới đích thực là một vị thần của văn chương.
- Cuốn sách tôi đọc đi đọc lại nhiều lần
- Ỷ thiên đồ long ký của Kim Dung. Nghe hơi buồn cười nhưng đúng là vậy, tôi nhận ra có một chu kỳ cứ khoảng hai năm một lần, tôi phải đọc lại Ỷ thiên đồ long ký. Mỗi lần đọc, tôi lại lần theo mạch truyện của một nhân vật. Ban đầu là Trương Vô Kỵ, sau đó là Triệu Mẫn, sau đó là Chu Chỉ Nhược, Trương Tam Phong, Trương Thuý Sơn-Ân Tố Tố, Tạ Tốn, rồi lần gần nhất, tôi theo chân Tiểu Chiêu.
Lần nào đọc lại cuốn tiểu thuyết ấy cũng khiến tôi vỡ lẽ một cái gì đó, có khi là những điều tôi đã lờ mờ biết rồi, nhưng Kim Dung cho tôi sự xác quyết. Chẳng hạn một điều nho nhỏ vớ vẩn như là, trong thế giới của Ỷ Thiên, người mạnh nhất không phải người biết tấn công, mà là người biết phòng thủ.
Chiến thuật sinh tồn của Vô Kỵ trong thế giới rất thú vị, ai tấn công chàng, liền bị Cửu Dương Thần Công chặn đứng, thành ra tự tổn thương chính mình, còn chàng thì trơ trơ. Sự nhạt nhẽo nhưng bình ổn của Trương Vô Kỵ làm tôi tự hỏi, nhân vật này có phải sinh ra dưới chòm sao Kim Ngưu hay không?
- Cuốn sách tôi không bao giờ có thể đọc thêm lần nữa
- Tôi tự thấy tiếc thay cho tôi khi nói ra điều này, nhưng có lẽ tôi sẽ không thể đọc lại Chiến tranh và Hoà bình của Lev Tolstoy thêm một lần nào nữa. Mỗi con người có lẽ chỉ có một thời duy nhất có thể để cuốn tiểu thuyết đồ sộ ấy choán lấy mình mà thôi. Đó là thời quý giá nhất trong đời người. Bây giờ, tôi không còn đủ sự vô tư với sách vở như thế nữa. Nhưng biết đâu khi tôi già đi, lui về ở ẩn, lánh khỏi hồng trần, thì tôi sẽ đọc lại xem sao.
- Cuốn sách mãi về sau này tôi mới "phát hiện"
- Đó là bộ sách Văn học dân gian Chăm của nhà văn Inrasara. Một tập về thành ngữ tục ngữ Chăm và một tập về trường ca Chăm. Tôi tìm đến những cuốn sách này ở Thư viện Quốc Gia vì một bản thảo mà mình đang thực hiện, và nhận ra mình có một lỗ hổng tri thức rất lớn về những nền văn minh cổ xưa như vương quốc Chămpa. Những cuốn sách này đã dẫn đường cho tôi vào một thế giới mới rất rộng lớn mà tôi nghĩ mình còn cần rất nhiều thời gian nữa để hiểu được dù chỉ là cái bóng của nó.
- Cuốn sách tôi đang đọc
- Kế hoạch đọc mùa hè này của tôi đó là nghiền ngẫm một cách hệ thống và trọn vẹn những vở kịch của tam đại kịch tác gia Aeschylus - Sophocles - Euripides. Ngày trước với kịch Hy Lạp cổ đại, tôi chỉ đọc lẻ tẻ, đụng đâu đọc đấy, không có quy củ nào hết.
Những cuốn sách này đã dẫn đường cho tôi vào một thế giới mới rất rộng lớn mà tôi nghĩ mình còn cần rất nhiều thời gian nữa để hiểu được dù chỉ là cái bóng của nó.
Nhà văn Hiền Trang
Số vở kịch còn sót lại của ba tác giả này không nhiều, chỉ hơn 30 vở mà thôi, mỗi vở chỉ đọc một buổi có khi cũng xong, nhưng đọc xong cũng không có nghĩa là xong, tôi hy vọng rằng mình có đủ kiên trì để đọc nhiều bản dịch tiếng Anh khác nhau và có những đối chiếu nhất định, hy vọng sẽ ngộ ra cho bản thân điều gì đó, mà không ngộ ra được gì cũng không sao.
- Cuốn sách mang lại cho tôi cảm giác thật thoải mái, dễ chịu
- Một cuốn sách về ẩm thực Trung Hoa mà tôi được một người bạn tặng, tên là Invitation to a Banquet: The Story of Chinese Food của tác giả Fuchsia Dunlop.
Kể từ khi coi viết lách là công việc chuyên nghiệp chứ không phải viết cho vui, tôi không thể chỉ đọc sách trong những giờ giải trí nữa mà phải coi đọc sách là một phần bắt buộc trong thời gian biểu hàng ngày, có lúc còn giật mình hoảng hốt thấy mình đang đọc lấy được thì phải.
Nhưng đây là một cuốn sách hiếm hoi nhắc tôi nhớ rằng ngoài văn chương nghệ thuật, thế giới này có rất nhiều thứ khác hay ho để tìm hiểu, rằng ta vẫn cần sự đọc mà chẳng phục vụ cho mục đích gì.
Mỗi tối có khi tôi chỉ đọc một chương sách, khoảng chục trang, về câu chuyện một món ăn nào đó, khi thì là một bát cơm trắng, khi thì là một đĩa rau xanh, một món canh, và từ câu chuyện một món ăn nhỏ mở rộng ra lịch sử của một nền văn hoá hàng ngàn năm tuổi, lịch sử của những hiểu nhầm giữa Đông - Tây. So với những bi kịch Hy Lạp chẳng hạn, thì đây là cuốn sách khiến tôi luôn thấy ấm lòng, giống một bữa ăn đêm cùng người thân.
Hiền Trang từng xuất bản một số tiểu thuyết, tập truyện ngắn, tập tiểu luận như Bức tranh cô gái khoả thân và cây vĩ cầm đỏ; Tuổi trẻ lạc lối và những cuốn sách của tôi; Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa; Dưới mái hiên đêm, những khách lạ; Chopin biến mất; Những khán giả ngồi trong bóng tối; Quán bar trong bụng cá voi... Chị cũng là dịch giả các cuốn sách Dưới bánh xe số phận, Ông già và biển cả và là cây bút quen thuộc cho các chuyên mục về văn chương, điện ảnh, âm nhạc của nhiều tờ báo, tạp chí.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.