Vài năm trước, có lần nhà văn Phan Hồn Nhiên hỏi tôi, biết Hiền Trang là bạn nào không? Tôi tự thú, chưa rõ “hành tung chữ” của Trang lắm, ngoài một số bài báo mảng văn hóa - nghệ thuật đã đọc. Thêm chút nữa, Hiền Trang thuộc thế hệ 9X đời đầu, từng có cuốn tiểu thuyết đoạt giải trong cuộc thi sáng tác do một thương hiệu sách tư nhân tổ chức. Nhưng các tác phẩm vào giải lẫn giải thưởng đó sớm chìm xuồng, vì cuộc thi diễn ra trong bình lặng, tổng kết trao giải kiểu đóng cửa bảo nhau, không tạo được dư ba như kì vọng.
Trả lời nhà văn Phan Hồn Nhiên xong, tôi cũng quên. Cho đến khi Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần VIII - 2019 công bố kết quả, giải Ba gọi tên Hiền Trang cùng tập truyện Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa, tôi mới thật sự chú ý.
Sự chú ý được bồi thêm khi nhà văn Phan Hồn Nhiên, thành viên Ban chung khảo, nhận định: “Với sở trường của người kể chuyện, sự tinh tế trong các phép ẩn dụ như một nhà thơ, cách nắm bắt sắc màu và đường nét như một họa sĩ, Hiền Trang mang đến một không khí văn chương tự nhiên và thuần khiết, điều đang rất thiếu trong văn học những năm gần đây”.
Tôi chính thức bước vào cánh đồng chữ của Hiền Trang, mang theo sự tò mò, xem Trang mộng mơ gì? Đặc biệt, Giấc mộng lang thang trên cánh đồng cỏ úa là tập truyện ngắn duy nhất vào giải, bị bủa vây bởi những truyện dài, tiểu thuyết. Ở cuộc chiến không cân sức về thể loại này, Hiền Trang cùng tác phẩm của mình đã đứng riêng một góc trời, không lẫn vào bất kì ai.
Qua từng truyện ngắn, là ẩn hiện “giấc mơ” về Van Gogh, Pythagoras, Dante, Dostoevsky, Victor Hugo, Tchaikovsky, Mozart, Shakespeare, Neruda, Leonardo da Vinci, Kawabata, Paul McCartney… được giăng kết ngẫu nhiên mà logic trong một thế giới phi thực mà như hiển nhiên do tác giả tạo dựng.
Với Giấc mộng lang thang trên cánh đồng cỏ úa, Trang tự tin làm “khoán mười” trên cánh đồng chữ của riêng mình. Mỗi truyện ngắn đều thấp thoáng các cuộc chơi liên văn bản, tự nhiên như thể Trang làm sắp đặt những câu chuyện, đối thoại, độc thoại với, về các tác giả, tác phẩm đã lưu vào não bấy lâu.
Và dẫu là tác giả trẻ, Hiền Trang cho tôi tin vào tiên đề bấy lâu, viết hay thì ngắn dài không quan trọng, thậm chí những truyện ngắn hay còn quý hơn truyện dài, tiểu thuyết, như trường hợp của Raymond Carver, Alice Munro, gần hơn là Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Trần Đức Tiến, Nguyễn Ngọc Tư…
[…]
Nếu như đàn anh, đàn chị Phan Việt, Nhật Phi đi ra từ Giải thưởng Văn học tuổi 20, Nguyễn Thế Hoàng Linh từ Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội. Xuất hiện là ồn ào tạo sóng. Thì tác phẩm đầu tay của Hiền Trang cũng bước ra từ giải thưởng. Nhưng là giải thưởng văn học tư nhân.
Với Hiền Trang, viết là cách để cô lưu giữ những ký ức. Ảnh: NVCC. |
Khổ nỗi, giải thưởng văn học tư nhân ở xứ mình trước giờ thường yểu mệnh, đứt gánh giữa đường. Một số Quỹ hay Công ty sách lập ra giải thưởng, phần để tôn vinh, tìm kiếm tác giả - tác phẩm, phần để truyền thông thương hiệu, nhưng khởi động rầm rộ, chạy đà một hai lần xong là ra đi không kèn không trống. Như giải thưởng thơ Lá Trầu (2007), giải thưởng thơ, văn xuôi Bách Việt (2008 - 2010).
Đến giải thưởng văn học Đoàn Thị Điểm ra đời năm 2014 cũng đi vào “vết lăn trầm” ấy. Tuy nhiên, đọc lại tiểu thuyết Bức tranh cô gái khỏa thân và cây vĩ cầm đỏ của Hiền Trang, một trong ba tác phẩm vào giải, sẽ thấy đây chính là tín hiệu phát đi của cây bút đáng để người đọc đặt niềm tin.
Tin hơn, khi ở tuổi đôi mươi, Trang đã nghĩ suy về chữ đầy khiêm cung mà rất nghề. “Vì muốn ghi nhớ những kí ức, tôi bắt đầu viết. (…) Phàm đã là kí ức, thì đều buồn. Kí ức càng đẹp lại càng buồn. (…) Và viết là để chắp ghép những mảnh vụn vặt của cuộc đời. Để chúng không bị rơi vãi, không bị mai một. Để một ngày nào đó nhìn lại, có thể thấy những năm tháng ấy không phải là huyễn ảo.”
Phải thành thật với nhau, số người đọc nhiều trong giới viết lách ở ta là… không nhiều. Viết theo bản năng. Một số thời trẻ có nạp hăng say rồi không đọc nữa, nói nhiều hơn đọc và viết. Một số chỉ đọc sách được tặng. Kết quả có tuổi vẫn viết đầy bản năng. Hết dẫm lên người khác đến dẫm lên chính mình.
Nói như Phan An, là quẩn quanh trong tổ. Hiền Trang thuộc số ít người trẻ biết tự trang bị tri thức nền dày dặn rồi mới bắt đầu viết, không phải kiểu tay không bắt giặc. Kiến văn của Trang hiển lộ rõ qua các bài báo liên quan đến văn chương, âm nhạc, điện ảnh, hội họa trên Tia Sáng, Tuổi Trẻ, Phụ nữ TP.HCM, An ninh thế giới giữa tháng - cuối tháng. Trang luôn có góc nhìn, chủ kiến riêng. Và tự tin, quyết liệt.
Quá trình nạp đạn, sạc pin của Hiền Trang diễn ra tự nhiên, từ bé. “Những đêm mùa đông, bà tôi vẫn đọc cho tôi nghe Nguyễn Du và Nguyễn Khuyến. Bố tôi cũng là người thích sách vở, tủ sách gia đình tôi có vài nghìn cuốn, đủ mọi chủ đề. Đến lượt mình, có những khoảng thời gian, mỗi ngày tôi đọc một cuốn sách 200 trang và xem một phim điện ảnh. Giống như bị nghiện vậy".
Nếu ai đã đọc Tuổi trẻ lạc lối và những cuốn sách của tôi, sẽ cảm được chia sẻ trên của Hiền Trang. Sách dán nhãn tản văn, nhưng không giống bất cứ cuốn tản văn nào. Đối tượng là các tác giả - tác phẩm văn chương. Nhưng cũng không giống bất cứ tập hợp các bài giới thiệu sách thông thường.
Đó là những cuộc thám hiểm văn chương phập phồng cảm xúc riêng, theo lối thủ thỉ của Hiền Trang, với Hoàng tử bé (Saint - Exupéry), Phố những cửa hiệu u tối & Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối (Patrick Modiano), Kitchen (Banana Yoshimoto), Người tình (Marguerite Duras), Kafka bên bờ biển & Biên niên kí chim vặn giây cót (Haruki Murakami), Hóa thân & Vụ án (Franz Kafka), Bắt trẻ đồng xanh (J.D. Salinger), Người đẹp ngủ mê (Kawabata), Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi (Garcia Marquez), Nhà giả kim (Paulo Coelho)…
21 tác giả - tác phẩm lừng lững hiện lên, làm nên bầu khí quyển văn chương hạng nặng. Hầu hết, những cuốn sách Trang giới thiệu tôi cũng đã đọc. Nhưng Tuổi trẻ lạc lối và những cuốn sách của tôi vẫn lôi cuốn, khiến tôi tò mò.
Bởi đọc, ngoài việc thêm hiểu tác phẩm là hiểu về chính người cảm nhận tác phẩm, một người trẻ đang đến với văn chương, đắm vào văn chương ra sao. Để thấy văn chương, có thể là phù phiếm với người này nhưng lại đầy sức nặng với người kia, có thể chả là gì với sự tồn tại của vũ trụ này nhưng vẫn cần lắm, để góp phần lắng lại, làm sạch sự ô nhiễm trong mỗi con người.
Mới đây, Hiền Trang ra mắt độc giả tập truyện Dưới mái hiên đêm, những khách lạ. Vẫn lối văn đẹp thuần khiết, văn minh. Vẫn giọng văn bén nhạy, giàu hàm lượng tri thức.
Hiền Trang làm cuộc triệu hồi Tố Như, Hàm Nghi, Christopher Columbus, Vincent Van Gogh, Chopin, Ernest M. Hemingway,… về gần hơn với hơi thở đương đại. Nhưng không nệ chính sử. Không sự kiện với không, thời gian quen thuộc. Đó là những cuộc chạm trán trong hư ảo. Bằng quyền năng của người sáng tạo. Trang không giải thiêng hay khẳng định bất cứ điều gì. Chỉ là, vì yêu mà đến, với tiền nhân.
Nếu như đằng sau câu chữ là hình bóng tác giả, người quan tâm đến văn chương thường tò mò luận suy, nhận diện tác giả theo lối đuổi chữ bắt… hình người viết, thì thế giới chữ Hiền Trang trưng ra hẳn sẽ làm khó nhiều người đọc. Bởi cái thực và không thực. Bởi trí tưởng vượt ngưỡng số đông. “Cuộc sống của tôi tạo ra những truyện ngắn đó. Truyện nào cũng không có thật, vì tôi thoát li khỏi cuộc sống tẻ nhạt bằng những giấc mơ hoang đường.” Hiền Trang bảo thế.
Thông thường người viết lấp đầy trang văn bằng trải nghiệm sống. Hiền Trang ở thì hiện tại thuộc về số ít, làm đầy trang văn bằng hiểu biết, kiến thức của mình. Kiểu đọc trăm cuốn sách để viết cuốn sách thứ trăm lẻ một. Nhưng chỉ kiến thức sẽ thành người viết báo salon chứ không thành người văn.
Nhất thiết phải thêm “những giấc mơ hoang đường”. Đó là cuộc hôn phối đẹp giữa kiến thức và tưởng tượng. Không hiểu sao, rất tự nhiên, tôi đinh ninh Trang có dây mơ rể má gì đó với Anne tóc đỏ ở đảo Hoàng tử Edward xứ Canada của Montgomery, một cô bé sống với niềm vui… tưởng tượng không giới hạn của mình.
Trong một lần phát biểu về những người viết trẻ, nhà phê bình Mai Anh Tuấn nhận định: “Đọc trang viết của họ, trước hết, tôi nhận thấy họ khá am tường một lĩnh vực nghệ thuật nào đó ngoài văn chương.
Âm nhạc, điện ảnh hay hội họa, với họ, là những gợi dẫn xúc cảm để không chỉ tạo dựng bối cảnh cho câu chuyện, mà còn để lấy cớ bộc lộ các quan điểm thẩm mĩ theo hướng hiện đại chủ nghĩa của họ. Không nên hồ nghi họ hợm hĩnh khoe chữ mà hãy hình dung họ là những thực thể sinh trưởng trong môi trường đa văn hóa, cho phép họ đến gần với thế giới đa ngôn ngữ bằng nhu cầu xóa mờ các đường biên nghệ thuật.” Theo đó, người đầu tiên trong dàn 9X hiện lên trong tôi là Hiền Trang.
Hiền Trang nhỏ nhẹ và cũng bén nhạy, tri thức như trang văn. Trang nói: “Tôi không biết khóc cho thời cuộc, càng không biết cảm nhận nỗi đau của số phận con người thuộc một thời đại xa lắc xa lơ nào đó, tôi chỉ vật lộn trong máng đời chật hẹp của riêng tôi”.
Nghe qua, ngỡ Trang khiêm tốn nhưng thực ra là sự sòng phẳng, rõ ràng của người sớm ngộ “giới hạn chữ” theo tạng viết của mình. Thật ra, mỗi người viết vật lộn đến nơi đến chốn đời mình, đào sâu mình một cách nghiêm ngắn đều có thể tạo thành tựu không lẫn vào ai. Có cái hay mang tính luận đề, khái quát điều lớn lao. Có cái hay đi vào những điều bé nhỏ, riêng khác.
Số đông vẫn thích đao to búa lớn ôm mộng khái quát. Nhưng cả nền văn học Nhật lại đứng sừng sững, bước ra với thế giới bằng những tác giả biết đào sâu vào chính mình, lớn qua những “máng đời chật hẹp” đó thôi.
Được biết, Hiền Trang vẫn đang “chạy” đều với các trang viết của mình, cả sáng tác, dịch thuật và báo chí. Phía trước Trang còn rất dài, hun hút. Tin là với kiến văn ấy, với những gì đã viết, Trang sẽ tiếp tục gặt hái thêm dấu ấn cùng những giấc mơ hoang đường của mình.