Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Góc nhìn về âm nhạc và văn hóa Việt của một người nước ngoài

Theo TS Stan BH Tan-Tangbau, nghệ sĩ Quyền Văn Minh có tinh thần kiên cường, đức hy sinh vì nghệ thuật, vì lý tưởng - những tính cách đặc trưng của người Việt.

TS Stan BH Tan-Tangbau. Ảnh: Bình Minh.

Tối 1/12, trong cái lạnh đầu đông của miền Bắc, không gian Bình Minh Jazz Club phía sau Nhà hát Lớn Hà Nội trở nên sôi động và ấm áp. Nơi đây, tiến sĩ Stan BH Tan-Tangbau (người Singapore) - tác giả cuốn sách Chơi jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc jazz Hà Nội - cùng nhiều bạn bè thân thiết của "bố già" nhạc jazz Việt hội ngộ.

Họ cùng nhau chia sẻ về cuốn sách mới phát hành và tình yêu với nhạc jazz. TS Stan BH Tan-Tangbau kể về quá trình thực hiện sách và cách ông tìm hiểu âm nhạc, văn hóa Việt.

"Ai làm nghiên cứu về Việt Nam mà không ít nhiều say mê Việt Nam?"

- Tình yêu của ông dành cho Việt Nam bắt nguồn từ đâu?

- Mối quan tâm của tôi với Việt Nam bắt đầu từ những năm sinh viên ở Đại học Quốc gia Singapore, chuyên ngành Đông Nam Á học. Theo học chuyên ngành này, tôi phải chọn một nước để làm chuyên môn và tôi đã chọn Việt Nam. Khi ấy tôi chỉ biết sơ sơ về chiến tranh Việt Nam thôi.

Chỉ làm việc, sinh sống và nghiên cứu tại đây mới hiểu được Việt Nam độc đáo thế nào, tình cảm con người Việt Nam đặc sắc ra sao.

Stan BH Tan-Tangbau

Lần đầu tôi sang Việt Nam là để học tiếng Việt cấp tốc ở TP.HCM, học khoảng 6 tuần rồi về. Khoảng 6 tháng sau tôi quay lại Việt Nam, đi thực địa nghiên cứu dân tộc học khu Đồng bằng sông Cửu Long, ở Đồng Tháp và từ đó đến giờ cứ đi đi về về liên tục.

Tôi nghĩ ai làm nghiên cứu về Việt Nam mà không ít nhiều say mê Việt Nam? Việt Nam có một nét riêng rất hay. Chỉ làm việc, sinh sống và nghiên cứu tại đây mới hiểu được Việt Nam độc đáo thế nào, tình cảm con người Việt Nam đặc sắc ra sao.

- Vậy nhạc jazz Việt, đặc biệt là nhạc jazz của Quyền Văn Minh có phản ánh nét riêng đặc sắc mà ông vừa nhắc tới?

- Quyền Văn Minh, vào thời điểm tôi bắt đầu viết sách, không phải là một nhân vật V.I.P ở Việt Nam. Ông là một người bình thường nhưng biết nắm cơ hội với âm nhạc và dám duy trì, dám hy sinh để phát triển nhạc jazz. Tôi nghĩ đó là một câu chuyện độc đáo và có nét tương đồng với câu chuyện của Việt Nam.

Tôi bắt gặp ở Quyền Văn Minh tinh thần kiên cường, sự gan dạ, đức hy sinh vì nghệ thuật, vì lý tưởng mà tôi nghĩ nhiều người Việt Nam có.

- Theo ông, nhạc jazz Việt có nét riêng gì?

- Cái đó thì tôi cũng không trả lời được, không giải thích được. Chỉ là cảm giác thôi. Đối với người nước ngoài, họ biết jazz Việt rất khác với cái họ nghe ở Mỹ, ở châu Âu… Đối với người Việt, họ sẽ cảm thấy hơi lạ nhưng cũng có gì đó của mình, cái cá tinh rất Việt Nam. Không giải thích được mà tôi nghĩ là cũng không nên giải thích.

Bước đầu viết sách tôi cũng muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi này, nhưng sau đó tôi quyết định dừng lại, không cố giải thích nữa. Như album mới của Quyền Thiện Đắc - Jazz Duyên - ta hoàn toàn không giải thích được. Tôi cũng từng hỏi Đắc bây giờ jazz Việt thay đổi như thế nào, Quyền Thiện Đắc chỉ nói đại ý mình không nên phân tích có nốt này, có thanh âm này mới của Việt Nam, mà chỉ cần tập trung vào cảm giác.

quan diem tac gia anh 1

Sách Chơi jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc jazz Hà Nội. Ảnh: Thanh Trần.

Câu chuyện của một người Việt Nam trong mắt người nước ngoài

- Ấn tượng đầu của ông về nhạc sĩ Quyền Văn Minh như thế nào và sau một thời gian dài quen nghệ sĩ, ấn tượng ấy có thay đổi?

- Với Quyền Văn Minh, lần đầu tôi xem anh diễn là ở Singapore. Khi sang Việt Nam, tôi có cơ hội được xem anh diễn lần nữa ở Jazz club. Lần đầu gặp anh Minh, tôi cứ ngỡ anh là một nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam, là một ngôi sao. Tôi rất xúc động. Lần hai thì gặp trực tiếp và có xin chữ ký tại Jazz club ở Việt Nam.

Tôi chỉ bảo nhân viên là muốn gặp anh Minh để xin chữ ký và mua một chiếc CD. Khoảng 10 phút sau, anh ra quầy nói chuyện một cách rất thân thiện, không hề cho mình cảm giác ông này là một ngôi sao hay nghệ sĩ nổi tiếng. Quyền Văn Minh chuyện trò rất bình dị mặc dù tôi biết rõ ông là một nghệ sĩ đặc biệt.

quan diem tac gia anh 2

Từ trái sang phải: Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, dịch giả Hiền Trang, TS Stan BH Tan-Tangbau và ông Quyền Văn Minh. Ảnh: M.H.

Sau đó, tôi đề xuất dự án viết sách với Quyền Văn Minh. Cuối cùng cũng thuyết phục được, thế là cứ ban ngày, hai anh em nói chuyện hàng giờ, buổi tối thì chỉ nhìn nhau, uống rượu và nghe nhạc.

Tôi có cảm giác không chỉ tôi biết nhiều hơn về Quyền Văn Minh mà "ông này" cũng biết nhiều thứ về mình rồi (cười). Có thể nói, tôi từ một fan hâm mộ đã trở thành bạn hữu với Quyền Văn Minh. Nhưng tôi vẫn luôn nghĩ Quyền Văn Minh là một ngôi sao âm nhạc và cảm thấy rất vinh dự được ông coi như bạn bè, như anh em.

- Với thời gian viết sách dàn trải nhiều năm, ông làm việc với nghệ sĩ Quyền Văn Minh trực tiếp hay trực tuyến?

- Tôi làm việc với anh Minh trực tiếp. Anh bảo mình muốn làm thì hãy bố trí thời gian qua Việt Nam. Chúng tôi không thực sự phỏng vấn, mà chúng tôi tiếp cận theo phương pháp nhân học, chỉ trò chuyện với nhau là chính, cái kiểu ở Việt Nam mình gọi là “tâm sự” ấy.

Đôi khi có ghi âm, nhưng mà cũng nhiều lúc không ghi âm. Cái nào ghi âm thì tôi thường bố trí trước rồi bảo anh Minh: “Hôm nay mình sẽ ghi âm về cái câu chuyện này, anh cứ ngẫu hứng nói tự do, nói thế nào thì nói”.

Trong vòng 3-4 tiếng đồng hồ, tôi chỉ đặt có 3 câu hỏi, còn lại là anh Minh kể. Mỗi năm tôi sang đây khoảng 1 tháng để làm việc với anh Minh. Khi nào bận lắm thì cũng cố gắng về 1-2 tuần, vì đồng thời tôi cũng có những dự án khác.

- Từ thời điểm nào mà ông quyết định thay đổi từ viết hồi ký sang một kiểu viết đặc biệt như vậy?

- Đáng lẽ là sau 2-3 năm, tôi gom đủ tư liệu để viết rồi. Nhưng tôi nghĩ để viết về một huyền thoại như thế thì không nên vội, cứ làm từ từ.

Tôi nghĩ rằng nếu viết theo kiểu hồi ký, tự sự thì chỉ có người Việt hiểu thôi, nhưng mà họ cũng sẽ không hiểu được cái cách nhạc jazz hình thành ở Việt Nam đặt trong chuyển động của thế giới như thế nào. Nếu chỉ viết theo hướng nghiên cứu, phân tích nhạc jazz ở Việt Nam mà không đưa câu chuyện của anh Minh vào thì độc giả nước ngoài sẽ cảm thấy đấy là một cái gì đó rất bình thường, không có gì đặc biệt, mà cá nhân tôi cũng muốn viết về những hy sinh, nỗ lực của anh Minh.

Tôi mới mày mò ra phương án làm thế nào để ghép cả 2 phương diện vào cuốn sách.

Đó không phải một việc dễ làm. Vậy là tôi thí nghiệm trước 1-2 chương. Tôi viết xong một chương liền gửi cho một tạp chí khoa học ở nước ngoài. Họ nhận xét kiểu viết ấy hay và cho đăng một bài trước.

Tôi mới viết tiếp một chương nữa, vẫn để thử xem có theo tiếp được kiểu viết này không. Viết xong thì tôi gửi cho một tạp chí chuyên nghiên cứu về nhạc jazz trên thế giới. Họ cũng rất thích và đăng ngay. Đến lúc này thì tôi bắt đầu vào mạch và viết rất nhanh. Mất khoảng 9 tháng thì viết xong cuốn sách.

- Theo ông tự nhận định, góc nhìn về Việt Nam của một người nước ngoài có điểm gì mới?

- Tôi không dám nói là tôi có nhìn được gì đặc biệt. Chỉ mạn phép chia sẻ là có thể với nhiều người Việt, những gì họ biết là những “nghe nói”, những câu chuyện của bố mẹ, cô chú, của thế hệ trước.

Tôi, một nhà nghiên cứu người nước ngoài, sẽ tìm cách phân tích, bóc tách câu chuyện của giai đoạn mới để thế hệ này và thế hệ sau biết một người Việt đã trải qua khó khăn bằng sự can trường như thế nào. Tôi nghĩ có thể chia sẻ góc nhìn của riêng tôi như vậy.

- Ông có nghĩ cuốn sách của mình giúp nhạc jazz phổ biến hơn ở Việt Nam?

- Tôi nghĩ nhạc jazz phát triển ở Việt Nam không phải vì cuốn sách mà vì Quyền Văn Minh. Bản thân anh Minh đã làm được điều đó rồi. Giờ câu hỏi là thế hệ sau làm thế nào để phát triển jazz một cách bền vững hơn thôi, làm thế nào để khán giả Việt Nam không cảm thấy nhạc jazz là nhạc nước ngoài, mà đơn giản là âm nhạc của nghệ thuật, của con người nói chung.

Giống như nhạc cổ điển, xưa cũng bị coi là nhạc Tây nhưng lâu rồi không ai nói như thế nữa, bây giờ nhạc jazz cũng đang trên đường làm được điều đó.

Chuyện đời Quyền Văn Minh và chuyện jazz ở Việt Nam

Từ chuyện đời của nghệ sĩ Quyền Văn Minh - người tận hiến cho việc phát triển jazz Việt Nam, sách thuật lại sống động cách mà nhạc jazz được nghe, được học và biểu diễn ở Việt Nam.

Hành trình từ cậu bé học qua radio đến 'bố già' của nhạc jazz Việt

Sách ghi lại cuộc đời nghệ sĩ Quyền Văn Minh và hành trình khai sinh ra bộ môn nhạc jazz ở Việt Nam, với nhiều khó khăn và niềm vui của những con người sống hết mình vì đam mê.

Minh Hùng

Bạn có thể quan tâm