Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện đời Quyền Văn Minh và chuyện jazz ở Việt Nam

Từ chuyện đời của nghệ sĩ Quyền Văn Minh - người tận hiến cho việc phát triển jazz Việt Nam, sách thuật lại sống động cách mà nhạc jazz được nghe, được học và biểu diễn ở Việt Nam.

Sách "Chơi jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc jazz Hà Nội". Ảnh: O.P.

Jazz - thể loại âm nhạc bắt nguồn từ cộng đồng người châu Phi ở Mỹ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, đã lan ra khắp thế giới và hiện diện ở mọi nền âm nhạc quốc gia.

Ở Việt Nam, jazz cũng có rất nhiều câu chuyện riêng, kiến thức “nhập môn” riêng để khám phá, như người Việt chơi jazz ở Việt Nam là ai? Họ học chơi jazz ở đâu, bằng cách nào? Có thật là họ “chơi jazz” không?... Những câu hỏi này sẽ được giải đáp trong sách Chơi jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc jazz Hà Nội vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Omega Plus ấn hành.

Phần lớn những câu chuyện trong cuốn sách được tác giả Stan BH Tan-TangBau tập hợp vào năm 2009 và từ năm 2012 đến 2016. Trong quá trình thực hiện dự án này, nghệ sĩ Quyền Văn Minh - nghệ sĩ tiên phong nhạc jazz ở Việt Nam đã chuyển cho Stan tất cả bài báo, tạp chí, tài liệu và bất cứ kỷ vật nào ông còn giữ được trong những năm tháng của cuộc đời âm nhạc.

Nội dung cuốn sách như góp nhặt từ những lần ngồi tâm tình, hàn huyên giữa hai người bạn đáng tin cậy, để từ chuyện đời mà nghe ra chuyện nhạc, chuyện jazz. Mỗi câu chuyện trong sách không chỉ là trải nghiệm sống của cá nhân mà qua đó còn phản ánh âm quyển trong bối cảnh chính trị, xã hội Việt Nam ở các giai đoạn khác nhau. Bởi vậy, ngoài khía cạnh âm nhạc, cuốn sách cũng được coi như nguồn tư liệu về chủ đề nhân học, xã hội học rất đáng tham khảo.

Bản nhạc số 1 bắt đầu với tuyên ngôn rằng jazz là một phần chính thức của âm quyển chính thống Việt Nam. Bản nhạc số 2 giới thiệu cột trụ của jazz ở Hà Nội, Bình Minh Jazz Club. Bản nhạc số 3 mang đến bối cảnh lịch sử mà nghệ sĩ Quyền Văn Minh sinh ra và lớn lên. Bản nhạc số 4 mang đến ngữ cảnh rộng hơn của jazz ở Đông Âu để giúp đưa ra đánh giá về sự giao nhau giữa văn hóa nghệ thuật và chính trị trong các chế độ xã hội chủ nghĩa suốt thời Chiến tranh Lạnh.

Bản nhạc số 5 kể về duyên gặp gỡ thứ hai và thứ ba giữa nghệ sĩ Quyền Văn Minh với nhạc jazz vào thập niên 1970. Bản nhạc số 6 kể về sự trở lại của nghệ sĩ Quyền Văn Minh với nền âm nhạc chuyên nghiệp vào cuối thập niên 1970, dẫn đến chuyến đi định mệnh tới Đông Berlin, điều củng cố quyết tâm chơi jazz của ông ở Việt Nam.

Bản nhạc số 7 hé lộ những câu chuyện hậu trường về việc Quyền Văn Minh giới thiệu nhạc jazz tại Việt Nam vào năm 1988 và 1989. Bản nhạc số 8 là một tường thuật chi tiết về buổi hòa nhạc của Quyền Văn Minh ở Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 12/4/1994, nơi công diễn ba sáng tác jazz nguyên bản của chính Quyền Văn Minh, đánh dấu sự khai sinh của jazz Việt. Bản nhạc số 9 kể câu chuyện của Quyền Văn Minh khi là một giáo viên saxophone và jazz.

Sach ve nhac jazz Viet anh 1

Một góc Bình Minh Jazz Club tại Hà Nội.

Bản nhạc số 10 đưa ra một vài motif quen thuộc có thể nhận dạng trong sự phát triển của jazz ở châu Á, và có liên quan đến việc đánh giá đúng về nhạc jazz ở Việt Nam. Bản nhạc số 11 xem xét những sáng tác jazz của Quyền Văn Minh cũng như những album ông đã thu âm như một nghệ sĩ jazz và một tay kèn saxophone.

“Nếu tôi có thể mang lại điều gì đó tốt đẹp cho xã hội với âm nhạc của mình, tôi sẽ làm như thế. Tôi tin rằng âm nhạc của tôi cũng sẽ luôn trả lại tôi điều gì đó tốt đẹp”.

Nghệ sĩ Quyền Văn Minh

Bản nhạc số 12 về cơ bản là một độc thoại của Quyền Văn Minh về cách ông nhìn nhận jazz club của mình như một nơi chốn để những nhạc công có thể học chơi jazz, bồi đắp sự tự tin để phát triển giọng điệu riêng và đắm mình trong đam mê jazz. Bản nhạc số 13 tạm thời tóm tắt tình trạng nhạc jazz ở Việt Nam trong thế song hành với cuộc đời Quyền Văn Minh.

Chơi jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc jazz Hà Nội đã đặt câu chuyện cá nhân của một nhạc sĩ ở trung tâm để thuật lại sống động câu chuyện về nhạc jazz. Những nỗ lực của ông đã tạo uy tín cho những cố gắng của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, để cuối cùng đưa nhạc jazz thành một ngành học lấy chứng chỉ trung cấp, rồi lấy bằng cử nhân trong chương trình giáo dục âm nhạc chuyên nghiệp.

“Tôi có một giấc mơ, một giấc mơ chơi jazz ở Việt Nam. Vì jazz, tôi đã gặp nhiều gian khó. Vì jazz, tôi đã nhận nhiều hạnh phúc và vui thú. Giờ tôi đã nghỉ hưu ở nhạc viện. Đó là công việc của tôi với đất nước. Nhưng công việc của tôi với cây saxophone thì không bao giờ ngừng lại”, trích tự sự của nghệ sĩ Quyền Văn Minh trong cuốn sách.

Sách về thiên tài âm nhạc Chopin

"Fryderyk Chopin: Cuộc đời và thời đại" được xem là cuốn tiểu sử toàn diện nhất về nhà soạn nhạc người Ba Lan vĩ đại cho đến hiện nay.

Chuyện của nhạc sĩ thiên tài Beethoven

Nhà soạn nhạc cổ điển người Đức gần như không thể nghe thấy gì từ năm 28 tuổi. Trong thế giới thiếu vắng âm thanh ấy, ông tìm đến âm nhạc.

https://daibieunhandan.vn/van-hoa/chuyen-doi-quyen-van-minh-va-chuyen-jazz-o-viet-nam-i306881/

Hà Linh Ngọc / Đại biểu nhân dân

Bạn có thể quan tâm