Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Hành trình từ cậu bé học qua radio đến 'bố già' của nhạc jazz Việt

Sách ghi lại cuộc đời nghệ sĩ Quyền Văn Minh và hành trình khai sinh ra bộ môn nhạc jazz ở Việt Nam, với nhiều khó khăn và niềm vui của những con người sống hết mình vì đam mê.

Quyen Van Minh anh 1

Nghệ sĩ Quyền Văn Minh được biết đến là người gắn liền với sự phát triển của nhạc jazz ở Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Quyền Văn Minh (sinh năm 1954) được xem là “Bố già” của nhạc jazz Việt Nam. Ông không chỉ là nghệ sĩ saxophone jazz, giảng viên đầu tiên của bộ môn saxophone tại Học viện Âm nhạc Quốc gia danh tiếng, mà còn là một trong những nhạc sĩ jazz ưu tú.

Chơi jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc jazz Hà Nội là cuốn sách kể lại cuộc hành trình tạo nên nền nhạc jazz ở Việt Nam, trong đó nổi bật lên câu chuyện cuộc đời của nghệ sĩ Quyền Văn Minh – người đã tận hiến đời mình cho việc phát triển jazz ở mảnh đất quê hương, để thuật lại sống động cách mà nhạc jazz được nghe, được học và được biểu diễn ở nơi này.

“Nghe cũng là một cách học”

- Ông bắt đầu học nhạc như thế nào?

- Người có ảnh hưởng và quan trọng nhất với tôi chính là mẹ tôi. Bà thấy tôi muốn chơi kèn, nhưng điều kiện lúc đó không thể cho tôi theo học ở trường âm nhạc. Khi đó mẹ mới nói với tôi một câu rằng: “Nghe cũng là một cách học".

Sau này đọc nhiều sách tôi cũng hiểu được điều đó, bởi rất nhiều nghệ sĩ vĩ đại của thập niên 20, khi chế độ nô lệ được giải phóng thì họ cũng nghe để chơi chứ không phải học ở trường nhạc. Khi mẹ tôi nói thế thì tôi cũng nghe qua đài truyền thanh, nghe qua radio của Việt Nam, những bản nhạc cách mạng, đang hiện hành trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước ấy, kể cả những bản nhạc của Nga, của Trung Quốc, rồi bắt chước theo.

- Điều gì đưa ông đến với nhạc jazz và khiến ông muốn dành cả đời mình cho jazz?

- Hồi nhỏ, âm nhạc cổ điển thường được phát ở loa công cộng ngoài vườn hoa, tôi ra đấy nghe để học rồi về tập chơi với nhạc cụ của mình. Tôi nghe rất nhiều rồi, nhưng ước mơ của con người thì rất lớn và tôi cần nghe nhiều hơn nữa. Tôi đã nghĩ rằng radio của Việt Nam có nhạc thì radio quốc tế cũng phải có nhạc.

Quyen Van Minh anh 2

Quyền Văn Minh chơi guita ở tầng thượng của gia đình. Ảnh: NVCC.

Năm 14 tuổi, sau khi học xong buổi tối, tôi dò radio ở nhà đến một chương trình âm nhạc. Tôi khi đó không biết đó là nhạc jazz, cũng không biết ngoại ngữ gì cả, chỉ nghe nhạc thôi. Nghe hấp dẫn quá, tôi đã tự nhủ với bản thân rằng: “Mình phải chơi được loại này, và khi mình chơi được loại nhạc này thì mình không sợ cái gì nữa".

Là một nghệ sĩ chơi nhạc, tất nhiên khi không được học bài bản thì tôi cũng có những tự ti, vì nghĩ mình không có kiến thức bằng họ. Thế nhưng nếu như mình có một kiến thức mới, một dòng âm nhạc mà mình chứng minh được rằng nó hay và mình có thể chơi nó, thì điều ấy rất đặc biệt, và tôi nguyện là sẽ chơi. Đó là một cái duyên để được chơi nhạc jazz. Kể từ ngày đó âm nhạc jazz luôn xuất hiện trong đầu tôi.

- Ông đã tự học bằng cách nào trước khi trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp?

- Lúc nhỏ tôi nghe radio rồi tự chơi ở nhà. Đến thời kỳ nghiên cứu sinh ở nước ngoài mang những đĩa nhạc ở Nga, ở Tiệp, Cộng hòa Dân chủ Đức trở về, trong đó có nhạc jazz, và tôi được nghe thêm ở đó.

Năm 1976, tôi mua được một băng catxet ở Sài Gòn, tôi lại ngồi ghi lại và tập chơi. Đó là những tài liệu đầu tiên để tôi chơi jazz. Sau này bằng quan hệ rộng hơn, tôi nhờ bạn bè quốc tế đem sách cho mượn chép. Trong lúc họ biểu diễn thì tôi ngồi chép, chép được bao nhiêu thì chép, rồi dùng những tài liệu đó để học tập.

Bây giờ khác nhiều rồi, tài liệu của học sinh đã rất nhiều, từ những người thầy như tôi sưu tập được, tư liệu khi Quyền Thiện Đắc đi học ở Trường Berklee, Mỹ, chưa kể ở trên mạng, tự đặt mua sách từ nước ngoài về.

Tôi nghĩ từ một chặng đường dài như thế, hơn 50 năm, tôi tự hào khi có một cuốn sách để nó nhắc lại thời kỳ gian khổ của mình. Và đến bây giờ mình vẫn duy trì được, vẫn phát triển nhạc Jazz bằng cách nỗ lực cùng những thế hệ sau.

Phần thưởng sau hơn 50 năm của người học trò đơn độc

- Xin hỏi ông đã gặp TS Stan BH Tan-Tangbau và bắt đầu viết cuốn sách như thế nào?

- Stan là một người nước ngoài sang học tiếng Việt ở Việt Nam. Khoảng năm 2001 Stan gặp tôi và trở thành một người khách thường xuyên của Bình Minh Jazz Club.

Đến một hôm thì anh ấy hỏi tôi có định viết hồi ký không. Tôi trả lời cũng muốn viết lắm, viết để đúc kết một chặng đường phấn đấu với nhạc jazz. Thế nhưng tự mình viết cho mình khi đó thì nhạc jazz vẫn chưa phải là điểm thành công, nên cũng ngại. Nghe vậy, Stan nói: “Vậy thì em viết nhé, em sẽ phỏng vấn anh". Tôi rất vui vì Stan là người quan tâm đến nhạc jazz.

Để viết được cuốn sách này là sự kiên trì của hai bên, đặc biệt là Stan bởi anh ấy còn là một giáo sư khá bận rộn. Nhưng cứ lần nào đến Hà Nội là lại hẹn nhau đến nhà tôi, ngồi phỏng vấn, ghi âm, sưu tầm các tài liệu.

Khi Stan nói cuốn sách đã hoàn thành rồi thì đã hơn 10 năm. Có thể nói đây là một chặng đường dài, vì vậy cuốn sách cũng là món quà vô cùng đặc biệt đối với tôi và hành trình cùng nhạc jazz, cũng là động lực để các nghệ sĩ nhạc jazz cố gắng hơn nữa và tôi rất biết ơn Stan về điều đó.

Quyen Van Minh anh 3

Tác phẩm Chơi jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc jazz Việt Nam của Stan BH Tan-Tangbau. Ảnh: Thanh Trần

- Trong quá trình thực hiện cuốn sách này, có kỷ niệm đáng nhớ nào ông muốn chia sẻ?

- Trong quá trình xem lại tài liệu, các đĩa CD để đưa cho Stan viết sách, chúng tôi cũng có dịp ôn lại những kỷ niệm. Đôi khi nghe lại một bản nhạc cũ, cảm thấy có nhiều cái được, cũng có nhiều cái ngô nghê thời đó. Trình độ của các em bây giờ tốt hơn rất nhiều, nhưng nhớ lại vào thời chưa có gì, tôi cảm thấy lúc đó được như vậy là tốt rồi.

- Ông nghĩ độc giả sẽ tìm được gì khi đọc cuốn sách này?

- Qua các phương tiện truyền thông, có lẽ những người theo dõi âm nhạc đã biết đến Quyền Văn Minh và nhạc jazz như là một sự gắn bó keo sơn.

Với cuốn sách này, độc giả sẽ hiểu rõ hơn về cuộc đời, hành trình này. Trong đó có cả sự phấn đấu, rất nhiều khó khăn và cả niềm vui của tôi khi được giao tiếp, được biểu diễn với các bạn quốc tế, có một tiếng nói chung để phát triển nhạc jazz trên thế giới và đặc biệt ở Việt Nam, nơi nó là một môn nghệ thuật rất mới.

- Cuốn sách đã được xuất bản bằng tiếng Anh trước vào năm 2021, nay mới được dịch và phát hành ở Việt Nam, ông cảm thấy thế nào khi được cầm trên tay ấn bản tiếng Việt này?

- Khi sách được xuất bản bằng tiếng Anh cho những người nước ngoài đọc, với tôi đó là điều rất thú vị. Thế nhưng bản thân tôi chơi jazz, vẫn muốn lan tỏa jazz đến với người Việt Nam, chứ tôi không muốn tất cả nghệ sĩ của tôi chỉ là người phục vụ cho nhu cầu thưởng thức của người nước ngoài.

Tôi thậm chí còn từ chối chơi ở những khách sạn 5 sao cho khách nước ngoài dù nó khá nhàn hạ và không phải lo về kinh tế. Tôi muốn có một sân khấu cho người Việt nghe nhạc jazz. Cho nên khi cuốn sách ra mắt bằng tiếng Việt, bằng câu chữ, lan tỏa đến những người Việt quan tâm nhạc jazz, thì tôi nghĩ nó có giá trị rất lớn đối với sự phát triển nhạc jazz Việt Nam và đối với tâm tư của tôi.

- Ông có một CLB jazz nơi mọi người có thể đến để nghe jazz, học jazz và hiểu về jazz. Với cuốn sách này thì jazz đến với công chúng không phải bằng tai mà là bằng mắt, ông nghĩ sao về sự khác biệt này?

- Có sự khác biệt nhưng chúng liên quan đến nhau. Khi muốn người khác hiểu về nhạc jazz, ta cần có những buổi biểu diễn nhạc jazz biểu diễn hàng đêm, với rất nhiều gương mặt.

Còn cuốn sách là sự tổng kết một chặng đường của jazz Việt Nam, để rồi những nghệ sĩ trẻ tiếp theo, những thế hệ học sinh, sinh viên mới ra trường có thể tìm đến Jazz club như một nơi dành cho đam mê và biểu diễn của họ.

Có thể sau này sẽ có những cuốn sách khác, những tác giả khác, nhưng với tôi cuốn sách đầu tiên này cũng là một tổng kết rất lớn về cuộc đời Quyền Văn Minh từ những ngày đầu chơi jazz. Tôi hy vọng khi các nghệ sĩ trẻ khi đọc nó, họ sẽ cảm thấy có niềm tin hơn, bởi thời điểm tôi chơi nhạc khó khăn hơn họ rất nhiều.

“Hãy thực sự đam mê và hãy trả giá lao động cho đam mê đó”

- Theo ông, điều gì ở nhạc jazz hấp dẫn thính giả và các nghệ sĩ trẻ Việt Nam?

- Về mặt lý thuyết thì nhạc jazz luôn luôn hấp dẫn người nghe và cả những người tìm hiểu nhạc jazz. Ngoài ra, nhạc Jazz còn đặc biệt hấp dẫn đối với những người chơi nhạc, bởi để chơi jazz, họ phải luôn cố gắng đi tìm những cái mới trong bản thân.

Một nét đặc trưng của nhạc jazz đó là chơi theo kiểu ngẫu hứng, luôn luôn thay đổi tùy theo người nghe, nơi biểu diễn, cảm xúc của nghệ sĩ khi đó. Họ có thể chơi một bản nhạc rất cũ, rất lâu rồi, nhưng mỗi một ngày họ lại tìm ra những ngẫu hứng để mang lại một cảm giác mới.

Để đưa nhạc jazz đến với thính giả Việt, chúng tôi còn đưa những bài hát dân gian Việt Nam thành nhạc jazz, từ những thang âm rất gần gũi ấy, khán giả vừa nghe vào thấy những câu từ quen thuộc, vừa thấy được trong đó có âm nhạc ngẫu hứng của nghệ sĩ. Từ đó, họ có thể thưởng thức được nhiều màu sắc ở trong bản nhạc.

Quyen Van Minh anh 4

Bình Minh Jazz Club là nơi ươm mầm và sân khấu nhỏ cho các nghệ sĩ jazz trẻ, được thành lập bởi Quyền Văn Minh. Ảnh: NVCC.

- Cho đến hiện tại, ông nghĩ sao về chặng đường đã qua của jazz ở Việt Nam?

Khi mà mở ra môn nhạc jazz ở Việt Nam, tôi đã nghĩ nó sẽ thành công. Nhưng để đi tiếp nguồn cảm hứng đó, cần đào luyện, dàn dựng những thế hệ sau trở thành những nhạc jazz chuyên nghiệp. Lúc Bình Minh Jazz Club hoạt động, tôi cảm thấy đó là một thành công.

Cho nên cuốn sách này cũng như một phần thưởng cho tôi, nó song hành cùng với hoạt động 25 năm hoạt động nhạc Jazz của Bình Minh Jazz Club, cứ có ánh đèn là có hoạt động nhạc Jazz. Với sân khấu này, và với cuốn sách này, tôi nghĩ mọi người sẽ hiểu hơn về hành trình nhạc jazz, từ đó con đường để nhạc jazz đến thành công sẽ ngắn hơi và mọi người sẽ có một niềm tin, có sự phấn khích khi đã theo đuổi một dòng nhạc rất khó và rất mới ở Việt Nam.

- Mục tiêu hiện tại của ông là gì?

- Hiện tại tôi cố gắng gìn giữ sức khỏe để tiếp tục biểu diễn cho đến khi nào không thể biểu diễn nữa thì thôi. Ở trên thế giới có rất nhiều gương nghệ sĩ 80, 90 tuổi vẫn chơi ở một đẳng cấp rất cao, đó là những tấm gương để tôi noi theo. Vì thế, tôi vẫn giảng dạy và biểu diễn, hầu như ngày nào tôi cũng làm việc với chiếc kèn, ngày nào tôi cũng làm việc với âm nhạc. Tôi cho rằng đó là một phương pháp để duy trì sức bền chuyên môn để mình tiếp tục nuôi đam mê.

- Ông có lời nhắn gì đến những người trẻ, những người đang bắt đầu theo đuổi ước mơ?

- Tôi chỉ muốn khuyên các bạn là hãy thực sự đam mê và hãy trả giá lao động cho đam mê đó thì các bạn sẽ tìm được chân lý để chơi jazz cũng như bất kỳ bộ môn nào khác. Khi chưa biết bắt đầu bằng cách nào, bạn nên bắt đầu để nghe. Hãy thích một bản nhạc nào đó, ghi nó ra, như tôi đã từng làm, bởi trong lúc ghi chính là lúc học. Ghi lại, tập chơi trên bản ghi đó, rồi nghe lại, rồi lại chơi… thật ra học âm nhạc chuyên nghiệp cũng dựa theo vòng quay đó.

Đương nhiên, nếu như bạn có biết những người chơi trước, những người chơi jazz chuyên nghiệp, thì đừng bao giờ ngại liên lạc. Bởi những người đi trước luôn biết việc bắt đầu gian khổ thế nào và vì vậy luôn sẵn sàng chia sẻ với người mới.

Hơi thở thế kỷ 20 trong cuốn sách về The Beatles

Có hàng nghìn cuốn sách viết về The Beatles, nhưng "Shout!" luôn được người yêu nhạc lựa chọn. Đó không chỉ là câu chuyện về một ban nhạc huyền thoại, mà còn tái hiện một thời đại.

Triết lý về âm nhạc hiện đại của Bob Dylan

Nhạc sĩ Bob Dylan chia sẻ quan điểm về 66 bài hát yêu thích của ông trong cuốn sách "The philosophy of modern song".

Thanh Trần

Bạn có thể quan tâm