Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người ôm mỏ chữ nằm mộng những chân trời

Nguyễn Thiên Ngân viết văn và được biết tới trên văn đàn từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhiều năm qua, cô vẫn say sưa với chữ nghĩa và luôn tìm nỗ lực khai phá bản thân.

[…]

17 tuổi. Cô bé Nguyễn Thiên Ngân. Lúc này đang học lớp 12. Đã có tập truyện đầu tay Những phố dài ướt mưa in ở tủ sách Tuổi mới lớn của Nhà xuất bản Kim Đồng. Cũng ở tuổi bẻ gãy sừng trâu đó, Ngân ngơ ngác về Sài Gòn nhận giải Nhất truyện ngắn, cuộc thi sáng tác Chân dung Tuổi mới lớn trên báo Mực Tím, làm xôn xao ngôi Trường THPT Chuyên Nguyễn Du ở Buôn Ma Thuột.

Sau hôm nhận giải, sự xôn xao được đẩy lên cao hơn, lan ra rộng hơn, khi Nguyễn Thiên Ngân trèo luôn lên báo Tuổi Trẻ, phát đi tín hiệu mới, như là mầm non văn chương của phố núi. Dường như điều này được chờ đợi mong ngóng từ lâu.

Cao nguyên mênh mông rộng lớn khoáng đạt cho tâm trí tung bay mà bao năm văn chương vẫn lập lòe như đom đóm. Những tác phẩm ấn tượng về miền đất đỏ bazan chan cùng nắng gió đa số gọi tên người từ xuôi lên. Rừng dần thưa, không còn kín mít nữa, kinh tế phất lên, nhưng lúc này mới lộ "người văn".

Lan duong theo bong anh 1

Nguyễn Thiên Ngân là tác giả được biết đến trên văn đàn từ khi còn rất trẻ. Ảnh: CAND.

Rồi rất nhanh, từ phổ thông Nguyễn Thiên Ngân vào giảng đường đại học. Hòa với nhịp sống, nhịp chữ Sài Gòn. Ngân không mất hút như một số giải Nhất ở các cuộc thi, nhất là thi sáng tác ở lứa tuổi học sinh- sinh viên, kiểu trúng quả từ câu chuyện, kí ức cá nhân, viết ra ẵm giải hết vốn rồi thôi. Tần suất hiện diện của Ngân trên các báo Mực Tím, Áo Trắng cùng nhiều tờ báo khác ngày càng dày hơn.

Từ trang báo vào trang sách, hầu như năm nào Nguyễn Thiên Ngân cũng có một tập truyện mới, đều đặn, nhịp nhàng, như đến hẹn lại lên, như tháng ba là cao nguyên trắng xóa thanh khiết hoa cà phê. Sau Những phố dài ướt mưa (2005) là Hai chiếc xe khóa chặt vào nhau (2006), Cặp vòng mây (2007), Ngôi nhà mặt trời (2008). Có thể nói Ngân là người khởi động sớm, giữ được mạch chữ, viết đều tay nhất so với bạn văn cùng thời.

Vẫn trong mạch mỗi năm một cuốn sách, năm tư đại học Nguyễn Thiên Ngân ra mắt truyện dài Đường còn dài, còn dài… Cậu chàng sinh viên ngành văn chương viết lách nhì nhằng, quyết định nghỉ học ngang hông, làm chuyến xuyên Việt đầy ngẫu hứng với lão bạn già lập trình viên sau vài câu nhát gừng.

[…]

Từ Sài Gòn ngược Buôn Ma Thuột, xuống Vũng Rô, kết nạp thêm chàng Tây ba lô lỡ đường khi ngang qua Sa Huỳnh, rồi cả ba ra Hội An. Đến Hà Nội thì mạnh ai nấy đi. Nhân vật chính tiếp tục khám phá Hạ Long, Tây Bắc, Đông Bắc trước khi về nhà ăn Tết trong tư thế sinh viên, để sau Tết lên Đà Lạt xin làm phục vụ quán cà phê rồi mới về lại Sài Gòn.

Hành trình diễn ra trong chín tháng. Nhưng thực tế câu chuyện “rất dài và rất xa”, bởi có kí ức tuổi thơ, gia đình, tình bạn, tình yêu, thậm chí cả va chạm giới tính đầu đời, có văn chương, âm nhạc, các bài học thích ứng với cuộc sống. Tất cả những nghĩ suy, quan tâm và va đập, là hành trình nhận diện bản thân của người trẻ được Nguyễn Thiên Ngân phơi tỏa bằng giọng văn nhẹ nhàng, khoáng hoạt, tự nhiên như một giấc mơ.

Lẽ dĩ nhiên, giờ nhắc lại Đường còn dài, còn dài… Nguyễn Thiên Ngân sẽ nói ở đó có những ngây ngô. Nhưng tôi nghĩ cuốn sách này đánh dấu bước chuyển của Ngân. Nó vừa vặn cho tuổi trẻ chúng tôi hồi đó, và kể cả tuổi trẻ bây giờ. Hơn nữa, tôi thích từ cái tựa thích đi. Sau Lối đi ngay dưới chân mình của Nguyễn Lê My Hoàn, là Đường còn dài, còn dài… của Nguyễn Thiên Ngân, tên sách có thể đứng độc lập thành câu “thần chú” giúp người ta lấy lại tinh thần, khi rơi vào trạng thái mất phương hướng, loay hoay trước khó khăn bế tắc...

Nối tiếp mạch Đường còn dài còn dài…, ở tuổi 22, Nguyễn Thiên Ngân có tiểu thuyết Những chuyển điệu, giải Tư Văn học tuổi 20 lần IV, nhận được nhiều thiện cảm từ nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: “… Nhẹ nhàng, mộng mơ, cả đến những dằn vặt, ưu tư, và đau khổ nữa, cũng đều mang vị man mác, bất định. (…) Đọc nó dễ thấy mình sống lại những đoạn đời đã qua.”

Cùng thế hệ 8X, Nguyễn Thiên Ngân ít hơn tôi vài tuổi nhưng lại xuất phát trước tôi vài năm. Thuở chập chững viết, giữa đông đảo các cây bút, tôi ấn tượng pha chút ghen tị với Nguyễn Thiên Ngân và Yến Linh. Nếu như văn Yến Linh hơi nặng đầu, u uất, kiểu chưa kịp trẻ đã phải làm người già, thì Nguyễn Thiên Ngân ngược lại, năng lượng tươi trẻ, tích cực phả ra nhiều hơn. Tôi phục văn của Yến Linh và thích văn của Nguyễn Thiên Ngân.

Tốt nghiệp đại học, Nguyễn Thiên Ngân thích ứng nhanh với đời sống văn phòng. Học chuyên ngành Văn học, với khả năng làm chủ con chữ, Ngân bước vào nghề thời thượng nhưng cũng đầy áp lực, là Copywriter. Cùng là viết, nhưng viết quảng cáo và viết văn xa nhau như thượng nguồn và cửa biển. Không thể đem văn chương ra dụ người ta mua hàng. Nhưng biết sử dụng chữ luôn là lợi thế. Trước khi ngã sang thơ, Nguyễn Thiên Ngân còn kịp có thêm các tập truyện Kỳ nghỉ của mỗi người (2011) và Ngày của hoa hướng dương (2013).

[…]

Không bi lụy. Không tô hồng viễn ảo. Đơn giản, chữ của Nguyễn Thiên Ngân dựng lên khuôn mặt, hình vóc của người trẻ. Người trẻ đô thị. Người trẻ hội nhập. Nên được đón nhận. Cứ thế, Ngân viết năng suất, có độc giả riêng. Không đao to búa lớn.

Đến đây thì tôi nhớ chi tiết Nguyễn Thiên Ngân từng kể trong một lần đi Paris. Ở đó có hiệu sách Shakespeare & Company mà trong Hội hè miên man Ernest Hemingway từng nhắc. Cho đến giờ, người ôm mộng văn chương vẫn đến đây nương náu khi tới Paris. Ban ngày họ phục vụ ở hiệu sách, rảnh chút thì viết. Đêm xuống tranh thủ kiếm thêm bằng chơi nhạc trên vỉa hè ngay đó. Họ vật lộn để tồn tại, cho đam mê.

Tôi lại tin mỗi người viết đều có “căn chữ” riêng. Bắt nguồn từ vô thức ấu thơ hay gì đó, như là nguồn cơn, nguyên cớ, là bột để gột nên hồ, là chữ họ viết trong tương lai. Ngày thơ trong ăm ắp sách vở chẳng hạn. Nguyễn Thiên Ngân không nằm ngoài điều này. Những trang sách tuổi thơ đã khai đường mở lối đến các sáng tác thuở hoa niên của Ngân, và cứ thế, một mạch đến giờ.

Vậy nên, dẫu Nguyễn Thiên Ngân chỉ đi ngang, trò chuyện ở hiệu sách Shakespeare & Company chứ không tìm đường ở lại quyết thành Hemingway như những người trẻ ôm mộng chữ ở kinh đô ánh sáng, thì tôi vẫn tin “căn - chữ” ở Ngân rất rõ ràng. Không phải Ngân sống chết với chữ, mà là chạy trời không khỏi chữ. Ngân viết, nhẹ nhàng như không. Và nói theo tên một tập thơ của Ngân là, Ngân ôm mỏ chữ nằm mộng những chân trời.

Tình yêu, tranh đấu trong kịch cảm tác 'Nỗi buồn chiến tranh'

Đạo diễn Phùng Tiến Minh cho biết kịch "Trái tim người Hà Nội" không dừng lại ở việc lên án chiến tranh và mong muốn hòa bình mà nó còn đặt ra câu hỏi về sự đấu tranh.

Góc nhìn về âm nhạc và văn hóa Việt của một người nước ngoài

Theo TS Stan BH Tan-Tangbau, nghệ sĩ Quyền Văn Minh có tinh thần kiên cường, đức hy sinh vì nghệ thuật, vì lý tưởng - những tính cách đặc trưng của người Việt.

Văn Thành Lê/ NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh

SÁCH HAY