Ngày 16/10, Đại hội đại biểu toàn quốc đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX sẽ diễn ra tại Bắc Kinh với sự tham gia của 2.300 đại biểu, đại diện cho hơn 96 triệu đảng viên.
Được tổ chức 5 năm một lần, Đại hội là hoạt động chính trị quan trọng nhất của đảng và nhà nước Trung Quốc. Đại hội sẽ bổ nhiệm các nhà lãnh đạo mới, thảo luận về những thay đổi điều lệ đảng và đề ra những định hướng chính sách quan trọng.
Vào năm 2021, thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập đảng, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thành mục tiêu “100 năm lần thứ nhất” với việc xây dựng xã hội khá giả toàn diện. Đại hội XX đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ của Trung Quốc, bước sang giai đoạn thực hiện mục tiêu “100 năm lần thứ hai”.
Những biến động về chính trị nội bộ và quốc tế của Trung Quốc trong nhiệm kỳ khóa XIX khiến đại hội XX trở nên thu hút chưa từng có. Những nhà lãnh đạo của đảng sẽ đưa ra các ưu tiên của đất nước khi nhắc đến chính sách Zero Covid, xử lý các thách thức kinh tế và giải quyết vấn đề Đài Loan.
Quốc kỳ Trung Quốc được trang trí khắp nơi để chào mừng Đại hội XX. Ảnh: Reuters. |
Sẵn sàng cho nhiệm kỳ mới
Ngày 12/10, Tân Hoa Xã đã công bố thông báo của Hội nghị toàn thể lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX. Theo đó, Hội nghị đã quyết định Đại hội XX sẽ khai mạc vào ngày 16/10.
Thông báo cho biết dự thảo ba văn kiện bao gồm báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương, báo cáo công tác của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương khóa XIX, Điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc (sửa đổi) đã được thông qua và sẵn sàng trình Đại hội XX xem xét, quyết định.
Trong nhiệm kỳ 5 năm của khóa XIX, Trung Quốc đã phải đương đầu với tình hình quốc tế phức tạp và những thách thức về kinh tế, chính trị trong nước. Thông báo của hội nghị nhấn mạnh những khó khăn và thách thức Trung Quốc phải đối mặt là “rất bất thường”.
Dự kiến có ít thay đổi trong định hướng chính sách lớn của Trung Quốc. Tại Đại hội XIX, đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa vào điều lệ đảng học thuyết “tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”. Học thuyết này định hình sự phát triển và cách Trung Quốc tham gia vào toàn cầu trong nhiều thập niên tới.
Hội nghị toàn thể lần thứ 7 Ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Thông báo cuối cùng của khóa XIX cho thấy đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tiếp tục lựa chọn Chủ tịch Tập Cận Bình làm hạt nhân lãnh đạo. Các chính sách Trung Quốc trong thời gian tới sẽ tiếp tục được xây dựng xoay quanh tư tưởng Tập Cận Bình.
Đại hội XX của đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ chứng kiến sự thay đổi quan trọng của nhóm lãnh đạo cấp cao. Đây là vấn đề được quan tâm nhiều nhất vì một số lãnh đạo trong Thường vụ Bộ Chính trị đã quá tuổi nghỉ hưu theo thông lệ (68 tuổi).
Thông báo của Tân Hoa Xã chưa đề cập vấn đề thay đổi nhân sự. Thay vào đó, thông báo chỉ trích dẫn những thách thức Trung Quốc phải đối mặt như đại dịch Covid-19, bất ổn tại Hong Kong và xung đột tại Ukraine.
Lựa chọn chính sách đối ngoại
Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) tiếp tục được coi là chiến lược chính trong việc xây dựng thương hiệu của Trung Quốc khi thu hút sự hưởng ứng của 147 quốc gia tính đến tháng 3.
Dù vậy, trong năm qua, Vành đai, Con đường đã dần không còn trong những tuyên bố chính thức của nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Thay vào đó, Trung Quốc đang chuyển sang một phương hướng mới: Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI). Sáng kiến này mới được đưa ra vào tháng 9/2021 và hiện còn nhiều chi tiết chưa rõ.
Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất Sáng kiến An ninh Toàn cầu tại Diễn đàn Bác Ngao châu Á năm 2022. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Bên cạnh GDI, Trung Quốc còn đưa ra Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI), thể hiện tầm nhìn và cam kết của Trung Quốc đối với vấn đề an ninh quốc tế. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra một sáng kiến mang tính toàn cầu về an ninh.
Tháng 5/2022, ông Dương Khiết Trì, ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc, đã đề cập phát triển và an ninh là “hai ưu tiên hàng đầu” trong chính sách đối ngoại Trung Quốc. Trong bài viết, ông chỉ nhắc đến GDI và GSI, không hề nhắc đến Vành đai, Con đường.
Việc Vành đai, Con đường không còn là ưu tiên trong chính sách sẽ khiến các nhà lãnh đạo trong Đại hội XX phải đưa ra quyết định liệu sáng kiến nào sẽ được ưu tiên trong chính sách đối ngoại Trung Quốc.
Thách thức chờ đợi
Sau giai đoạn bùng nổ, nền kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn suy giảm do Covid-19, tình hình thị trường bất động sản khó khăn và sự đứt gãy chuỗi cung ứng bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Cách tiếp cận Zero Covid của Trung Quốc đối với đại dịch là một trong những chính sách mang tính bước ngoặt của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình. Trong giai đoạn đầu đại dịch chưa có vaccine, Zero Covid thể hiện rõ ưu thế so với những chính sách của các quốc gia phương Tây.
Tuy nhiên, khi phần lớn thế giới đã trở lại bình thường, Trung Quốc vẫn tăng cường những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh với những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt.
Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ tại một địa điểm xét nghiệm Covid-19 tại Thượng Hải, ngày 11/10. Ảnh: Reuters. |
Các báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay nằm ở mức 2,8%, thấp hơn rất nhiều so với dự báo ban đầu là 5%.
Ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã làm giảm triển vọng kinh tế của Trung Quốc.
Trung Quốc hiện cũng phải đối mặt với thách thức về dân số, đang bước nhanh vào quá trình già hóa do chính sách một con của quá khứ.
Đại hội XX sẽ phải đưa ra những quyết định quan trọng đối với nhân sự chịu trách nhiệm về kinh tế trong đó có việc tìm người kế nhiệm Thủ tướng Lý Khắc Cường.