Chiến binh Boko Haram thề trung thành với IS. Ảnh: AFP |
Trong năm 2015, Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhóm phiến quân được cho là tàn bạo nhất thế giới, đã thực hiện nhiều vụ thảm sát tương tự vụ xả súng tại San Bernardio (Mỹ) một hoặc hai lần mỗi tuần. IS cũng là thủ phạm của hàng chục vụ tấn công, đôi khi là bắn giết hàng trăm dân thường cùng lúc.
Tuy nhiên, theo Los Angeles Times, Boko Haram, nhóm chiến binh Hồi giáo ở phía Đông Bắc Nigeria thậm chí còn tàn bạo hơn IS. Nigeria là quốc gia với số dân khoảng 170 triệu người và bị chia rẽ giữa những người Kito hữu và Hồi giáo.
Quân đội Nigeria thực hiện nhiều cuộc truy quét lớn nhằm tiêu diệt Boko Haram, nhưng nhóm chiến binh vẫn âm thầm vực dậy đội ngũ.
Thành viên Boko Haram thực hiện nhiều hành động tàn bạo, như rạch cổ họng nam sinh và bỏ mặc cho tới chết. Giống IS, chúng chặt đầu nạn nhân và quay lại cảnh tàn bạo.
Trỗi dậy nhanh chóng
Boko Haram, vốn hình thành theo khuôn mẫu của nhóm phiến quân Taliban ở Afghanistan, rơi vào cảnh túng quẫn nhất vào năm 2010. Giới chức Nigeria tin rằng họ đã buộc nhóm phiến quân khuất phục sau khi tiêu diệt 700 chiến binh trong một trận giao tranh hồi năm 2014.
Tuy nhiên, Boko Haram vẫn hoạt động ngầm. Chúng tái hợp và thực hiện hàng nghìn vụ tấn công kể từ thời điểm đó. Năm ngoái, Boko Haram được cho là nhóm khủng bố nguy hiểm nhất thế giới theo kết quả từ Chỉ số Khủng bố Toàn cầu do Viện Kinh tế và Hòa bình công bố.
“Boko Haram đã chứng tỏ nhóm là một trong những tổ chức có khả năng tái trỗi dậy nhanh nhất. Chúng xoay sở rất nhanh, dù giới chức nhiều lần thông báo nhóm đã bị tiêu diệt”, J. Peter Pham, giám đốc Trung tâm châu Phi thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, nhận xét.
"Có lúc, Boko Haram không nhận hỗ trợ từ bên ngoài. Sau đó, nhóm được al- Qaeda giúp đỡ và rồi rời bỏ tổ chức khủng bố này để đứng về phía IS”, ông Pham nói.
Boko Haram chuyển sang ủng hộ và trung thành với IS từ đầu năm nay, đồng thời hoạt động theo tư tưởng khải huyền để đổi lấy sự hỗ trợ. Do thực hiện các hành động tàn ác tương tự nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria, Boko Haram còn được gọi là "IS châu Phi".
Tội ác
Một người đàn ông bị thương sau vụ tấn công tự sát của phiến quân Boko Haram tại một nhà thờ ở thành phố Kano, khiến hơn 100 người thiệt mạng, tháng 11/2014. Ảnh: AFP |
Boko Haram được cho là tổ chức đứng sau hai vụ đánh bom gần đây ở thành phố Kano ngày 18/11 do một bé gái 11 tuổi thực hiện và tại thành phố Yola một ngày trước đó khiến 34 người thiệt mạng.
Nhóm chiến binh nhận trách nhiệm cho cái chết của 6.644 người năm 2014, tăng 300% so với năm 2013, theo Chỉ số Khủng bố Toàn cầu. Trong khi đó, IS giết hại 6.073 nạn nhân trong năm 2014.
Tổng số người được cho là thiệt mạng dưới tay Boko Haram tăng từ 18.111 người năm 2013 tới 32.685 người năm 2014. Nơi chứng kiến nhiều vụ tấn công nhất là khu vực phía Đông Bắc Nigeria. Đây cũng là địa bàn hoạt động mạnh nhất của nhóm chiến binh Hồi giáo.
Shabab ở Somalia, một trong số hàng nghìn nạn nhân của Boko Haram, mô tả những kẻ khủng bố “lạnh lùng và vô cảm” khi thực hiện một số vụ tấn công tồi tệ nhất ở châu Phi, gồm 2 vụ xảy ra tại Kenya. Đó là thảm sát trung tâm mua sắm ở Westgate năm 2013 khiến 67 người chết và tấn công Đại học Garissa hồi tháng 4, giết chết 148 người (hầu hết là sinh viên).
Hàng chục phiến quân đổ bộ vào một ngôi làng hoặc thị trấn ở Nigeria bằng xe máy hoặc xe bán tải. Sau đó, phiến quân xả súng vào các khu chợ hoặc quảng trường. Trong nhiều vụ tấn công, hàng trăm người thiệt mạng, một số nạn nhân bị thiêu sống. Đàn ông và các bé trai khoảng 10 tuổi sẽ bị kéo khỏi nhà và xử tử bằng súng hoặc dao.
Hauwa Uma trông thấy nhiều thi thể nam giới bị chặt đầu nằm rải rác khắp Gwoza sau khi Boko Haram tấn công thị trấn hồi tháng 8/2014.
Nhóm chiến binh còn bắt cóc phụ nữ và trẻ em làm nô lệ tình dục. Chúng thả hàng trăm người trong những tháng gần đây. Nhưng họ không phải là 219 cô gái mất tích khi Boko Haram bắt 276 nữ sinh tại Chibok hồi năm ngoái. Vào thời điểm đó, vụ việc khiến thế giới chú ý nhiều hơn tới Boko Haram trước khi nhóm nhanh chóng bị lu mờ bởi sự bành trướng và tàn bạo của IS.
Tham vọng lập nhà nước Hồi giáo ở Nigeria
Năm 2010, trong một cuộc phỏng vấn bí mật tại một vườn thú bỏ hoang ở Kano, với vẻ lạnh lùng, một thủ lĩnh của Boko Haram tên Musa đề cập tới hành động tàn ác của nhóm phiến quân. Gã đàn ông 30 tuổi có râu thậm chí mô tả hành vi khủng bố chống lại Mỹ là “sự thờ phụng thần thánh”. “Chúng (Mỹ) đang chống lại Hồi giáo và nhóm sẽ chiến đấu với chúng, nếu có cơ hội”, Musa khẳng định.
Tên này tỏ ra lạnh nhạt và cương quyết khi đề cập tới tham vọng cực đoan của nhóm phiến quân nhằm lập một nhà nước Hồi giáo ở Nigeria.
Hồi tháng 4, Boko Haram tuyên bố đổi tên thành “Nhà nước Hồi giáo ở Tây Phi”. Từ khi đổi tên mới, nhóm trở nên bạo lực hơn nhưng cũng gặp khó khăn hơn khi ra sức hoành hành. “Chúng tăng cường tấn công các mục tiêu dễ bị tổn thương và giết người vô tội”, Shehu Sani, một thượng nghị sĩ đồng thời là nhà hoạt động nhân quyền Nigeria, nói.
Dù đôi khi đe dọa phương Tây, Boko Haram chủ yếu tấn công người dân nghèo tại Nigeria, và ít gây sự chú ý đối với truyền thông. Điều này trái ngược với nhóm khủng bố IS, làm rúng động thế giới với hàng loạt sự việc như tấn công Paris hay làm rơi phi cơ Nga.
Theo nhận định của nhà phân tích Peter Pham, cho tới nay Boko Haram không thể hiện chúng là mối đe dọa trực tiếp tới các quốc gia phương Tây. Nhưng ông không loại trừ khả năng này trong tương lai. "Boko Haram đang phát triển rất nhanh. Việc chúng chưa tấn công mục tiêu nước ngoài không đồng nghĩa việc nhóm không có tham vọng hay bỏ qua chiến lược đó", Pham nói.