Tổng thống Nga Vladimir Putin chạm vào tay Tổng thống Mỹ Barack Obama khi hai ông tham dự Hội nghị Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại Trung Quốc. Ảnh: AFP |
Bề ngoài Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều tỏ ra lịch thiệp. Họ vỗ lưng ở chỗ này, nói đùa ở chỗ kia. Nhưng bên ngoài tầm ngắm của các camera, hai nhà lãnh đạo cư xử khá cảnh giác với nhau tại hội nghị APEC ở Trung Quốc. Họ phải đối mặt trong khi mối quan hệ giữa đất nước họ tiếp tục xấu hơn, AP nhận định.
Nhà Trắng thông báo Obama và Putin nói chuyện với nhau 3 lần hôm 12/11 bên lề hội nghị APEC. Họ đề cập tới một số vấn đề hóc búa khiến mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng, bao gồm những hành động gây hấn của Nga ở Ukraine và sự ủng hộ của Moscow đối với chính quyền Syria. Họ cũng thảo luận thời hạn chót sắp tới trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran, sự kiện mà Nga và Mỹ thuộc cùng một nhóm thương lượng.
Khác với một số cuộc gặp khác trước đây, Obama và Putin tạm gác những bất đồng về chính sách ở hậu trường. Song những cuộc chạm trán của hai ông trước báo giới cho thấy mối quan hệ giữa họ vẫn căng thẳng.
Nhạn Tây, một hồ có vẻ đẹp thơ mộng ở ngoại thành Bắc Kinh, trở thành điểm hẹn cho mối quan hệ tế nhị giữa hai trong số những nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới. Khi bước vào căn phòng lộng lẫy với những tấm pano gỗ để khai mạc hội nghị, Obama và Putin giống như hai người tháp tùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Tập dẫn đường, còn Obama ở một bên và Putin ở phía bên kia.
“Căn phòng đẹp, đúng không?”, Putin nói về phía Obama. “Đúng, nó đẹp”, ông Obama đáp với thái độ dè dặt, nhưng không giao tiếp bằng mắt với Putin và chẳng hướng câu trả lời vào bất kỳ ai.
Khi ba vị nguyên thủ dừng ở phía đầu của bàn, Putin vươn tay để vỗ vào lưng Obama. Nhưng Obama lại xoay sang hướng khác và dường như bàn tay của Putin không chạm vào vị trí mà ông muốn.
Vài giờ sau, hai ông lại chạm trán ở cự ly gần bên dưới bầu trời đầy mây khi các nhà lãnh đạo thay mặt đất nước để trồng cây. Putin sải bước một cách tự tin tới cây của ông ở ngay phía trước Obama. Tổng thống Mỹ nắm tay phía sau lưng trước khi nhặt một xẻng và chào một nhóm phóng viên truyền hình Tây Ban Nha bằng động tác vẫy tay.
Cả Điện Kremlin và Nhà Trắng đều không cung cấp nhiều thông tin về những cuộc hội đàm liên quan tới chính sách mà Obama và Putin tham dự bên lề Hội nghị APEC. Người phát ngôn của Putin chỉ nói hai ông hội đàm vài lần và đề cập tới “các vấn đề song phương, tình hình liên quan tới Ukraine, Syria và Iran”.
Mỹ luôn nghi Nga hậu thuẫn lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine và Washington rất giận dữ về việc đó. Các quan chức Nhà Trắng cáo buộc Nga viện trợ vũ khí hạng nặng cho phe ly khai và nã pháo vào binh sĩ Ukraine, đồng thời tố cáo Moscow triển khai binh sĩ dọc theo biên giới.
Thỏa thuận ngừng bắn mà phe ly khai và chính phủ Ukraine ký hồi tháng 9 đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ bởi cái mà Nhà Trắng gọi là “sự leo thang rõ ràng” của Nga và cuộc bầu cử do phe ly khai tổ chức ở miền đông Ukraine. Giới chức Mỹ gọi cuộc bầu cử đó là một vở kịch. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine vào tuần trước, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết rằng Washington sẽ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt Moscow nếu Nga tiếp tục vi phạm các điều khoản của hiệp ước ngừng bắn.
Nền kinh tế Nga hứng chịu tổn thất lớn sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các lệnh trừng phạt. Giá trị đồng ruble giảm 1/3 trong năm nay và tụt xuống mức thấp nhất trong lịch sử vào tuần trước. Nhưng Putin bác bỏ ý kiến về việc ông đang tổn thương bởi bàn tay của phương Tây. Phát biểu trong Hội nghị kinh tế châu Á – Thái Bình Dương hôm 10/11, Putin nói chính phủ của ông có đủ nguồn lực để ổn định đồng tiền mà không phải thực hiện bất kỳ biện pháp khẩn cấp nào.
“Chính phủ Mỹ muốn Nga đảm nhận một vài trò khác so với hiện nay. Chúng tôi muốn Nga là lực lượng ổn định tình hình đối với những vấn đề mà chúng tôi quan tâm. Song chúng tôi không thể thực hiện mong muốn đó nếu họ tiếp tục xâm phạm chủ quyền của quốc gia láng giềng”, Ben Rhodes, phó trưởng nhóm cố vấn an ninh của Obama, phát biểu.
Rhode tiết lộ rằng Obama sẽ không tìm cách hội đàm với Putin khi ông ở Bắc Kinh. Ông cũng sẽ không gặp Putin tại Brisbane, Australia – nơi các nhà lãnh đạo sẽ lại hội ngội trong hội nghị thượng đỉnh G-20 vào cuối tuần này.
“Putin biết rõ quan điểm của chúng tôi”, Rhodes bình luận, đồng thời nói thêm rằng Obama có thể thảo luận những hành động của Nga với các nhà lãnh đạo khác trong nhóm G-20.
Đối với Obama và Putin, những cuộc chạm trán khó xử tại các hội nghị quốc tế là điều gần như chắc chắn. Song giới quan sát càng quan tâm hơn tới hai ông trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine trở thành tâm điểm của nhiều hội nghị quốc tế.
Hồi tháng 6, trong sự kiện bên lề của lễ kỷ niệm cuộc đổ bộ lên bờ biển Normandy tại Pháp trong Thế chiến thứ hai, Obama và Putin đều cố tình tránh nhau khi các nguyên thủ xếp hàng để chụp ảnh lưu niệm. Thậm chí Obama còn chọn vị trí để Nữ hoàng Anh Elizabeth II đứng giữa ông và nhà lãnh đạo Nga. Sau đó hai ông nói chuyện trong chốc lát tại tiệc trưa của các nguyên thủ.
Và trong một cuộc gặp chính thức bên lề hội nghị thượng đỉnh tại Bắc Ireland vào năm ngoái, Putin ngồi sụp trên ghế với khuôn mặt lạnh khi Obama cố gắng nói đùa về khả năng thể thao của ông chủ Điện Kremlin. Sau đó Obama nói rằng điệu bộ của Putin giống một đứa trẻ buồn chán ở cuối lớp học.