Năm 1950: Zenith Electronics ra mắt remote TV đầu tiên, được kết nối bằng dây cáp. Website công ty mô tả thiết bị mang tên “Lazy Bones” chỉ có một nút chuyển kênh. Sản phẩm được cải tiến trong những năm tiếp theo với nhiều nút bấm hơn. Đến 1955, Zenith giới thiệu remote không dây có tên “Flash-Matic”. Ảnh: HistoricTech. |
Năm 1954: Texas Instruments giới thiệu Regency TR-1, chiếc radio bán dẫn đầu tiên được thương mại hóa. Thiết bị có kích thước nhỏ, dễ dàng bỏ túi để mang đi khắp nơi. Theo Smithsonian, đây là sản phẩm chứng tỏ bóng bán dẫn có thể ứng dụng vào thiết bị điện tử tiêu dùng, thay vì chỉ trong quân sự hoặc công nghiệp. Regency TR-1 có giá 50 USD tại thời điểm ra mắt, tương đương khoảng 480 USD ngày nay. Ảnh: CollectorNet. |
Năm 1956: IBM trình làng RAMAC, ổ cứng máy tính thương mại đầu tiên, hỗ trợ lưu dữ liệu kỹ thuật số như tài liệu, chương trình máy tính. Theo PCWorld, ổ cứng có dung lượng 5 MB, giá 10.000 USD, kích thước bằng 2 chiếc tủ lạnh. Ảnh: Wired. |
Năm 1958: AT&T Bell 101 là modem thương mại đầu tiên cho máy tính. Với khả năng chuyển dữ liệu số thành analog qua đường dây điện thoại rồi dịch lại về dữ liệu số, modem tạo ra cuộc cách mạng về liên lạc và mở đường cho Internet. Ngày nay, modem vẫn được sử dụng với mục đích tương tự. Ảnh: ADSLZone. |
Năm 1962: Băng cassette đầu tiên được phát minh bởi kỹ sư Lou Ottens của Philips. Kích thước nhỏ gọn khiến cassette trở thành lựa chọn nghe nhạc phổ biến. Dù vậy, định dạng này không còn sức hút khi CD và dịch vụ nghe nhạc trực tuyến xuất hiện. Ảnh: Philips. |
Năm 1963: Kỹ sư Douglas Engelbart tạo ra chuột máy tính, làm bằng gỗ và chỉ có một nút. Theo New York Times, một số phiên bản chuột đầu tiên có 3 nút, dù Engelbart cho rằng 10 nút mới hữu ích. Đến nay, đa số chuột máy tính vẫn có 2-3 nút. Ảnh: SRI International. |
Năm 1964: Hệ thống Picturephone của Bell Telephone xuất hiện tại hội chợ World’s Fair, cho phép người dùng vừa nói chuyện bằng ống nghe, vừa nhìn ảnh đối phương qua TV. Thời điểm ấy, mỗi cuộc gọi 3 phút có giá 16 USD (tương đương khoảng 121 USD ngày nay). Ý tưởng của Picturephone cũng là khởi đầu cho tính năng gọi video. Ảnh: Corbis. |
Năm 1968: RAM (bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên) được phát minh bởi kỹ sư điện Robert Dennard. Đây được xem là một trong những tiến bộ lớn nhất của công nghệ máy tính, và vẫn là thành phần không thể thiếu hiện nay. Ảnh: Tom's Hardware. |
Năm 1971: Các phiên bản đĩa mềm đầu tiên được phát hành. Trước đó, Smithsonian đưa tin kỹ sư Yoshiro Nakamatsu của Nhật Bản đã nhận bằng sáng chế phát minh đĩa mềm trong nước năm 1952, nhưng IBM khẳng định đội ngũ kỹ sư của họ chịu trách nhiệm phát minh vào 1969. Mang tên “đĩa mềm” bởi sản phẩm có vỏ ngoài dễ uốn cong. Ảnh: IBM. |
Năm 1973: Kỹ sư Martin Cooper của Motorola phát minh ra điện thoại di động đầu tiên, mang tên DynaTAC 8000X. Ý tưởng nảy sinh khi Cooper cảm thấy bất tiện do phải ngồi vào xe hơi khi cần gọi điện. Do đó, ông muốn tạo ra chiếc điện thoại đặt trong ôtô, nhưng có thể lấy ra và mang đi khắp nơi. Ngày 3/4/1973, cuộc gọi di động đầu tiên diễn ra giữa nhà sáng chế sinh năm 1928 với Joel Engel, nhân viên tại Bell Labs. Ảnh: CNET. |
Năm 1975: Kỹ sư Steven Sasson của Eastman Kodak phát minh camera kỹ thuật số đầu tiên. Thiết bị nguyên mẫu được chế tạo từ ống kính camera phim, một số linh kiện của Motorola, 16 viên pin và các cảm biến CCD của Fairchild, dùng để chuyển hình ảnh quang học sang tín hiệu kỹ thuật số. Ảnh: IEEE Spectrum. |
Năm 1976: VHS (Video Home System) được JVC giới thiệu, cho phép người dùng xem phim ảnh tại nhà. Theo Wired, VHS xuất hiện lần đầu tại Bắc Mỹ trong khuôn khổ triển lãm CES 1977. Đây là định dạng video gia đình phổ biến trong nhiều thập kỷ trước khi “nhường chỗ” cho đĩa DVD và Blu-ray. Ảnh: Unsplash. |
Năm 1982: Sony CDP-101 là máy phát CD đầu tiên được bán ra thị trường. Thiết bị do Philips và Sony hợp tác sản xuất, lên kệ ngày 1/10/1982. Nhờ kích thước nhỏ gọn và khả năng lưu trữ kỹ thuật số, CD dần trở thành định dạng nhạc phổ biến, thay thế cassette và vinyl. Ảnh: Westport Tech Museum. |
Năm 1984: Apple Macintosh được xem là đối trọng của máy tính IBM Personal Computer. Đây là một trong những máy tính phổ thông đầu tiên sở hữu giao diện đồ họa, cho phép người dùng điều khiển bằng chuột. Ảnh: National Museum of American History. |
Năm 1985: Nintendo gia nhập thị trường máy chơi game gia đình (console) với Nintendo Entertainment System (NES). Thiết bị có doanh số 60 triệu suốt vòng đời, đưa các nhân vật như Mario hay Link trở nên phổ biến. Ảnh: Etsy. |
Năm 1987: Máy nghe nhạc Sony Discman được xem là bản nâng cấp của Walkman, với khả năng nghe đĩa CD thay cho cassette. Cùng năm, New York Times mô tả D-10 Discman là “thành tựu kỹ thuật vượt trội” nhờ kiểu dáng nhỏ gọn so với những thiết bị trước. Ảnh: Lark Club. |
Năm 1989: Nintendo ra mắt GameBoy, một trong những máy chơi game bán chạy nhất mọi thời đại, doanh số đạt 120 triệu suốt vòng đời. Những thương hiệu nổi lên từ GameBoy gồm Tetris và Pokémon. Ảnh: Ars Technica. |
Năm 1990: Sau 3 năm phát triển, phiên bản đầu tiên của Photoshop chính thức ra mắt cho máy tính Macintosh. Được phát triển bởi anh em Thomas và John Knoll, Photoshop góp phần thay đổi giới nhiếp ảnh với khả năng chỉnh sửa dễ dàng trên máy tính. Ảnh: Adobe. |
Năm 1996: Toshiba SD-3000 là đầu đĩa DVD đầu tiên bán ra thị trường, trở thành đối thủ của VHS và LaserDisc. Theo Toshiba Science Museum, thiết bị được phát triển từ năm 1994, và DVD nhanh chóng thay thế VHS trên thị trường video gia đình. Ảnh: Toshiba. |
Năm 1998: Diamond Rio PMP300 là máy nghe nhạc MP3 đầu tiên. Thay vì CD hay cassette, thiết bị phát nhạc trên file MP3 tải từ Internet. Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Mỹ từng khởi kiện sản phẩm vì lo ngại bản quyền nhưng thất bại, mở đường cho sự phát triển của định dạng MP3, iPod và dịch vụ nghe nhạc trực tuyến. Ảnh: Ars Technica. |
Năm 2000: Samsung SCH-V200 (ra mắt tháng 6/2000) là điện thoại đầu tiên tích hợp camera, nhưng cần máy tính để xem ảnh. Do đó, nhiều tranh cãi cho rằng Sharp J-SH04 (ra mắt tháng 11) mới là điện thoại chụp ảnh thực sự đầu tiên, bởi người dùng có thể xem và gửi ảnh cho nhau. Ảnh: eBay. |
Năm 2001: Chiếc iPod đầu tiên được Apple ra mắt với bánh xe điều khiển vật lý, bộ nhớ 5-10 GB, đồng bộ nhạc bằng iTunes. Đây là khởi đầu cho dòng máy nghe nhạc rất thành công của Táo khuyết trước khi iPhone ra đời. Ảnh: Museum Victoria Collections. |
Năm 2004: Nintendo tiếp tục thành công với máy chơi game cầm tay Nintendo DS. Thiết bị sở hữu 2 màn hình, một màn hình cảm ứng điều khiển bằng bút. Đây cũng là một trong những máy chơi game đầu tiên có Wi-Fi và micro tích hợp. Ảnh: Westport Tech Museum. |
Năm 2005: Microsoft ra mắt Xbox 360, đối trọng lớn nhất của Sony PlayStation 3. Một số trò chơi phổ biến của thế hệ này gồm các thương hiệu Halo và Gears of War. Phiên bản tiếp theo của Xbox được ra mắt năm 2013 với tên Xbox One. Ảnh: Xbox Original/X. |
Năm 2007: Apple trình làng iPhone, thiết bị góp phần thay đổi thị trường smartphone. Thế hệ này không có kho ứng dụng, không thể gửi tin nhắn ảnh, không Siri và màn hình nhỏ. Dù vậy, iPhone đã thay đổi cách người dùng tương tác với smartphone, mở ra khả năng tích hợp nhiều tính năng khác nhau trong một giao diện trực quan, thân thiện. Ảnh: CNET. |
Năm 2010: Apple tung ra chiếc iPad đầu tiên, hoàn thiện bộ 3 thiết bị quan trọng gồm smartphone, tablet và laptop. Steve Jobs, CEO Apple thời điểm đó, nhấn mạnh iPad “tạo ra và định nghĩa một danh mục thiết bị hoàn toàn mới, có thể kết nối người dùng với app và nội dung theo cách gần gũi, trực quan, thú vị hơn bao giờ hết”. Ảnh: New York Times. |
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.