Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Những tâm điểm trong ngày giao tranh thứ 11 tại Ukraine

Hôm 6/3, tổng thống Nga nêu điều kiện chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine, giữa lúc nỗ lực sơ tán dân cư tại Mariupol liên tục thất bại khi hai bên không ngừng đổ lỗi cho nhau.

Nga tan cong Ukraine anh 1

Trong cuộc điện đàm ngày 6/3 với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh điều kiện để chiến dịch ở Ukraine chấm dứt là Ukraine phải ngừng chiến đấu, và các yêu cầu về bảo đảm an ninh của Nga được đáp ứng.

Ngoài ra, ông Putin khẳng định chiến dịch quân sự ở Ukraine sẽ vẫn tiếp diễn theo kế hoạch và lịch trình đã đặt ra. Tuy nhiên, ông cho biết Nga sẵn sàng đối thoại với Ukraine và các đối tác nước ngoài.

Sau đó, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Putin cáo buộc phía Ukraine ngăn người dân rời Mariupol - nơi đang bị lính Nga bao vây.

Hành lang nhân đạo tiếp tục sụp đổ

“Giữa cảnh tượng tàn phá và khổ đau của con người tại Mariupol, nỗ lực lần thứ hai nhằm sơ tán khoảng 200.000 người từ thành phố đã bị ngừng lại”, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRS) tuyên bố.

“Những nỗ lực thất bại vào hôm qua và hôm nay cho thấy các bên trong xung đột thiếu đi một thỏa thuận chi tiết có thể vận hành”, ICRS khẳng định. “Để người dân có thể rời đi an toàn với mức độ tin tưởng cần thiết, các bên cần nhất trí không chỉ về nguyên tắc mà còn về chi tiết”.

Khoảng 200.000 trong số 430.000 cư dân ở Mariupol được kỳ vọng sẽ có thể rời khỏi thành phố trong thời gian ngừng bắn kéo dài 9 giờ vào ngày 6/3. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có khoảng vài trăm người có thể rời đi.

Phía Ukraine cáo buộc các cuộc pháo kích của Nga là nguyên nhân khiến kế hoạch sơ tán không thể thực hiện. “Việc đưa người dân rời đi trong điều kiện như vậy là điều rất nguy hiểm”, Hội đồng thành phố Mariupol tuyên bố.

Trong khi chiến dịch quân sự tại Ukraine bước vào ngày thứ 11, giao tranh giữa hai bên vẫn đang diễn ra ở Kherson và Mykolaiv. Ngoài ra, các lực lượng Nga vẫn cố gắng bao vây Kyiv, Khakhiv, Chernihiv và Mariupol, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết hôm 6/3, theo CNN.

Tuy nhiên, bước tiến của lực lượng Nga đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của Ukraine.

Trong khi đó, đoàn xe lớn của Nga ở phía bắc Kyiv kéo dài gần 65 km vẫn bị đình trệ, nhưng không có thông tin cập nhật đoàn xe này còn cách Kyiv bao xa. Cuối tuần trước, đoàn xe này cách trung tâm thành phố Kyiv khoảng 25 km.

Quan chức này cho biết thêm không phận phía trên Kyiv vẫn còn tranh chấp. “Chúng tôi tin rằng người dân Ukraine ở hầu hết vùng của đất nước vẫn còn các phương tiện liên lạc, truy cập Internet và các phương tiện truyền thông”, quan chức này nói.

Bộ Quốc phòng Nga cũng tuyên bố hôm 6/3 rằng Moscow đã dùng tên lửa tầm xa tấn công và vô hiệu hóa căn cứ không quân Starokostiantyniv của Ukraine.

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết các chiến đấu cơ và hệ thống phòng không của Nga đã bắn rơi 3 máy bay chiến đấu Su-27 và 3 máy bay không người lái của Ukraine.

Ngoài ra, Moscow khẳng định rằng họ chỉ nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine trong suốt “chiến dịch” đang diễn ra nhằm “phi quân sự hóa” Ukraine.

Nga tan cong Ukraine anh 2

Từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine hôm 24/2, Liên Hợp Quốc cho biết hơn 1,5 triệu người dân nước này phải chạy ra nước ngoài tị nạn tính đến nay. Ảnh: AP.

Cố vấn tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovich cho biết các lực lượng Nga đã tăng cường pháo kích vào các thành phố của Ukraine ở khu vực miền Trung, phía bắc và phía nam của đất nước vào cuối ngày 6/3, theo AP.

Ông nói trên truyền hình Ukraine: “Đợt tấn công tên lửa mới nhất xảy ra ngay khi màn đêm phủ xuống".

Cố vấn tổng thống cho biết các khu vực hứng chịu pháo kích lớn bao gồm ngoại ô Kyiv, Chernihiv ở phía bắc, Mykolaiv ở phía nam và Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine.

Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 6/3 cảnh báo lực lượng Nga đang chuẩn bị pháo kích Odessa, thành phố cảng có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế Ukraine. Người dân thành phố này đã xây dựng sẵn hệ thống phòng thủ và chờ đợi các cuộc tấn công.

Nỗ lực xoa dịu khủng hoảng

Trước tình hình căng thẳng tại Ukraine, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố hôm 6/3 rằng Anh sẽ viện trợ thêm 100 triệu USD cho Ukraine.

Khoản viện trợ trên sẽ được cung cấp cho Ukraine thông qua Ngân hàng Thế giới, bên cạnh gói viện trợ trị giá 290 triệu USD cho nước này, một thông báo từ Downing Street cho biết.

Ngoài ra, Phó thủ tướng Anh Dominic Raab đã cảnh báo cuộc xung đột quân sự ở Ukraine có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Ông Raab kêu gọi cộng đồng quốc tế thể hiện "sức chịu đựng bền bỉ chiến lược" nhằm làm thất bại chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Trước đó, Thủ tướng Israel Naftali Bennett hôm 5/3 đã có cuộc gặp không báo trước với ông Putin để thảo luận về các vấn đề liên quan tới xung đột tại Ukraine hiện nay. Ông Bennett đang nỗ lực phối hợp với Mỹ, Pháp và Đức để xoa dịu khủng hoảng, một quan chức Israel cho biết.

Bên cạnh đó, phát biểu trước đám đông tại quảng trường Thánh Peter ngày 6/3, Giáo hoàng Francis cho biết nhu cầu hỗ trợ nhân đạo tại Ukraine đang tăng từng giờ.

Giáo hoàng cho biết ông "chân thành kêu gọi đảm bảo các hành lang nhân đạo để các khu vực bị bao vây được viện trợ". Giáo hoàng đồng thời kêu gọi ngừng các cuộc tấn công vũ trang và nối lại đàm phán.

Trong khi đó, tổng thống Ukraine đã lên tiếng chỉ trích các nhà lãnh đạo phương Tây vì không phản ứng trước thông báo của Bộ Quốc phòng Nga rằng sẽ tấn công khu phức hợp công nghiệp - quân sự của Ukraine.

Nga tan cong Ukraine anh 3

Tổng thống Ukraine tiếp tục lên tiếng chỉ trích phương Tây. Ảnh: TASS.

“Tôi thậm chí không nghe thấy một nhà lãnh đạo thế giới nào phản ứng về điều này. Sự táo bạo của đối thủ là một tín hiệu rõ ràng cho phương Tây rằng các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga là chưa đủ”, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói trong video phát biểu tối 6/3, theo AP.

Ông Zelesnky kêu gọi thành lập một "tòa án" để buộc Nga phải chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói Washington sẽ xem xét cách thức “bù đắp” cho Ba Lan nếu Warsaw chuyển một số máy bay chiến đấu cũ cho Ukraine. Động thái trên được đưa ra sau khi tổng thống Ukraine đề nghị phương Tây viện trợ thêm vũ khí cho nước này.

Trong khi đó, vào hôm 6/3, Nga cảnh báo các nước láng giềng của Ukraine, trong đó có Romania - một thành viên của NATO, không nên tiếp nhận máy bay quân sự của nước này vì đó có thể là hành vi tham gia vào cuộc xung đột với Moscow.

Nga tung video Su-34 tấn công bằng vũ khí chính xác cao Bộ Quốc phòng Nga ngày 6/3 công bố đoạn video cho thấy máy bay tiêm kích bom Su-34 của nước này tấn công các mục tiêu quân sự của Ukraine bằng vũ khí với độ chính xác cao.

Chiến thuật khó đoán của không quân Nga

Nga bố trí gần 300 máy bay dọc biên giới Ukraine. Tuy nhiên, một chiến dịch tập kích đường không quy mô lớn để áp chế Ukraine, cùng khả năng lập vùng cấm bay, đã không xảy ra.

Ông Zelensky chỉ trích phương Tây sau thông báo tấn công mới của Nga

Tổng thống Ukraine chỉ trích các nhà lãnh đạo phương Tây vì không phản ứng trước thông báo của Bộ Quốc phòng Nga rằng sẽ tấn công khu phức hợp công nghiệp - quân sự của Ukraine.

Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm