Khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào Ukraine, giới phân tích quân sự Mỹ dự báo về kịch bản Moscow sẽ sử dụng sức mạnh không quân khổng lồ để thống trị bầu trời Ukraine.
Nhưng kể từ khi bắt đầu, Nga không sử dụng lực lượng không quân của mình cho chiến dịch áp chế phòng không đối phương (SEAD) - một chiến dịch thường thấy trong các cuộc chiến quy mô lớn kể từ năm 1938.
Việc Nga không sử dụng ưu thế không quân khiến giới phân tích quân sự phương Tây ngạc nhiên. Lực lượng không quân lạc hậu của Ukraine vẫn có thể xuất kích để hỗ trợ hỏa lực cho lực lượng mặt đất, phòng không Ukraine vẫn tiếp tục chiến đấu để chống lại các đợt tấn công bằng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của Nga.
Chiến thuật khó hiểu
Theo một bài viết của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia (RUSI) (trụ sở tại London, Anh), đợt tấn công đầu tiên của Nga đã gây thiệt hại nặng cho không quân và lực lượng phòng không Ukraine.
Lực lượng không quân khổng lồ của Nga đã không được sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine. Ảnh: Reuters. |
Không quân Ukraine đã mất khả năng cơ động sau đợt tấn công đầu tiên do nhiều sân bay bị bắn phá, hệ thống radar bị phá hủy. Nga đã phá hủy một số khẩu đội tên lửa phòng không tầm xa S-300P - tên lửa phòng không mạnh nhất của Ukraine.
Lẽ ra, Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga (VKS) có thể tổ chức cuộc tấn công quy mô lớn để tiêu diệt phần còn lại của không quân và phòng không Ukraine.
Với hệ thống cảnh báo bị thiệt hại nặng, đường băng bị phá hủy, không quân Ukraine rất dễ bị đánh bại bởi các cường kích như Su-34 cùng đạn dẫn đường công nghệ cao.
Hộ tống cho đội hình tấn công là các tiêm kích đa năng Su-30 và Su-35 sẽ áp đảo những máy bay còn lại của Ukraine.
Nhưng Nga không làm điều đó.
Thay vào đó, khoảng 300 máy bay mà VKS bố trí dọc biên giới phía bắc, đông và nam Ukraine đã ở lại căn cứ trong phần lớn thời gian kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. Điều này đã cho phép phòng không Ukraine tiếp tục các phi vụ phản công phòng thủ tầm thấp (DCA) và tấn công mặt đất.
Tên lửa phòng không S-125 của Ukraine trong một cuộc tập trận năm 2018. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine. |
Bên cạnh đó, việc thiếu các máy bay chiến đấu của Nga trên không tạo điều kiện cho binh sĩ Ukraine sử dụng tên lửa phòng không vác vai do NATO cung cấp để tấn công các máy bay vận tải và trực thăng của Nga - vốn ít có khả năng trả đũa ngay lập tức.
Ngoài ra, sự thiếu vắng các phi vụ càn quét trên không của Nga, cùng sự phối hợp chưa ăn ý giữa lực lượng mặt đất và phòng không tầm trung, tầm thấp khiến hiệu quả chiến đấu không cao.
Nhiều đơn vị mặt đất đã hành quân vượt ngoài tầm bắn của phòng không. Điều này tạo điều kiện cho các máy bay không người lái vũ trang Bayraktar TB-2 còn sót lại của Ukraine gây tổn thất đáng kể cho quân đội Nga.
Tuy vậy, hơn 10 ngày giao tranh, quân đội Nga đã chiếm thành phố Kherson và nối lại các đợt tấn công vào thành phố Mariupol. Nga sắp đạt được mục tiêu thiết lập vành đai từ bán đảo Crimea đến lãnh thổ khu vực ly khai ở Donetsk và Luhansk.
Nga thiếu tự tin?
“Nga dường như không sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao với máy bay và phi công của họ”, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói với Reuters.
Các quan chức Lầu Năm Góc cảm thấy ngạc nhiên khi Nga không thiết lập ưu thế trên không ngay từ đầu.
“Người Nga có thể đã nhận ra rằng việc điều phối các hoạt động tác chiến đa miền không hề dễ dàng. Chúng không tốt như những gì họ tưởng tượng”, David Deptula - một tướng Mỹ về hưu, người từng chỉ huy vùng cấm bay ở miền Bắc Iraq - nói, theo Reuters.
Tổ hợp phòng không tầm trung Buk của Ukraine trong một cuộc tập trận. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine. |
Rob Lee, một chuyên gia quân sự Nga tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Mỹ), cho rằng quân đội Nga dường như không chắc chắn về những gì họ đang làm.
“Có rất nhiều thứ họ đang làm đã khiến họ bối rối. Thời điểm khi cuộc chiến bắt đầu, Nga nên sử dụng vũ lực tối đa, bởi vì mỗi ngày trôi qua, chi phí và rủi ro cho lực lượng của họ sẽ tăng lên. Nhưng họ đã làm không làm điều đó. Nó thực sự rất khó giải thích”, ông Lee nói.
Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia cho rằng Nga không sử dụng ưu thế trên không do thiếu các loại vũ khí dẫn đường công nghệ cao.
Họ cho rằng đa phần các máy bay của Nga được triển khai gần biên giới phần lớn chỉ được trang bị bom và rocket không điều khiển.
Điều này buộc họ phải bay gần hơn đến mục tiêu và có thể đối mặt với nguy hiểm từ phòng không Ukraine.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác cho rằng ngay cả với bom và rocket không điều khiển, các máy bay chiến đấu của Nga vẫn có thể thực hiện cuộc không kích có độ chính xác cao nhờ cảm biến tiên tiến trên máy bay.
Một lời giải thích khác được RUSI đưa ra là VKS không thực sự tự tin vào khả năng áp chế phòng không Ukraine.
Nhà phân tích quân sự David Axe viết trên Forbes rằng các chỉ huy của VKS dường như vẫn bị ám ảnh bởi thất bại trong chiến dịch can thiệp quân sự vào Georgia năm 2008.
Lực lượng phòng không được xem là yếu ớt của Georgia đã gây tổn thất nặng nề cho VKS.
Đến năm 2014, lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn ở Donbass đã gây tổn thất nặng nề cho không quân Ukraine, đến nỗi Kyiv phải dừng các hoạt động không kích. Các chỉ huy VKS lo ngại kịch bản cũ sẽ lặp lại.
Phòng không Ukraine sở hữu nhiều hệ thống tên lửa phòng không đáng sợ như Buk, 2K12 Kub, 9K330 Tor, S-125 Neva, đặc biệt là tổ hợp phòng không tầm xa S-300. Những tên lửa này là ác mộng cho bất kỳ lực lượng phòng không nào.
Tuy vậy, người ta không thể xác định khả năng chiến đấu của các hệ thống này ở thời điểm hiện tại.
Giới phân tích cho rằng đã có những dấu hiệu cho thấy Nga đang chuyển sang sử dụng nhiều hơn sức mạnh không quân, khi lực lượng mặt đất của họ đang bị kháng cự mạnh ở các khu vực đô thị.
Hôm 4/3, Financial Times dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết Nga đã gia tăng các đợt không kích nhắm vào thành phố Kharkiv - nơi hệ thống phòng không của Ukraine đã bị phá hủy nhiều.
Quân đội Nga tiếp tục sử dụng tên lửa hành trình tấn công vào thành phố Zhytomyr, nơi có một căn cứ không quân Ukraine.
Các nhà phân tích cho rằng Moscow sẽ tiếp tục sử dụng tên lửa hành trình để làm suy yếu hơn nữa không quân Ukraine, trước khi cho nhiều máy bay hơn tham chiến.