Những ngày qua, Ấn Độ trở thành tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế, khi làn sóng dịch bệnh thứ hai đẩy hệ thống y tế nước này đến bên bờ vực sụp đổ. Nhưng Ấn Độ không phải quốc gia duy nhất đang rơi vào thảm kịch đại dịch Covid-19.
Một năm trước, khi đại dịch vẫn còn ở những tháng đầu, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo đoàn kết là con đường duy nhất để giúp thế giới thoát khỏi dịch bệnh.
Sau mười hai tháng, nhiều khu vực trên thế giới đối mặt làn sóng dịch bệnh tồi tệ chưa từng có, trong khi một số quốc gia đã tính tới phương án trở lại cuộc sống thường nhật.
Bãi hỏa táng tập thể người tử vong vì Covid-19 ở New Delhi. Ảnh: AP. |
Giai đoạn dịch bệnh tồi tệ nhất
Nếu như Ấn Độ đang là tâm dịch của khu vực Nam Á, thì tại Tây Á, Thổ Nhĩ Kỳ vừa bước vào đợt phong tỏa toàn quốc đầu tiên hôm 29/4, sau khi nhà chức trách ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm tăng vọt.
Tại Iran, số ca tử vong trong một ngày vì Covid-19 hôm 26/4 là 496, mức kỷ lục từ khi dịch bệnh bùng phát. Nhiều thành phố, thị trấn bị đặt dưới lệnh phong tỏa nhằm ngăn virus lan rộng. Tổng thống Hassan Rouhani cho biết Iran đang trải qua làn sóng dịch bệnh thứ tư.
Bức tranh u ám cũng đang bao trùm khắp Nam Mỹ. Với 14,5 triệu ca mắc Covid-19 cùng 400.000 người tử vong, Brazil tiếp tục là quốc gia có tỷ lệ tử vong trên tổng dân số cao nhất thế giới.
Trong lúc một số quốc gia phương Tây cân nhắc trở lại cuộc sống bình thường trong vài tuần tới, thì số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu tăng liên tiếp 9 tuần, trong khi số người tử vong vì dịch bệnh cũng tăng 6 tuần liên tục.
Brazil ghi nhận khoảng 140.000 người chết vì Covid-19 trong hai tháng qua. Ảnh: Reuters. |
"Về tổng thể, số ca mắc Covid-19 toàn cầu trong tuần qua cao bằng tổng số ca mắc trong 5 tháng đầu tiên của dịch bệnh", Tổng giám đốc WHO Tedros nhận định.
COVAX, sáng kiến chia sẻ vaccine giá rẻ cho các nước thu nhập thấp, hiện là hy vọng duy nhất để nhiều quốc gia đang phát triển tiếp cận vaccine.
Nhưng bởi chương trình COVAX phụ thuộc vào nguồn vaccine AstraZeneca do Ấn Độ sản xuất, trong bối cảnh quốc gia Nam Á phải ưu tiên nhu cầu trong nước, nên tiến độ phân phối vaccine của COVAX giờ cũng gặp phải vấn đề.
Đối mặt với đại dịch, thế giới sẽ ích kỷ
Tới đầu tháng 4, trong số hơn 700 triệu liều vaccine được phân phối toàn cầu, chỉ 0,2% đến được các nước thu nhập thấp. Trong khi đó, các nước thu nhập cao và trung bình cao nắm giữ 87% số vaccine của thế giới.
Tại các nước nghèo, tỷ lệ tiêm chủng là 0,2%, so với gần 25% ở các nước thu nhập cao. Ông Tedros miêu tả tình trạng nói trên là "sự bất bình đẳng gây choáng váng".
"Một số nước thuộc nhóm thu nhập thấp nhất chưa nhận được bất cứ liều vaccine nào, không nước nào nhận đủ vaccine, và giờ một số nước sẽ không nhận được vaccine theo đúng kế hoạch", ông Tedros phát biểu hôm 15/4.
"Chúng ta thấy COVAX thực sự có ích. Nhưng để phát huy tối đa hiệu quả của chương trình, chúng ta cần mọi quốc gia thể hiện cam kết chính trị và tài chính, tài trợ toàn lực cho COVAX và chấm dứt đại dịch", ông Tedros cho biết.
Trong khi nhiều nước giàu sẵn sàng tài trợ tiền bạc cho COVAX, họ lại không sẵn lòng viện trợ bằng vaccine.
Tuần trước, Pháp mới là quốc gia đầu tiên quyên góp vaccine AstraZeneca từ nguồn cung nội địa của mình cho COVAX.
Các nước thu nhập cao đang nắm phần lớn vaccine của thế giới. Ảnh: Getty. |
"Vấn đề là những người nắm quyền quyết định chủ yếu là chính phủ các quốc gia. WHO đưa ra hướng dẫn, nhưng lại không có nhiều thẩm quyền", Michael Head, chuyên gia về y tế toàn cầu từ Đại học Southampton, Anh, cho biết.
"Rõ ràng các chính phủ sẽ hành động vì lợi ích của người dân nước họ. Khi đối mặt với đại dịch, cả thế giới sẽ đều ích kỷ, mọi quốc gia đều khá ích kỷ. Ở một mức độ nào đó, việc quan tâm tới người dân nước mình trước tiên là điều có thể hiểu được", ông Head nhận định.
Chương trình COVAX ban đầu đặt mục tiêu phân phát 2 tỷ liều vaccine Covid-19 vào cuối năm 2021, đủ để bảo vệ các nhóm cư dân có nguy cơ và dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch.
"Mục tiêu ban đầu của chúng tôi là đưa vaccine tới 20% dân số toàn cầu, đặc biệt tập trung vào các nước và vùng lãnh thổ thu nhập thấp nhất", người phát ngôn của Liên minh vaccine quốc tế (GAVI) cho biết.
Nhưng bởi các nước giàu tích trữ vaccine, cùng tình trạng nguồn cung bị gián đoạn, COVAX đang gặp nhiều khó khăn trong thực hiện đúng kế hoạch.
Lô vaccine đầu tiên được COVAX bàn giao cho Ghana ngày 24/2. Tới nay, chương trình này đã phân phối 49,5 triệu liều vaccine tới 121 quốc gia, kém xa mục tiêu 100 triệu liều vaccine vào cuối tháng 3 như kế hoạch ban đầu.
Những khó khăn mà COVAX vấp phải là ví dụ cho thấy rào cản đối với một nỗ lực phối hợp ở quy mô toàn cầu, trong bối cảnh các quốc gia đều ưu tiên nhu cầu vaccine trong nước.
COVAX vận hành theo cách thức mua vaccine số lượng lớn từ các công ty dược phẩm và phân phối cho các nước tham gia. Các nước thu nhập thấp có thể mua với giá rẻ hơn giá mua ban đầu, thậm chí được nhận miễn phí.
Tuy vậy, COVAX đã gặp khó khăn ngay từ khi nhận vaccine từ các nhà sản xuất, bời các nước giàu đã sớm đàm phán trực tiếp và mua vaccine từ các công ty dược phẩm với giá cao.
Theo dữ liệu của Đại học Duke, các nước thu nhập cao nắm giữ 4,7 tỷ liều vaccine Covid-19, trong khi COVAX mới chỉ ký hợp đồng thu mua được 1,1 tỷ liều.
Bên cạnh đó, COVAX chỉ mua các loại vaccine mà WHO đã phê chuẩn sử dụng. Điều này đồng nghĩa danh mục vaccine COVAX có thể mua sẽ bị hạn chế trong nhóm 4 loại gồm Pfizer-BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson.
Dù đã chứng minh là hiệu quả nhất trong số các loại vaccine, cả Pfizer-BioNTech và Moderna do Mỹ phát triển đều yêu cầu phải bảo quản ở nhiệt độ tới -75 độ C. Nhiều quốc gia thu nhập thấp đơn giản là không có cơ sở vật chất để bảo quản phù hợp.
Do vậy, tới trước thời điểm vaccine Johnson & Johnson được WHO bật đèn xanh hồi cuối tháng 3, COVAX phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vaccine AstraZeneca có thể bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường.
Viện Serum của Ấn Độ là cơ sở chính sản xuất vaccine AstraZeneca cho chương trình COVAX. Ấn Độ cam kết sẽ cung cấp 200 triệu liều vaccine cho COVAX, và có thể điều chỉnh lên đến 900 triệu liều nếu cần thiết.
Đầu tháng 3, COVAX cho biết mục tiêu là phân phối 237 triệu liều vaccine tới 142 quốc gia vào cuối tháng 5. Mục tiêu này giờ khó có thể hoàn thành bởi gián đoạn nguồn cung từ Ấn Độ.
Đại dịch sẽ kéo dài hơn kỳ vọng
Thời gian tới, WHO dự kiến phê chuẩn việc sử dụng hai loại vaccine do Trung Quốc phát triển là Sinovac và Sinopharm.
Cũng giống AstraZeneca và Johnson & Johnson, cả hai loại vaccine của Trung Quốc đều có thể bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường, do đó dễ dàng vận chuyển tại các nước đang phát triển.
Nhưng tới lúc này, Trung Quốc mới chỉ cam kết cung cấp cho COVAX 10 triệu liều vaccine, số lẻ so với những khoản hỗ trợ hàng trăm triệu liều vaccine mà Bắc Kinh hứa hẹn với các đối tác thông qua thỏa thuận song phương.
Dù WHO hoan nghênh việc Trung Quốc viện trợ vaccine cho các nước, những thỏa thuận như vậy thường bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị và không bảo đảm sẽ đến được những nước đang cần vaccine nhất.
Thomas Bollyky, giám đốc Chương trình Y tế toàn cầu, cho biết 63/65 quốc gia được Trung Quốc cam kết viện trợ y tế là thành viên sáng kiến Vành đai, Con đường của Bắc Kinh.
Trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm mà nhu cầu ngày một tăng cao, không ít ý kiến kêu gọi các tập đoàn dược phẩm lớn từ bỏ bảo hộ đối với các bằng sáng chế liên quan đến vaccine, cho phép vaccine được sản xuất rộng rãi.
Thi thể người tử vong vì Covid-19 được hỏa thiêu ở Ấn Độ. Ảnh: AP. |
Mấu chốt ở chuyển giao công nghệ
Ông Bollyky cho biết chỉ từ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ không giúp mở rộng quy mô sản xuất vaccine, mà mấu chốt nằm ở chuyển giao công nghệ.
"Vaccine rất khác, việc sản xuất nó thực sự là cả một quy trình sinh học. Rất khó để mở rộng sản xuất ngay cả với công ty gốc, đừng nói đến các nhà sản xuất khác tìm cách học theo nếu không có sự trợ giúp. Việc sản xuất đòi hỏi nhiều thông tin hơn là chỉ vấn đề bằng sáng chế", ông Bollyky nói.
Trong khi đó, một vấn đề nhức nhối khác là không có nhiều cơ sở đủ năng lực sản xuất các loại vaccine đã được WHO phê chuẩn, để đáp ứng nhu cầu của 8 tỷ dân thế giới.
"Chia sẻ tài sản trí tuệ là điều cần thiết, nhưng nó không đủ để giải quyết vấn đề. Sản xuất vaccine là quy trình khó khăn. Không dễ để tạo ra một cơ sở mới với đầy đủ thiết bị, cơ sở hạ tầng, cùng mọi thành phần vaccine và đội ngũ nhân viên thích hợp để sản xuất ở quy mô lớn các sản phẩm vaccine chất lượng cao. Đó là cái khó", chuyên gia Head của Đại học Southampton nhận xét.
Việc Ấn Độ giảm số lượng vaccine cung cấp cho COVAX cũng như các quốc gia khác là điều dễ hiểu, bởi bản thân nước này đang vật lộn với cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có.
"Nhưng rõ ràng nó sẽ mang lại hậu quả cho các nước khác, đặc biệt các nước ở những khu vực nghèo nhất thế giới vốn chưa nhận được vaccine. Điều này sẽ khiến dịch bệnh kéo dài lâu hơn mong muốn", ông Head nói.