Thảm cảnh từ làn sóng thứ 2 ở Ấn Độ, xuất phát một phần từ các hoạt động tôn giáo tụ tập đông người, dường như củng cố quyết tâm phòng dịch của Indonesia.
Mới đây, quốc gia Đông Nam Á này chính thức ra lệnh cấm đối với các cuộc di cư truyền thống quy mô lớn, diễn ra hàng năm khi tháng lễ ăn chay Ramadan kết thúc, thường được gọi là “mudik”. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 6 đến 17/5, theo Asia Times.
Trong khoảng thời gian này, chính quyền Indonesia sẽ lập chốt chặn 333 điểm tại các vị trí chiến lược. Đồng thời, các dịch vụ vận tải đường biển, đường không và đường bộ chở hành khách sẽ bị cấm.
Những người dân vi phạm sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt, bao gồm phạt tiền và phải ngồi tù.
Các trường hợp ngoại lệ sẽ chỉ áp dụng cho các dịch vụ hậu cần, vận tải nội thành ở Jakarta và bảy thành phố lớn khác.
Khách du lịch và những người trong trường hợp khẩn cấp phải mang giấy phép và có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính.
Một sĩ quan cảnh sát nói chuyện với một người lái xe máy trong khi kiểm tra giấy tờ tại một trạm kiểm soát ở Semarang. Ảnh: AFP. |
Tăng cường lực lượng giám sát
Vào năm ngoái, một lệnh cấm tương tự đã được áp dụng nhưng không được thực thi đúng cách. Nhiều người vẫn lợi dụng những khoảng trống trong mạng lưới đường bộ và trở về quê trước khi lệnh có hiệu lực.
Trong lần này, chính phủ Indonesia cảnh báo rằng sẽ có hàng nghìn quan chức cảnh sát, quân đội và quản lý đường bộ canh gác.
Các khu vực nghỉ ngơi và trạm kiểm soát đường cao tốc sẽ truy quét những du khách di chuyển mà không có lý do chính đáng.
Người phát ngôn của Lực lượng Đặc nhiệm Covid-19 Wiku Adisasmito thông báo: “Điều làm nên sự khác biệt là chính phủ đã chuẩn bị tương đối tốt để đối mặt với những thách thức, dựa trên các bài học kinh nghiệm”.
Ông cho biết chính phủ quyết tâm ngăn chặn sự gia tăng đột biến các trường hợp Covid-19, tránh tình trạng giống như các kì nghỉ năm 2020.
"Chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể giảm khoảng 80% ý định về nhà của mọi người,” Bộ trưởng Du lịch và Văn hóa Sandiaga Uno cho biết.
“Nhưng thậm chí 20% vẫn là rất nhiều người. Chúng tôi sẽ làm cho các hạn chế thậm chí còn cứng rắn hơn”, Bộ trưởng Uno nói.
Arab Saudi đã thông báo chỉ những người được tiêm chủng mới có thể thực hiện cuộc hành hương Umrah. Tuy nhiên, không rõ liệu chính sách này có mở rộng sang cuộc hành hương Hajj hàng năm vào cuối tháng 7 hay không.
Nếu chính sách được mở rộng, đây sẽ là năm thứ hai liên tiếp mà 250.000 người Hồi giáo Indonesia đã bị ngăn cản thực hiện hành hương. Họ thường phải chờ hơn một thập kỉ để hành hương đến Mecca và chạm vào khối đá thiêng Kaaba.
Hy vọng khôi phục kinh tế
Cho đến hết ngày 2/5, Indonesia ghi nhận 1,67 triệu ca nhiễm bệnh và hơn 45.650 ca tử vong kể từ khi bắt đầu đại dịch, theo số liệu Đại học Johns Hopkins (Mỹ). Tuy nhiên, số ca ghi nhận mỗi ngày đang giảm dần.
Theo uớc tính, trong những năm bình thường, du khách chi tới 10 tỷ USD cho kỳ nghỉ Lebaran hàng năm, hay còn gọi là kỳ nghỉ Eid Al-Fitri. Điều này có thể thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế nông thôn của đất nước vốn đã bị ảnh hưởng lớn kể từ đại dịch.
Lực lượng đặc nhiệm Covid-19 gần đây cũng chỉ ra tương quan giữa sự gia tăng của những người lao động rời Jakarta với sự gia tăng các ca mắc mới ở một số khu vực.
Một giáo sĩ được tiêm vaccine Sinovac tại Bali. Ảnh: AFP. |
Ngoài ra, còn rất nhiều lỗ hổng có thể gây nguy hiểm cho Indonesia. Phó tổng thống Ma'ruf Amin, cựu chủ tịch của Tổ chức Hồi giáo Nahdlatul Ulama (NU), đã yêu cầu lực lượng đặc nhiệm đưa ra ngoại lệ cho học sinh tại trường nội trú Hồi giáo.
Số học sinh này có nguy cơ lây nhiễm thấp hơn, nhưng vẫn sẽ làm tăng thêm khoảng bốn triệu trẻ em đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng.
Các cơ quan y tế đã báo cáo các ổ dịch Covid-19 xuất hiện tại nhiều trường nội trú, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Chỉ riêng năm 2020, số liệu của NU cho thấy 207 giáo sĩ tử vong vì Covid-19 từ 110 trường nội trú. Lực lượng đặc nhiệm vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của Phó tổng thống Amin.
Đảo Bali cũng xin được ngoại lệ khỏi lệnh cấm. Chính quyền Bali lo ngại hòn đảo sẽ không có khách du lịch. Nền kinh tế của hòn đảo này suy giảm 9,1% trong năm 2020.
Phó thống đốc Tjokorda Oka Artha Ardhana Sukawati cho biết: "Khách du lịch nội địa khác với người nước ngoài vì họ chỉ đến Bali để nghỉ mát".
Tuy nhiên, Bali đứng thứ bảy trong số 34 tỉnh của Indonesia với 44.400 ca nhiễm bệnh. Hòn đảo này vẫn ghi nhận khoảng 160 trường hợp mới và 10 trường hợp tử vong mỗi ngày, chủ yếu ở Denpasar và ở các huyện ven biển phía tây Badung và Tabanan. Tổng số người thiệt mạng là 1.327, trong đó chỉ có năm người nước ngoài.
Bộ trưởng Uno đã đàm phán với Singapore, Trung Quốc, Hà Lan, Arab Saudi, Qatar và Ấn Độ, về khả năng mở "bong bóng du lịch" với Bali và các đảo Bintan và Batam ở phía nam Sumatra vào tháng 6 hoặc tháng 7.
Các quan chức y tế đặt mục tiêu ưu tiên tiêm chủng 2,8 triệu trong số 4,3 triệu dân của Bali và khoảng 700.000 ở Batam và Bintan. Các hòn đảo này nỗ lực đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng trong vòng 3 tháng tới.
Indonesia đã tiêm một hoặc hai mũi cho 19,2 triệu trong số 181 triệu người được ưu tiên tiêm chủng. Hầu hết vaccine được cung cấp bởi Sinovac của Trung Quốc.
Bộ trưởng Y tế Budi Sadikan cho biết nước này sẽ nhận được 125,5 triệu liều vào cuối năm nay. Indonesia đã đảm bảo các đơn đặt hàng cho 47 triệu liều AstraZeneca, 44 triệu liều Novavax, 50 triệu liều Pfizer và 11,5 triệu vaccine COVAX thông qua Gavi.
Hợp đồng cung cấp 10 triệu liều vaccine AstraZeneca từ Ấn Độ gặp phải khủng hoảng khi nước này cấm các hợp đồng xuất khẩu vaccine lớn.
Điều này khiến quá trình tiêm chủng của Indonesia phải chậm lại, giảm từ 500.000 liều xuống còn từ 200.000 đến 300.000 liều mỗi ngày trong hai tuần qua.
Sinovac có thể là nhà cung cấp thay thế cho 57,3 triệu liều vào tháng 10 đến tháng 12 và 57,4 triệu liều trong quý đầu tiên của năm 2022. Sinovac có mức độ hiệu quả từ 50,6% đến 83,5%.