Những cô đào gánh hát lô tô. Ảnh: G.D.L. |
Sau ba cuốn sách viết về Sài Gòn - TP.HCM là Gòn còn thương thì về, Hỗn kỳ đài, Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình (xuất bản trong 2-3 năm trở lại đây), nhà văn Tống Phước Bảo - một trong những cây bút trẻ sung sức hiện nay - lại cho ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn viết về Miền Tây mang tên Linh đinh tình phù sa.
Chữ tình của người miền Tây
Tống Phước Bảo vốn sinh ra và lớn lên ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng có gốc quê cha ở An Giang, quê mẹ ở Đồng Tháp. Phải chăng vì thế mà miền Tây như đã thấm vào trong máu của nhà văn vốn sinh trưởng ở thành thị miền Đông này.
Nhà văn này cho biết mình chưa đi hết dải đất phù sa miền Tây, chưa nghe hết chuyện hào sảng ở xứ này, đôi mắt chưa thể tường tận hết những thứ đẹp đẽ của sóng nước bưng biền. Hay thâm tâm anh chưa thể trọn vẹn thấu hiểu hết vùng châu thổ, nhưng anh vẫn luôn thích viết về xứ này. Cái xứ mà anh tâm niệm rằng “Người ta sống gì thác đó, gieo neo dâu bể thế nào thì cũng về với đất quê xứ mình thôi!”.
Tập truyện ngắn Linh đinh tình phù sa của Tống Phước Bảo gồm 12 truyện đã được chính anh tuyển chọn kỹ càng, với mong muốn trao gửi những điều trân quý nhất dành cho độc giả, như một lời tri ân cho những người đã ưu ái đồng hành cùng văn chương của anh.
12 truyện ngắn này là những câu chuyện của miệt đồng bưng chín nhánh sông (Sông Cửu Long) mà chúng ta thường gặp ở bất cứ trong tác phẩm nào viết về xứ này. Tuy nhiên, điểm nhấn của mỗi truyện trong cuốn sách lại xoay quanh một chữ “tình”.
Và chữ “tình” này được tác giả nhìn thấu suốt theo từng con chữ, từng phận đời, từng chuyện buồn, chuyện vui nơi miệt thứ, đồng bưng phù sa, sóng nước, với niềm tin yêu tràn ngập trong ruột gan huyết quản của anh.
Tập truyện Linh đinh tình phù sa. Ảnh: Minh Châu. |
Chẳng thế mà Tống Phước Bảo viết trong cuốn sách: “Tôi vẫn thường nghĩ, con người ta trong cuộc đời này chẳng ai thoát được chữ tình. Chữ tình quấn lấy chúng ta, dìu dắt chúng ta qua nỗi buồn, dẫn chúng ta tới niềm vui. Chữ tình khiến chúng ta đắng đót với niềm đau nhưng cũng chính cái chữ tình đó lại là nỗi thương để chúng ta bám víu vào mà sống hết đoạn đời phù sinh thế này”.
“Người viết vì tình mà viết. Người đọc vì tình mà buồn vui theo từng con chữ, xót xa theo từng phận đời, hả hê với điều thiện lành được hồi đáp sau bao đoạn trường trầm luân”.
Những dòng trôi
Trong Linh đinh tình phù sa, độc giả sẽ bắt gặp những cảnh vật đậm chất miền Tây như lục bình, bông điên điển, bờ kênh, ếch nhái, cào cào, rắn, bông súng, ễnh ương… Tất cả những cảnh vật đó được tác giả miêu tả như một quần thể quấn quýt nhau, thương giận nhau và trôi về phía biển theo chín nhánh của dòng Cửu Long. Và cái quần thể cảnh vật đó chính là nơi chất chứa tất cả phận người chìm nổi lênh đênh trên những dòng trôi.
Đó là dòng trôi của gánh hát lô tô với những bà bóng hai thân phận mà cả “trăm bà bóng hát lô tô, trăm bà cơ cầu nghiệt ngã hết cả đời”, “Người ta có một cuộc đời, một thân phận cũng đã là khổ. Mấy bà bóng tận hai cái thân phận. Gieo neo dâu bể lắm”.
Đó là nhân vật Dũng, người mang hình dáng đàn ông nhưng muốn làm con gái, thích “lấy cây son của chị nó tô môi đỏ choét, đứng trong phòng mà múa hát”, hoặc đó là nhân vật bé Diễm với vóc dáng “xương cốt đàn bà, đời sinh sai cái giới tính”. Hay đó là những tiếng ca lô tô của gánh hát Lục Bình như “Tiếng thét bềnh bồng giữa thinh không như lục bình trôi” (truyện ngắn Như lục bình trôi).
Đó là dòng trôi của một người đàn bà đơn chiếc suốt đời tần tảo nuôi con, khi chết chỉ mong được hiến xác, với suy nghĩ “Đời đôi lúc nặng nề lắm, mình giữ lấy làm gì? Cạn cùng cuộc đời người, chí ít cũng còn làm được cái điều thiện lành này” (truyện ngắn Dòng trôi).
Đó là dòng trôi của cô gái mòn mỏi đợi chờ tiếng yêu cả tuổi xuân, nhưng cuối cùng lại phải kết hôn cùng một ông già về hưu non (truyện ngắn Đò qua sông vắng).
Đó là dòng trôi của một người phụ nữ vì hoàn cảnh phải bỏ lại chồng con để lấy một ông già người Đài Loan, đi biền biệt mười năm không về (truyện ngắn Mây về cố quận).
Đó là dòng trôi của anh chàng bán gạo sống sót sau lần mẹ quyên sinh vì tình phụ. Anh sống với ngoại của mình, neo phận đời lênh đênh trên sông nước, sinh nhai khắp mấy con kênh, đoạn rạch suốt mấy chục năm trời (truyện ngắn Chiếu không).
Đó là dòng trôi của một cô giáo trẻ về làng quê hẻo lánh dạy chữ (truyện ngắn Mưa miền Cố Giang).
Có thể nói, mỗi truyện trong cuốn sách là một chữ tình, là một dòng trôi, giống như “Sóng nước bưng biền vậy chứ nó thấm thía nỗi buồn lắm, nó gợn vỗ nhẹ hều vậy đó, mà nó vỗ miên trường cả cuộc đời, vỗ trắng bạc cả mái đầu hồi nào hổng hay”.