Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM không thiếu chuyện để kể

“Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình” là một bước đi tiếp theo trên con đường đem Sài Gòn - TP.HCM đến gần hơn với độc giả của nhà văn Tống Phước Bảo.

Tranh mô tả giao thông trên đường TP.HCM của họa sĩ Pháp Jean-marc Potlet.

Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình là tên tập tản văn mới nhất, đồng thời là cuốn sách thứ ba viết về Sài Gòn - TP.HCM, xuất bản trong 2 năm trở lại đây của nhà văn Tống Phước Bảo.

Mỗi thân phận làm nên một câu chuyện

So với những cảm xúc, “cảm thương đẹp đẽ” của một “thị dân chính gốc” với mảnh đất đã “ấp yêu” mình hơn 30 năm (sách Gòn còn thương thì về) và góc nhìn của một người con của thành phố sau quãng lắng vì cơn dịch bệnh (sách Hỗn kỳ đài), thì trong tập tản văn mới này, Tống Phước Bảo đã mở rộng biên độ cả chiều sâu nội dung đến không gian và hình thức thể hiện.

Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa bạn đọc đến nhiều thân phận trên mảnh đất này hơn nữa, mà theo anh là: “Mỗi thân phận làm nên một câu chuyện mà thiếu họ có lẽ Sài Gòn sẽ chẳng còn là Sài Gòn”.

Trong Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình (32 tản văn) độc giả vẫn bắt gặp hình ảnh của một Sài Gòn - TP.HCM chân tình, mộc mạc, bao dung, hào sảng, nhưng nó đã đi sâu hơn vào những con hẻm và phận đời xa xứ. Đây là góc nhìn gần hơn, thật hơn của Tống Phước Bảo về những mảnh đời "gá phận" trên mảnh đất này như là một duyên lành.

“Nhiều lắm những người miền Trung bôn ba, xa xứ chọn gánh hàng rong, chọn những chiếc xe đẩy, hay mẹt bánh trái vụn vặt mưu sinh giữa thành phố hoa lệ”. (Biết vọng cố hương biết thương xứ mình).

Hay “Hẻm nhỏ từ lâu vốn quen thuộc với quang gánh bánh quê từ các mẹ, các dì miền Tây cứ bận xế trưa là ghé ngang. Tiếng rao lanh lảnh riết thành quen”. (Còn chút hồn quê giữa thị thành).

Từ chiều sâu của những con hẻm và phận đời xa xứ đó, cuốn sách đã bao quát một Sài Gòn rộng mở và bao dung đúng nghĩa theo bản tính của người Sài Gòn.

Sai Gon - TP.HCM anh 1

Sách Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình. Ảnh: M.C.

Hiểu nhiều thì lại thương nhiều

Một hướng tiếp cận mới trong tập tản văn Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình đó là tác giả đã tập hợp nhiều bài tản văn viết về Sài Gòn qua ẩm thực đa dạng của mọi vùng miền trên đất này.

Theo tác giả, không đâu dễ dàng kiếm các món Bắc Trung Nam lẫn món Tây món Tàu như Sài Gòn, từ thắng cố, gà mông, lẩu Lào (Chút ấm áp ngày se lạnh); bì heo (Nghe mưa nhớ vị xưa); đến cơm tấm ma, sủi cảo “xuyên đêm”, chè “âm phủ” (Sài Gòn một vòng ấm lòng giữa đêm); hủ tiếu của người Hoa (Liêu xiêu hủ tiếu Sài Gòn)…

Trong ẩm thực đa dạng của các vùng miền ở Sài Gòn cũng phải kể đến những món ăn mang nỗi niềm nhớ quê của những người tứ xứ đổ về đây mưu sinh. Chẳng hạn: Bắp bò mật mía, thịt heo ngâm mắm, bánh thuẫn, bánh nổ, bánh in ở Quảng Nam, hoặc miền Trung (Biết vọng cố hương biết thương xứ mình); canh tép rong nấu đọt nhãn lồng (Thương món canh quê thèm mùi Châu thổ); miến dong Bắc Cạn - Đậu phụ làng Mơ, bánh chưng tranh khúc (Tìm Tết Bắc giữa Sài Gòn)

Một điểm mới và cũng dễ nhận thấy trong tập tản văn này là tác giả đã mở rộng biên độ không gian các bài viết. Khác với hai cuốn về Sài Gòn trước chỉ gói gọn trong phạm vi thành phố, lần tác giả trong vai của một thị dân Sài Gòn chính gốc đưa chúng ta đi những vùng miền khác của đất nước như Hà Nội (Tìm quán Tiến Bộ, hỏi ngõ Tạm Thương), Đà Nẵng (Hẹn những mùa thàn mát nở hoa), Đà Lạt (Lên xứ thông reo, nghe hoa xuân hát).

Theo tác giả, dù bất kì nơi đâu, người Sài Gòn cũng giữ nguyên được sự tươi mới, năng động, và tình cảm. Điều này là một lát cắt mới mà tác giả muốn đem đến cho độc giả đó là biên độ không gian mở ra thì sự thấu hiểu cũng sẽ sâu rộng hơn. Hiểu nhiều thì lại thương nhiều.

Một điều đáng kể nữa là tập tản văn này có 7-8 bài viết về mưa giông và về Tết (Mùa đoàn viên bão giông, lòng người vẫn rộng mênh mông, Mưa dầm nỗi thèm quê, Vọng Tết, Tìm tết Bắc giữa Sài Gòn, Hồn xuân trong chiếc áo dài Tết…).

Theo tác giả, nói về mưa giông là muốn nhắc nhớ về khó khăn dâu bể thác ghềnh mà đời người ai cũng sẽ phải trải qua. Còn kể chuyện Tết, là nói về mùa xuân như một tất yếu của sự tích cực năng lượng sống sẽ dẫn dắt chúng ta tìm về sự an lành, ấm áp, sung túc. Thời gian có luân chuyển 4 mùa thì mùa xuân vẫn là mùa người ta trông đợi và hướng đến. Đó là động lực để mình sống.

Ngoài ra, trong tập tản văn, tác giả còn có một số bài viết về mùa dịch ở Sài Gòn - TP.HCM nhưng với gam màu tươi sáng hơn. Theo Tống Phước Bảo TP.HCM đi qua tâm dịch có đau thương mất mát nhưng trên hết là tình người vẫn ngời sáng giữa lúc nguy nan. Chúng ta thấy trước đây TpHCM luôn đi đầu trong việc hỗ trợ, ủng hộ, quyên góp thậm chí chi viện y tế cho nơi khác. Nhưng từ trong đỉnh dịch, TP.HCM lại nhận được tình cảm chung sức của rất nhiều nơi. Lan toả một nghĩa cử đồng bào tương thân tương ái. Đó là điểm sáng và chúng ta nên nhìn về thứ ánh sáng yêu thương này để sống tích cực.

Chia sẻ thêm với Zing, Tống Phước Bảo cho biết tập tản văn Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình chính là một bước đi tiếp theo của anh trên con đường đem Sài Gòn - TP.HCM đến gần hơn với độc giả. “Kể tiếp chuyện Sài Gòn là điều Bảo và nhiều người viết đang làm. Bởi như Bảo đã từng nói: Sài Gòn không thiếu chuyện để kể. Càng kể thì lại càng thương mảnh đất nắng gió này”.

Chia sẻ về việc tại sao lại chọn tên bài tản văn đầu tiên Biết vọng cố hương biết thương xứ mình để đặt cho cuốn sách, Tống Phước Bảo cho biết anh muốn gửi gắm một niệm lành đến độc giả.

“Giữa những biến chuyển của thời gian, không gian, cả những mưu cầu đời người ai rồi cũng đến lúc nhìn lại hành trình sống của mình. Khi ấy tự khắc sẽ biết vọng cố hương, biết thương xứ mình. Thương như chính mình thương mình khi nhìn tóc mình chẳng còn đen, tay mình đã chai và lòng mình đã lặng”, nhà văn này nói.

Người TP.HCM sống tử tế, vì nhau và cho nhau

Tập truyện ngắn "Hỗn kỳ đài" là cái nhìn của nhà văn Tống Phước Bảo về Sài Gòn - TP.HCM sau quãng lắng vì cơn dịch bệnh.

Chữ 'yêu' là chưa đủ khi nói về tình cảm với TP.HCM

Tình cảm của Tống Phước Bảo dành cho TP.HCM quá lớn, vì thế nếu chỉ dùng từ "yêu" thì chưa đủ để bày tỏ tấm lòng của nhà văn đối với mảnh đất phồn hoa này.

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm