Tống Phước Bảo hay Trúc Thiên (bút danh của Bảo) là cái tên không còn xa lạ với nhiều người. Nhắc đến anh, người yêu văn chương sẽ nhớ đến những câu chuyện thấm đẫm tình người, những tấm lòng hào sảng, nghĩa khí, bao dung của con người đất phương Nam, đặc biệt là Sài Gòn trên các báo, tạp chí, hay xuất bản thành sách.
Tập truyện ngắn Hỗn Kỳ Đài. Nguồn: TYM Books & Media. |
Một góc nhìn về đại dịch ở Sài Gòn - TP.HCM
Mới đây, nhà văn trẻ nhiều triển vọng này lại tiếp tục cho ra mắt tập truyện ngắn mới mang tên Hỗn kỳ đài. Đây có thể xem là sự tiếp nối mạch cảm xúc của tác giả về Sài Gòn - TP.HCM, đã in đậm trong tập tản văn, truyện ngắn Sài Gòn còn thương thì về (ra mắt tháng 5/2021).
Bởi lẽ tập truyện này chính là cái nhìn của Tống Phước Bảo về Sài Gòn - TP.HCM sau quãng lắng vì cơn dịch bệnh. “Quả thật, khoảnh khắc khi tôi qua nhiều con phố quen, tôi thương Sài Gòn quá chừng. [...]Tập truyện ngắn này như sự chia sẻ của tôi với Sài Gòn”, tác giả viết trong Lời tựa cuốn sách.
Hỗn Kỳ Đài gồm 15 truyện ngắn. Mỗi truyện đều liên quan đến TP.HCM, dựng lên một thành phố chân tình, mộc mạc, bao dung và hào sảng như vốn dĩ đó chính là cái nết của thị dân thành phố này.
Nhà văn viết: “Với tôi, Sài Gòn không chỉ có phố xá đông đúc, náo nhiệt hào hoa, đãi bôi bon chen, mà đâu đó ở cái thành phố này vẫn còn những câu chuyện len lỏi vào các con hẻm, chìm lẩn vào các xóm nghèo, và ẩn khuất vào nhiều mảnh đời. Mỗi người ở thành phố này đều có câu chuyện hay ho, đáng kể, mỗi câu chuyện lại mang trên mình sứ mệnh riêng nào đó. Ghép nối, góp nhặt mải miết chẳng bao giờ hết. Thành thử, viết về Sài Gòn, cũng không thể cạn nguồn cơn”.
Với văn phong đầy xúc cảm, bạn đọc sẽ cảm thấu một Sài Gòn trong Hỗn kỳ đài đầy ắp tình nghĩa. Mỗi nhân vật trong tập truyện như hiện ra trước mặt, có yêu, có hận, có đau thương, có hạnh phúc, có thiện có ác. Không ai là bản thể hoàn hảo nhưng đều hướng tới sự hoàn hảo.
Cuộc đời vốn dĩ là chuỗi những ngày hỉ nộ ái ố, đều được Tống Phước Bảo chuyển tải đến người đọc bằng trái tim ấm áp, yêu thương, nên mọi bi kịch đều không bế tắc, mọi oán hờn đều có nguyên do đều được tha thứ, mọi con đường đều có lối ra.
Để có cái nhìn bao dung như vậy là nhờ Bảo đi nhiều, nghe nhiều, không phải bằng tai, mà bằng cả tâm hồn, bằng trái tim mở rộng. Những ai ở Sài Gòn trong chuỗi ngày giãn cách khủng khiếp giữa năm 2021 thì khó có thể quên được đau thương do đại dịch mang lại.
Những cuộc tháo chạy trong tuyệt vọng, còi xe cấp cứu đến ám ảnh, những lô cốt, hàng rào dây thép gai mọc lên nhan nhản, con người đối diện với nỗi lo thường trực hàng ngày: lo đói ăn.
Thế nhưng, Bảo đã cảm, đã thấy và đem vào trang viết của mình một góc nhìn khác, góc nhìn của của sự chia sẻ, biết sống vì nhau, góc nhìn thành phố kiên cường đi qua tâm dịch và hồi sinh.
Nhà văn Tống Phước Bảo. Ảnh: NVCC. |
Tìm sự đồng cảm để thêm yêu thương
Trong 15 truyện, Hỗn kỳ đài là một câu chuyện kỳ lạ. Những nhân vật đều không có tên, chỉ có số phận. Không gian truyện như hư như thực, thời gian không xác định. Chỉ có ân tình vị tha là có thực. Do vậy, bạn đọc được tự do cảm nhận theo cách của riêng mình.
Chia sẻ với Zing, Tống Phước Bảo cho biết sau Sài Gòn còn thương thì về thì Hỗn kỳ đài chính là một bước đi tiếp trên con đường đem Sài Gòn - TP.HCM của anh đến gần hơn với độc giả.
Anh cũng cho biết lý do mình thực hiện cuốn sách này: “Sau dịch, Sài Gòn rất nhiều câu chuyện mà bản thân Bảo muốn kể, muốn tìm kiếm sự đồng cảm của mọi người để thêm yêu thương mảnh đất bao dung này”.
Chia sẻ về việc tại sao lại lấy tên cuốn sách là Hỗn kỳ đài, Tống Phước Bảo cho biết “Đây là một truyện ngắn nhưng nội dung của nó bao trùm cuốn sách. Qua cái tên Hỗn kỳ đài, Bảo muốn nói về Sài Gòn như một bàn cờ, mỗi câu chuyện, thân phận, con người đang sống trên mảnh đất này, tựa thể quân cờ, có nước đi tốt, có nước đi xấu, nhưng cuộc cờ cũng như cuộc người”.
Song tất cả rồi cũng sống tử tế, sống vì nhau, sống cho nhau. Tận cùng cuộc cờ thật ra thắng thua không còn quan trọng bằng những bình an mà mình có được. "Người Sài Gòn kì thật đều mong cầu cuộc đời mình bình bình an an giữa đất này”, Tống Phước Bảo nói.
Đề cập đến việc tại sao lại xếp truyện ngắn Hỗn kỳ đài ở cuối tập truyện, nhà văn cho biết: “Dù không viết vào lời tựa, nhưng việc Bảo sắp xếp truyện này ở cuối cùng của tập truyện là mong mọi người khi gấp trang sách lại tìm được cho mình lời giải bình an, sau những đua tranh, mỏi mệt của mảnh đất này.