Tổng thống Mỹ Donald Trump gần như cầm chắc phần thua trong nỗ lực tái đắc cử, nhưng khoảng thời gian cầm quyền người đứng đầu Nhà Trắng vẫn chưa dừng lại.
Dù hầu hết tổng thống Mỹ đều cố gắng tối đa hóa sự ảnh hưởng của bản thân trước khi rời nhiệm sở, thái độ bất cần đối với chính phủ liên bang như của ông Trump là tương đối hiếm gặp.
Giới chuyên gia cho rằng việc ông Trump rời Nhà Trắng chỉ còn là vấn đề thời gian. Ảnh: Reuters. |
Bất chấp chuẩn mực
Giới quan sát nhận định rằng những động thái của Tổng thống Trump trước khi rời Nhà Trắng nhiều khả năng gây ra tình trạng bất ổn, cản trở quá trình chuyển giao quyền lực và khiến người kế nhiệm gặp khó trong việc điều hành chính quyền mới.
Trước khi rời nhiệm sở vào ngày 20/1/2021, ông Trump nắm trong tay quyền sa thải những đối thủ tiềm tàng trong tương lai hoặc bổ nhiệm các đồng minh vào vị trí quan trọng.
Ông Trump vẫn còn rất quyền lực. Ảnh: Reuters. |
Giáo sư khoa học chính trị Emily Sydnor tại Đại học Southwestern cho rằng một khi không còn hy vọng tái đắc cử và không cần quan tâm đến ý kiến của cử tri nữa, điều duy nhất ngăn ông Trump sử dụng quyền lực là những chuẩn mực hành vi đối với tổng thống.
“Nhưng lịch sử đã chứng minh rằng các chuẩn mực đó dường như vô nghĩa chính quyền tổng thống đương nhiệm”, bà Sydnor nói.
Ông Trump nổi tiếng là người sẵn sàng phá vỡ những chuẩn mực hành vi thông thường ở một tổng thống. Ảnh: Reuters. |
Quả thực, với tư cách tổng thống, ông Trump đã làm những điều đi ngược lại lối hành xử thông thường của một nguyên thủ quốc gia.
Cụ thể, tổng thống Mỹ thứ 45 đã từ chối công bố tờ khai thuế cá nhân, yêu cầu Bộ Tư pháp điều tra các đối thủ chính trị của mình, sa thải ba chánh văn phòng Nhà Trắng trong bốn năm.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Nhà Trắng còn bị luận tội vì gây áp lực buộc chính phủ Ukraine điều tra Hunter Biden, con trai của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden.
Ông Trump từng bị luận tội vì liên quan đến các cáo buộc gây sức ép lên chính phủ Ukraine. Ảnh: Reuters. |
Loại bỏ đối thủ
Ông Biden tuyên bố đắc cử tổng thống Mỹ thứ 46 vào ngày 7/11 (giờ địa phương) sau khi một loạt các hãng thông tấn uy tín khẳng định ứng viên đảng Dân chủ đã giành được Nevada và Pennsylvania.
Bên kia chiến tuyến, ông Trump công khai ý định theo đuổi đến cùng các nỗ lực pháp lý để yêu cầu kiểm phiếu lại tại các bang tranh chấp, đồng thời cáo buộc vô căn cứ rằng đã xảy ra tình trạng gian lận trong cuộc bầu cử.
Các trợ lý của tổng thống đương nhiệm tại Nhà Trắng thì dần chấp nhận sự thật rằng thế trận gần như không thể đảo chiều được nữa.
Phần lớn đồng minh của ông Trump đã hết hy vọng về việc lật ngược tình thế trước đảng Dân chủ. Ảnh: AP. |
Cùng lúc đó, Tổng thống Trump úp mở về việc giáng đòn trừng phạt lên các thành viên trong chính phủ hiện tại đã không nỗ lực giúp ông trên phương diện chính trị trước ngày bầu cử 3/11.
Người đứng đầu Nhà Trắng đặc biệt không hài lòng với đội ngũ chuyên gia y tế của chính quyền liên bang.
Ông đổ lỗi cho họ vì đã không ủng hộ quyết định mở cửa nền kinh tế trở lại trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành tại Mỹ.
Chuyên gia y tế Anthony S. Fauci. Ảnh: Reuters. |
Thậm chí, trong một cuộc vận động tranh cử hôm 2/11 ở Florida, tổng thống đương nhiệm đã tỏ ý đồng tình với một đám đông kêu gọi sa thải “bác sĩ quốc dân” Anthony Fauci, cố vấn y tế của 6 đời tổng thống Mỹ, người từng công khai cảnh báo về mức độ nguy hiểm của đại dịch Covid-19.
“Đừng tiết lộ với ai, hãy đợi cho đến khi cuộc bầu cử qua đi. Tôi trân trọng lời khuyên của các bạn”, ông Trump nói với đám đông đang lớn tiếng yêu cầu gạt bác sĩ Fauci ra khỏi Nhà Trắng.
Bác sĩ Fauci được cho là đã bị gạt ra bên lề Nhà Trắng sau khi thẳng thắn lên tiếng về đại dịch. Ảnh: Reuters. |
Ông Biden từng khẳng định sẽ phục chức cho ông Fauci nếu bị Tổng thống Trump sa thải.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế khác như Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Robert Redfield hay điều phối viên lực lượng chống dịch Covid-19 Deborah Birx có thể sẽ không nhận được sợi dây cứu sinh từ ông Biden nếu bị ông Trump buộc thôi việc.
Động thái sa thải các chuyên gia y tế nhiều khả năng gây cản trở nỗ lực đưa nước Mỹ thoát khởi cơn khủng hoảng mang tên Covid-19 của chính quyền ông Biden trong tương lai.
Những nỗ lực khống chế dịch Covid-19 của ông Biden sẽ gặp nhiều khó khăn nếu lực lượng chuyên gia y tế ở Nhà Trắng bị ông Trump loại bỏ. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống đương nhiệm đã sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper ngày 9/11 và Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Gina Haspel cũng được cho có thể là một cái tên trong tầm ngắm. Những quan chức cấp cao này thường được cho là nguồn cơn khiến ông Trump giận dữ và bất mãn với chính phủ liên bang.
Tổng thống Trump cũng bày tỏ sự thất vọng với Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray và Bộ trưởng Tư pháp William Barr trong những tuần trước quá trình tranh cử vì không bảo vệ ông trước các cáo buộc về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016.
Quyền ân xá của tổng thống
Một truyền thống bắt nguồn từ thời tổng thống lập quốc George Washington cho phép người đứng đầu Nhà Trắng thực hiện quyền ân xá trong giai đoạn trước khi rời nhiệm sở.
Trong những tháng cuối nhiệm kỳ tổng thống, ông George H.W. Bush đã ân xá cho 6 quan chức liên quan đến vụ bê bối buôn lậu vũ khí Iran-Contra. Cựu Tổng thống Bill Clinton cũng làm điều tương tự với anh trai mình và tỷ phủ Marc Rich vốn hậu thuẫn đảng Dân chủ.
Vào năm 2016, cựu Tổng thống Barack Obama đã áp dụng luật khoan hồng đối với cựu quân nhân Chelsea Manning, người bị cáo buộc cung cấp thông tin tuyệt mật của chính phủ trong vụ bê bối WikiLeaks.
Chelsea Manning, người được ông Obama ân xá 4 năm trước. Ảnh: Getty. |
Trên thực tế, ông Trump đã tiến hành ân xá cho các đồng minh ngay từ trước khi diễn ra cuộc bầu cử, bao gồm nhà báo thiên hữu bảo thủ Dinesh D’Souza, ông trùm truyền thông Conrad Black, cựu Thống đốc Illinois Rod Blagojevich và cựu cảnh sát trưởng hạt Maricopa Joe Arpaio.
Động thái trên của ông Trump đã làm dấy lên những luồng ý kiến trái chiều về giới hạn của quyền ân xá mà một tổng thống có thể thi hành.
Ông Trump nhiều khả năng sẽ tiếp tục tha bổng cho các đồng minh và cộng sự thân cận đã bị kết tội hoặc đang bị truy tố như cựu Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn hay cố vấn Paul Manafort.
Tổng thống đương nhiệm thậm chí có thể tự ân xá bản thân trước khi bị chính quyền Biden truy tố về các cáo buộc vi phạm pháp luật, dù tính hợp pháp của hành động này chưa được đảm bảo.