Ông Yau Sai, 68 tuổi, phải trả 2.000 HKD/tháng để sinh sống trong một căn hộ tồi tàn, hoạt động trái phép ở Mong Kok (Hong Kong). Ông Yau Sai sống chung với 18 người khác, mỗi người được chia một chiếc khoang nhỏ.
Những chiếc khoang nằm sát nhau, được xếp kín từ sàn đến trần căn hộ. Mỗi khoang chỉ đủ lớn cho một người nằm.
Ông Yau Sai cao 1m8, nhưng thậm chí không thể duỗi thẳng chân vì phải chừa chỗ để đồ. Mỗi khi ra ngoài, ông thường đóng cửa khoang, mang theo toàn bộ tiền mặt và thẻ ngân hàng.
Ông Yau Sai là một trong hàng trăm nghìn người Hong Kong phải sống trong những căn hộ chật hẹp, không đạt tiêu chuẩn về an ninh, an toàn và vệ sinh. Theo South China Morning Post, trong những thập kỷ qua, giá bất động sản tăng vọt đã khiến nhà ở trở thành giấc mơ xa vời với nhiều người.
Từ Hong Kong, Trung Quốc đại lục tới Hàn Quốc, nhiều người nghèo phải đối mặt với những mối nguy ngay tại chính căn nhà của mình, nơi vốn là chỗ che nắng, che mưa.
Hong Kong có hơn 100.000 căn hộ có diện tích từ 1,85 m2 đến 18,5 m2. Ảnh: AP. |
"Nhà quan tài" Hong Kong
Hong Kong là một trong những thị trường nhà ở đắt đỏ nhất thế giới. Thành phố có khoảng 110.000 căn hộ có diện tích từ 1,85 m2 đến 18,5 m2. Chúng thường không đạt tiêu chuẩn về an ninh, an toàn và vệ sinh. Nơi ở nghèo nàn đã tác động nặng nề tới sức khỏe vật chất và tinh thần của khoảng 220.000 cư dân sống trong đó.
Hầu hết căn hộ được chia nhỏ đều nằm trong những chung cư cũ kỹ. Nhiều căn được gọi là "3 không" - không có tập đoàn sở hữu, tổ chức cư dân hay công ty quản lý tài sản.
Theo cuộc khảo sát của Cục Nhà ở và Giao thông Hong Kong, những mối lo ngại hàng đầu của các cư dân sinh sống tại đây là tình trạng thiếu điện, không có lối thoát hiểm nếu xảy ra hỏa hoạn, nỗi lo về luật pháp và trật tự.
Theo giáo sư Yau Yung tại Đại học Lĩnh Nam, việc chia nhỏ các căn hộ thường dẫn tới lối thoát hiểm dài, hẹp và không thể sử dụng. Hệ thống thông gió tệ hại cũng làm khói khó thoát ra ngoài.
Một số vách ngăn không có khả năng chống cháy. Thêm vào đó, nguy cơ hỏa hoạn tại những "nhà lồng" cũng cao hơn vì một số không được trang bị thiết bị nhà bếp đầy đủ và an toàn.
"Nhà quan tài" ở Hong Kong thường không đạt tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn. Ảnh: Dickson Lee. |
Theo Phòng Xây dựng Hong Kong, việc lắp đặt các vách ngăn mới, xây thêm công trình phụ có thể ảnh hưởng xấu tới an toàn và vệ sinh, thậm chí gây nguy hiểm cho tính mạng của người thuê nhà.
Kể từ năm 2016 đến năm 2020, cơ quan này đã ban hành 1.913 yêu cầu dỡ bỏ những công trình như vậy. Số yêu cầu được đưa ra trong năm ngoái và quý I lần lượt là 475 và 18 yêu cầu.
Tuy nhiên, theo các tổ chức hoạt động vì xã hội, nhiều nhà lồng chưa tới 2 m2 vẫn tồn tại trong những căn hộ không được cấp phép.
Các cư dân cũng quen cảnh sống chung với chuột, muỗi và bọ. Đường ống nước bị nối sai khiến nước có mùi hôi. Nước thấm qua tường và trần nhà. Hệ thống thông gió tệ hại, nhiều căn nhà còn không có cửa sổ.
Vợ chồng cô May Lau, 34 tuổi, sống trong một căn hộ nhỏ rộng gần 14 m2 với giá thuê 6.200 HKD/tháng. Với mức thu nhập hàng tháng 14.000 HKD của người chồng - dưới mức nghèo khổ đối với hộ gia đình 3 người ở Hong Kong, họ không thể mua được thứ gì hơn.
Nhiều khi, cô May Lau lo tiền thuê nhà có thể tăng lên và ảnh hưởng đến điều kiện sống. "Đó không phải là nhà. Tôi không cảm thấy thân thuộc ở đây", cô than thở.
"Nhà bán hầm" giữa thủ đô Hàn Quốc
Ở Hàn Quốc, thay vì những "nhà lồng", "nhà quan tài", người nghèo ở đô thị phải sống trong các banjiha (căn hộ bán hầm), goshiwon (căn phòng nhỏ, không cửa sổ trong những căn hộ ở chung) và oktapbang (phòng trọ tạm bợ trên các tòa nhà thấp tầng).
Ẩn mình giữa một thành phố hoa lệ với sự hào nhoáng của ngành công nghiệp K-pop và những đế chế gia đình nổi tiếng như Samsung, banjiha gần như chìm sâu trong bóng tối, ngoại trừ một phần của chiếc cửa sổ nhỏ lộ trên mặt đất, thu về chút ánh sáng ít ỏi cho căn hộ.
“Không ai muốn sống ở banjiha, nhưng họ không có đủ tiền”, nhà thơ Lee Seung Cheol - người đã sống trong một banjiha ở quận Haebangchon (Seoul) được 15 năm - nói với South China Morning Post hồi năm 2020.
"Sống ở dưới cùng, bạn sẽ phải nghe đủ thứ âm thanh từ phía trên vọng xuống", ông than thở.
Theo số liệu của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải, trong năm 2018, khoảng 366.000 hộ gia đình Hàn Quốc đang phải sống trong các banjiha.
Hầu hết trong số đó (68%) sống ở Seoul. Những căn nhà bán hầm chiếm tới 6% hộ gia đình tại thủ đô Hàn Quốc.
Hàng trăm nghìn hộ gia đình Hàn Quốc phải sống trong những căn hộ bán hầm chật chội. Ảnh: BBC. |
Theo dữ liệu của cơ quan nghiên cứu Korea Real Estate Board, giá nhà trung bình tại Seoul đã tăng từ 341 triệu won (274.000 USD) vào tháng 5/2017, khi cựu Tổng thống Moon Jae In nhậm chức, lên 626 triệu won (500.000 USD) trong tháng 3 năm nay.
Trong khi đó, thu nhập trung bình của một gia đình tại Hàn Quốc trong quý III/2021 là 4,73 triệu won/tháng (tương đương 4.000 USD). Theo số liệu năm 2018, thu nhập của những "cư dân banjihan" chỉ khoảng 2,19 triệu won/tháng.
Theo một thống kê cách đây 2 năm, một người lao động bình thường tại Hàn Quốc sẽ phải tiết kiệm khoảng 63 năm để mua một căn hộ. Điều này khiến những người nghèo đô thị không còn lựa chọn nào khác ngoài sống trong các banjiha chật chội, ồn ào, thiếu riêng tư và thậm chí nguy hiểm với tính mạng.
Khi thủ đô Seoul hứng chịu trận mưa kỷ lục vào tối 8/8, 3 nạn nhân qua đời vì mắc kẹt trong banjiha đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về điều kiện sống tồi tệ của những người nghèo Hàn Quốc và tình trạng bất bình đẳng do giá nhà tăng cao.
Giá nhà tăng vọt thúc đẩy bất bình đẳng
Sự bùng nổ kinh tế tại Trung Quốc cũng đẩy giá bất động sản tăng mạnh. Trung bình, một căn hộ hai phòng ngủ ở Thâm Quyến - thành phố được mệnh danh là "Thung lũng Silicon của Trung Quốc" - sẽ được bán với giá khoảng 900.000 USD. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người tại thành phố chỉ 20.000 USD/năm.
Theo công ty bất động sản Trung Quốc E-House, giá một căn hộ ở Thâm Quyến bằng 43,5 mức lương trung bình hàng năm của một cư dân. Chỉ 1/3 người sinh sống tại thành phố này có thể sở hữu nhà.
Còn ở Nhật Bản, nhiều người chọn sinh sống trong những căn phòng chỉ vỏn vẹn 4 m2 ở các quán net vì không đủ tiền thuê một căn hộ. Với mức giá chỉ 2.000 yen/ngày hoặc ít hơn, người nghèo Nhật Bản có thể lướt mạng cả ngày, dùng đồ ăn nhẹ, thậm chí ở lâu dài.
Nhiều người Nhật chọn sống trong những căn phòng chia nhỏ ở quán net. Ảnh: AP. |
Tại Mỹ, khi giá nhà và tiền thuê nhà tăng vọt trong thời kỳ đại dịch, nhiều người chuyển sang sinh sống ở những khách sạn giá rẻ, vốn có giá thuê thấp hơn vì nhu cầu du lịch lao dốc.
Giá nhà trung bình ở Mỹ đã lập kỷ lục trong tháng 6 với với 416.000 USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ 2021, theo báo cáo từ Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia Mỹ.
Còn ở Ấn Độ - một trong những quốc gia bất bình đẳng nhất thế giới, hai thái cực giàu - nghèo càng được phơi bày rõ hơn trong thời kỳ dịch bệnh, khi người nghèo không thể đảm bảo an toàn trong những nhà trọ chật chội, san sát nhau.