Novak Djokovic đã được tuyên bố thắng kiện, được thả khỏi nơi giam giữ và được phép thi đấu tại Australian Open, thế nhưng Bộ trưởng Di trú Australia Alex Hawke có thể can thiệp vào sự việc này bất cứ lúc nào. Chỉ với một nét bút, ông có thể chấm dứt quyền ở lại của Djokovic và cấm anh nhập cảnh vào Australia trong vòng ba năm.
Trong nội bộ chính phủ, đây được gọi là "quyền năng của chúa". Việc sử dụng hoặc lạm dụng quyền này đã gây ra tranh cãi trong nhiều thập niên.
Tất nhiên, Djokovic cũng là một người nhập cảnh đầy đặc quyền: có điều kiện tài chính, có sự hỗ trợ của thể chế, sự chú ý của truyền thông và một đội ngũ pháp lý đông đảo. Tình huống xấu nhất mà ngôi sao quần vợt người Serbia phải đối mặt chỉ là từ bỏ một giải đấu quan trọng trong sự nghiệp. Thế nhưng, khi Djokovic bước ra khỏi nơi tạm giữ mình là khách sạn Park, có những người vẫn tiếp tục ở lại, sau khi đã ở đó hàng chục năm trời.
Họ nằm trong số rất nhiều người tị nạn đến Australia để tìm kiếm sự bảo vệ, những người không có tiền bạc hoặc nguồn lực, không có tiếng Anh cũng như kiến thức về luật di trú phức tạp của Australia. Vậy thì họ có hy vọng nào không, Guardian đặt vấn đề.
Vụ scandal hé lộ "quyền năng của chúa"
Hành động của chính phủ Australia trong vụ việc của Djokovic cho thấy thái độ bất thường và độc đoán của chính quyền đối với những người tìm cách nhập cư vào nước này.
Australia hiện là quốc gia duy nhất trong số các nền dân chủ tự do vẫn giam giữ vô thời hạn những người xin tị nạn, kể cả những người vượt biên đến nước này bằng thuyền.
"Chế độ giam giữ của Australia đang gây tổn hại", các bác sĩ tâm lý, Liên Hợp Quốc và ngay cả những người đang vận hành hệ thống nhập cư này đã nhiều lần cảnh báo. Chính phủ Australia cũng phải công nhận sự không chắc chắn của việc giam giữ vô thời hạn thậm chí còn tai hại hơn.
Trong khi Djokovic thắng kiện tại phiên điều trần dài 5 tiếng, những người tị nạn đến Australia khi còn nhỏ đã bị giam giữ trong 9 năm. Họ đã phải trải qua một tuổi thơ bị lãng phí, lớn lên trong sự giam cầm vô cớ, trong khi nhiều người trong số đó đã được thông qua yêu cầu bảo lãnh. Họ không có quốc tịch, không có quốc gia nào có thể trở về và bị giam giữ trong hơn một thập niên.
Djokovic trên đường rời khách sạn để đến địa điểm theo dõi phiên điều trần hồi 10/1. Ảnh: Reuters. |
Không như Djokovic, họ không có một giải pháp nhanh chóng, không có những người ủng hộ vẫy cờ trên đường phố, không có sự can thiệp của tổng thống, không có phiên tòa nhanh chóng hay sự quan tâm của truyền thông.
Họ chỉ chờ sự phân định chậm chạp của chính quyền và khả năng bị giam giữ vô hạn luôn ở trước mắt.
Hai kiểu số phận
Theo Guardian, việc hủy thị thực ở biên giới hoặc trong cộng đồng tại Australia là chuyện thường. Chính phủ nước này thường xuyên hủy bỏ thị thực vì "lý do cá nhân" đối với những cá nhân bị kết án phạm tội nghiêm trọng hoặc những người được cho là gây ra mối đe dọa cho Australia.
"Quyền năng" này trong một số trường hợp cũng bị sử dụng sai mục đích. Trong nhiều trường hợp, tòa án liên bang đã can thiệp quá nhiều và không khó để nhận ra rằng quyết định của những người đứng đầu là "khó hiểu", "phi lý và phi logic", "không hợp lý về mặt pháp lý".
Người hâm mộ ăn mừng khi Djokovic thắng kiện ngày 10/1. Ảnh: ABC News. |
Vụ việc của Djokovic đã phơi bày sự phân biệt chủng tộc trên toàn cầu.
“Việc giam giữ Djokovic và quá trình kháng cáo nhanh chóng sau đó hoàn toàn trái ngược với việc đối xử vô nhân đạo đang diễn ra và kéo dài đối với những người tị nạn trong hệ thống di cư của Australia,” Paul Power, Giám đốc điều hành tổ chức Hội đồng Tị nạn Australia, cho biết.
"Những người tị nạn xin tị nạn trong các sân bay của Australia thậm chí không được tiếp cận với luật sư trước khi họ được đưa lên chuyến bay tiếp theo ra khỏi quốc gia này, chứ chưa nói đến cơ hội được tranh luận về trường hợp của họ (như Djokovic - PV)", ông nói thêm.
Việc Djokovic tạm thời bị cô lập trong cùng một khách sạn với những người tị nạn bị giam giữ vô thời hạn khiến sự phân biệt của chính quyền Australia càng trở nên nổi bật hơn.
Khi Djokovic bị giam giữ ở khách sạn Park, sự chú ý đổ dồn vào đây nhiều hơn bất kỳ điều gì mà những người tị nạn bị giam giữ ở đây từng chứng kiến.
"Mọi người đều muốn hỏi tôi về Novak. Song họ không hỏi về chúng tôi. Chúng tôi đã bị giam giữ ở nơi này trong nhiều tháng, nhiều năm”, Mehdi Ali, một người chạy trốn khỏi Iran để bị giam giữ 9 năm khi đến Australia, nói. "Đất nước này, truyền thông, luật pháp, người dân và các chính trị gia cho phép một đứa trẻ 15 tuổi không phạm tội gì bị giữ trong tù suốt 9 năm".
Phần lớn được tạo ra từ tâm lý “pháo đài Australia” đã trở nên quen thuộc trước công chúng với đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, xu hướng tự cô lập ngày càng sâu sắc hơn ở quốc gia này.
Khi xử lý vụ Djokovic, chính phủ Australia đã hé lộ không chỉ một trường hợp, mà là cả một hệ thống những sai sót trong cách quốc gia này đối xử với những người vượt biên, Guardian kết luận.