“Bây giờ tôi đã 24 tuổi, và tôi vẫn ở đây”, anh chia sẻ, đồng thời nhắc đến khoảng thời gian 9 năm bị giam giữ.
Cuộc sống của Mehdi chỉ gói gọn trong một căn phòng đơn sơ của một khách sạn do chính phủ trưng dụng để giam giữ người tị nạn, theo Guardian.
“Tôi cố gắng tìm cách lấp đầy thời gian trong ngày. Tôi ngủ nhiều nhất có thể, còn không thì hút thuốc, xem phim, đọc sách. Tuy nhiên, thông thường, tôi không làm gì cả và chỉ nằm trên giường”, Mehdi nói.
Vào đêm trước sinh nhật của mình, anh đã có một người hàng xóm mới ở tầng dưới của khách sạn Park (bang Victoria): Tay vợt số một thế giới Novak Djokovic. Tuy nhiên, anh không thể nhìn thấy nhà đương kim vô địch Australian Open vì các quy định cách ly. Bảo vệ cũng được bố trí ở mọi tầng.
"Mọi người đều hỏi về Djokovic"
“Có một sự thất vọng: Mọi người đều muốn hỏi tôi về Novak. Song họ không hỏi về chúng tôi. Chúng tôi đã bị giam giữ ở nơi này trong nhiều tháng, nhiều năm”, anh cho biết.
“Tôi chưa bao giờ thấy nhiều máy ảnh và sự chú ý đến vậy. Tôi hy vọng Novak Djokovic biết về tình hình của chúng tôi ở đây, và hy vọng anh ấy sẽ nói về điều đó”.
Khi đến Australia để tìm kiếm nơi an toàn, Mehdi chỉ là một đứa trẻ 15 tuổi. Là một thành viên của nhóm thiểu số Arab Ahwazi bị đàn áp ở quê nhà Iran, gia đình đã thúc giục anh chạy trốn. Họ hy vọng anh sẽ tìm kiếm được tự do ở bên kia của địa cầu.
Đương kim vô địch Australian Open bị hủy visa do không chứng minh được tình trạng tiêm chủng. Ảnh: New York Times. |
Yêu cầu của Mehdi nhanh chóng được công nhận. Australia có nghĩa vụ pháp lý phải bảo vệ anh. Tuy nhiên, những quy định về tị nạn đã không mang lại cho Mehdi sự an toàn hay một khởi đầu mới. Anh đã bị giam giữ ở nhiều nơi, và giờ đây là khách sạn Park.
Mehdi đã chứng kiến những người bạn cùng thuyền của mình rời khỏi khu giam giữ để bắt đầu cuộc sống mới ở Australia. Tuy nhiên, anh cũng chứng kiến những người khác tự thiêu chết trong tuyệt vọng. Medhi đã bị đánh đập, lạm dụng và giam giữ không lý do.
Mehdi chưa bao giờ bị buộc tội, cũng như không vướng bất kỳ cáo buộc nào, song anh vẫn chưa biết đến một ngày tự do ở Australia. Ngày 6/1 đánh dấu sinh nhật thứ 9 của anh trong khu giam giữ.
Sự kết nối của anh với thế giới bên ngoài chỉ làm trầm trọng thêm nỗi đau đó.
“Tôi thấy những người trẻ đang có khoảng thời gian vui vẻ và đăng hình lên Instagram. Và tôi vẫn ở đây, mỗi ngày”, anh cho biết.
“Những ngày sinh nhật là buồn nhất”, anh cho biết. “Tôi dành cả ngày để nghĩ về tất cả năm tháng tôi đã đánh mất”.
Mỗi ngày là một câu hỏi về việc tự bảo vệ của bản thân, Mehdi cho biết. “Tôi phải nghĩ ra phương pháp tốt nhất để sống sót. Đôi khi, tôi cảm thấy như thể nếu giao tiếp với những người khác trong cùng hoàn cảnh, sự thất vọng của họ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của tôi”.
Việc cố chấp thu hút sự chú ý của công chúng đến hoàn cảnh của mình cũng mang mục đích sinh tồn. Theo anh, đó là cách để không bị lãng quên.
Mehdi đã được chấp thuận tái định cư ở Mỹ theo thỏa thuận hoán đổi của Australia với Mỹ. Theo đó, Mỹ đồng ý tái định cư những người tị nạn do Australia giam giữ ở ngoài khơi. Tuy nhiên, việc thực thi thỏa thuận này diễn ra rất chậm chạp.
Niềm tin đang mất dần
Mehdi đang mất niềm tin về ngày được tự do. “Không có cập nhật, không có thời hạn. Tôi không thể dựa vào nó, tôi không cảm thấy nó sẽ sớm xảy ra, và không có gì đảm bảo rằng nó sẽ xảy ra cả”.
Mehdi đã chứng kiến nhiều người bạn bước ra khỏi nơi giam giữ để lên chuyến bay đi đến tự do. "Thật tốt khi thấy mọi người thoát khỏi đây, nhưng mặt khác, tại sao không phải là tôi, tại sao không phải là những người còn lại?”.
Mehdi cho biết anh thấy sự mâu thuẫn trong chính sách của chính phủ Australia đối với những người tị nạn đến bằng thuyền. Chính phủ tiếp tục khẳng định không có người tị nạn nào đến bằng thuyền được tái định cư ở Australia, nhưng Mehdi nói rằng anh biết có hàng chục người được phép làm vậy.
“Tại sao chính phủ trả tự do cho hàng nghìn người đến bằng thuyền, nhưng lại giam giữ một số ít người tị nạn. Chúng tôi có phải là người hy sinh vì lợi ích của chính sách không?”.
Khách sạn Park của Melbourne, Australia, chẳng có gì khác ngoài sự đơn độc. Mehdi dành cả ngày trong sự cô đơn của căn phòng khách sạn.
Khách sạn Park tại Melbourne, nơi tay vợt Djokovic và Mehdi đang bị giam giữ. Ảnh: AAP. |
Ngay cả ban công nhỏ xíu, nơi từng mang đến cơ hội “ngắm bầu trời, cảm nhận không khí trong lành”, cũng đã bị bịt kín.
Trước khi là một trung tâm giam giữ, khách sạn Park được sử dụng để cách ly. Nơi đây cũng chứng kiến 90% ca mắc trong tiểu bang (vào đợt dịch thứ hai) vì “không đáp ứng tiêu chuẩn phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh".
Sau đợt bùng phát thứ hai, khách sạn không còn được dùng để cách ly. Nó bị bán, đổi tên và sau đó được chính phủ trưng dụng để làm nơi giam giữ cho người tị nạn, chủ yếu là những người mắc bệnh hiểm nghèo đến từ Nauru và Papua New Guinea.
Mehdi (phải) cùng thông điệp yêu cầu bộ trưởng Nội vụ Australia trao trả tự do. Ảnh: Adnan Choopani/Guardian. |
Vào ngày 27/12/2021, những người tị nạn tại khách sạn đã đăng tải hình ảnh về những con giòi được tìm thấy trong thức ăn mà họ được phục vụ.
Một tuần trước đó, một đám cháy đã xảy ra ở các tầng trên của khách sạn. Khi những người tị nạn chạy đến sảnh tầng trệt, họ đã bị lính canh chặn lại.
Ngôi nhà thời thơ ấu của Mehdi ở Iran đã bị thiêu rụi trong một đám cháy, “và điều đó khiến tôi bị tổn thương nặng nề", anh cho biết. Khi vụ hỏa hoạn này xảy ra, anh đã rất lo lắng và gặp vấn đề về hô hấp.
“Tôi nghĩ mình chỉ cần được trả tự do để tận hưởng tuổi trẻ của mình. Thời gian đang bị lãng phí vào việc giam giữ”, anh cho biết.