NHỮNG NGƯỜI GẶT HÁI HUY CHƯƠNG VÀNG ẤN TƯỢNG TẠI SEA GAMES 31
Cùng với Đỗ Hùng Dũng, Huỳnh Như, các VĐV vào sân đấu thường "thiếu đối thủ" như Vũ Thành An, Văn Lai, Đinh Phương Thành, Nguyễn Huy Hoàng là những nhân tố nổi bật tại SEA Games 31.
Bóng đá nam bảo vệ thành công huy chương vàng
Tối 22/5 trên sân Mỹ Đình, U23 Việt Nam đã vượt qua Thái Lan với tỷ số 1-0 nhờ pha đánh đầu của Nhâm Mạnh Dũng ở phút 83, qua đó nối tiếp thành công của tuyển nữ quốc gia giành HCV môn bóng đá nam tại SEA Games 31.
Đây không phải là kỳ SEA Games mà U23 Việt Nam chơi quá hay, trong đội hình không có nhân tố nào vượt trội hơn hẳn những người còn lại, nhưng điều quan trọng là bóng đá Việt Nam có kỳ SEA Games thứ 2 liên tiếp vô địch SEA Games.
Lần đầu tiên U23 Việt Nam đánh bại Thái Lan sau 5 lần gặp nhau ở chung kết SEA Games. Thầy trò HLV Park cũng lập kỷ lục là đội đầu tiên trong lịch sử giữ sạch lưới trong suốt giải đấu, sau khi môn bóng đá nam giới hạn độ tuổi U23 từ năm 2001.
Còn nhớ nhiều kỳ SEA Games lần trước, người hâm mộ bày tỏ nỗi khát khao tới mức sẵn sàng đánh đổi hàng chục chiếc HCV quý giá của các môn thi đấu khác chỉ để lấy chức vô địch SEA Games cho bóng đá nam Việt Nam. Và khi sự xuất hiện của HLV người Hàn Quốc, Park Hang-seo, chúng ta đã có tất cả.
Đông đảo người hâm mộ bóng đá khu vực gửi lời chúc đến U23 và cả tuyển nữ Việt Nam. Bóng đá Việt Nam một lần nữa thống trị khu vực, sau kỳ thành công năm 2019.
Trong ngày thi đấu cuối 22/5, Đoàn Thể thao Việt Nam đã đón cơn mưa vàng. Các vận động viên đã giành tổng cộng 25 HCV, trong đó muaythai đem về 4 HCV, lặn (5), boxing (3), bắn súng (2), xe đạp (2), aerobic (2), esports (2), billiards (1), quần vợt (1), vovinam (1) và bóng đá (1).
Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn với tổng cộng 441 huy chương các loại, trong đó có 205 HCV, 121 HCB và 115 HCĐ. Đoàn Thái Lan xếp thứ 2 với 90 HCV, 104 HCB và 135 HCĐ. Indonesia kết thúc ở vị trí thứ 3 với 69 HCV, 91 HCB và 82 HCĐ.
Bóng đá nữ Việt Nam tiếp tục thống trị Đông Nam Á
Trước đó, vào tối 21/5, thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung đã giành chiến thắng 1-0 trước tuyển nữ Thái Lan trên sân Cẩm Phả tại chung kết SEA Games 31. Bàn duy nhất của trận đấu được ghi do công của tiền đạo Huỳnh Như.
Những VĐV nổi bật của Thể thao Việt Nam
Bóng đá nam
Đỗ Hùng Dũng và Tiến Linh, 2 trong 3 cầu thủ quá tuổi được HLV Park Hang-seo gọi vào đội hình U23 tham dự SEA Games đã tạo nên sức ảnh hưởng đối với dàn cầu thủ trẻ và góp phần không nhỏ vào chiến thắng của bóng đá nam Việt Nam.
Trước đó tại các trận đấu vòng bảng, Hùng Dũng đã ghi bàn vào lưới các đội U23 Indonesia và Myanmar. Đến trận bán kết, anh cũng tỏa sáng trong suốt 120 phút thi đấu với Malaysia bằng cú treo bóng từ tình huống cố định để Tiến Linh đánh đầu lập công ở phút 111.
Bóng đá nữ Việt Nam
Nói đến bóng đá nữ Việt Nam phải nói đến tiền đạo, đội trưởng Huỳnh Như. Tối 21/5, cô có ngày thi đấu xuất sắc khi ghi bàn duy nhất, giúp đoàn quân Mai Đức Chung đánh bại Thái Lan trong trận chung kết SEA Games 31.
Trước đó, Huỳnh Như đã trải qua vòng bảng tương đối lặng lẽ. Đội nhà ghi 9 bàn thắng vào lưới Philippines (2-1) và Campuchia (7-0), nhưng chân sút số một của đội tuyển Việt Nam lại không một lần lập công.
Tuy nhiên, cô vẫn là mũi nhọn không thể thiếu trong sơ đồ chiến thuật của HLV Mai Đức Chung. Nhờ đẳng cấp, bản lĩnh, kinh nghiệm Huỳnh Như không khiến người thầy của mình thất vọng. Khả năng di chuyển thông minh, sự quyết đoán trong xử lý tình huống là những yếu tố giúp cô là một trong những chân sút hàng đầu của nền bóng đá nữ Đông Nam Á.
Huỳnh Như thực sự là thủ lĩnh của đội tuyển nữ Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà. |
Kurash
Chiều 10/5, Tô Thị Trang là vận động viên giành HCV đầu tiên cho Đoàn Thể thao Việt Nam ở SEA Games 31. Ngay khi kết thúc trận đấu môn kurash, cô chạy lại huấn luyện viên của mình và liên tục nói lời cảm ơn trong nước mắt của sự vui mừng. Nữ VĐV sinh năm 1999, mới kết hôn vào tháng 12/2021. Chồng cô cũng là VĐV chuyên nghiệp, đang tập trung đội tuyển Muay quốc gia. Tại SEA Games 31, nhà vô địch hạng cân dưới 48 kg nữ nhận sự động viên rất lớn từ người bạn đời.
Nữ VĐV chia sẻ ý định dùng số tiền thưởng để đi du lịch cùng gia đình sau thời gian dài tập trung cho Đại hội. Cô nhận ít nhất 55 triệu đồng (45 triệu theo quy định và 10 triệu thưởng nóng cho một tấm HCV SEA Games 31).
Tô Thị Trang vượt qua võ sĩ Aclopen của Philippines ở hạng dưới 48 kg nữ. Ảnh: Duy Hiệu. |
Tô Thị Trang mở hàng tấm HCV cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 31. Ảnh: Duy Hiệu. |
Đấu kiếm
Nói đến các VĐV tiêu biểu tại SEA Games lần này, không thể không nhắc tới Vũ Thành An.
Chiều 13/5, Vũ Thành An của đội tuyển đấu kiếm đã xuất sắc đánh bại đối thủ người Thái Lan ở chung kết nội dung kiếm chém để giành HCV SEA Games 31. Đến chiều 16/5, ở vòng bán kết nội dung đồng đội kiếm chém Vũ Thành An và các đồng đội đã đánh bại các kiếm thủ tới từ Singapore với tỷ số 45-35.
Với thành tích nổi bật, giành 6 huy chương vàng (HCV) tại các kỳ SEA Games, ngày 16/5, lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL), lãnh đạo Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) đã trao Bằng khen cho kiếm thủ Vũ Thành An.
Vũ Thành An cũng chính là VĐV tuyên thệ cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại lễ Khai mạc SEA Games 31. Anh đã giành HCV tại 4 kỳ SEA Games gần đây.
Bơi lội
Trong ngày thi đấu cuối cùng môn bơi lội, Nguyễn Huy Hoàng đã mang về tấm HCV cá nhân thứ 4 tại SEA Games 31 ở nội dung 800 m tự do và 200 m bơi bướm. Anh bắt đầu trở thành biểu tượng mới trên "đường đua xanh" của bơi Việt Nam. Trước đó, kình ngư mới nổi này đã về nhất ở nội dung 400 m và 1.500 m tự do.
Ngoài ra, Nguyễn Huy Hoàng còn giành được HCV đồng đội. Kình ngư quê Quảng Bình phá kỷ lục đại hội ở nội dung 400 m tự do (3 phút 48 giây 06) và cùng đồng đội phá kỷ lục 4x200 m tiếp sức tự do nam (7 phút 16 giây 31). Anh vừa được góp mặt trong danh sách đề cử 4 vận động viên xuất sắc SEA Games 31. Kết quả sẽ được công bố vào buổi lễ bế mạc, tối 23/5.
Huy Hoàng tại nội dung bơi tự do và bơi bướm. Ảnh: Hoàng Hà. |
Thể dục dụng cụ
Chiều 13/5, tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam bắt đầu thi đấu và nhận sự cổ vũ nồng nhiệt của khoảng 2.000 khán giả trong Cung Quần Ngựa, Hà Nội. Tại kỳ SEA Games 31 trên sân nhà, Đinh Phương Thành là một trong 2 vận động viên lớn tuổi nhất của tuyển nam, sau khi hầu hết đàn anh đã giải nghệ. Kết quả, tuyển TDDC nam đã giành HCV ở nội dung đồng đội.
Đến chiều 16/5, một lần nữa Phương Thành lại giành 2 HCV cá nhân ở nội dung xà kép và xà đơn dù phải đối mặt với VĐV đẳng cấp vô địch thế giới người Philippines đó là Carlos Yulo.
Carlos Yulo đến Việt Nam với mục tiêu giành cả 7 HCV các nội dung cá nhân môn TDDC, nhưng đã bị cản trở bởi VĐV chủ nhà Việt Nam. Theo đó, tại nội dung sở trường xà kép, Phương Thành giành HCV với 15,133 điểm, trong khi Carlos Yulo giành 14,900 điểm. Tại nội dung xà đơn, cuộc so kè giữa 2 VĐV này rất quyết liệt. Cả 2 đều có kỹ thuật, điểm số sau cùng là 13,767, cả Phương Thành cùng Carlos Yulo nhận HCV. Kết quả này giúp đội tuyển TDDC Việt Nam kết thúc SEA Games vượt chỉ tiêu với 4 HCV.
Đinh Phương Thành đoạt HCV ở cả hai nội dung xà kép và xà đơn chiều 16/5. Ảnh: Hoàng Hà. |
Điền kinh
Nguyễn Văn Lai là chân chạy kỳ cựu của điền kinh Việt Nam, thống trị cự ly 5.000 m và 10.000 m ở SEA Games các năm 2013, 2015, 2017 và 2022. Anh từng đưa ra quyết định muốn giải nghệ sau kỳ đại hội trên sân nhà năm nay.
Nguyễn Văn Lai giành 2 HCV ở những nội dung khắc nghiệt nhất của môn điền kinh nhưng anh tỏ ra khiêm tốn và cho rằng đây là điều may mắn.
"Tôi không nghĩ mình có thể giành 2 huy chương vàng ở kỳ SEA Games cuối cùng này. Đây thật sự là kết quả ngọt ngào với tôi. Trước giải đấu trên sân nhà này, tôi chỉ nghĩ đến việc tranh chấp huy chương, chứ không nghĩ có thể giành huy chương vàng.
Ngoài Văn Lai, các gương mặt nổi bật của điền kinh Việt Nam còn có Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền và Quách Thị Lan. Chiều 15/5, VĐV Nguyễn Thị Oanh tranh tài ở chung kết 3.000 m vượt chướng ngại vật nữ. Cô hoàn thành phần thi với thời gian 9 phút 52 giây 46, phá kỷ lục SEA Games do chính bản thân lập được cách đây 3 năm tại Philippines (10 phút 0 giây 02). "Tôi thực sự bất ngờ khi phá kỷ lục SEA Games, bởi hôm qua tôi thi đấu khá dày và thời gian nghỉ ngơi ít. Thi xong, tôi đều phải kiểm tra doping. Tôi rất bất ngờ khi về đích và nhìn thấy thành tích như vậy", Oanh chia sẻ sau khi về đích.
Còn Nguyễn Thị Huyền mở màn buổi chiều vàng của điền kinh Việt Nam khi về nhất chung kết 400 m nữ. Bà mẹ một con gây ấn tượng khi đạt thông số 52 giây 83, vượt qua đối thủ nhập tịch Benny Nontanam (trái) của Thái Lan và đồng đội Quách Thị Lan.
Dù chưa giành HCV cá nhân nào ở một kỳ SEA Games, Quách Thị Lan vẫn là một nhân tố đáng chú ý trong các nội dung môn điền kinh. Cuộc cạnh tranh nội dung 400 m rào nữ tại SEA Games 31 là cơ hội cuối để cô vượt qua đàn chị Nguyễn Thị Huyền, nhà vô địch ở 3 kỳ gần nhất. Kết quả, em gái của VĐV Quách Công Lịch đã giành HCV cá nhân đầu tiên trong sự nghiệp tại SEA Games. Tấm HCV này cũng chứng tỏ được rằng bản thân cô không kém gì đàn chị.
4 gương mặt nổi bật của điền kinh Việt Nam gồm Nguyễn Văn Lai, Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Huyền và Nguyễn Thị Oanh. Ảnh: Hoàng Hà - Thuận Thắng. |
Thể hình
Đội tuyển thể hình Việt Nam tham dự SEA Games 31 lần này có sự góp mặt của lực sĩ Phạm Văn Mách. Anh trở lại đấu trường SEA Games sau 15 năm vắng bóng kể từ khi đoạt HCV năm 2007 tại Nakhon Ratchasima, Thái Lan.
Ở độ tuổi 46, Phạm Văn Mách vẫn giữ được phong độ tốt. Những động tác gồng cơ của anh được thực hiện theo nhịp điệu không hề căng cứng trên nét mặt. Anh dễ dàng vượt qua hai đối thủ đến từ Malaysia và Myanmar để giành huy chương vàng thể hình ở hạng cân sở trường 55 kg.
Ở độ tuổi 46, Phạm Văn Mách vẫn khiến nhiều đối thủ ngả mũ. Ảnh: Duy Hiệu. |
Kickboxing
Kickboxing của Việt Nam có ngày thi đấu thăng hoa khi các VĐV giành 5 HCV trong tất cả trận chung kết tham gia. Huỳnh Văn Tuấn, Nguyễn Thị Hằng Nga, Huỳnh Thị Kim Vàng, Nguyễn Thế Hưởng và Nguyễn Quang Huy là những cái tên mang vàng về cho Việt Nam.
Bước vào trận đấu với nữ võ sĩ Renalyn Dacquel, Hằng Nga (áo đỏ) không chủ động tấn công mà di chuyển một cách khéo léo. Cô khiến đối phương phải xoay người nhiều và chống đỡ những đòn đánh. Dù có những khó khăn trong hiệp thi đấu thứ 2, Hằng Nga vẫn đánh bại đối thủ và lên ngôi vô địch hạng cân dưới 48 kg.
Hằng Nga vô địch hạng cân dưới 48 kg. Ảnh: Duy Hiệu. |
Dancesport
Phan Hiển (Nguyễn Đoàn Minh Trường) và bạn nhảy tham gia vào 3 nội dung: Paso doble, Jive và 5 điệu la tinh. Họ xuất sắc giành cả 3 HCV một cách thuyết phục. "Tôi rất vui khi khán giả đến cổ vũ chúng tôi cuồng nhiệt như vậy. Tôi luôn muốn mọi thứ phải thật hoàn hảo, không được xảy ra lỗi nào và đó cũng là áp lực lớn nhất với tôi", Phan Hiển chia sẻ. Trước đó, để chuẩn bị cho SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam, Phan Hiển và Thu Hương đã dành 3 tháng tập luyện với cường độ cao tại Italy.
Ở nội dung Paso Doble, cặp dancesport của Việt Nam thi đấu xuất sắc ở lượt thứ 2. Phan Hiển thực hiện nhiều động tác khó và cặp nhảy được đánh giá nhỉnh hơn nhiều so với 4 đối thủ còn lại.
Phan Hiển và Thu Hương giành cả 3 HCV một cách thuyết phục. Ảnh: Duy Hiệu. |
Quần vợt
Ngày 22/5, tay vợt Lý Hoàng Nam đã có trận chung kết nội bộ nội dung đơn nam môn quần vợt gặp người đồng đội Trịnh Linh Giang. Trước khi nhập cuộc, Lý Hoàng Nam được đánh giá cao hơn hẳn bởi thứ hạng, phong độ cũng như lối đánh chắc chắn. Sự xuất hiện của anh nhận được trào pháo tay, cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả Bắc Ninh. Trước đó, trong buổi chiều 21/5, Lý Hoàng Nam dễ dàng đánh bại hạt giống số 4 người Thái Lan Yuttana Charoenphon với tỷ số 2-0 (6/2, 6/4).
Thắng thuyết phục Linh Giang sau 2 set với cùng tỷ số 6-1, Hoàng Nam vô địch nội dung đơn nam của môn Quần vợt SEA Games 31.
Sự xuất hiện của Lý Hoàng Nam nhận được trào pháo tay, cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả Bắc Ninh. Ảnh: Việt Linh. |
Wushu
Tại hạng cân 56 kg và 60 kg nữ, các VĐV Nguyễn Thị Thu Thủy và Nguyễn Thị Trang vượt qua 2 đối thủ người Indonesia và Myanma liên tiếp dành HCV.
Ngô Thị Phương Nga cùng đồng đội bật khóc vì tự hào khi wushu Việt Nam mang về 6 HCV liên tiếp ở nội dung tán thủ trong ngày 15/5. Ở hạng cân 48 kg dành cho nữ, VĐV Nguyễn Thị Chinh của đội tuyển Việt Nam bỏ thi do chấn thương. Mở màn là trận đấu của VĐV Ngô Thị Phương Nga (xanh) và Rosalina Simanjuntak (đỏ, người Indonesia). Nhanh chóng hạ gục đối thủ qua 2 lượt thi đấu, Ngô Thị Phương Nga (21 tuổi) giành HCV ở hạng cân 52 kg.
"Cảm xúc vỡ òa, trước khi lên sàn đấu quả thực em rất áp lực. Tấm HCV là niềm tự hào của bản thân em và món quà em dành tặng bố mẹ", Phương Nga chia sẻ. "Ngồi khán đài xem con gái thi đấu tôi vừa mừng, vừa xót xa. Tôi và chồng cùng tới cổ vũ con để con biết bố mẹ luôn bên cạnh", bà Nguyễn Thị Tiếp (mẹ Phương Nga) nói.
Ngô Thị Phương Nga (21 tuổi) giành HCV ở hạng cân 52 kg. Ảnh: Thạch Thảo. |
Ở chung kết hạng cân 65 kg, Trương Văn Chưởng (xanh) hạ gục đối thủ Charuwat Khunphet (Thái Lan). Ảnh: Thạch Thảo. |
Ở chung kết hạng cân 65 kg dành cho nam, Trương Văn Chưởng hạ gục đối thủ Charuwat Khunphet (Thái Lan) để mang về HCV thứ 5, tính riêng ở nội dung wushu Tán thủ.
Tổng kết buổi đấu chiều 15/5, wushu mang về thêm cho đội tuyển Việt Nam 6 HCV.