Tuyển Italy năm 2000 (áo trắng) gồm những cầu thủ rất đẹp trai như Nesta (số 13) nên để lại những ấn tượng sâu đậm trong tôi. Ảnh: Getty Images |
Euro ngày xưa của tôi không có những bản tin rầm rộ, dày đặc được báo chí, truyền hình đưa trước cả tháng. Và càng không có những lịch thi đấu đầy màu sắc, chiếc tivi siêu phẳng, sắc nét đến chừng chi tiết… Nó đi kèm với cảm giác nôn nao, khó tả chờ đợi đến trận đấu bởi một đứa trẻ như tôi biết rằng, nếu không xem được giống như đánh mất một thứ gì quý giá lắm!
Giữa những năm 90 của thế kỷ trước, nhà nào sắm được một chiếc tivi là trở thành trung tâm của xóm. Nhà tôi vốn làm bằng vách đất nhưng năm đó trúng mùa nên ba lập tức xuống thị trấn cùng mấy chú trong xóm đưa về một tivi màu đúng dịp World Cup 1994. Đứa trẻ tò mò, hiếu động như tôi bắt đầu biết đến không khí bóng đá từ dạo đó và mê đến tận bây giờ.
Nhà không rộng, nên ba khoét một mảng lớn ở vách nhà khách, đặt vừa vặn chiếc tivi vào đó. Tôi đi học về hay ăn cơm xong là cùng thằng em ngồi ngay ngắn lên đó, dán mắt lên xem đủ chương trình nhưng những bản tin thể thao liên quan đến bóng đá được tôi quan tâm đặc biệt.
Mãi đến 2 năm sau, tôi mới cảm nhận rõ hơn những cảm xúc mà bóng đá mang lại khi xem trọn vẹn một số trận tại Euro 1996. Lúc đó, tôi mới 10 tuổi nên không quen với việc thức đến 1-2h sáng chờ xem các trận đấu. Thế là tôi nghĩ cách xem hết các chương trình trên tivi đến thật khuya rồi nhúng nước chiếc khăn để trên giường để khi nào buồn ngủ lấy lau mặt cho tỉnh. Độc chiêu hơn, có hôm tôi uống thật nhiều nước để đêm dậy đi… vệ sinh, thế là tỉnh ngủ để xem được đá bóng.
Những ấn tượng ban đầu luôn rất khó phai trong tâm trí mỗi người. Euro 1996 động lại trong tôi là sự tiếc nuối vì những dang dở. Dịp đó, tôi chẳng biết tí gì nhưng rất thích tiền đạo Vlaovic của Croatia và đội tuyển Cộng hòa Séc. Họ tạo nên những câu chuyện thật đẹp trước những đội mạnh hơn. Nhưng cuối cùng, họ đều bị đội Đức đánh bại bằng thứ bóng đá như những con “rô bốt”.
Xuyên suốt những kỳ Euro đã xem, tuyển Italy năm 2000 khiến tôi nhớ nhất, lý do đơn giản bởi họ quá đẹp trai và đá bóng hay. Những tấm ảnh của Nesta, Maldini hay Del Piero… khi đó được tôi cắt cẩn thận trên những trang báo của Hoa Học Trò rồi dán ngay tường phòng khách. Câu chuyện buồn của Italy khép lại bằng thất bại ở trận chung kết trước Pháp. Nhưng đến giờ không cần lục lại tư liệu, tôi vẫn có thể kể tên toàn bộ 23 thành viên của họ thi đấu ở giải năm đó.
Tiền đạo Ivan Klasnic (số 17) ghi bàn tại Euro 2008, giải đấu mà anh thừa nhận mình được tái sinh khi duy trì sự nghiệp nhờ được ghép thận từ người cha của mình. |
Euro đi qua quãng thời gian tươi đẹp nhất của cuộc đời, và cũng vì đâm mê với bóng đá tôi đã quyết định gắn bó với nghề phóng viên thể thao. Euro 2008 là giải đấu mà tôi tập làm quen với công việc thú vị này với tư cách sinh viên thực tập. Năm đó, tôi đánh liều dùng 300.000 đồng tiền khoa hỗ trợ để mua một chiếc tivi cũ trên chợ Nhật Tảo, mang về phòng trọ xem các trận đấu cùng bạn bè.
Chiếc vô tuyến này như một báu vật bởi nó cùng tôi trải qua những vui buồn suốt một tháng hè và những năm về sau đó. Euro tại Áo và Thụy Sỹ năm đó là giải đấu mỹ mãn, hấp dẫn, cuồng nhiệt và một cái kết hợp lý. Nhưng bản thân tôi nhớ nhất là câu chuyện của Ivan Klasnic (Croatia). Tiền đạo này bị căn bệnh hiểm nghèo, phải trải qua 2 lần ghép thận từ bố và mẹ để có thể thi đấu đỉnh cao. Anh không đoạt được một tấm huy chương nào nhưng là người hùng trong tôi khi đã chiến thắng được nghịch cảnh. Với câu chuyện về Klasnic, tôi may mắn đoạt giải trên một tờ báo thể thao, tiền thưởng đủ sống trong hơn một tháng.
Càng ngày kinh tế càng phát triển, điều kiện xem Euro 2016 cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Bây giờ, mọi người có thể xem trên tivi, iPad hay ngay cả một chiếc điện thoại thông minh mọi lúc, mọi nơi. Nhưng trong thâm tâm tôi cứ mong được sống lại cảm giác xem Euro của những ngày xưa cũ, nơi mỗi trận đấu luôn đong đầy những kỷ niệm…