Cảnh sát Bangkok phong tỏa hiện trường vụ nổ bom ở đền Erawan. Ngày 19/8, đại diện quân đội khẳng định thủ phạm là "một nhóm người" gồm công dân Thái và nước ngoài. Ảnh: Twitter |
Phần lớn chuyên gia đồng tình rằng thủ phạm có thể là một trong ba nhóm: phần tử cực đoan ủng hộ đảng Pheu Thai của nhà Shinawatra (tức "phe Áo Đỏ"), các nhóm ly khai nổi dậy ở miền Nam hoặc những tổ chức khủng bố Hồi giáo.
Tiến sĩ Zachary Abuza, nhà nghiên cứu độc lập về các vấn đề Đông Nam Á của Thái Lan, cho biết nhiều người hoài nghi nhóm Hezbollah đứng sau vụ việc, khi lực lượng này suýt thực hiện trót lọt âm mưu đánh bom sứ quán Israel ở Bangkok vào năm 1991. Gần đây nhất, quả bom do Hezbollah đặt ở một nhà máy tại Bangkok nổ sớm hơn dự kiến vào năm 2012.
"Tuy nhiên, Hezbollah có thể không liên quan trong sự việc ngày 17/8 vì tổ chức này chỉ hành động nếu Iran cần tạo ra khủng hoảng", ông Abuza nói với Diplomat.
Tổ chức khủng bố Jemaah Islamiyah (JI) khét tiếng Đông Nam Á cũng từng đặt mục tiêu tấn công Bangkok vào năm 2003 nhưng thất bại. Tiến sĩ Abuza cho rằng nhóm này hiện không đủ năng lực và phương tiện để gây ra một vụ tấn công đẫm máu như ngày 17/8.
Bên cạnh đó, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tuy đã chiêu mộ được nhiều chiến binh rải rác ở Đông Nam Á nhưng rất ít thông tin uy tín cho thấy IS đang hoạt động ở Thái Lan.
Dư luận Thái cũng đề cập về một "sự trả thù" của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc. Thái Lan từng buộc hơn 109 người Duy Ngô Nhĩ phải hồi hương. Do vậy vụ đánh bom có thể nhằm trả đũa việc làm của Bangkok. Đền Erawan vốn là nơi mà nhiều du khách Trung Quốc thường đến thăm để cầu may.
Nhiều ý kiến nhanh chóng quy trách nhiệm cho phe nổi dậy ở miền Nam. Lực lượng này đã phát động hàng loạt cuộc tấn công bạo lực đẫm máu chống nhà nước từ năm 2004, khiến hơn 6.500 người thiệt mạng. Nhóm cũng gây ra vụ nổ bom ở trung tâm mua sắm tại Phuket hồi tháng 4 khiến nhiều người bị thương.
Tuy nhiên, tạp chí Economist nhận định, vụ tấn công ở Bangkok có thể vượt ngoài năng lực của quân ly khai. Phe nổi dậy cũng chưa từng tấn công nhằm vào Bangkok. Thời gian gần đây, các thủ lĩnh ly khai nhận ra rằng, tấn công vào ngành công nghiệp du lịch có thể phản tác dụng vì chính phủ sẽ đối phó một cách cứng rắn.
Vụ đánh bom là âm mưu tranh giành quyền lực?Chân dung nghi phạm chính trong vụ đánh bom ở đền Erawan do camera quay lại. Ảnh: BKP |
Nhiều ý kiến lo ngại, sự việc ngày 17/8 có thể là bước đi trong một kế hoạch đối đầu chính trị mới để tranh giành quyền lực ở Thái Lan. Từ sau khi đảo chính vào tháng 5/2014, một mặt, chính quyền quân sự cam kết thúc đẩy hòa giải với các đối thủ chính trị, mặt khác, họ đã tước quyền bầu cử của các nhóm này một cách hệ thống.
Đến nay chính phủ hoặc tòa án vẫn chưa có phán quyết nào có lợi đối với đảng Pheu Thai. "Nếu quả thực vụ nổ là một trong những thủ đoạn chính trị nội bộ, nó sẽ dẫn tới một bước ngoặt đáng kể", Phó giáo sư Pavin Chachavalpongpun thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Kyoto, nói với BBC.
Báo Wall Street Journal cho rằng "Áo Đỏ" có thể không liên quan đến vụ tấn công. Theo tờ này, những người của đảng Pheu Thai rất muốn làm mất uy tín chính phủ, nhưng họ sẽ không gây ra vụ tấn công ở một địa điểm mang tính biểu tượng về tôn giáo và để lại mức độ sát thương cao. "Áo Đỏ" có thể không bằng lòng với chính quyền, nhưng họ vẫn là Phật tử.
Nhà nghiên cứu Abuza nhận định, chính quyền quân sự sẽ xem đây là vấn đề rất nghiêm trọng. "Đây là vụ tấn công khủng bố lớn nhất từng xảy ra ở thủ đô, hiện trường vụ nổ cũng chỉ cách trụ sở chính của cảnh sát khoảng một dãy nhà".
Việc phe quân đội thực hiện đảo chính, áp đặt giới nghiêm, rồi tổ chức bầu cử để xây dựng chính quyền thậm chí không được ngay cả một số người từng ủng hộ họ. Những nhóm này quay lưng với chính phủ quân sự vì những chính sách cai trị cứng rắn, không đủ năng lực để đưa nền kinh tế phát triển trở lại.
"Dù thủ phạm vụ nổ là người của 'Áo Đỏ' hoặc phe phái nào, nó phản ánh rằng chính phủ cần tham gia tiến trình hòa giải thực sự", ông Abuza nhấn mạnh.