Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM - thông tin nhà văn Triệu Xuân qua đời lúc 12h30 ngày 26/10 tại tư gia sau hai năm chống chọi với căn bệnh ung thư phổi. Lễ khâm liệm diễn ra lúc 18h cùng ngày tại chùa Vĩnh Nghiêm, tổ chức lễ viếng từ 19h ngày 26/10 đến 13h ngày 27/10.
Nhà văn Triệu Xuân (thứ hai từ phải sang) cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Đại hội Hội Nhà văn năm 1995. Ảnh: FB Xuan Trieu. |
Hoạt động văn chương, báo chí
Theo sách Nhà văn Việt Nam hiện đại, nhà văn Triệu Xuân, tên thật là Triệu Xuân Điến, bút danh khác: Triệu Minh Đức, Triệu Minh, Minh Đức. Ông sinh ngày 4/9/1952, quê quán Hải Dương, sống và làm việc tại TP.HCM.
Nhà văn Triệu Xuân tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1973. Ông tình nguyện đi B làm phóng viên chiến trường của Đài Phát thanh Giải phóng - Trung Trung Bộ. Từ năm 1975, ông là phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam tại TP.HCM, Trưởng ban biên tập chương trình dành cho Nam Bộ. Năm 1997, ông là Phó trưởng cơ quan đại diện báo Đầu tư tại TP.HCM.
Từ tháng 12/2000 đến khi nghỉ hưu năm 2012, ông là Trưởng chi nhánh Nhà xuất bản Văn học tại TP.HCM. Ông là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM hai nhiệm kỳ 4 và 5.
Tác phẩm nổi tiếng nhất của Triệu Xuân là Giấy trắng. Tiểu thuyết này ra mắt năm 1985, đến năm 2012 đã in tới 14 lần. Ông là tác giả của truyện ký Sức mạnh từ trong lòng đất; truyện vừa Những người mở đất.
Triệu Xuân đã xuất bản các tiểu thuyết như: Nổi chìm trong dòng xoáy (in lần đầu 40.000 bản), Đâu là lời phán xét cuối cùng; Trả giá, Bụi đời, Sóng lừng, Cõi mê… Ông nhận giải thưởng Văn học đề tài công nhân của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho tiểu thuyết Trả giá.
Triệu Xuân cũng là người sưu tầm, biên soạn, giới thiệu hàng chục tuyển tập, toàn tập của các nhà văn như Vũ Bằng, Ưng Bình Thúc Giạ Thị cùng nhiều nhà văn tên tuổi khác…
Nhà văn Triệu Xuân cũng được nhiều người biết đến khi làm trang web trieuxuan.info. Đây là một website chuyên về văn chương, nghệ thuật đăng tải tin bài về hoạt động văn chương, các tác phẩm và nhà văn. Sân chơi văn chương này đã đón nhận hàng chục triệu lượt truy cập.
Nhà văn Triệu Xuân. Ảnh: Thethaovanhoa. |
Người nhiệt huyết với văn chương
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - đau buồn viết những dòng tiễn biệt nhà văn Triệu Xuân. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều quen biết với tác giả Giấy trắng từ khi ông chưa là hội viên Hội Nhà văn.
“Ngay từ hồi ông còn rất trẻ, tôi đã nhận thấy sự ấm áp và bao dung của một người anh”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
Khi họ còn trẻ, có những tác phẩm nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết ra, nhà văn Triệu Xuân chưa thích hẳn, thậm chí muốn tranh luận với tác giả. Nhưng ông luôn ủng hộ sự dấn thân của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong sáng tạo, bởi với ông, nếu không có sáng tạo, tác phẩm chẳng mang lại điều gì đáng nói.
“Suốt từ ngày đó đến nay, ông đối với tôi lúc nào cũng là người anh chân tình và thẳng thắn. Ông luôn chia sẻ, nhắc nhở và động viên tôi với những gì tôi nói, tôi làm, tôi viết”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kể.
“Giờ ông đã bay về cõi vĩnh hằng. Ông chẳng mang theo thứ gì. Nhưng ông mang theo sự tiếc thương và niềm kính trọng của những người đang sống, trong đó có tôi”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ sự kính trọng với nhà văn Triệu Xuân.
Với những nhà văn hậu thế như Uông Triều, nhà văn Triệu Xuân là người trân trọng những cây bút trẻ. “Qua những trao đổi, tôi thấy ông là một người đắm đuối với văn học, trân trọng những người trẻ. Ông xin tôi liên lạc của bạn viết trẻ có cá tính để giới thiệu tác phẩm hay và những khuôn mặt mới trên trang web”.
Nhà văn Uông Triều nói suốt thời gian bị bệnh hiểm nghèo, nhà văn Triệu Xuân vẫn lạc quan và không ngừng làm việc. “Tôi cũng yêu quý ông ở một khía cạnh đặc biệt khi ông là một trong những người đưa Vũ Bằng trở lại đúng vị thế của mình và giới thiệu đến đông đảo công chúng”, nhà văn Uông Triều nói.
Theo tác giả Cô độc, đóng góp của nhà văn Triệu Xuân không chỉ là những tác phẩm văn chương, mà còn bởi nhiệt huyết giới thiệu, quảng bá văn chương của ông. Trang trieuxuan.info của ông đã đăng tải, giới thiệu hàng nghìn tác phẩm văn học, các khuôn mặt văn chương. Điều đó cho thấy tâm huyết lớn của người viết.