Nhà văn Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Đức Dũng, sinh ngày 15/7/1926, quê quán xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, Quảng Nam.
Ông tham gia Mặt trận Việt Minh ở Quảng Nam từ tháng 3/1945. Năm 1955, ông tham gia đấu tranh đòi hiệp thương Bắc - Nam và bị bắt giam ở nhà lao Thăng Bình rồi nhà lao Hội An.
Cuối năm 1956, ông được trả tự do, vào Sài Gòn. Ông tiếp tục đấu tranh bằng ngòi bút với bút danh Vũ Hạnh. Sau đó, ông trở thành cán bộ văn hoá Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Ông có cách viết khéo léo để đưa được những thông điệp tiến bộ đến quần chúng mà không bị đàn áp.
Nhà văn Vũ Hạnh tại buổi ra mắt sách năm 2020. Ảnh: Quỳnh My. |
Sau năm 1975, ông là Tổng thư ký Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật TP.HCM, ủy viên ban chấp hành Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM. Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Ông là người có sức viết bền bỉ, ở tuổi ngoài 90 vẫn cầm bút sáng tạo. Tác phẩm Người nhà trời ra mắt năm 2020 là kết quả của 3 năm làm việc trước đó của ông.
Nhà văn Vũ Hạnh để lại cho đời các tác phẩm như: Bút máu, Chất ngọc, Vượt thác, Người chồng thời đại...
Ông là tác giả của những tập truyện dài: Lửa rừng, Cô gái Xà Niêng, Tính sổ cuộc đời, Con chó hào hùng, Ngôi trường đi xuống. Các tập tiểu luận, phê bình của Vũ Hạnh: Đọc lại truyện Kiều, Tìm hiểu văn nghệ, Cha mẹ bơ vơ, Tuổi trẻ nổi loạn, Người Việt cao quý.
Ông viết ba kịch bản: Người chủ tiệm, Một giấc chiêm bao, Thưa biết rồi; và các hồi ký: Cái Tết khó quên, Một chặng đường bút mực.