Nhà văn Sơn Tùng mất khoảng 23h ngày 22/7 tại nhà riêng ở Hà Nội. Nhà văn Sơn Tùng là thương binh hạng nặng. Năm 2010, do những di chứng của chiến tranh, ông bị tai biến mạch máu não. Ông được gia đình tận tình chăm sóc, sức khỏe có phục hồi nhưng không thể sáng tạo thêm. Khoảng một tháng gần đây, ông điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô.
Nhà văn Sơn Tùng là người viết nhiều tác phẩm về các danh nhân cách mạng, danh nhân văn hóa Việt Nam, trong đó nổi tiếng nhất là tiểu thuyết Búp sen xanh viết về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhà văn Sơn Tùng. Ảnh: An Ninh Thế Giới. |
Sơn Tùng tên thật là Bùi Sơn Tùng, sinh năm 1928 tại Nghệ An. Từ năm 16 tuổi, ông tham gia cách mạng, hoạt động trong phong trào thanh niên, sinh viên thủ đô. Từ năm 1962, ông là phóng viên báo Tiền Phong.
Năm 1965, Sơn Tùng là đặc phái viên của báo Tiền Phong tác nghiệp tại vùng lửa đạn chiến sự ở Quân khu 4, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình và tuyến lửa Vĩnh Linh.
Năm 1967, ông xung phong đi B, vào chiến trường Đông Nam Bộ thành lập và phụ trách báo Thanh niên Giải phóng. Từ thực tế chiến trường, ngoài tin tức, bài vở đăng trên các số báo Thanh niên Giải phóng, Sơn Tùng còn viết ký, truyện gửi ra các báo ngoài Bắc và ghi chép tài liệu.
Năm 1971, ông bị thương nặng. Sau chiến tranh, ông trở về với 14 mảnh đạn trên mình, bị liệt tay phải, vỡ vai trái, mắt phải còn 1/10, ba mảnh đạn găm trong sọ não không thể mổ gắp ra được.
Ông mất 81% sức khỏe, xếp hạng thương tật 1/4 (hạng thương binh nặng nhất), song vẫn cầm bút viết. Từ năm 1974, với bàn tay chỉ còn 3 ngón cầm bút, ông đã viết hàng chục tiểu thuyết, tập truyện ngắn, văn xuôi.
Sơn Tùng còn viết thơ, trong đó có tác phẩm Gửi em chiếc nón bài thơ được phổ nhạc, trở nên quen thuộc với công chúng.
Năm 2011, ông được phong là Anh hùng lao động.