Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những cuốn sách về tương lai

Các tác phẩm này viết về viễn cảnh tương lai u ám. Chúng như tiếng chuông cảnh tỉnh con người đối với thế giới, xã hội xung quanh.

Không chỉ phản ánh hiện thực, văn chương còn có những mảng đề tài đặc trưng về dự đoán tương lai. Trong tất cả viễn cảnh mà văn chương có thể vẽ ra, không ít những cuốn sách cho độc giả chứng kiến những tương lai tồi tệ và kinh hoàng.

Xã hội trong những thế giới tương lai này có nhiều đặc điểm của một “địa ngục trần gian”: Con người mất đi nhân tính, xã hội nằm dưới một đế chế độc tài, hậu tận thế nơi con người gánh chịu những thảm họa thiên nhiên, bệnh dịch hoành hành... hay nhiều yếu tố có phần đáng sợ khác.

Người máy có mơ về cừu điện không? - Philip K. Dick

Là một tác phẩm khoa học viễn tưởng kinh điển của Philip K. Dick - người được mệnh danh là “Kafka của giới ba xu”, Người máy có mơ về cừu điện không? mang đầy đủ đặc điểm của một cuốn sách hậu tận thế vừa hấp dẫn, vừa có nhiều gắn kết với văn chương và triết học.

Người máy có mơ về cừu điện không? kể về tương lai của loài người trong thời đại hậu tận thế. Sau cuộc thế chiến bom hạt nhân kết thúc, Trái Đất ngập chìm trong những cơn mưa axit và bụi phóng xạ. Để lánh nạn khỏi môi trường độc hại đó, con người đã di cư lên sao Hỏa và có cuộc sống tiện nghi cùng sự phục dịch của người máy.

Tuy vậy, không phải ai cũng có được sự may mắn đó. Những người không có điều kiện tài chính và bị ảnh hưởng bởi bụi phóng xạ vẫn sẽ phải ở lại Trái đất, sống lay lắt trong sự đổ nát và tàn lụi của địa cầu.

451 độ F - Ray Bradbury

Cuốn sách kinh điển của Ray Bradbury luôn được nhắc tới khi nói tới sự thao túng của truyền thông. 451 độ F đưa độc giả tới một tương lai nơi văn chương không còn chỗ đứng.

Từ năm 1953, Bradbury đã vẽ nên một thế giới mà ở năm 2020 ta có thể thấy rất quen thuộc: Những tiện nghi công nghệ tấn công và đánh chiếm hầu hết sự chú ý của ta, robot xuất hiện ở khắp nơi, thay con người làm mọi việc, truyền hình thao túng tất cả và khán giả chỉ mê mải thích thú với những thông tin không có chiều sâu.

Tri thức dù xuất hiện ở dạng nào cũng đều bị bài trừ. Sách, vì thế cũng sẽ bị phóng hỏa ngay lập tức. Một thế giới không còn sách không phải quá kinh khủng sao? Tri thức và văn minh sẽ phát triển như thế nào trong thế giới u ám đó?

tuong lai anh 1

451 độ F là tác phẩm kinh điển của Ray Bradbury. Ảnh: Nhã Nam.

Người truyền ký ức - Lois Lowry

Nếu như hai cuốn trước là một thế giới đen tối ngay từ giây phút đầu tiên bạn mở cuốn sách thì tương lai trong Người truyền ký ức lại có vẻ hoàn hảo hơn.

Ngay từ khi mở mắt chào đời, bạn chỉ cần tuân theo các quy định được đưa ra bởi những nhà cầm quyền, sẽ có một cuộc đời vô lo, luôn đủ đầy, không phải suy nghĩ buồn rầu, không có chiến tranh. Tóm lại là một cuộc đời an toàn không có chỗ cho hiểm nguy.

Thế nhưng, xã hội tưởng chừng hoàn hảo đó lại có những mặt trái kinh hoàng: Con người bị tước đi quyền tự trải nghiệm, quyền được yêu thương và quyền được làm người - quyền được lựa chọn và được phạm sai lầm.

Nếu được lựa chọn, bạn sẽ sống ở một thế giới đủ đầy nhưng luôn gò bó hay sống trong một xã hội dám nghĩ, dám làm, dám trải nghiệm? Ý nghĩa ẩn sâu trong cuốn sách khiến độc giả sẽ phải suy nghĩ rất nhiều.

tuong lai anh 2

Trong thế giới của Người truyền ký ức, bạn sẽ có một cuộc sống đủ đầy nhưng lại mất đi quyền tự do của bản thân. Ảnh: Netabook.

Mãi đừng xa tôi - Kazuo Ishiguro

Chạm đến những nỗi sợ sâu thẳm nhất của con người về nhân tính, Mãi đừng xa tôi là một khúc ca bi thương về nhân sinh.

Mãi đừng xa tôi kể về một viễn cảnh tương lai nơi khoa học công nghệ của chúng ta đã trở nên vượt trội. Loài người nảy ra sáng kiến để chữa trị cho bất kỳ căn bệnh nào. Họ tạo ra những bản sao vô tính của chính mình chỉ để sử dụng cơ quan nội tạng của bản sao đó để thay thế khi cần thiết.

Một thế giới nơi nhân tính bị gạt bỏ sang một bên liệu có trường tồn dù loài người đang nắm trong tay vị thuốc trường sinh? Và liệu những bản sao nhân bản vô tính kia, vốn cũng được sinh ra trong hình hài của một đứa trẻ vô tội, có đáng phải sống một cuộc đời với án tử luôn treo trên đầu?

tuong lai anh 3

Liệu những phiên bản vô tính trong tác phẩm Mãi đừng xa tôi có đáng phải chịu số phận như vậy? Ảnh: Nhã Nam.

Chuyện người tùy nữ - Margaret Atwood

Lấy bối cảnh của một đất nước hư cấu có tên Gilead, Chuyện người tùy nữ kể về tương lai hậu tận thế. Khi đó, địa cầu bị ô nhiễm nặng nề, cuộc sống trên thế giới rơi vào hỗn loạn khi phần lớn mọi người đều bị vô sinh.

Bạo loạn xảy ra, quân phiến loạn cuồng tín đã lật đổ chính phủ đương thời và thành lập một chính phủ mới dưới chế độ độc tài. Giới cầm quyền của chính phủ hư cấu Gilead đã tước bỏ mọi quyền bình đẳng và quyền tự do của phụ nữ, biến họ trở thành những cỗ máy sinh sản.

Bối cảnh mà Margaret Atwood dựng lên đã tạo ra ấn tượng và ám ảnh mạnh mẽ cho độc giả. Không có một tia sáng nào xuất hiện, không khí trong câu chuyện luôn gấp gáp, ngột ngạt, dữ dội và tàn bạo. Đó là tương lai có sức ám ảnh đến rợn người.

Những món bảo bối thần kỳ nhưng 'vô dụng' của Doraemon

Chú mèo máy đến từ tương lai Doraemon sở hữu vô vàn bảo bối thần kỳ nhưng trong số đó cũng có nhiều đồ vật đã không còn hữu dụng.

Những bảo bối nào thường xuyên được Doraemon sử dụng?

Doraemon gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ. Chú mèo máy này gây ấn tượng mạnh với độc giả bằng những món bảo bối thần kỳ đến từ tương lai.

Na Y

Bạn có thể quan tâm