Ai sẽ là người mua hàng hiệu nhiều nhất trong những năm tới? Liệu đại dịch Covid có gây ra khủng hoảng cho ngành này không? Có thay đổi gì trong quản lý điều hành, sản xuất và kinh doanh của các hãng đồ hiệu?
Future Luxe (Tạm dịch: Hàng hiệu trong tương lai) của Erwan Rambourg, sẽ phát hành ngày 22/9 tới, đưa ra giải đáp cho những câu hỏi trên.
Tác giả Erwan Rambourg làm việc tại Ngân hàng HSBC, đồng thời là nhà phân tích thị trường hàng hiệu quốc tế. Với nhiều năm kinh nghiệm tại các tập đoàn xa xỉ phẩm hàng đầu như LVMH và Richemont, ông cho rằng hàng hiệu đang phải đối mặt với khó khăn do đại dịch nhưng “trong nguy có cơ” và đây chính là cơ hội thúc đẩy các xu hướng đã manh nha từ trước.
Bài viết trên tạp chí WWD đã tóm tắt những nhận định của Rambourg về ngành hàng hiệu thời gian tới trong 9 xu hướng chính sau.
Hãng đồ hiệu lớn Louis Vuitton sẽ có thay đổi trong tương lai. Ảnh: PassionForLuxxury. |
Hợp nhất và thâu tóm các thương hiệu
1. Phái nữ ở các nước trên thế giới là khách hàng lớn nhất mua hàng hiệu chứ không chỉ là khách hàng từ những nền kinh tế mới nổi (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) như nhận định thông thường. “Các yếu tố kinh tế - xã hội mới sẽ tạo ra sức mua lớn của phụ nữ trên toàn cầu, kéo theo sự tăng trưởng mạnh của hàng hiệu”.
2. Nữ hóa và trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo, quản lý. Vì phụ nữ là khách hàng lớn nhất nên các hãng đồ hiệu cũng sẽ phải thay đổi văn hóa và đội ngũ lãnh đạo quản lý, vốn là đặc quyền của nam giới từ trước đến nay.
Trong 10 năm tới, nữ sẽ chiếm đa số trong thành viên hội đồng quản trị và ít nhất là 25% số CEO. Khách hàng sẽ trẻ hóa nên nhà quản lý cũng phải trẻ. Đến cuối những năm 2020, CEO của các thương hiệu cao cấp sẽ ở độ tuổi 30 đến 40, trẻ hơn so với từ 40 đến 50 như hiện tại.
3. Hợp nhất và thâu tóm trong các thương hiệu. Chỉ có một số ít thương hiệu cao cấp có thể tồn tại độc lập như Hermès, Chanel và Rolex.
Phần lớn các thương hiệu sẽ hợp nhất, chuyển lĩnh vực kinh doanh, mua các thương hiệu khác hoặc bị thâu tóm. Các nhà bán lẻ đồng hồ cao cấp sẽ buộc phải hợp nhất vì doanh số bán ra chịu sức ép.
Các thương hiệu túi xách như Michael Kors, Coach, Tory Burch, Furla sẽ tăng trưởng chậm nên có thể thay đổi chủ sở hữu trong 10 năm tới.
LVMH sẽ sở hữu từ 90 đến 100 thương hiệu, so với 77 thương hiệu tại như hiện nay.
4. Xuất hiện kênh bán hàng online. Xa xỉ phẩm sẽ là một trong số ít các lĩnh vực vẫn ưu tiên bán hàng tại cửa hàng truyền thống và giao dịch trực tiếp tại cửa hàng của hãng hơn là bán trực tuyến hoặc qua đại lý.
Công nghệ sẽ được áp dụng tại cửa hàng này. Khi bước chân vào một cửa hàng ưa thích, bạn sẽ chọn sử dụng máy quét mống mắt (iris scanner) hay không. Nếu chọn thì máy quét sẽ nhận ra ai là nhân viên bán hàng ưa thích của bạn và điện thoại của người này sẽ lập tức tải xuống chi tiết các giao dịch gần nhất, màu ưa thích, ngày tháng và các thông tin khác của bạn để nhân viên đó biết hôm nay nên tư vấn gì cho bạn.
Tuy nhiên các thương hiệu cao cấp cũng sẽ chuyển dần sang bán online bằng ứng dụng trên điện thoại. Website có thể sử dụng để bán online nhưng không phải là kênh chính vì chức năng của website là để truyền thông.
Bernard Arnault, ông chủ LVMH, được dự đoán sẽ vào top người giàu nhất thế giới. Ảnh: nytimes. |
Hàng hiệu thân thiện với môi trường
5. Thị trường trọng điểm Trung Quốc. Một số thương hiệu nội địa Trung Quốc kinh doanh hàng tiêu dùng và điện tử sẽ tăng trưởng mạnh nhưng các thương hiệu từ phương Tây vẫn thống lĩnh thị trường xa xỉ phẩm truyền thống như đồ da, đồng hồ và nữ trang cao cấp, các mặt hàng thể thao và mỹ phẩm.
Do bị hạn chế đi lại ít nhất là trong năm 2020 nên người tiêu dùng Trung Quốc sẽ tăng mua nội địa. Hơn nữa, trong 10 năm tới, khoảng 75% doanh số hàng hiệu cho khách hàng Trung Quốc sẽ được thực hiện trong nước này. Khi tiêu thụ đồ hiệu ở Trung Quốc tăng chậm lại thì Ấn Độ có thể nổi lên thành thị trường hứa hẹn mới.
6. Nike, Adidas và Puma là các thương hiệu sẽ tăng trưởng mạnh nhất. Các tập đoàn này có đội ngũ quản lý tốt nhất thị trường hàng tiêu dùng, cách truyền thông hấp dẫn, các đại sứ thương hiệu truyền cảm hứng và biết cách gắn bó với khách hàng.
7. Doanh nghiệp mới chinh phục thị trường nữ trang: Ngoại trừ Swarovski và Pandora, chưa có thương hiệu nữ trang có giá vừa phải nào có thể thành công trên toàn cầu. Đây rõ ràng là một khoảng trống và sẽ có doanh nghiệp nhảy vào thị trường này, tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực nữ trang.
8. Đồ hiệu trong du lịch. Các thương hiệu cao cấp sẽ có tăng trưởng cao trong du lịch, khách sạn, ẩm thực cao cấp. Ví dụ Louis Vuitton sẽ thay đổi căn bản khi không chỉ sản xuất hành lý mà sẽ bán các gói thực tế ảo (VR packages) để khách hàng có thể khám phá thế giới một cách sang chảnh ngay trong phòng mình.
Du khách có điều kiện sẽ thích các khách sạn nhỏ kiểu boutique nhưng có hồn hơn là chuỗi khách sạn lớn. Xu hướng thân thiện với môi trường kết hợp với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 sẽ buộc các tour du lịch tàu biển (cruise) và chuyến bay thương mại phải thích ứng.
Tàu cao tốc và ôtô điện tự lái sẽ trở thành các phương tiện giao thông được ưa thích nhất để đi du lịch.
9. Thân thiện với môi trường. Phần lớn vali và giày thể thao của các thương hiệu cao cấp hàng đầu sẽ được làm từ các nguyên liệu tái chế hoặc có thể tái chế. Túi xách tay vẫn sẽ làm bằng da thật nhưng lông thú sẽ bị cấm ở một số nước.
Cartier, Tiffany và Bulgari sẽ dùng kim cương nhân tạo trong sản xuất đồng hồ và nữ trang, trừ một số sản phẩm nữ trang cao cấp vẫn dùng kim cương tự nhiên.
Các thương hiệu cao cấp sẽ phải đưa các cơ sở sản xuất đến gần người tiêu dùng nhất có thể .“Chế tạo tại Italy hoặc tại Pháp” sẽ được thay thế bằng “Chế tạo tại cơ sở gần bạn”.