Thư Vũ được biết tới như một cô gái ăn mặc có phong cách, có lượng theo dõi nhất định trên các trang mạng xã hội. Cô còn là người dịch hai cuốn sách về thời trang và phong cách ăn khách hiện nay là Thanh lịch kiểu Pháp (tác giả Isabelle Thomas và Frederique Veysset) và Đời thay đổi khi ta thay đồ (George Brescia).
Thư Vũ - người chuyển ngữ hai đầu sách thời trang được ưa thích hiện nay. |
Mỗi cuốn sách như một người mình mới gặp
- Từ khi bắt đầu dịch “Thanh lịch kiểu Pháp”, Thư gặp phải khó khăn gì và giải quyết chúng ra sao?
- Khó khăn hàng đầu trong việc chuyển ngữ một tác phẩm là văn hóa. Ở Thanh lịch kiểu Pháp, nét văn hoá đậm chất Pháp được thể hiện qua sự hài hước có chút châm biếm, "chảnh" nhưng rất đáng yêu của các cô gái Paris.
Đó là một trong những điều cốt lõi làm nên giá trị và sự đặc biệt của phụ nữ Pháp mà Thư muốn truyền tải qua bản dịch Việt sao cho hợp lý. Đó là một trong những đòi hỏi và thử thách hàng đầu Thư đặt ra cho mình khi dịch Thanh lịch kiểu Pháp.
Để vượt qua thử thách đó, việc Thư làm chính là tưởng tượng. Thư hình dung xem thái độ và cách thể hiện của một cô gái Pháp khi suy nghĩ hoặc nói ra điều đó như thế nào, và sẽ tương quan với cách thể hiện của một cô gái Việt mà chọn ngôn ngữ sử dụng cho phù hợp.
Điều đó không chỉ mang đến sự tinh nghịch hài hước cho độc giả mà còn giúp độc giả nhìn thấy mình trong đó.
- Sau này, tới cuốn “Đời thay đổi khi ta thay đồ”, Thư đã có thêm kinh nghiệm dịch sách thì quá trình chuyển ngữ có dễ dàng hơn?
- Mỗi cuốn sách như một người mình mới gặp, khác biệt về rất nhiều thứ: phông văn hoá, trải nghiệm, quan điểm sống... Nên mỗi cuốn sách có một thử thách khác nhau.
Thư không cố gắng áp “kinh nghiệm" đã có với quyển sách trước lên quyển sách sau, cũng giống như không bao giờ áp thực tế đã trải qua với người cũ lên người mới vậy, như vậy không công bằng (cười).
Thư luôn dành chỗ cho khám phá, sáng tạo, lần nào cũng như lần đầu, một chút mạo hiểm cần có để mang đến bất ngờ và thăng hoa cho tác phẩm của mình.
- Dịch sách về thời trang có điểm gì khác biệt so với dịch những cuốn văn chương hoặc sách kỹ năng khác?
- Có một vài điều Thư lưu ý khi dịch sách thời trang. Có rất nhiều loại sách thời trang. Hai quyển Thanh lịch kiểu Pháp và Đời thay đổi khi ta thay đồ, nội dung chính xoay quanh việc tạo dựng và định hình phong cách, văn phong của cả hai quyển đều theo kiểu đối thoại với người đọc.
Sách thời trang cần có những mô tả để người đọc hình dung, cảm nhận mùi vải vóc, cảm giác khi một chiếc đầm trôi trên người mình, một chút bật trong bước chân khi xỏ vào đôi giày cao gót.
Sách thời trang cần có những mô tả, và sao để nó thật "đời thường".
“Đời thường" là thứ cần thiết để mang tính thuyết phục cho thời trang.
Ai cũng có thể trở nên thời trang nếu hiểu rõ bản chất của nó là gì, và muốn người khác hiểu thì nó phải được diễn giải và thể hiện một cách thật thà và gần gũi.
Có lẽ độc giả đã nhìn thấy điều đó qua hai cuốn sách trên, và theo Thư đó cũng là lý do vì sao Thanh lịch kiểu Pháp và Đời thay đổi khi ta thay đồ được yêu mến.
Thời trang là phản ánh của văn hóa và sự tiến bộ
- Việc yêu thích và theo học về thời trang trợ giúp Thư như thế nào trong việc dịch sách?
- Yêu thích, say mê tìm hiểu và may mắn hơn là được đào tạo bài bản về thời trang mang đến cho Thư sự tự tin đối với các thuật ngữ khi dịch.
Có những món đồ trong tiếng Việt không có từ tương ứng để dịch chính xác, nhưng Thư biết được những thuộc tính riêng của món đồ để “chế biến" ra một từ nào đó thật gần, và nếu không được nữa hoặc để rõ ràng hơn Thư sẽ biết cách mô tả để độc giả dễ hình dung.
Đang là sinh viên ngành thời trang nên Thư hiểu nhiều thuật ngữ chuyên ngành khi dịch sách. |
Học về thời trang Thư không chỉ tìm hiểu về quần về áo về vải vóc, phụ kiện mà còn học rất nhiều về văn hoá, về thói quen mua sắm... Thời trang và ăn mặc là phản ảnh của văn hoá và sự tiến bộ của một cộng đồng người.
Ăn mặc và thể hiện bản thân là một việc tương đối nhạy cảm, nên trong lúc dịch, Thư không chỉ dịch từ A sang B, mà còn chú ý tới những điểm vênh văn hóa, làm thế nào để làm mềm nó mà vẫn giữ nguyên được quan điểm của tác giả, đồng thời khiến độc giả dễ tiếp nhận và chấp nhận hơn.
- Hai cuốn sách mà Thư đã dịch cung cấp cho độc giả những gì?
- Thanh lịch kiểu Pháp là quyển sách lấy phong cách Pháp làm cái cớ để nói về sự thanh lịch và vẻ đẹp không gắng gượng trong cách ăn mặc mà không cần đầu tư quá nhiều tiền bạc hay thời gian.
Cuốn sách hướng đến xây dựng phong cách cá nhân. Định hình được phong cách cá nhân sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc chọn những thứ quần áo phù hợp cho mình.
Đời thay đổi khi ta thay đồ nói về sự thay đổi. Thay đổi nhận định của bạn trong việc ăn mặc bắt đầu từ nhận định của bạn về bản thân mình, về những định kiến bạn tự đặt ra đang ngăn cản bạn đến với một phiên bản tốt hơn, đẹp hơn, tự tin hơn của chính mình.
Quyển sách là một quá trình, mỗi chương là một giai đoạn của quá trình thay đổi con người bạn từ trong ra ngoài.
Sách Đời thay đổi khi ta thay đồ không chỉ có chuyện ăn mặc, mà còn nói về sự thay đổi trong mỗi con người. |
- Cuốn “Thanh lịch kiểu Pháp” nói về một phong cách thời trang đã đành rồi. Nhưng làm sao để “đổi đời” nhờ việc “đổi đồ” được? Liệu tên sách đó của Thư (cùng một cuốn sách về thời trang nữa mới xuất bản là “Mặc đẹp để thành công”) có phóng đại tầm quan trọng của ăn mặc?
- Con người luôn thích các giác quan của mình được chiều chuộng, và thường luôn bắt đầu từ thị giác, dù cho đó là giác quan hay đánh lừa chúng ta nhất.
Cùng một sản phẩm, chất lượng như nhau, chúng ta sẽ bị thu hút bởi sản phẩm có bao bì bắt mắt, dễ nhìn hơn. “Đổi đời" khi “đổi đồ" cũng chính do như thế, “Mặc đẹp để thành công" cũng là vì vậy.
Hơn nữa, một số cuốn không chỉ nói về thời trang. Như mở đầu cuốn Đời thay đổi khi ta thay đồ, tác giả đã không ngần ngại báo trước: “Tôi xin nhắc lại. Đây không phải là một cuốn sách nói về phong cách hay thời trang. Đây là cuốn sách về việc học cách nhìn nhận. Một cuốn sách về mối tương quan của bạn với thế giới bên ngoài, về việc làm sao vẻ bề ngoài của bạn được ổn thoả và mang đầy “hương vị", và từ đó tạo nên ảnh hưởng tới nội tâm bên trong" .
Mặc đẹp, có một ngoại hình chỉn chu, tươm tất trước hết là cho bản thân mình, chắc chắn bạn sẽ tự tin hơn khi “well-dressed”, và nếu chiều được thị giác của nhiều người khác nữa thì càng tốt, vì họ sẽ quay lại chiều nhiều giác quan khác của ta.
- Theo Thư, nên áp dụng kiến thức trong các cuốn sách đó như thế nào để có thể ăn mặc đẹp?
- Bất kể những thông tin gì mang đến cho số đông đều không thể vừa vặn như “đo ni đóng giày" cho bất kỳ cá nhân nào. Thông tin được đưa ra trong các cuốn sách là các mẫu số chung dễ áp dụng. Tuy nhiên việc áp dụng như thế nào cũng sẽ khác nhau đối với từng người vì mỗi cá nhân có xuất thân, điều kiện, hoàn cảnh sống khác nhau...
Bản thân Thư khi dịch sách (và cả những người mua bản quyển những quyển sách như thế về xuất bản ở Việt Nam) cũng phải suy nghĩ cân nhắc rất nhiều trong phần nội dung để chắc rằng nó phù hợp và áp dụng được cho đối tượng độc giả của mình.
Phần còn lại, độc giả cũng nên chủ động trong việc cân nhắc áp dụng nội dung một cách phù hợp.
Thư Vũ cùng cuốn Thanh lịch kiểu Pháp mà cô chuyển ngữ. |
- Để mặc đẹp, có nhất thiết phải đọc các cuốn sách không, khi mà kiến thức về thời trang luôn dồi dào ở trên mạng? Hơn nữa thời trang là thứ rất thời thượng, luôn thay đổi rất nhanh; chờ tới khi một cuốn sách ra đời thì có khi xu hướng đó đã lỗi mốt?
- Ăn mặc và quần áo là sự thể hiện bên ngoài của con người bên trong. Chúng ta hay nghĩ ăn mặc là phần “ý thức” được, nhưng bản chất nó nằm trong “tiềm thức" của con người, nó là sự thể hiện ra bên ngoài của những thứ ta tiếp nhận trong một quãng thời gian dài.
Sau quyển sách đầu tiên, Thư hay được đặt câu hỏi vì sao người Pháp lại đẹp lạ lùng, đẹp không gắng gượng như vậy? Người Pháp, người Âu Châu luôn được đánh giá cao về thẩm mỹ đơn giản vì cảm quan thẩm mỹ của họ được nuôi dưỡng từ nhỏ. Họ có cơ hội tiếp xúc với cái đẹp mọi lúc mọi nơi…
Chính sự hấp thụ cái đẹp văn hoá từ bên trong mang đến cái đẹp “không gắng gượng" của vẻ bề ngoài. Một vẻ đẹp có chiều sâu, rất khác việc dát quần áo, hàng hiệu, phấn son lên người để đẹp. Những cuốn sách thời trang không nhằm mang đến vẻ đẹp hời hợt theo kiểu đó.
Vậy muốn đẹp có chiều sâu mà không được chuẩn bị trước, thì người ta nên bắt đầu từ đâu? Theo Thư là từ những cuốn sách.
Nếu muốn tìm kiếm về xu hướng mới nhất thì nên đọc các trang online. Tuy nhiên, xu hướng “trend", cũng như những bài viết trên mạng, rồi sẽ nhanh trôi mất và được thay thế bằng một xu hướng khác. Trong khi đó, bản thân ta may mắn lắm thì kịp cập nhật, nhưng còn chưa kịp tiêu hoá hay ứng dụng chúng.
Thời gian để một quyển sách ra đời có khi còn dài hơn tuổi thọ của một “xu hướng” thời trang. Những quyển sách về phong cách sẽ mang đến thời trang có tính “trường tồn", giúp bạn nâng cao cảm quan và “lên tay" trong việc lựa chọn quần áo, giải quyết vấn đề trong mối quan hệ của bạn với thời trang, với áo quần đi từ tâm lý của bạn.
Những quyển sách thời trang kiểu đó không cổ xuý bạn chạy theo mốt, không áp đặt bạn mặc sao thì mới là hợp thời, những quyển sách như thế thấu hiểu.
Tác giả là những người không chỉ có kinh nghiệm và kiến thức về thời trang mà còn có kinh nghiệm với phụ nữ, với chiều hướng suy nghĩ và những gì thường xảy ra tác động tới tâm lý của họ đối với việc ăn mặc, từ đó họ giúp giải quyết vấn đề ăn mặc và phong cách của phụ nữ tận gốc, triệt để.
Đọc sách là một trong những sở thích của Thư. |
Thư Vũ (hay còn được biết đến với tên Coco Chà Bông), hiện là sinh viên ngành Quản Lý & Kinh Doanh Thời Trang, Đại học RMIT.
Thư thích đọc sách, thích viết, thích tất cả những thứ gì đẹp đẽ, thích sự lạc quan, thích cà phê sữa đá kiểu Saigon và thích ở gần người có óc hài hước.