Erwan Rambourg là người thích đưa ra nhận định ngược với cách nhìn chung. Quay lại năm 2012, Trung Quốc ra lệnh cấm các doanh nghiệp tặng quà làm lượng tiêu thụ đồng hồ và rượu mạnh cao cấp suy giảm thì cuốn Triều đại lấp lánh (The Bling Dynasty) của ông ra mắt.
Trong cuốn sách này, Rambourg đưa ra luận điểm rằng những yếu tố căn bản cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của hàng hiệu ở Trung Quốc vẫn giữ nguyên.
Hướng phát triển trong tương lai của ngành hàng cao cấp
Tác phẩm mới nhất của ông - Hàng hiệu trong tương lai (Future Luxe) - hợp tác với Nhà xuất bản Figure 1 tại Vancouver sẽ lên kệ ngày 22/9 tới cũng có nhận định tương tự.
Ông cho rằng mặc dù doanh thu và lợi nhuận của ngành hàng cao cấp đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì đại dịch Covid-19 nhưng tương lai tươi sáng của ngành hàng này vẫn không hề thay đổi.
Theo tác giả Rambourg, “cái đáng nói ở đây là đại dịch Covid-19 sẽ làm gia tăng các xu hướng mới và trong cái rủi lại có nhiều cái may”.
Bìa sách Hàng hiệu trong tương lai (Future Luxe) và tác giả. Ảnh: Erwan Rambourg. |
Mặc dù đã phải chỉnh sửa ít nhiều nội dung cuốn sách để phản ánh tác động của khủng hoảng do đại dịch gây ra nhưng Rambourg khẳng định ông “không hề thêm vào hay bớt đi bất cứ nhận định nào về các xu hướng trong dài hạn”.
Là giám đốc điều hành và trưởng bộ phận nghiên cứu toàn cầu về người tiêu dùng và nhà bán lẻ tại ngân hàng HSBC, ông Rambourg cho rằng “chúng ta đang sống trong thời đại mà mọi thứ đều cần có chất lượng tốt nhất. Cuộc đời có bao lâu đâu nên người tiêu dùng khắp thế giới đều có xu hướng tự thưởng cho mình”.
Xu hướng này sẽ làm giảm yếu tố “cắn rứt lương tâm” gây cản trở tiêu thụ hàng hiệu ở Mỹ.
Theo Rambourg, hiện tượng “mua sắm bù” (revenge buying) ở Trung Quốc ngay sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát ngay từ cuối tháng 3 là minh chứng rõ nhất về sự lạc quan trong tương lai.
Ông cho rằng “các thương hiệu chắc chắn sẽ cần phải thay đổi phương thức sản xuất, phân phối và truyền thông để phù hợp với giai đoạn mới nhưng dù thế nào thì vẫn luôn có sự háo hức săn hàng hiệu, nhất là ở giới trẻ”.
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19
Rambourg thừa nhận khủng hoảng do Covid-19 đã làm nảy sinh rất nhiều vấn đề cho ngành xa xỉ phẩm, nhưng ông không đồng ý với nhiều nhà nghiên cứu thị trường khác.
Tác giả viết trong sách: “Tương lai của hàng hiệu là bán hàng trực tuyến ư? Tôi không nghĩ vậy. Khủng hoảng sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp chuyên sâu vào thị trường ngách dễ dàng hơn ư?"
"Đúng là có thể, nhưng mặt khác, các doanh nghiệp theo thuyết Darwin sẽ vẫn tăng tốc, và cá lớn thì sẽ càng lớn thêm mà thôi. Bán lẻ cho khách du lịch đã trở thành kênh bán hàng lỗi thời à? Tôi không cho là như thế, ít nhất là trong cuốn này”.
Theo tác giả, kinh tế thế giới hiện gặp nhiều khó khăn nhưng tương lai của ngành hàng xa xỉ vẫn không quá bi quan. Ảnh: Joolux. |
Tác giả giải thích: “Phần lớn xa xỉ phẩm của Louis Vuitton, Moncler hoặc Cartier đều được bán cho khách hàng mua lần đầu. Lượng người mua lần đầu như vậy rất lớn và đó có thể là lý do vì sao khi kinh tế tốt thì hàng hiệu bán chạy hơn mong đợi, và khi kinh tế khó khăn thì lượng bán vẫn ra vẫn trụ vững”.
François-Henri Pinault, chủ tịch và CEO Kering (tập đoàn hàng xa xỉ quốc tế với các thương hiệu như Gucci hay Yves Saint Laurent) cho rằng khách hàng mua hàng hiệu là để “khẳng định bản thân và bày tỏ cá tính của họ… Dùng hàng hiệu cũng là chọn một phong cách, một thẩm mỹ, một thái độ”.
Phần lớn nội dung cuốn sách đã được Rambourg hoàn thành năm 2019 trước khi có đại dịch, nhưng ở thời điểm này ông vẫn luôn tin rằng chính đại dịch lại là dịp để khẳng định các xu hướng phát triển của ngành xa xỉ phẩm mà ông nêu ra trong cuốn sách của mình là đúng.
Rambourg cho rằng hàng hiệu sinh ra để phục vụ các nhu cầu và ước muốn rất cơ bản của con người.
“Nói về hàng hiệu là nói về bản ngã, văn hoá, ý nghĩa”, “mục đích chính của cuốn này là giải thích rằng xa xỉ phẩm có tiềm năng tăng trưởng lớn như thế nào trong tương lai mặc dù có một số khó khăn gần đây và đưa ra một số dự đoán về các thay đổi đi kèm với tăng trưởng này”, trích cuốn sách.
Cuốn sách dày 240 trang với nhiều dữ liệu nhưng tác giả có cách trình bày dễ hiểu, gắn với những câu chuyện về nhân vật lịch sử và những yếu nhân trong ngành xa xỉ phẩm với giọng văn hài hước.
Rambourg cho biết “tôi từng làm việc ở bộ phận marketing tại LVMH và Richemont, và tôi vẫn giữ quan điểm là cùng một vấn đề nhưng mỗi người lại có cách nhìn tích cực hoặc tiêu cực khác nhau".
"Hầu hết người làm công tác quản lý ở các hãng đồ hiệu đều nghĩ như vậy. Cuối cùng thì các mặt hàng cao cấp gắn rất chặt với bản tính con người và mong muốn có địa vị trong xã hội”.
Một trong những luận điểm gây ngạc nhiên nhất của tác giả Rambourg là khách hàng lớn mua đồ hiệu không phải đến từ các thị trường mới nổi, ví dụ như các nước BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) mà chính phái nữ từ bất kỳ nước nào mới là người mua hàng hiệu nhiều nhất.
Đó mới chính là “thị trường mới nổi” mà các hãng xa xỉ phẩm cần tập trung vào. Theo Rambourg “các yếu tố kinh tế kết hợp với yếu tố xã hội sẽ hậu thuẫn sức mua lớn của phái nữ, và kéo theo sự tăng trưởng mạnh của các mặt hàng xa xỉ hiện nay và trong thập kỷ tới”.