"Ông trùm" an ninh Chu Vĩnh Khang từng là một trong những người quyền lực nhất Trung Quốc. Giờ đây, ông trồng rau và trái cây bên trong "chuồng hổ" - nhà tù khét tiếng với an ninh tối đa dành cho giới tinh hoa chính trị bị sa chân, theo South China Morning Post.
Trong khi đó, cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai và cựu giám đốc công an thành phố này Vương Lập Quân, những người là trung tâm trong vụ bê bối chính trị lớn nhất Trung Quốc những năm gần đây, dù không chạm mặt nhau trong tù nhưng dường như có sở thích chung là thư pháp.
Những tù nhân đặc biệt
Hơn 1,3 triệu quan chức Trung Quốc, từ những "con hổ" to lớn nhất đến những con ruồi tầm thường, đã bị bắt giữ và truy tố kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012 và bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi" chưa từng thấy.
Hầu hết "hổ lớn" như Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân, những quan chức có cấp bậc thứ trưởng trở lên, đều bị tống giam tại nhà tù bí mật Tần Thành. Điều kiện bên trong các bức tường của nhà tù được bảo vệ nghiêm ngặt này hầu như không được tiết lộ.
Tuy nhiên, một số chi tiết về đời sống của các quan chức tham nhũng trong nhà tù đã được South China Morning Post thu thập từ cựu quản giáo, tù nhân và người nhà phạm nhân với điều kiện giấu tên.
Một nữ cảnh sát cố gắng ngăn chặn phóng viên chụp ảnh ở lối vào nhà tù Tần Thành. Nhiều tù nhân tại nhà tù có an ninh nghiêm ngặt từng là quan chức cao cấp ở Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Theo một nguồn tin thân cận, Bạc Hy Lai thích viết thư pháp trong các bức thư gửi cho chính quyền. Cựu chính trị gia đang thụ án chung thân vì tội tham nhũng, tham ô và lạm quyền bày tỏ mong muốn vụ án của mình được mở lại.
Vương Lập Quân, bạn tù và cánh tay phải của ông Bạc Hy Lai trước đây, bị kết án 15 năm tù vì tội đào tẩu, nhận hối lộ và các tội khác. Ông Vương đã trở mặt với ông Bạc nhưng được cho là cũng thích luyện thư pháp.
Ông Vương đã thất bại khi đào tẩu đến lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô để vạch trần vụ giết hại doanh nhân người Anh Neil Heywood của bà Cốc Khai Lai, vợ của Bạc Hy Lai, người đang thụ án tù chung thân tại nhà tù Diêm Thành.
"Vương vẫn luôn thích thư pháp Trung Quốc. Ông ấy dành thời gian đọc rất nhiều trong tù và đang học tiếng Anh", một nguồn tin thân cận với cựu giám đốc công an Trùng Khánh, một trong 4 thành phố trực thuộc trung ương của Trung Quốc, cho biết.
Nằm ở ngoại ô phía bắc của Bắc Kinh dưới chân dãy Yên Sơn, "chuồng hổ" Tần Thành rất khác biệt so với các nhà tù khác của Trung Quốc. Nó được điều hành trực tiếp bởi Bộ Công an, trong khi các nhà tù khác được điều hành bởi Bộ Tư pháp.
Những ngày này, các tù nhân bao gồm Bạc Hy Lai đang tham gia hoạt động nhóm trong các phòng giam rộng 16 mét vuông. Theo một nguồn tin thân cận với nhà tù, Bạc Hy Lai, người nổi tiếng với phong cách lòe loẹt trước khi bị bắt, được cho phép mặc âu phục thay vì áo tù nhân.
Bạc Hy Lai trong phiên tòa ở tòa án Tế Nam vào tháng 9/2013. Ảnh: AFP. |
Khu vườn trong tù của Chu Vĩnh Khang
Ông Bạc không phải là tù nhân đầu tiên được ban đặc quyền này. Cựu bí thư đảng ủy Thượng Hải Trần Lương Vũ trước đó từng được phép đổi trang phục nhà tù lấy âu phục.
Nguồn tin cho biết Tần Thành không giống như các nhà tù khác và các lính canh cũng nhận thức rõ về tình trạng của các tù nhân.
"Các lính gác được yêu cầu tránh xa các tù nhân. Họ được bảo rằng các tù nhân không phải người bình thường và phải kiềm chế không đánh trả, ngay cả khi họ bị tù nhân đánh mắng, nếu không họ sẽ bị đuổi việc", người này nói.
Mặc dù ông Bạc Hy Lai được tự do mặc suit nhưng ông không được đi giày da. Tất cả tù nhân phải mang giày nhựa được phát. Bất kỳ đôi giày hoặc quần có dây buộc hoặc dây rút đều không được phép mang vào trong nhà tù để ngăn ngừa tự tử, nguồn tin cho biết thêm.
Các tù nhân khác được bảo đảm các đặc quyền khác nhau. Cựu bộ trưởng công an Chu Vĩnh Khang, người bị tù chung thân vì nhận hối lộ, lạm quyền và rò rỉ bí mật nhà nước, có khu vườn riêng. Phòng giam của ông nằm trong một khu nhà biệt lập và có một mảnh đất nhỏ để tự trồng trọt và rõ ràng ông khá giỏi về khoản này.
Chu Vĩnh Khang bị kết án tại tòa án Thiên Tân vào tháng 6/2015. Ảnh: Reuters. |
"Bạn bè và người thân đến thăm đôi khi còn mang trái cây và bí ngô do ông Chu trồng được về nhà", một nguồn tin thân cận với gia đình cho biết.
Ngoài vườn rau, ông Chu Vĩnh Khang còn có hai cây óc chó lớn và một cây hồng trong sân của trại giam. Nguồn tin cho biết các lính gác đã chăm sóc và cắt tỉa cành lá cho các cây này.
Diêu Văn Nguyên, người đứng đầu nhóm Tứ nhân bang trong Cách mạng Văn hóa, cũng rất thích ăn hồng. Ông Diêu dường như đã giấu các quả hồng trong chiếc mũ rơm của mình và mang về phòng giam để ăn.
"Ông ấy cư xử như trẻ con vậy. Đâu có ai cấm ăn quả trên các cây đó đâu", nguồn tin nói.