Vụ việc tài khoản Dang Thanh An (được cho là rapper Negav) bị "đào" lại chuyện lập hội nhóm hơn 3.000 thành viên, bàn luận về vấn đề nhạy cảm liên quan đến giới tính với nhiều ngôn ngữ dung tục trở thành tâm điểm truyền thông trong những ngày qua. Đáng nói, group này còn có sự xuất hiện của nhiều sao Việt.
Theo chuyên gia, sự việc nói trên cho thấy nhiều người nổi tiếng trong nước thiếu nhận thức và hiểu biết về quấy rối.
Hành vi quấy rối trên không gian mạng là vấn nạn
Sau vài ngày im lặng, Negav đã lên tiếng xin lỗi và thừa nhận mắc sai lầm trong quá khứ.
"Negav nhận thức sâu sắc những sai lầm trong quá khứ là điều không thể đổi thay. Do vậy, một lần nữa mình muốn gửi lời xin lỗi tận đáy lòng tới ba mẹ, gia đình, những người anh em, các nghệ sĩ, khán giả thân thương, các đối tác và đặc biệt là những người đã vô tình bị ảnh hưởng bởi câu chuyện cá nhân của mình. Đây cũng là bài học đích đáng và đắt giá của bản thân. Cuối cùng, Negav xin được gửi lời xin lỗi đến người hâm mộ vì đã làm mọi người thất vọng, lo lắng. Chân thành cảm ơn và xin lỗi mọi người rất nhiều", rapper chia sẻ.
Negav đang nhận "bão" chỉ trích, tẩy chay từ công chúng. |
Ngoài ra, tài khoản cá nhân có tên Dang Thanh An được cho là của Negav với hơn 500.000 người theo dõi cũng đã biến mất. Nhóm kín với hơn 3.000 thành viên, bàn luận về vấn đề nhạy cảm liên quan đến giới tính với nhiều ngôn ngữ dung tục, do tài khoản Dang Thanh An lập ra cũng bị xóa sổ.
Vài ngày qua, nhiều sao Việt là thành viên trong group kín thay nhau có động thái xin lỗi, giải thích.
Sau sự việc ồn ào nói trên, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) chia sẻ với Tri Thức - Znews hành vi quấy rối tình dục trên không gian mạng hiện nay là vấn nạn, không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước khác trên thế giới. Nhiều người thường nhầm lẫn ranh giới giữa đùa vui và quấy rối tình dục. Họ để lại những bình luận, bài đăng có nội dung khiếm nhã, tục tĩu liên quan đến giới tính, tình dục, xem như đùa vui, hồn nhiên mà không biết đó là hành vi vi phạm.
Theo chuyên gia, ranh giới giữa đùa vui và quấy rối khá mỏng, dễ bị nhầm lẫn, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ngữ cảnh. Song tiêu chí quan trọng nhất để phân biệt hai khái niệm này là tính đồng thuận.
“Các bình luận, bài đăng của bạn trong một nhóm mang tính vui đùa, phải được các thành viên chấp thuận, không gây khó chịu cho bất cứ ai. Nếu chỉ cần một người không đồng thuận, đó là hình thức quấy rối. Ngoài ra, nội dung các bài đăng phải không mang tính xúc phạm, gợi dục. Việc các thành viên trong nhóm kín có hành động thả like dưới bài đăng, bình luận nhạy cảm, khiếm nhã cũng được cho là đồng lõa với hành vi quấy rối”, bà Vân Anh chia sẻ.
Theo người đứng đầu của CSAGA, việc trang bị kiến thức để hiểu, phân biệt giữa đâu là đùa vui, đâu là quấy rối tình dục, rất quan trọng. Đặc biệt nghệ sĩ là những người có vị trí, ảnh hưởng trong xã hội, cần tìm hiểu, học hỏi các kiến thức về quấy rối để có thái độ, hành vi đúng trên không gian mạng.
“Để đi đến thái độ đúng, trước tiên cần ý thức và có hiểu biết về quấy rối. Các người nổi tiếng có thể trang bị kiến thức qua những khóa học hoặc đơn giản hơn là tìm hiểu thông qua các tài liệu trên mạng, sách vở”, bà Vân Anh chia sẻ.
Chung quan điểm, luật sư Nguyễn Tiến Hải Dương (giám đốc công ty TNHH DEDICA, Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết việc tham gia vào các nhóm có nội dung nhạy cảm cho thấy một số nghệ sĩ không ý thức được các hành vi này có thể dẫn đến hậu quả pháp lý và xã hội nghiêm trọng.
"Điều này phản ánh cần thiết phải nâng cao hiểu biết về vấn đề quấy rối, cũng như tác động tiêu cực mà nó có thể gây ra cho nạn nhân. Ngoài ra, sự nổi tiếng của họ có thể tạo ra ảnh hưởng lớn đến cộng đồng. Vì vậy nghệ sĩ cần nhận thức rõ ràng hơn về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ người khác và tôn trọng quyền cá nhân. Việc giáo dục và tuyên truyền về quấy rối cùng các hành vi liên quan là rất cần thiết để nâng cao ý thức cho các nghệ sĩ cũng như công chúng", luật sư nói.
Hành vi vi phạm pháp luật
Theo luật sư, hành vi lập nhóm kín để bàn luận về các vấn đề nhạy cảm liên quan đến giới tính, đồng thời đăng hình ảnh của người khác kèm theo các bình luận nhạy cảm của tài khoản Dang Thanh An là vi phạm pháp luật.
Cụ thể, việc sử dụng hình ảnh của người khác mà không có sự đồng ý, kèm theo bình luận xúc phạm, có thể bị coi là xâm phạm quyền nhân thân theo Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015. Hành vi này có thể dẫn đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại và bị truy cứu hình sự theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 về tội làm nhục người khác.
Hành vi bình luận nhạy cảm dưới bài đăng của người khác có thể bị xem là quấy rối và bị xử lý theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 về tội làm nhục người khác, hoặc bị phạt hành chính theo Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 14/2022/NĐ-CP) với mức phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.
Trung Quân và loạt sao đồng loạt lên tiếng xin lỗi, giải thích khi bị phát hiện tham gia nhóm kín gây tranh cãi. |
Luật sư Nguyễn Tiến Hải Dương cho biết nạn nhân bị quấy rối có thể trải qua cảm giác lo âu, trầm cảm. Ngoài ra, những tổn thương tâm lý có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí một số người còn có suy nghĩ tự tự khi bị quấy rối. Ở nhiều quốc gia, quấy rối trên mạng được coi là hành vi phạm tội và có các quy định xử lý nghiêm khắc. Tại Mỹ, các bang có luật riêng về quấy rối trên mạng, trong đó có những quy định cụ thể về việc xử phạt những hành vi quấy rối, bao gồm cả xử lý hình sự với án tù và phạt tiền.
Ở châu Âu, nhiều quốc gia đã ban hành các đạo luật nhằm chống lại quấy rối trên mạng, quy định rõ ràng về trách nhiệm của các nền tảng mạng xã hội trong việc bảo vệ người dùng và xử lý các nội dung vi phạm.
Trở lại vấn đề quấy rối tình dục trên không gian mạng tại Việt Nam, luật sư đưa ra các giải pháp để nâng cao nhận thức và hiểu biết về quấy rối, nhất là đối với người nổi tiếng.
Đầu tiên là tuyên truyền cho nghệ sĩ về trách nhiệm: Tạo ra các chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội, đặc biệt trên các nền tảng mà nghệ sĩ thường xuyên sử dụng. Tổ chức các buổi hội thảo để tuyên truyền, đào tạo cho nghệ sĩ để giúp họ hiểu rõ về tác động của hành vi quấy rối trên mạng, không chỉ đối với nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến chính họ và hình ảnh cá nhân. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền việc tuân thủ theo bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ luật đã được ban hành.
Tiếp theo là khuyến khích cộng đồng nghệ sĩ lên tiếng: Tạo điều kiện cho các nghệ sĩ nổi tiếng lên tiếng phản đối hành vi quấy rối, qua đó tạo ra xu hướng tích cực trong giới. Việc này không chỉ bảo vệ nạn nhân mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của họ.
Cuối cùng là cần thiết lập cơ chế tố cáo: Cung cấp các kênh an toàn cho nạn nhân và người chứng kiến để báo cáo hành vi quấy rối mà không lo bị trả thù. Điều này cần sự hỗ trợ từ các tổ chức chuyên nghiệp có kinh nghiệm trong xử lý vấn đề quấy rối.
Cuốn sách đáng đọc về âm nhạc
Sách khảo cứu Lịch sử opera Ý do GS Gianni Kriscak cùng Hiền Nguyễn Soprano (nghiên cứu sinh tại Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương), Trịnh Thị Oanh (giảng viên thanh nhạc tại Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương) thực hiện. Sách ra mắt vào tháng 2 và nhanh chóng được bạn đọc đón nhận.
Sách khảo cứu Lịch sử opera Ý là tác phẩm hiếm hoi về opera được thực hiện bằng tiếng Việt. Qua cuốn sách này, các tác giả đưa ra câu chuyện về một thành tựu văn hóa kinh điển của thế giới nhưng bằng góc nhìn nhẹ nhàng, dễ tiếp cận thay vì quá nặng nề, phức tạp. Các tác giả không đề cập quá nhiều tên, chi tiết và chỉ đưa vào cuốn sách những khoảnh khắc quan trọng, thú vị nhất trong giai đoạn đầu tiên của các vở opera.