Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều tỉnh phía Nam sẵn sàng áp dụng Chỉ thị 16

Chiều 17/7, lãnh đạo các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho biết họ đã nhận được văn bản do Thủ tướng Phạm Minh Chính ký về thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

“Ba ngày trước, tôi ký quyết định mở rộng phạm vi giãn cách theo Chỉ thị 16 đối với 9 huyện, thị và thành phố. Từ 0h ngày 19/7, toàn tỉnh An Giang áp dụng Chỉ thị 16”, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nói.

Sau khi Thủ tướng có văn bản hỏa tốc chỉ đạo 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, trao đổi với Zing chiều 17/7, lãnh đạo thành phố Cần Thơ và các tỉnh Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Bình Phước, Tây Ninh khẳng định các địa phương này đã lên phương án để phòng, chống dịch.

Chủ động chống dịch

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết địa phương đã chủ động với tình huống toàn tỉnh áp dụng Chỉ thị 16. Hiện, An Giang có 9/11 huyện, thị và thành phố áp dụng Chỉ thị 16, chỉ còn huyện Thoại Sơn và Tri Tôn áp dụng Chỉ thị 15.

Song song việc áp dụng Chỉ thị 16, chính quyền tỉnh An Giang chỉ đạo triển khai những cửa hàng 0 đồng phủ khắp các xã, phường, thị trấn.

“Chúng tôi kêu gọi nhân dân đóng góp vào các cửa hàng 0 đồng để hỗ trợ người nghèo. Các cửa hàng đã có gạo, bây giờ vận động thêm rau, củ, quả, mì gói. Ai có lương thực và trứng thì gửi thêm đến 156 cửa hàng tại các xã, phường, thị trấn”, người đứng đầu chính quyền tỉnh An Giang nói.

Lo lắng về vấn đề tài xế vận chuyển hàng hóa từ nơi khác vào tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình chỉ đạo test nhanh tất cả lái xe, dù có giấy xét nghiệm âm tính trong 24h.

Gian cach theo Chi thi 16 anh 1

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang khẳng định trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16, hàng hóa trong tỉnh vẫn được lưu thông bình thường. Ảnh: Đức Hậu.

Tại Vĩnh Long, trước khi có văn bản của Thủ tướng, 5/8 huyện, thành phố áp dụng Chỉ thị 16. Từ 0h ngày 19/7, Vĩnh Long sẽ áp dụng giãn cách toàn tỉnh.

“Chúng tôi đã chuẩn bị trước nên không bị động khi áp dụng Chỉ thị 16 cho toàn tỉnh. Chợ truyền thống vẫn hoạt động, hàng hóa dồi dào", Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời nói với Zing.

Còn Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết nếu không có chỉ đạo, ông vẫn quyết định áp dụng Chỉ thị 16 để giãn cách, phòng chống dịch bệnh tốt hơn.

“Chúng tôi đã chủ động giãn cách từ trước. Hiện nay, một số nơi trong tỉnh Bạc Liêu áp dụng Chỉ thị 15 và 16, hàng hóa vẫn lưu thông bình thường. Chúng tôi đang kiểm soát tốt dịch bệnh”, ông Thiều khẳng định.

Gian cach theo Chi thi 16 anh 2

Nhiều nơi ở miền Tây có các cửa hàng 0 đồng phục vụ người dân trong thời gian áp giãn cách xã hội. Ảnh: Nhật Tân.

Người dân không nên gom hàng

Ông Trần Hồng Quân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, thông tin thời gian gần đây, tỉnh đã áp dụng một số nội dung trong Chỉ thị 15 và 16. Từ 0h ngày 19/7, toàn tỉnh Cà Mau sẽ thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

“Trước đây, Cà Mau cho tập trung 10 người, bây giờ còn 2 người. Chợ, siêu thị vẫn hoạt động bình thường, người dân hạn chế tụ tập, hạn chế ra đường khi không cần thiết”, ông Quân nói.

Tại Sóc Trăng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu đã ký quyết định áp dụng Chỉ thị 15 cho toàn tỉnh từ 0h ngày 18/7. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, tỉnh Sóc Trăng áp dụng Chỉ thị 16 sau đó một ngày.

Chúng tôi đã chuẩn bị trước nên không bị động khi áp dụng Chỉ thị 16 cho toàn tỉnh. Chợ truyền thống vẫn hoạt động, hàng hóa dồi dào.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời

Theo ông Lâu, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, địa phương đã chủ động phương án khi áp dụng Chỉ thị 16. Thời gian qua, địa phương đã thực hiện gần như đầy đủ các nội dung của Chỉ thị 15, hiện áp dụng Chỉ thị 16 là phù hợp.

“Hàng hóa không khan hiếm, bà con không nên có tâm lý hoang mang đi gom hàng về dự trữ. Việc làm này có thể khiến một số người lợi dụng tăng giá bán, găm hàng, làm mất trật tự xã hội vì tập trung đông người. Bà con an tâm, người dân vẫn đi chợ nhưng có sự giãn cách, hạn chế ra đường, vào chợ thì thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch”, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chia sẻ.

Còn Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết trước khi Thủ tướng chỉ đạo áp dụng Chỉ thị 16, địa phương đã thực hiện giãn cách một số địa bàn, trong đó có TP Đồng Xoài, huyện Đồng Phú. Trước mắt, tỉnh siết chặt hơn các biện pháp phòng, chống dịch.

“Do tỉnh có địa bàn phức tạp, giáp Campuchia, TP.HCM và Đồng Nai, Bình Dương, nơi đang có dịch Covid-19 phức tạp, công tác phòng, chống dịch càng phải quyết liệt hơn”, bà Hiền nói.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, trước khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, địa phương giao Sở Công Thương chủ trì với các sở, ngành liên quan, đảm bảo tốt nhất cuộc sống của người dân, nhất là khu vực phong tỏa.

“Đầu tiên phải đảm bảo cung cấp đủ nhu yếu phẩm cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách, không để bất cứ ai thiếu đói. Ngoài ra, các sở ngành liên quan phải thường xuyên kiểm tra, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tăng giá, gom hàng trục lợi trong thời gian giãn cách này”, bà Hiền nêu quan điểm.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc, tình hình dịch Coivd-19 trên địa bàn tỉnh đang ở mức nguy cơ rất cao, đã xuất hiện các ổ dịch chưa rõ nguồn lây, có khả năng lan rộng trong cộng đồng. Ông đã chỉ đạo toàn tỉnh thực hiện nghiêm việc giãn cách theo Chỉ thị 16.

Theo ông Ngọc, tỉnh đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các ngành chức năng và địa phương bảo đảm việc lưu thông, cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân; xử lý nghiêm các hành vi gom, găm hàng, đầu cơ, nâng giá.

Theo văn bản hỏa tốc, ngoài TP.HCM và Bình Dương, Đồng Nai đã thực hiện, Thủ tướng đồng ý bổ sung áp dụng Chỉ thị 16 tại TP Cần Thơ và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang. Thời gian thực hiện giãn cách là 14 ngày.

Chủ tịch An Giang: Các tỉnh phải có trách nhiệm với địa phương khác

Ông Nguyễn Thanh Bình khẳng định việc làm mọi cách để xác định yếu tố dịch tễ của người vào An Giang; đồng thời kiến nghị các địa phương có trách nhiệm với nhau trong chống dịch.

Da co hon 17.000 Zalo OA ho tro CQNN va khoi tien ich chuyen doi so hinh anh

Đã có hơn 17.000 Zalo OA hỗ trợ CQNN và khối tiện ích chuyển đổi số

0

Nhằm thúc đẩy hiệu quả của công tác chuyển đổi số, tính đến hết năm 2024, tổng cộng 17.273 tài khoản chính thức (Official Account) của các cơ quan nhà nước và đơn vị tiện ích (trường học, y tế…) đã được thiết lập và định danh trên nền tảng Zalo, phủ khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Việt Tường - Xuân Hoát

Bạn có thể quan tâm