Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch An Giang: Các tỉnh phải có trách nhiệm với địa phương khác

Ông Nguyễn Thanh Bình khẳng định việc làm mọi cách để xác định yếu tố dịch tễ của người vào An Giang; đồng thời kiến nghị các địa phương có trách nhiệm với nhau trong chống dịch.

Tất cả 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện đã xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19. Trong đó, An Giang là nơi dịch bệnh lan nhanh với hơn 100 người lây nhiễm trong cộng đồng.

Nói với Zing, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết các trường hợp lây nhiễm cộng đồng ở tỉnh đều có lịch sử dịch tễ liên quan đến người dân, tài xế từ TP.HCM và Bình Dương.

- An Giang đang áp dụng Chỉ thị 15 của Thủ tướng, nhiều nơi áp dụng Chỉ thị 16. Tỉnh đã chuẩn bị và thực hiện những biện pháp gì để tránh gây xáo trộn lớn đến đời sống người dân và hoạt động kinh tế - xã hội?

- Toàn tỉnh đang giãn cách nhưng chúng tôi kiên quyết không để người nghèo và cận nghèo thiếu đói. Hiện nay các xã, phường đều có cửa hàng 0 đồng.

Chưa bao giờ chúng ta thấy xã hội quan tâm và đồng tình giúp đỡ người nghèo như hiện nay. Người có gạo cho gạo, người có trứng cho trứng, rau cải, thực phẩm các loại cho cửa hàng nói trên. Chúng tôi kêu gọi lòng tự trọng của mỗi người, tức là mỗi người đến cửa hàng thì nhận một phần, ngày hôm sau đến sẽ có nữa. Chủ trương nhường cơm sẻ áo ngay lúc này là rất cần thiết.

Về mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh tôi lưu ý với anh em 3 khu vực. Một là nông nghiệp, hai là công nghiệp xây dựng, ba là thương mại dịch vụ.

Chong dich hon chong giac anh 1

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình (áo xanh) kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại khu vực biên giới giáp ranh Campuchia. Ảnh: Chiến Khu.

Trong đó, thương mại dịch vụ chắc chắn tổn thương nhiều nhất, đặc biệt khi toàn tỉnh áp dụng Chỉ thị 15 và nhiều nơi áp dụng Chỉ thị 16. Chúng tôi cố gắng không để xảy ra ngăn sông cấm chợ, hàng hóa vẫn đi - về hàng ngày và kiểm soát tốt hơn để không có chuyện ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.

Nông sản hiện nay khó tiêu thụ nên phải ưu tiên. Còn dịch vụ phải ưu tiên thông thương hàng hóa. Đây là cái sống còn vì một là giúp cho An Giang phát triển kinh tế, phát triển mậu dịch, hai là không để hàng hóa của nông dân bị ứ đọng và ba là đảm bảo công nghiệp phát triển bình thường.

Tôi đã yêu cầu tất cả doanh nghiệp có sử dụng công nhân lao động thì phải lo ăn ở tại chỗ

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình

Tôi đã yêu cầu tất cả doanh nghiệp có sử dụng công nhân lao động thì phải lo ăn ở tại chỗ, không để họ ra về để tránh mang bệnh vào công ty. Vì vậy, công nghiệp vẫn hoạt động bình thường.

Nông nghiệp là khu vực ít bị tổn thương nhất. Dịch bệnh nhưng nông dân vẫn ra đồng. Hoạt động chăn nuôi vẫn bình thường. Vì vậy, An Giang đã lên kịch bản cho 3 khu vực trên rất cụ thể.

Mỗi khu vực có một biện pháp phù hợp. Trong 3 khu vực này tập trung nhiều nhất 2 khu vực là công nghiệp xây dựng và thương mại dịch vụ. Đây là 2 khu vực kiểm soát chặt chẽ hơn, còn nông nghiệp không đáng ngại lắm.

Chong dich hon chong giac anh 2

Lực lượng chức năng kiểm tra từng người và phương tiện vào địa bàn tỉnh An Giang. Ảnh: Đức Hậu.

- Mỗi ngày xe tải vẫn ra, vào An Giang để hàng hóa được thông thương. Trong khi đó, tài xế xe tải là những người có mối nguy cơ làm lây lan dịch bệnh cao. Tỉnh áp dụng biện pháp gì?

- Một ngày có khoảng 2.000 xe tải chở hàng hóa vào TP Long Xuyên. Tài xế xe tải có nguy cơ mang mầm bệnh cao nhất bởi họ di chuyển nhiều tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Tiền Giang...

Tôi kiến nghị các tỉnh, thành phải có trách nhiệm với tỉnh khác. Về phía An Giang, tài xế đầu ra sẽ xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 để đảm bảo không lây bệnh cho địa phương khác.

Như vậy, tài xế tỉnh khác đến An Giang phải làm xét nghiệm rRT-PCR âm tính để chúng tôi được an toàn. Nếu thực hiện tốt việc này thì có thể kiểm soát được dịch bệnh.

Trước đây tài xế có thể ghé chỗ này chỗ kia để ăn uống nhưng lúc này phải ăn, uống trong cabin rồi chạy thẳng từ nơi lấy hàng đến nơi giao hàng

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình

Điều quan trọng nữa là các doanh nghiệp kêu gọi sự ý thức của tài xế. Trước đây tài xế có thể ghé chỗ này chỗ kia để ăn uống nhưng lúc này phải ăn, uống trong cabin rồi chạy thẳng từ nơi lấy hàng đến nơi giao hàng, không ghé đâu để tạo nên một sự khép kín.

Nhận thức của tài xế nâng cao là yếu tố quyết định nhất trong vấn đề phòng, chống dịch bệnh hiện nay. Nếu 100% tài xế thực hiện tốt như vậy, tôi tin chắc dịch bệnh không bùng phát dữ dội.

Chúng tôi khuyến khích tài xế có giấy xét nghiệm âm tính tại nơi xuất phát. Thực tế An Giang quy định thời gian trên giấy xét nghiệm 2 ngày nhưng tôi khuyến khích tốt nhất một ngày.

Nếu tài xế chở hàng từ chợ Bình Điền chẳng hạn, nơi có ổ dịch rất lớn, thì đến An Giang thì phải test lại tại chốt. Tài xế đi từ nơi không nguy cơ cao thì chốt kiểm soát cho qua nhưng nếu anh khai báo y tế không trung thực thì xem xét xử lý theo pháp luật vì giấu yếu tố dịch tễ.

Vừa qua, có tài xế khai báo y tế gian dối làm lây bệnh cho 10 người. Người này đi từ chợ Bình Điền về nhưng lái xe biển số tỉnh Hậu Giang mà lúc đó Hậu Giang chưa có dịch nên được cho qua.

Chong dich hon chong giac anh 3

Mỗi ngày có khoảng 2.000 xe tải vào cửa ngõ TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Ảnh: Đức Hậu.

Ngoài kiểm tra giấy xét nghiệm, lực lượng tại các chốt còn xem giấy xuất hàng để đối chiếu với thông tin khai báo y tế. Phải làm mọi cách để xác định được yếu tố dịch tễ của người vào An Giang.

Hiện nay, tỉnh tăng cường nhiều bàn test nhanh tài xế với mục đích giúp hàng hóa được vận chuyển thông thoáng. Đặc biệt hàng tươi sống, rau củ quả ưu tiên đi trước, hàng nằm như sắt, thép chậm hơn.

- Ngoài tài xế, người dân đi lại tới An Giang đang được kiểm soát thế nào để đảm bảo an toàn phòng dịch?

- Ngoài tài xế chở hàng vào An Giang, có rất nhiều người dân địa phương đi làm ở TP.HCM trở về tỉnh. Vì vậy, mình yêu cầu bà con đến cơ quan y tế nơi xuất phát để xét nghiệm lấy giấy âm tính trong ngày.

Việc này mình khuyến cáo người dân vì cửa ngõ TP Long Xuyên một ngày có 25.000 xe máy chạy vào, kiểm soát rất khó.

Chính phủ không quy định giấy xét nghiệm Covid-19 được phép sử dụng trong bao nhiêu ngày. Tùy theo mỗi địa phương thấy tình hình dịch bệnh căng thẳng và có nguy cơ cao thì mỗi tỉnh, thành sẽ có quy định riêng.

Giấy xét nghiệm hôm nay âm tính nhưng có thể sáng mai tài xế tiếp xúc F0 rồi mắc bệnh. Vì vậy, tỉnh nào có nguy cơ cao thì nơi đó rút ngắn thời gian trên giấy xét nghiệm. Nơi nào nguy cơ không cao hoặc xa xôi, ít có khả năng lây nhiễm thì giãn thời gian ra.


9 huyện, thị và thành phố ở An Giang áp dụng Chỉ thị 16

Sau 5 ngày áp dụng Chỉ thị 15 trên phạm vi toàn tỉnh, UBND tỉnh An Giang quyết định giãn cách xã hội ở mức cao hơn tại 2 thành phố và 7 huyện, thị xã.

Việt Tường thực hiện

Bạn có thể quan tâm