"Cái nghề này lúc xăng rẻ đã như là đi bán sức, mài xe ra lấy tiền rồi, xăng tăng thì thu nhập không còn bao nhiêu. Giá xăng cao thì 'ăn' vào tiền lãi, thu nhập giảm đi, rồi kéo theo tất cả chi phí sinh tăng lên. Chạy xe không đủ sống thế này thì nếu xăng tiếp tục lên giá mình sẽ bán xe tìm nghề khác", anh Nam - tài xế taxi công nghệ của một ứng dụng gọi xe tại TP.HCM - nói.
Khó khăn trong những ngày này không chỉ là của mình anh Nam. Sau kỳ điều giá bán lẻ mới nhất, xăng E5 RON 92 tăng 2.908 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 2.990 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 28.985 đồng/lít và xăng RON 95 là 29.824 đồng/lít. Giá xăng tăng cao kỷ lục đã khiến nghề từng được xem là "hái ra tiền" một thời như taxi công nghệ trở nên kém hấp dẫn.
'Mòn xe, mòn người' kiếm 10 triệu mỗi tháng
"Tôi làm từ thời giá xăng chỉ khoảng 12.000-14.000 đồng/lít, giờ xăng đã tăng giá hơn gấp đôi nhưng giá cước trên ứng dụng chỉ tăng nhỏ giọt. Như lần gần nhất ứng dụng tăng giá cước tính ra mỗi cuốc thu nhu nhập của tôi tăng chưa được 10%. Một tháng chạy mòn xe, mòn cả người nhưng mang về cho vợ con được không tới 10 triệu đồng", anh Nam chia sẻ.
Nhiều tài xế taxi công nghệ cho rằng các ứng dụng nên giảm chiết khấu để tài xế có thêm thu nhập khi giá xăng tăng cao thay vì tăng giá cước. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Trong các hội nhóm trên mạng xã hội (MXH) của tài xế taxi công nghệ tại Hà Nội và TP.HCM, đã xuất hiện nhiều bài đăng kêu gọi cộng đồng lái xe đồng loạt tắt ứng dụng, ngừng đón khách để gây áp lực với ứng dụng nhằm giảm mức chiết khấu mà tài xế phải đóng.
"Tăng giá cước thì đúng là tài xế tăng thu nhập thật, nhưng giá cước giờ đã là khá cao so với nhu cầu của hành khách, đã tiệm cận giá cước taxi truyền thống. Nếu tăng cước thêm nữa thì không còn khách mà chạy, mất hết khách cho taxi truyền thống và các ứng dụng khác. Mình nghĩ tốt nhất là ứng dụng nên chịu thiệt khi xăng tăng, giảm từ phần thu chiết khấu để tài xế có thêm thu nhập", anh D. Ngọc - tài xế taxi công nghệ tại TP.HCM - chia sẻ.
Đề xuất của anh Ngọc nhận được nhiều đồng tình từ các đồng nghiệp. Lượng lớn tài xế cho rằng các ứng dụng đang thu quá nhiều của tài xế trong khi lực lượng này mới là chính là những người ra đường hơn chục tiếng đồng hồ mỗi ngày, đối mặt với nhiều rủi ro khi làm việc.
Mong muốn giảm chiết khấu
Bên cạnh đó, nhiều tài xế cùng cho rằng mức chiết khấu hiện nay mà các ứng dụng áp lên tài xế đang quá cao so với thời điểm taxi công nghệ mới xuất hiện tại Việt Nam.
"Giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% nhưng chiết khấu chỉ giảm từ gần 33% xuống còn 31,5%, không đáng là bao so với mức tăng của giá xăng. Nếu ứng dụng chấp nhận cắt khoảng 10% chiết khấu xuống còn hơn 20% thì thu nhập của tài xế mới cải thiện được mà không cần tăng cước phí gây mất khách", anh Ngọc bình luận.
Ở chiều ngược lại, nhiều tài xế cho rằng việc gây sức ép để các ứng dụng giảm chiết khấu là điều bất khả thi do các doanh nghiệp vận hành ứng dụng cũng đang trong cảnh thua lỗ.
"Ứng dụng họ lỗ tỷ USD mỗi năm, chưa năm nào sinh lời thì đời nào họ giảm chiết khấu cho tài xế. Nhớ thời xăng rẻ, chiết khấu thấp thì đua nhau mua xe trả góp đi chạy taxi công nghệ, giờ khó khăn coi như nghề tự đào thải thôi, ai trụ được thì chạy tiếp, ai muốn 'treo app' thì cứ nghỉ, tôi vẫn chạy. Chỉ mong ứng dụng có thêm thưởng thu nhập cho tài xế để qua giai đoạn khó khăn vì giá xăng này", anh H. Việt - tài xế taxi công nghệ - nói.
Giá xăng tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của cả tài xế taxi công nghệ và taxi truyền thống. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Sau khi tăng liên tục 7 kỳ điều chỉnh, giá xăng đã tăng hơn 31% từ giữa tháng 12/2021 tới nay. Áp lực giá xăng tăng kỷ lục đã khiến hàng loạt các ứng dụng có cung ứng dịch vụ taxi công nghệ như Grab hay Be buộc phải điều chỉnh giá cước để tăng thu nhập cho tài xế. Tuy nhiên mức tăng giá cước của các ứng dụng chỉ vào khoảng 5% do lo ngại giá cước tăng cao sẽ khiến hành khách chuyển sang di chuyển bằng phương tiện khác.
Không chỉ các ứng dụng gọi xe gặp khó vì giá xăng tăng, các doanh nghiệp taxi truyền thống cũng khẳng định sẽ buộc phải tăng giá cước để giữ chân người lao động.
Ông Nguyễn Công Hùng - Giám đốc taxi Mai Linh miền Bắc, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội - chia sẻ dịch Covid-19 kéo dài khiến các doanh nghiệp taxi cạn kiệt nguồn lực, giá xăng dầu tăng càng khiến lái xe mất thu nhập, ngại việc và bỏ việc.
"Chắc chắn taxi sẽ phải tăng giá cước, nhưng tăng vào thời điểm nào, mức tăng như thế nào thì cần nghiên cứu và đánh giá tình hình”, theo ông Hùng.
Trong khi đó, anh Trung, tài xế taxi hãng Vinassun tại TP.HCM lại lo lắng: 'Từ sau dịch tới giờ, không tháng nào thu nhập của tôi quá 7 triệu đồng, vì khách lẻ ngày càng giảm, chủ yếu đón khách dùng thẻ tháng. Bây giờ mà hãng tăng giá cước thì không biết tình trạng này còn tệ đến mức nào. Nhiều lúc muốn nghỉ chạy mà còn vướng phần tiền đang góp vào xe cho công ty".