Giải thưởng Sách quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức, khẳng định được uy tín, vị thế trong xã hội. Mỗi mùa tổ chức, giải thưởng đều mang đến niềm vui cho tác giả, người làm sách.
Ở những mùa giải trước, nhiều tác giả đều bày tỏ sự xúc động và bất ngờ khi được giải. Cho tới trước khi được thông báo nhận giải, tác giả hoàn toàn không biết sách của mình đã được các thành viên hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia xem xét, chấm giải qua nhiều vòng.
Họa sĩ Lê Thị Minh Thu (trái) bất ngờ khi nhận Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ ba. |
Bất ngờ khi được giải
PGS.TS Lê Văn Lợi - Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - cho biết gần 10 năm nay, ông thường xuyên theo dõi Giải thưởng Sách quốc gia, tiền thân là Giải thưởng Sách Việt Nam.
Ông Lợi biết tới giải thưởng do Hội Xuất bản tổ chức từ năm 2012. Khi nhận được giấy mời tới lễ trao giải, PGS.TS Lê Văn Lợi mới biết sách của mình được giải hạng mục Sách hay.
“Tôi rất bất ngờ. Đây là giải thưởng hay mà tác giả hoàn toàn không biết. Do khi gửi sách dự thi, nhà xuất bản lựa chọn gửi tới ban tổ chức chứ không phải tác giả”. Điều đó cho thấy hội đồng xét giải đã làm việc độc lập, công tâm, nghiêm túc. Những người xét giải chú trọng vào giá trị nội dung và hình thức cuốn sách mà không chịu bất cứ yếu tố nào bên ngoài như tên tuổi của tác giả, mối quan hệ riêng với tác giả…
Tương tự PGS.TS Lê Văn Lợi, họa sĩ Lê Thị Minh Thu (Thu Nấm) bày tỏ sự ngạc nhiên khi nhận giải thưởng. Chị là đồng tác giả bộ sách tương tác Lật mở cùng con. Tại Lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ ba năm 2020, họa sĩ Minh Thu chia sẻ: “Được giải thưởng này, tôi quá bất ngờ và vui mừng. Tôi không biết nói gì để diễn tả hết cảm xúc của mình”.
Họa sĩ trẻ nói: “Giải thưởng này cho tôi cảm giác ngoài độc giả, công việc của tôi được quan tâm, ghi nhận nhiều hơn. Tôi có động lực để hoàn thành những cuốn sách và tiếp tục công việc minh họa sách sau này”.
Bà Bùi Phương Thảo (con gái nhà thơ Quang Dũng) là người góp phần đưa bản thảo Đoàn binh Tây Tiến đến với công chúng. Bà Thảo cũng tỏ ra bất ngờ khi sách Đoàn binh Tây Tiến đoạt giải A ở mùa giải thứ ba.
“Đoạt giải thưởng là điều tôi không lường tới. Tôi chưa từng hình dung cuốn sách được đánh giá ở giải thưởng cao như vậy. Chắc chắn đây là sự an ủi lớn đối với tác giả - nhà thơ Quang Dũng. Tôi muốn gửi tới hội đồng giải thưởng lời cảm ơn vì đã trao giải thưởng cao như một sự ghi nhận tới tác phẩm của Quang Dũng”, bà Bùi Phương Thảo nói.
Bà Bùi Phương Thảo, biên tập viên Thúy Loan nhận giải A Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ ba. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ghi nhận tuyệt vời với người làm sách
Giải thưởng Sách quốc gia cũng có ý nghĩa lớn với các tác giả, người làm sách. PGS.TS Lê Văn Lợi nói giải thưởng đã ghi nhận công sức của tác giả, động viên khuyến khích các tác giả sách.
“Giải thưởng giúp những người hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, văn học nghệ thuật có cơ hội, diễn đàn để thể hiện sản phẩm, công sức nghiên cứu, sáng tạo của mình. Điều đó tạo động lực lớn tới các tác giả”, ông Lê Văn Lợi chia sẻ.
Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng giải thưởng có tác dụng thúc đẩy lớn với cộng đồng trong việc nâng cao tri thức, phát triển văn hóa đọc, đặc biệt cho giới trẻ. Qua việc trao giải, sách hay được lan tỏa mạnh mẽ hơn, nhiều người thấy được giá trị, sự hấp dẫn trong các cuốn sách để từ đó muốn tìm hiểu, tiếp nhận tri thức.
Với PGS.TS Lê Đình Chi, giải thưởng là sự ghi nhận cho các dịch giả - những người thường ít được nhắc tên mỗi khi nói về một cuốn sách.
Ông nói: “Tôi rất trân trọng sự đánh giá công tâm của hội đồng giải thưởng. Đó là sự thừa nhận với công sức của tập thể những người làm ra mỗi cuốn sách nhằm đưa tri thức đến bạn đọc”.
Năm 2020, PGS.TS Lê Đình Chi nhận giải A Giải thưởng Sách quốc gia khi dịch cuốn Lịch sử của Herodotus. Dịch giả là người tham gia vào quá trình làm sách, có vai trò quan trọng với các cuốn sách dịch.
“Sách xuất bản, nhận được phản hồi tích cực từ bạn đọc, sự ghi nhận từ giải thưởng uy tín… đó là thu hoạch tuyệt vời nhất, niềm ao ước lớn nhất với những ai tham gia vào quá trình làm sách”, PGS.TS Lê Đình Chi nói.
Bà Đinh Thanh Thủy - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM - cho rằng Giải thưởng Sách quốc gia là sự ghi nhận với người làm sách.
“Nó cho thấy nỗ lực của đơn vị mình, khi mình làm sách đúng đắn, giá trị, thì công sức của mình được đền đáp từ phía độc giả và cơ quan chức năng”, bà Thủy chia sẻ.
Ông Phạm Chí Thành - nguyên Quyền giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật - nhận xét Giải thưởng Sách quốc gia ngày càng hoàn thiện, cách làm chặt chẽ.
“Điều đó vừa là động lực vừa là sức ép theo nghĩa tích cực để làm cho cán bộ viên chức nhà xuất bản, đặc biệt là đội ngũ biên tập, cố gắng nhiều”, ông Phạm Chí Thành nói.