Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nhiều phụ nữ Hàn Quốc 'đình công sinh đẻ'

Chuyên gia cho rằng nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ Hàn Quốc từ chối hôn nhân và quyền làm mẹ là tình trạng bất bình đẳng giới và áp lực lớn từ xã hội.

Han Quoc anh 1

Hàn Quốc đã ghi nhận tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới trong ba năm liên tiếp. Số liệu công bố hồi tháng 11/2022 cho thấy tỷ suất sinh - tức số trẻ trung bình một phụ nữ sinh trong suốt cuộc đời - giảm xuống chỉ còn 0,79, theo CNN.

Cuộc khảo sát do Hiệp hội Phúc lợi và Sức khỏe Dân số Hàn Quốc tổ chức vào năm 2022 cũng cho thấy khoảng 65% phụ nữ không muốn có con, nhiều hơn 48% ở nam giới.

Tâm lý từ chối hôn nhân và quyền làm mẹ của nhiều phụ nữ Hàn Quốc đang tạo ra xu hướng mới, được gọi là cuộc “đình công sinh nở” hay “đình công hôn nhân”, theo cây bút Hawon Jung trên New York Times.

Xu hướng này khiến Hàn Quốc vào năm 2020 đã đạt đến “điểm giao cắt chết chóc” sớm hơn gần một thập kỷ so với dự kiến. "Điểm giao cắt chết chóc" là cái mốc mà ở đó số ca tử vong nhiều hơn số ca sinh.

Để lý giải tình trạng này, bà Chung Hyun Back, cựu Bộ trưởng Bình đẳng giới của Hàn Quốc năm 2017-2018, đã dành hơn một năm cố gắng thuyết phục nhiều phụ nữ Hàn Quốc sinh con. Bà nhận ra một lý do khiến bà thất bại, đó là “văn hóa gia trưởng”.

Hành động trả đũa

Theo dữ liệu đăng ký cư trú và thống kê dân số của Cục Thống Kê Quốc gia, 113 khu vực trên tổng 228 thành phố, quận, huyện ở Hàn Quốc có nguy cơ mất đi nhiều cư dân. Nhiều trung tâm chăm sóc trẻ và trường mẫu giáo đang được chuyển đổi thành viện dưỡng lão.

Cây bút Hawon Jung cũng chỉ ra rằng tại trường tiểu học Seoksan, huyện Gunwi, số học sinh đã giảm từ 700 xuống còn 4 học sinh. “Trong lần cuối cùng tôi đến thăm, bọn trẻ thậm chí không thể lập một đội bóng đá”, bà Hawon Jung viết trên New York Times.

Han Quoc anh 2

Bà Chung Hyun Back, cựu Bộ trưởng Bình đẳng giới của Hàn Quốc năm 2017-2018. Ảnh: New York Times.

Nhìn chung, thanh niên Hàn Quốc có nhiều lý do từ chối lập gia đình, bao gồm chi phí nuôi con cái cao, giá nhà không hợp túi tiền, triển vọng việc làm u ám và thời gian làm việc căng thẳng. Phụ nữ Hàn Quốc nói riêng cũng đã chán ngán với những kỳ vọng bất khả thi của xã hội truyền thống đối với các bà mẹ.

Theo Guardian, khi đắc cử vào năm 2022, Tổng thống Yoon Suk Yeol cho rằng nữ quyền là nguyên nhân ngăn cản “mối quan hệ nam nữ lành mạnh” và dẫn đến tỷ lệ sinh thấp tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, cây bút Hawon Jung nhận định cần tiếp cận vấn đề theo hướng ngược lại - bình đẳng giới phải là giải pháp cải thiện tỷ lệ sinh.

Nhiều phụ nữ Hàn Quốc trốn tránh hẹn hò, kết hôn và sinh con vì chủ nghĩa phân biệt giới tính tràn lan. Theo những biểu ngữ mà Hawon Jung từng thấy, việc phụ nữ từ chối trở thành “những cỗ máy sinh nở” là một hành động trả đũa.

“Đình công sinh nở là sự trả thù của phụ nữ đối với một xã hội đặt ra những gánh nặng quá sức chịu đựng và không tôn trọng chúng tôi”, Jiny Kim, 30 tuổi, một nhân viên văn phòng ở Seoul không có ý định sinh con, chia sẻ.

Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của Hàn Quốc từng là điều không tưởng. Vào cuối những năm 1960, trung bình một phụ nữ có 6 con. Tuy nhiên, chính quyền Seoul đã đẩy mạnh chiến dịch kế hoạch hóa gia đình.

Trong khoảng 20 năm, mỗi phụ nữ sinh ít hơn 2,1 con và chỉ số này vẫn tiếp tục giảm. Dữ liệu mới nhất từ cục thống kê cho thấy tỷ suất sinh giảm từ 0,81 vào năm 2021 xuống 0,79 trong quý III năm 2022.

Các nhiệm kỳ tổng thống Hàn Quốc gần đây thực sự lo ngại khi tỷ suất sinh dường như đang tiến gần đến con số không. Trong 16 năm, họ đã rót khoảng 210 tỷ USD vào các chương trình khuyến khích sinh, chẳng hạn trợ cấp hàng tháng cho cha mẹ của trẻ sơ sinh, theo AP.

Song nhiều phụ nữ vẫn nói không. Cây bút Hawon Jung cho rằng nguyên nhân là họ rất khó thoát khỏi những chuẩn mực giới tính ngột ngạt. Những phụ nữ đã kết hôn phải gánh vác phần lớn công việc nhà và chăm sóc con cái, họ bị chèn ép đến mức nhiều bà mẹ mới sinh phải từ bỏ tham vọng nghề nghiệp.

Thống kê của Bộ Bình đẳng giới Hàn Quốc năm 2022 cũng chỉ ra rằng ngay cả trong các hộ gia đình có thu nhập kép (từ cả vợ và chồng), hàng ngày người vợ phải dành hơn 3 giờ cho việc nhà, cao hơn nhiều so với 54 phút của chồng.

Sự phân biệt đối xử với phụ nữ có con ở nơi làm việc cũng phổ biến một cách vô lý. Một ví dụ điển hình là nhà sản xuất sữa bột trẻ em hàng đầu Hàn Quốc bị cáo buộc gây áp lực ép nhân viên nữ nghỉ việc sau khi mang thai.

Thừa nhận sự bất bình

Rõ ràng phụ nữ Hàn Quốc không chỉ biết thụ động chấp nhận sự nam tính độc hại. Những năm qua, họ đã tổ chức nhiều phong trào rầm rộ, từ phong trào #MeToo đến các nhóm như “4B”, có nghĩa là “Bốn không: không hẹn hò, không tình dục, không kết hôn và không nuôi dạy con cái”.

Các phong trào nữ quyền đã giành chiến thắng trong việc hợp pháp hóa phá thai và các hình phạt khắc nghiệt hơn đối với tội phạm quay phim khiêu dâm.

Han Quoc anh 3

Phụ nữ Hàn Quốc đã tổ chức nhiều phong trào phản đối sự nam tính độc hại. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, nhiều nam giới Hàn Quốc cho rằng mình là nạn nhân của những hoạt động đòi quyền cho phụ nữ. Để trấn an sự tức giận này, chính phủ của Tổng thống Yoon đang loại bỏ cụm từ “bình đẳng giới” khỏi sách giáo khoa và hủy tài trợ cho các chương trình chống phân biệt giới tính.

“Nếu thấy bình đẳng giới và nữ quyền quan trọng đến vậy, bạn có thể làm điều đó bằng tiền và thời gian của chính mình”, một nhà lập pháp trong đảng của ông Yoon từng nói.

Việc thuyết phục phụ nữ Hàn Quốc xem xét lại hôn nhân và kế hoạch sinh con cần xuất phát từ nỗ lực giúp họ có quyền tự quyết và bình đẳng trong mọi khía cạnh cuộc sống.

Cây bút Hawon Jung cho rằng các quốc gia có sự phân công chăm sóc trẻ em không cân xứng hoặc thiếu chế độ nghỉ phép dành cho cha mẹ trong thời gian sinh đẻ, như Nhật Bản và Mỹ, cũng có tỷ lệ sinh giảm mạnh.

Trong khi đó, các quốc gia có chính sách gia đình tốt và sự bình đẳng trong hôn nhân, như Thụy Điển và Pháp, đã thành công hơn trong việc ổn định hoặc thậm chí tăng tỷ lệ sinh.

Những cuốn sách để hiểu về Hàn Quốc

Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Hàn Quốc - một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Phí sinh hoạt tăng cao, người Hàn dựng lều trong phòng ngủ

Nhiều người Hàn Quốc đang tìm mọi cách nhằm cắt giảm số tiền phải chi trả cho hóa đơn năng lượng trong mùa đông này, bao gồm cả dựng lều bên trong phòng ngủ.

Tham vọng đưa Kpop lên vũ trụ ảo

Giới chuyên gia kỳ vọng ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc có thể trở thành "bàn đạp" cho lĩnh vực vũ trụ ảo trên toàn cầu.

Hải Linh

Bạn có thể quan tâm