Theo Business Insider, khảo sát của nền tảng cho vay trực tuyến Lendingtree cho thấy 80% nhà đầu tư thế hệ Gen Z (sinh từ năm 1997-2012) và 60% nhà đầu tư thế hệ Millennials (sinh từ năm 1981-1994) phải vay nợ để đầu tư.
Lendingtree thực hiện khảo sát với 2.000 người Mỹ. Trong đó, 50% người là các nhà đầu tư. Kết quả cho thấy các nhà đầu tư thuộc Gen Z và Millennials thường vay ngân hàng từ 5.000 USD trở lên để đầu tư chứng khoán. Sau đó, họ tiếp tục mượn tiền từ gia đình, bạn bè.
Trái với thế hệ trẻ, những người lớn tuổi thường hạn chế vay nợ. Chỉ 28% người thuộc Gen X (sinh từ năm 1965-1980) và 9% Baby Boomers (sinh từ năm 1946-1964) rơi vào cảnh nợ nần vì đầu tư chứng khoán.
Chuyên gia Ismat Mangla thuộc MagnifyMoney nhận định các nhà đầu tư đối mặt với nhiều rủi ro khi vay tiền mua cổ phiếu. Họ cần xác định bản thân có khả năng chấp nhận được rủi ro hay không.
Sau khi vay tiền ngân hàng, nhiều người trẻ Mỹ mượn thêm từ gia đình, bạn bè để đầu tư chứng khoán. Ảnh: Volusion. |
Khảo sát cho thấy các thành viên thế hệ Millennials and Gen Z ồ ạt lao vào thị trường chứng khoán từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ. Rất nhiều người sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Tik Tok để học hỏi kinh nghiệm đầu tư, dù hiệu quả của phương thức này là dấu hỏi lớn. Theo thống kê của Vanda Research, các nhà đầu tư lẻ mua hơn 400 tỷ USD cổ phiếu từ tháng 1/2020.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư trẻ đổ xô mua cổ phiếu meme. Đây là loại cổ phiếu có giá tăng vọt vì cơn sốt của các nhà đầu tư lẻ trên mạng xã hội (Reddit, Twitter và Tik Tok), không dựa vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Giá cổ phiếu meme luôn lên xuống thất thường.
Các nhà phân tích Phố Wall khẳng định giá cổ phiếu meme hoàn toàn tách rời thực tế, do đó đầu tư vào chúng chẳng khác gì một canh bạc. Nhà đầu tư có thể đánh mất tất cả nếu đổ tiền vào loại cổ phiếu này.