“Người hâm mộ đánh giá tôi có ngoại hình đẹp trai, giống các ngôi sao Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngoại hình rất quan trọng với giới trẻ chúng tôi. Bên cạnh đó, việc chi hơn 40% thu nhập của mình cho mỹ phẩm, thẩm mỹ không xâm lấn và quần áo không phải vấn đề lớn với tôi và nhiều người hâm mộ.
Chúng tôi thích sở hữu rượu whisky, vodka và những món đồ chơi xa xỉ. Hơn thế nữa, những bộ phim truyền hình hay video mang phong cách cổ trang Trung Quốc và ACGN cũng hấp dẫn giới trẻ chúng tôi. Tuy vậy, chúng tôi thường tránh bàn luận về chính trị hay các cơ quan chức năng để không rước họa vào thân”, Huang Hanwen, 24 tuổi, là một streamer, chia sẻ.
Chi tiêu xa xỉ là phong cách
Huang thuộc thế hệ Z (sinh từ năm 1995 - 2010) giống với 300.000 người hâm mộ của mình trên khắp Trung Quốc, nhóm người đóng góp vào chỉ số tiêu dùng của nước này.
Huang thường sử dụng các dòng mỹ phẩm nội địa và dành thời gian chia sẻ về hoạt hình, truyện tranh, trò chơi và tiểu thuyết ngắn (ACGN). Ngoài ra, anh cũng thích tìm hiểu về những người nổi tiếng trong và ngoài nước. Vào cuối tuần, anh trang điểm bằng các sản phẩm thương hiệu Make Up For Ever, thưởng thức rượu whisky pha với Coke hay Red Bull.
Huang Hanwen có khoảng 300.000 người hâm mộ khắp Trung Quốc. Ảnh: NVCC. |
Theo báo cáo chi tiêu của Trung Quốc, 15% tổng số hàng hoá xa xỉ ở nước này được thế hệ Z tiêu thụ. Con số này đã vượt mức trung bình trên toàn thế giới là 10%. Đặc biệt, các khoản chi tiêu của họ cũng chiếm 13% tổng thu nhập hộ gia đình, nhiều hơn gấp 3 lần so với ở Mỹ và Anh.
Theo SCMP, cách sống này của thế hệ Z đang giúp kích thích chỉ số chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc.
Người trẻ Trung Quốc sẵn sàng chi tiêu vượt mức thu nhập của mình và gia đình. Cách thức này vô tình thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Đồng thời, thói quen chi tiêu của họ cũng khác xa so với người trẻ ở phương Tây.
Vào năm 2016, khi khái niệm về công việc dẫn chương trình phát trực tiếp trên mạng xã hội còn sơ khai. Huang đã may mắn nhận được công việc này trên nền tảng xã hội hàng đầu Trung Quốc.
Để thu hút 240.000 người hâm mộ mỗi tháng và kiếm được mức lương cơ bản, Huang mặc trang phục truyền thống của Trung Quốc, hát nhạc pop và trò chuyện với người theo dõi. Bên cạnh mức lương cố định và khoản thưởng đến từ người hâm mộ, hàng tháng, Huang thu về từ 10.000 - 40.000 NDT (1.540 - 6.158 USD).
“Kế hoạch của tôi là thu hút hơn 1 triệu người hâm mộ trên một vài nền tảng truyền thông phát trực tiếp của Trung Quốc”, anh cho biết. Ngoài ra, nhờ các hoạt động quảng cáo trực tuyến, Huang kiếm được thêm 15.000 USD mỗi tháng.
Thế hệ Millennial ở Trung Quốc (sinh từ 1980-1995) và những người thuộc thế hệ Z chiếm 27% dân số nước này (khoảng 386 triệu người).
Theo SCMP, hầu hết người thuộc thế hệ Z đều là con một. Họ coi những người đồng trang lứa giống như đối thủ cạnh tranh hơn là bạn bè. Thậm chí, Internet khiến giới trẻ cảm thấy thân thuộc và mong muốn gắn kết hơn là với cha mẹ của mình.
Báo cáo “Gen Z White Paper” của Kantar và Tencent đã chỉ ra 46% thế hệ Z của Trung Quốc có tư tưởng tìm kiếm sự công nhận danh tính thông qua thói quen chi tiêu. Họ coi phong cách xã hội, cá nhân và những niềm vui thoáng chốc là động lực hàng đầu của mình.
Theo khảo sát, ở Trung Quốc, khác với 42% người sinh ra trong những năm 1960 sẵn sàng mở rộng mối quan hệ xã hội, chỉ có 33% dân số thuộc thế hệ Z sẵn sàng thực hiện điều này. SCMP nhận định, họ cảm thấy thoải mái trong việc chi tiêu hơn là tạo mối quan hệ xã hội.
“40% tiền lương hàng tháng của tôi dành cho tiền thuê nhà và ăn uống. 60% còn lại tôi dùng để làm đẹp, tập thể dục, đi du lịch và mua sắm.”, cô Monica Liu, 25 tuổi, làm việc trong lĩnh vực y tế với mức thu nhập 38.495 USD/năm chia sẻ cách chi tiêu của mình.
“Gia đình tôi thuộc tầng lớp trung lưu ở Sơn Đông, phía đông bắc Trung Quốc. Trong khi địa điểm mua sắm thường lui tới của tôi là Michael Kors và Coach, thì bạn bè, đồng nghiệp sinh trưởng trong những gia đình giàu có lại mua sắm tại Chanel hoặc Gucci. Trái lại, những người trẻ sinh sau năm 2000 có thể có thói quen chi tiêu khác”, Monica Liu chia sẻ.
“Hiện nay, nhiều thương hiệu mỹ phẩm, thời trang mới nổi đều là thương hiệu nội địa. Nhiều thanh thiếu niên của Trung Quốc cũng ưa thích các thương hiệu địa phương này. Ví dụ như Urban Revivo”, cô gái 25 tuổi nói thêm.
Giới trẻ Trung Quốc đang chi tiêu quá tay cho hàng hiệu, mỹ phẩm và văn hóa phẩm, dẫn tới chuyện nợ tín dụng là phổ biến. Ảnh: Getty. |
Sống ở thành phố nhỏ thuộc tỉnh Hà Nam, Yu Mingqian, 21 tuổi, mơ ước được tiêu tiền vào các phòng gym, mỹ phẩm ngoại và đi du lịch. Cô đã vay 10.780 USD để thành lập xưởng vẽ dành cho trẻ em. Học phí cho mỗi trẻ rơi vào khoảng 462 USD/năm.
“Tôi đang để ý tới một chiếc túi Coach. Nếu khoản đầu tư cho xưởng vẽ suôn sẻ, tôi sẽ mua đôi giày Gucci vào năm tới”, cô bộc bạch.
13 tỷ USD nợ thẻ tín dụng quá hạn
Theo khảo sát của OC&C Strategy Consultants, thế hệ Z của Trung Quốc tiết kiệm ít hơn và có tỷ lệ chi tiêu hộ gia đình cao hơn so với 8 quốc gia phương Tây khác (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil). Thêm vào đó, cuộc khảo sát chỉ ra mức chi tiêu của thế hệ Z ở Trung Quốc chiếm 15% thu nhập hộ gia đình. Ngược lại, ở Pháp - Đức và Mỹ - Anh, tỷ lệ đó chỉ dừng lại ở con số 4% và 3%.
Dù thu nhập hàng tháng trung bình chỉ rơi vào khoảng 539 USD, thế hệ Z tại quốc gia đông dân nhất thế giới này tiêu rất nhiều tiền của gia đình.
Ngoài ra, so với thế hệ sinh ra trong giai đoạn đầu của quá trình cải cách, mở cửa ở Trung Quốc, thế hệ Z có ý thức mạnh mẽ hơn về bản sắc văn hoá, tinh thần dân tộc. Nhờ sự nhận thức mang đậm tính dân tộc của giới trẻ, nhu cầu về các sản phẩm nội địa kết hợp phong cách văn hoá truyền thống được kích thích phát triển. Xu hướng kết hợp đó có tên là Guochao, được coi là cách để thể hiện cảm xúc cá nhân.
Hanfu, thương hiệu thời trang truyền thống lâu đời của Trung Quốc, đạt doanh số 30 triệu USD năm 2015. Theo SCMP, 4 năm sau, Hanfu đạt mốc 696 triệu USD với ½ doanh thu đến từ các khách hàng thế hệ Z.
“Ghé thăm một số quốc gia ở châu Âu và châu Mỹ, tôi lạc quan về sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch.
Mặt khác, mua nhà tại các thành phố lớn ở Trung Quốc cũng tồn tại những áp lực không nhỏ. Sẽ không thể hạnh phúc cả đời nếu tôi sở hữu một căn hộ ở Thâm Quyến. Khá là khó để cân bằng các khoản sinh hoạt, thế chấp, ăn uống và giải trí”, Liu chia sẻ.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, hồi cuối tháng 6, số hoá đơn thẻ tín dụng quá hạn đã tăng lên 13 tỷ USD, gấp hơn 10 lần so với 10 năm trước. Đáng nói, khoảng một nửa số người mắc nợ sinh vào những năm 1990.
Có thể thấy, giới trẻ dường như rất lạc quan về sự phát triển kinh tế của Trung Quốc và coi trọng việc sở hữu những món đồ xa xỉ. Hơn thế, việc chi tiêu 100% mức thu nhập hàng tháng hay tạo các khoản vay tín dụng, phục vụ nhu cầu cá nhân, không còn là chuyện hiếm gặp tại Trung Quốc.