Theo South China Morning Post, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19 người tiêu dùng hai nước quay lưng với hàng hóa của nhau. Khảo sát mới đây của Deutsche Bank cho thấy 41% người Mỹ cho biết sẽ không mua hàng “Made in China” nữa. Trong khi đó, khoảng 35% người Trung Quốc được hỏi cũng khẳng định sẽ ngừng mua các sản phẩm “Made in USA”.
Chuyên gia Apjit Walia của Deutsche Bank nhận định người Mỹ ngày càng ác cảm với hàng hóa Trung Quốc khi chính quyền Washington, đặc biệt là Tổng thống Donald Trump, liên tục chỉ trích Bắc Kinh để dịch Covid-19 bùng nổ. Ông Trump cũng thường xuyên bày tỏ nghi ngờ về các số liệu và thông tin Trung Quốc công bố.
Chỉ còn chưa đầy 6 tháng nữa cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra. Do đó, giới phân tích dự báo Tổng thống Trump sẽ tiếp tục gây sức ép lên Trung Quốc. “Sự bất bình và cảm xúc đang gia tăng ở cả hai nước. Tình hình càng phức tạp hơn khi đây là năm bầu cử Mỹ", chuyên gia Walia nhận định.
Người Mỹ và Trung Quốc đang quay lưng với hàng hóa của nhau. Ảnh: SCMP. |
Theo một khảo sát khác của hãng tư vấn kinh doanh FTI Consulting, 78% người Mỹ được hỏi cho biết họ sẵn sàng trả thêm tiền để mua sản phẩm và dịch vụ nếu công ty cung ứng chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Khoảng 55% nói họ không tin chính phủ Trung Quốc sẽ thực hiện đúng cam kết mua hàng hóa Mỹ theo thoả thuận thương mại giai đoạn một, được ký kết hồi tháng 1.
Giới chuyên gia nhận định từ trước khi dịch Covid-19 bùng nổ, chi phí lao động gia tăng và thương chiến Mỹ - Trung đã ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế của Trung Quốc trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Virus corona chủng mới càng khiến các nền kinh tế lo ngại về việc phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ Trung Quốc.
Chính phủ các nước như Mỹ và Nhật Bản đang yêu cầu doanh nghiệp tăng cường nội địa hóa chuỗi cung ứng nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Giáo sư Sulmaan Khan thuộc Trường Fletcher (Đại học Tufts) cho rằng chính sách ngoại giao cứng rắn của Trung Quốc cũng khiến giới doanh nghiệp lo ngại và ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh.