Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lao đao vì virus, nhiều nước đòi Trung Quốc xóa, giảm nợ hàng tỷ USD

Nhiều quốc gia thu nhập thấp đã vay Trung Quốc hàng tỷ USD để phát triển hạ tầng và giờ không thể trả nợ vì tác động của dịch Covid-19.

Theo New Yor Times, tháng trước Thủ tướng Pakistan Imran Khan gọi điện cho người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường và than thở rằng nền kinh tế Pakistan đang lao đao vì dịch Covid-19. Ông Khan khẳng định Pakistan cần tái cơ cấu các khoản nợ hàng tỷ USD đã vay từ Trung Quốc.

Kyrgyzstan, Sri Lanka và nhiều quốc gia châu Phi cũng gửi đề nghị tương tự tới Bắc Kinh. Các nước này muốn tái cơ cấu, gia hạn hoặc xóa nợ hàng chục tỷ USD đã vay từ Trung Quốc. Những khoản nợ này sẽ đáo hạn trong năm nay.

Trong 20 năm qua, Trung Quốc cho các nước vay hàng trăm tỷ USD để mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị trên phạm vi toàn cầu. Một số nước - ví dụ như Sri Lanka - thế chấp tài sản quốc gia như cảng biển và mỏ khoáng sản để vay tiền Trung Quốc.

Giờ đây, khi kinh tế lao đao vì đại dịch có nguồn gốc từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), các nước này đồng loạt khẳng định không đủ nguồn lực tài chính để trả nợ cho Bắc Kinh.

cac nuoc doi Trung Quoc xoa no anh 1

Các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc bị tê liệt vì dịch bệnh. Ảnh: NYTimes.

Thế lưỡng nan của Bắc Kinh

New York Times dẫn lời nhà phân tích Andrew Small thuộc German Marshall Fund nhận định Trung Quốc đang ở thế tiến thoái lưỡng nan. Nền kinh tế nước này cũng đang lao dốc vì dịch Covid-19, và việc xóa hoặc giãn nợ sẽ tạo ra gánh nặng tài chính khổng lồ.

Nhưng nếu quyết siết nợ các nước, Bắc Kinh sẽ đối mặt với phản ứng khi tịch thu tài sản chiến lược ở những quốc gia đang gặp rất nhiều khó khăn vì dịch Covid-19.

Thời điểm này, vị thế toàn cầu của Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19. Có tới 116 quốc gia đề nghị Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) điều tra toàn diện và độc lập nguồn gốc dịch Covid-19. Chiến dịch "ngoại giao khẩu trang" của Bắc Kinh tỏ ra thiếu hiệu quả khi nhiều nước than phiền chất lượng thiết bị và vật tư y tế "Made in China".

Do đó, giới quan sát nhận định việc Trung Quốc đòi nợ quyết liệt sẽ làm tổn thương tham vọng toàn cầu của nước này. Nhưng, xóa, hoãn hoặc giảm nợ cũng là điều không dễ dàng với Bắc Kinh.

Theo Viện Kiel (Đức), Trung Quốc cho các quốc gia đang phát triển vay 520 tỷ USD. Như vậy, Trung Quốc là"nhà băng" lớn hơn cả Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

cac nuoc doi Trung Quoc xoa no anh 2

Một dự án hạ tầng thuộc sáng kiến Vành đa và Con đường. Ảnh: NYTimes.

Kể từ khi Trung Quốc công bố sáng kiến Vành đai và Con đường năm 2013, nước này đã cho các quốc gia vay tới 350 tỷ USD để phát triển hàng loạt dự án hạ tầng. Khoảng 50% quốc gia bị coi là khó có khả năng trả nợ.

Các quan chức Trung Quốc bác bỏ khả năng xóa nợ hàng loạt, nhưng tỏ ý sẵn sàng đàm phán. Hồi tháng 4, chính phủ Kyrgyzstan cho biết Trung Quốc đồng ý gia hạn khoản nợ 1,7 tỷ USD. Các nước khác cũng đang kỳ vọng được giãn nợ.

Dù vậy, nguồn tin New York Times cho biết các quan chức Trung Quốc chưa tìm ra phương án giải quyết hiệu quả vấn đề này. Trên Global Times, một quan chức thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc viết: “Xoá nợ không phải là cách làm đơn giản và hiệu quả”.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, sáng kiến Vành đai và Con đường đã là một chủ đề nhạy cảm. Các quan chức Trung Quốc từng công khai bày tỏ lo ngại về việc quá nhiều ngân hàng và công ty cùng rót vốn vào các quốc gia mà không có sự phối hợp cần thiết.

Gây sức ép

Hệ thống tài chính Trung Quốc hiện cũng đang oằn mình trong núi nợ khi chính quyền các địa phương và doanh nghiệp nhà nước vay ồ ạt để thúc đẩy tăng trưởng. Trong khi đó, thu nhập hộ gia đình tại Trung Quốc vẫn thấp hơn 1/4 so với các quốc gia phát triển, bất chấp việc kinh tế nước này tăng trưởng vũ bão những năm qua. Nền kinh tế 1,4 tỷ dân cũng chấn động mạnh vì dịch Covid-19.

Chính sách cho vay của Trung Quốc cũng gây nhiều tranh cãi. Phía Trung Quốc thường lấy lãi cao, thời gian đáo hạn ngắn và các nước vay tiền phải thế chấp bằng tài sản chiến lược quốc gia. Ở nhiều nước nghèo, nợ Trung Quốc tăng vọt. Nợ Trung Quốc chiếm 80% tổng sản lượng kinh tế hàng năm của Djibouti. Với Ethiopia và Kyrgyzstan, tỷ lệ này lần lượt là 20% và 40%.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần cáo buộc Trung Quốc đẩy các nước nghèo vào “bẫy nợ” để nắm quyền kiểm soát tài sản chiến lược khắp thế giới và mở rộng vị thế quân sự, kinh tế.

Bắc Kinh phủ nhận các cáo buộc này. Tuy nhiên, sự lo ngại gia tăng sau khi Trung Quốc nắm quyền kiểm soát một hải cảng chiến lược của Sri Lanka. Năm 2018, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hủy bỏ một loạt dự án tiêu tốn 20 tỷ USD vay từ Trung Quốc vì quá đắt đỏ.

Sau đó, chính quyền Malaysia quyết liệt đàm phán, buộc Trung Quốc chấp nhận giảm chi phí phát triển dự án đường sắt East Coast Rail Link từ gần 16 tỷ USD xuống chỉ còn 9,6 tỷ USD.

cac nuoc doi Trung Quoc xoa no anh 3

Sri Lanka mất quyền kiểm soát một cảng biển quan trọng vì vay nợ Trung Quốc. Ảnh: The Diplomat.

Hồi tháng 4, nhóm G20 - bao gồm Trung Quốc - tuyên bố sẽ cho phép các nước nghèo hoãn trả nợ tới cuối năm. Tuy nhiên các quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc nói quyết định này không được áp dụng với các khoản cho vay ưu đãi của Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc. Ngân hàng này rót vốn cho hơn 1.800 dự án thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường, với tổng đầu tư lên đến 149 tỷ USD.

Giới quan sát nhận định áp lực sẽ ngày càng đè nặng lên Trung Quốc khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn. Nhiều quốc gia châu Phi đã yêu cầu Bắc Kinh xóa hoặc giãn nợ. Mới đây, Ethiopia đã chính thức đề nghị Trung Quốc xóa một phần nợ.

"Chúng tôi đề nghị Trung Quốc hỗ trợ khi dịch Covid-19 đang gây cú sốc toàn cầu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng", Bộ trưởng Tài chính Ethiopia Eyob Tekalign Tolina tuyên bố.

Phía Trung Quốc vẫn khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư vào các dự án toàn cầu. Tuần trước, Pakistan giao hợp đồng xây đập 5,8 tỷ USD cho một công ty nhà nước Trung Quốc.

Tuy nhiên, New York Times dẫn lời nhà phân tích Scott Morris thuộc Trung tâm Phát triển Toàn cầu nhận định nếu Trung Quốc tỏ ra cứng rắn, các nước vay nợ có thể phối hợp để gây sức ép lên Bắc Kinh. "Đây là hồi chuông cảnh tỉnh với Trung Quốc", ông Morris nhấn mạnh.

Tổng thống Trump sẽ đòi Trung Quốc món nợ thế kỷ 1.600 tỷ USD?

Theo Fox Business, Tổng thống Mỹ Donald Trump có lợi thế đặc biệt trước Trung Quốc bởi sau 100 năm, Bắc Kinh vẫn chưa thanh toán món nợ 1.600 tỷ USD cho Washington.

Sau đại dịch Covid-19, Trung Quốc đối mặt khủng hoảng mới

Dịch Covid-19 đẩy hàng chục triệu người lao động Trung Quốc rơi vào cảnh thất nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nguyễn Duy

Bạn có thể quan tâm